ĐÁP ÁN ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN DỰ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA MÔN LỊCH SỬ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM HỌC 2017 – 2018
Đáp án tham khảo
Câu
I.
– Những biểu hiện cho thấy xu hướng về châu Á ngày
càng đậm nét trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản từ năm 1973 đến nay:
+ Từ năm 1973 đến năm 1991, với tiềm lực kinh tế - tài chính ngày
càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, điểm nổi bật
của chính sách này là sự “trở về châu Á” của Nhật Bản với việc đề ra học thuyết
Phucưđa (1977) và được Thủ tướng Kaiphu tiếp tục phát triển trong tình hình mới
thành học thuyết Kaiphu vào năm 1991. Nội dung cơ bản của các học thuyết này là
tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với các nước Đông Nam Á
và tổ chức ASEAN.
+ Năm 1973, Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và
bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Tháng 8-1977, Thủ tướng
Nhật Phucưđa đi thăm một loạt nước Đông Nam Á nhằm tìm lại vị trí của nước Nhật
ở nơi đây.
+Từ năm 1991, bên cạnh việc tiếp tục liên minh chặc chẽ với Mĩ,
Nhật Bản đề ra các Học thuyết Miyadaoa (1993) và Hasimôtô (1997) với nội
dung tiếp tục coi trọng quan hệ với các
nước Tây Âu, mở rộng hoạt động đối ngoại với các đối tac trên phạm vi toàn cầu
và chú trọng phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á.
+Bằng những thay đổi lớn trong đường lối đối ngoại của mình, đặc
biệt là sự “trở về” Châu Á của Nhật Bản đã cho thấy quốc gia này nỗ lực vươn
lên thành một cường quốc chính trị để tương xứng với vị thế siêu cường kinh tế.
–Dẫn chứng về sự hợp tác giữa Nhật
Bản và Việt Nam:
+Năm 1973, Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, mở đầu
cho thời kỳ hợp tác hữu nghị của hai nước. Từ đó đến nay quan hệ hợp tác giữa
hai nước đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực
chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…
+ Về chính trị, đã có nhiều chuyến thăm giữa nguyên thủ và quan
chức cấp cao giữa hai nước. Gần đây nhất là tháng
3/2017, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sáng thăm Việt Nam. Nhật Bản hiện đang là
đối tác chiến lược của Việt Nam.
+ Về kinh tế: Nhật Bản là nhà đầu
tư, đối tác thương mại hàng đầu và là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Việt
Nam cũng là nơi cung cấp nguồn lao động nước ngoài lớn cho Nhật Bản.
+ Về văn hóa-giáo dục:
hai nước thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa; đồng thời cũng
trao đổi sinh viên, có nhiều du học sinh Việt Nam ở Nhật và nhiều du học sinh của
Nhật sang học tập tại Việt Nam.
+ Hai nước còn hợp
tác với nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn kinh tế châu
Á – Thái Bình Dương (AFEC)…
Câu
II.
-
Nhận
định “Chiến tranh lạnh đã trở thành
nhân tố chủ yếu chi phối các quan hệ quốc tế trong hơn bốn thập kỉ nữa sau thế
kỉ XX” là nhận định hoàn toàn chính
xác.
- Điều đó được biểu hiện ở những điểm sau:
+ Thứ
nhất, dưới tác động của Chiến tranh lạnh, thế giới bị chia thành hai phe, hai cực.
Việc Mỹ thực hiện kế hoạch Mác-san (1947) và thành lập Tổ chứcHiệp ước Bắc Đại
Tây Dương (1949) cùng nhiều khối liên minh quân sự khác ở Đông Nam Á, châu Mỹ,
Trung Đông đã hình thành nên khối liên minh của các nước tư bản chủ nghĩa nhằm
chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Để đối phó lại, Liên Xô và các
nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) năm
1949 và Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va năm 1955. Vì vậy có thể thấy, trong thời kỳ
Chiến tranh lạnh, thế giới đã bị chia thành hai phe là tư bản chủ nghĩa do Mỹ
chi phối và phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Còn Trung Quốc (thành lập
nước CHND Trung Hoa năm 1949) thì có thời kỳ theo phe Liên xô, có thời kỳ theo
phe Mỹ, cũng có khi chống cả Liên Xô lẫn Mỹ. Do đó, những quyết định trong
chính sách đối ngoại của Mĩ và Liên Xô đều tác động đến tình hình các nước ở
hai phe, hai cực, không một quốc gia nào có thể đứng hoàn toàn ra ngoài cuộc
chiến tranh này và không ít hay nhiều phụ thuộc vào cuộc chiến tranh này.
+
Thứ hai, Chiến tranh lạnh đã dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng và chiến
tranh cục bộ giữa các quốc gia. Chiến tranh lạnh diễn ra trên tất cả các lĩnh vực
từ kinh tế, chính trị, quận sự đến văn hóa, tư tưởng. Đặc biệt trong lĩnh vực
quân sự, cuộc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đã đặt nhân
loại đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới. Tuy không nổ ra cuộc
chiến tranh thế giới mới nhưng những cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự
khu vực ở nhiều nơi trên thế giới như ở châu Âu, Bán đảo Triều Tiên, Bán đảo Đông
Dương, khu vực Trung Đông, vùng biển Caribe. Những cuộc xung đột khu vực đó cho
đến nay vẫn còn tiếp diễn do “di chứng” của Chiến tranh lạnh như ở Apganixtap
và khu vực Trung Đông.
+
Thứ ba, chiến tranh lạnh kết thúc đã tạo mở ra thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế.
Xu thế hòa hoãn Đông – Tây từ những
năm 1970 đã giảm bớt tình trạng đối đầu căng thẳng giữa hai phe, hai cực và đến
năm 1989 thì Mỹ và Liên Xô cùng tuyên bố
chấm dứt Chiến tranh lạnh. Việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh đã đưa thế
giới vào thời kì hòa dịu và đã đưa đến những chuyển biến quan trọng trong quan
hệ quốc tế và cục diện chính trị thế giới. Nó mở ra xu hướng giải quyết các
tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình và sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại
của các nước từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác và phát triển.
Câu
III.
- Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt
Nam và sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái đầu năm 1930 đã khẳng định
khuynh hướng vô sản đã hoàn toàn thắng thế trong phong trào dân tộc dân chủ ở
Việt Nam đầu thế kỉ XX.
- Khuynh hướng vô sản được lịch sử
và nhân dân Việt Nam lựa chọn vì:
+ Khuynh hướng vô sản là khuynh hướng tiến bộ và phù
hợp với xu thế thời đại.
Chủ nghĩa tư bản chuyển hẳn sang
giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Mâu thuẫn trong lòng nó phát triển gay gắt: mâu
thuẫn giữa đế quốc với đế quốc dẫn đến chiến tranh đế quốc, tiêu biểu là Chiến
tranh thế giới thứ nhất; mâu thuẫn giữa đế quốc với thuộc địa dẫn tới sự phát
triển của phong trào giải phóng dân tộc; mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản dẫn tới
sự phát triển của phong trào công nhân và cách mạng xã hội. Năm 1917, Cách mạng
tháng Mười Nga thành công, mở ra trước mắt các dân tộc bị áp bức thời đại “cách
mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin trở
thành hiện thực và được truyền bá rộng rãi khắp nơi dẫn tới sự ra đời của các đảng
cộng sản ở nhiều nước trên thế giới. Quốc tế Cộng sản được thành lập
(2/3/1919). Đại hội II của Quốc tế Cộng sản (1920) thông qua Luận cương về vấn
đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, chỉ ra phương hướng đấu tranh giải
phóng các dân tộc bị áp bức.
+ Cách mạng
Việt Nam đặt ra yêu cầu tìm ra con đường cứu nước mới và giai cấp lãnh đạo đúng
đắn.
Thực dân Pháp xâm lược và thống trị
Việt Nam. Đất nước mất độc lập, nhân dân ta mất tự do. Độc lập, tự do là khát
khao cháy bỏng của mọi người Việt Nam yêu nước. Phát huy truyền thống yêu nước
chống ngoại xâm, các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Việt Nam diễn
ra liên tục và anh dũng theo những con đường khác nhau nhưng đều bị thực dân
Pháp dập tắt. Thất bại của Phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX khẳng định con
đường cứu nước theo ngọn cờ phong kiến là không thành công, do đó độc lập tự do
không thể gắn liền với chủ nghĩa phong kiến. Thất bại của phong trào yêu nước đầu
thế kỉ XX khẳng định con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư
sản là không thành công, độc lập tự do không gắn liền với chủ nghĩa tư bản. Sự
nghiệp giải phóng dân tộc lâm vào tình trạng “dường như trong đêm tối không có
đường ra”, đặt ra yêu cầu bức thiết phải tìm con đường cứu nước mới.
+ Thứ ba, trí tuệ và nhãn quan chính trị của Nguyễn
Ái Quốc trong việc tìm ra con đường cứu nước và truyền bá lí luận cách mạng giải
phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản vào Việt Nam.
Năm 1920, bằng nhãn quan chính trị
đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra con đường
cứu nước đúng đắn cho dân tộc, con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người xây dựng
nên lí luận giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản và truyền bá vào Việt
Nam. Nguyễn Ái Quốc là nhà hoạt động cách mạng sáng tạo. Người đến với chủ
nghĩa Mác Lênin, tiếp thu chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam mà luôn vận dụng một
cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái
Quốc có nhiều sáng tạo trong quá trình chuẩn bị và thành lập Đảng, vạch ra đường
lối đúng đắn cho cách mang Việt Nam. Những sáng tạo trên có ý nghĩa hết sức to
lớn đối với cách mạng Việt Nam. Nhờ những sáng tạo đó mà chủ nghĩa Mác Lê nin
xâm nhập vào Việt Nam, được nhân dân Việt Nam
đón nhận, trở thành ngọn cờ,hệ tư tưởng cho cách mang Việt Nam, giúp
cách mang Việt Nam giải quyết những vấn đề cụ thể, phù hợp với yêu cầu lịch sử
Việt Nam đặt ra. Nhờ những sáng tạo đó mà Đảng ta mới có thể dẫn dắt được cách
mang Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong thế kỉ XX.
Câu
IV.
Những sự kiện thế giới tác động đến cách mạng Việt
Nam trong thời kì 1930-1945:
- Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933:
+ Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 bắt đầu ở Mỹ và nhanh chóng
lan ra toàn bộ thế giới tư bản, trong đó có Pháp. Là thuộc địa quan trọng của
thực dân Pháp, kinh tế - xã hội Việt Nam phải gánh chịu những hậu quả nặng nề,
tình trạng đói khổ của các tầng lớp nhân dân lao động ngày càng trở nên trầm trọng.
Thêm vào đó là việc thực dân Pháp tiến hành “khủng bố trắng” sau cuộc khởi
nghĩa Yên Bái (1930) đã làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng thêm sâu sắc.
+ Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 10/1930 là
Đảng Cộng sản Đông Dương) đã phát động và lãnh đạo một phong trào đấu tranh quần
chúng công – nông rộng khắp cả nước trong những năm 1930 -1931 mà đỉnh cao là phong
trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.
+ Phong trào cách mạng 1930-1931 bước đầu tạo ra trận
địa và lực lượng cách mạng. Đó là bước thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định
đến tiến trình phát triển về sau của cách mạng Việt Nam và là cuộc tập dượt thứ
nhất chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám về sau.
- Sự ra đời của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến
tranh thế giới:
+ Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, từ đầu những
năm 1930, một số nước như Đức, Italia và Nhật Bản đã đi theo con đường phát xít
hóa đất nước, âm mưu gây chiến tranh chia lại thế giới. Trước tình hình đó, tháng
7/1935, Quốc tế cộng sản đã tiến hành Đại hội lần thứ VII tại Matxcơva (Liên
Xô) đề ra chủ trương đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh
thế giới, đòi tự do, cơm áo, hòa bình, thành lập trận nhân dân ở các nước.
+ Tháng 6/1936, Chính phủ Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền ở Pháp.
Chính phủ mới đã cho thi hành một số chính sách tiến bộ ở thuộc địa. Đối với
Đông Dương, Chính phủ Pháp cử phải viên sang điều tra tình hình, cử Toàn quyền
mới, sửa đổi đôi chút luật bầu cử vào Viện Dân biểu, ân xá một số tù chính trị,
nới rộng quyền tự do báo chí… Mặt khác, do thực dân Pháp tăng cường vơ vét thuộc
địa để bù đắp cho cuộc khủng hoảng kinh tế nên đời sống đa số nhân dân ngày
càng khó khăn, khổ cực, tinh thần cách mạng
dâng cao.
+ Tận dụng cơ hội đó, tháng 7/1936 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng
sản Đông Dương họp hội nghị và thay đổi chủ trương, phát động nhân dân đứng lên
đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình.
+ Dưới sự lãnh đạo của Đảng, một phong trào cách mạng quần chúng với
hình thức đấu tranh dân chủ công khai và nửa hợp pháp đã diễn ra mạnh mẽ trong
những năm 1936 – 1939. Phong trào Dân chủ 1936-1939 là một cuộc
tập dượt, chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
- Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945):
+ Đầu tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở châu
Âu, quận đội phát xít Đức kéo vào nước Pháp. Chính phủ Pháp đầu hàng Đức và thực
hiện chính sách thù địch với các lực lượng tiến bộ trong nước và phong trào
cách mạng các nước thuộc địa. Tháng 6/1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô, trên
thế giới hình thành hai trận tuyến là lực lượng phát xít Đức, Itlalia, Nhật Bản
và lực lượng dân chủ cho Liên Xô đứng đầu.
+ Ở Đông Dương, tháng 9/1940 quân Nhật vượt biên giới Việt – Trung
kéo vào miền Bắc Việt Nam. Thực dân Pháp ở Đông Dương nhanh chóng đầu hàng và cấu
kết với phát xít Nhật tăng cường bóc lột nhân dân Đông Dương. Chính sách thống
trị của Pháp – Nhật đã đẩy nhân dân ta đến chỗ cùng cực, hậu quả là cuối năm
1944 – đầu năm 1945 có gần 2 triệu đồng bào ta chết đói. Trước tình hình đó, đầu
năm 1941 Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hội nghị Trung
ương 8 (5/1941) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã hoàn chỉnh chủ trương đặt
nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu được đề ra từ Hội nghị Trung ương
tháng 11/1939, tập trung chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa giành vũ trang chính
quyền.
+ Bước sang năm 1945, phát xít Đức bị thất bại nặng nề ở châu Âu, ở
mặt trận Châu Á – Thái Bình Dương, quân Nhật thua to ở nhiều nơi. Ngày
9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương, tạo nên cuộc khủng hoảng
chính trị sâu sắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát động cao trào kháng Nhật
cứu nước, làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa trong cả nước.
+ Đến tháng 8/1945 chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn
kết thúc. Ngày 8/8/1945 Liên Xô tuyên chiến và tấn công đạo quân Quan Đông của
Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 6 và ngày 9/8/1945 Mỹ ném bom nguyên tử hủy diệt
2 thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki của Nhật Bản. Ngày 15/8/1945 Nhật Bản chấp
nhận đầu hàng Đồng minh không điều kiện.
+ Chớp “thời cơ ngàn năm có một”, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân đứng
lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công đã đập
tan xiềng xích thống trị của đế quốc và phong kiến dẫn đến sự ra đời của Nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một chiến công
vĩ đại không phải chỉ của riêng dân tộc Việt Nam mà là thắng lợi của các dân tộc
nhược tiểu Á, Phi, Mỹ-la-tinh đang kiên cường chống chủ nghĩa thực dân vì nền độc
lập dân tộc và là một đòn tấn công trực diện vào hệ thống nô dịch của chủ nghĩa
thực dân cũ.
Câu V.
- Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ
điểm mạnh nhất Đông Dương vì:
+ Kế hoạch quân sự Nava bước đầu bị phá sản. Yêu cầu
điều chỉnh kế hoạch của Pháp – Mĩ là tất yếu xảy ra.
+ Điện Biên Phủ có vị trí cực kì quan trọng. Nếu giữ
được hoặc mất vị trí này sẽ có khả năng thắng hoặc thua trong toàn bộ cuộc
kháng chiến. Ngay khi bộ đội ta tiến công lên Tây Bắc, Nava vội vã đưa 6 tiểu
đoàn cơ động Tây Bắc để giữ Điện Biên Phủ. Nava quyết tâm giữ vững căn cứ này bằng
mọi giá. Càng ngày số lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ càng tăng lên. Thực dân
Pháp muốn biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương nhằm
giăng một cái bẫy giữa rừng núi Tây Bắc hiểm trở để thu hút chủ lực Việt Minh tới
đó để tiêu diệt.
+ Pháp – Mĩ cho rằng quân dân Việt Nam không có khả
năng tấn công lên Điện Biên do địa bàn rừng núi hiểm trở và vận chuyển tiếp tế
khó khăn. Trong đánh giá của người Pháp, bộ đội chủ lực Việt Minh không có khả
năng đánh quân Pháp ở Điện Biên bởi vì chiến trường rừng núi hiểm trở, tuy về mặt
địa hình thuận lợi cho tác chiến lớn cho Việt Minh nhưng rất xa hậu phương. Nếu
như tiến hành một chiến dịch công kiên, dài ngày trong chiến trường rừng núi xã
xôi cách trở như vậy thì không thể đảm bảo cung cấp được về mặt tiếp tế. Bởi vậy,
người Pháp cũng như người Mĩ đã quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ nhằm thu hút
quân chủ lực Việt Minh đến để tiêu diệt.
- Điều kiện để Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam
quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ là:
+ Vị trí chiến lược quan trọng của Điện Biên Phủ và
vùng Tây Bắc Việt Nam. Việc chiếm được Điện Biên Phủ sẽ tạo điều kiện giải
phóng Bắc Lào…
+ Cuộc kháng chiến của của quân đội và nhân dân Việt
Nam giành nhiều thắng lợi và có nhiều thuận lợi: cuộc kháng chiến toàn
diện của ta đến đầu 1954 đã phát triển mạnh về mọi mặt chính quyền dân chủ nhân
dân không ngừng được củng cố, nền kinh tế đạt những thành tựu to lớn; bộ đội ta không ngừng trưởng thành cả
về số lượng và kỹ thuật tác chiến; hậu phương ta vững mạnh có thể khắc phục
được những khó khăn về tiếp tế, vận tải; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
của nhân dân ta được sự đồng tình, ủng hộ của lực lượng hòa bình thế giới, ngay
cả nhân dân Pháp đặc biệt là sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô. Chúng ta có
điều kiện khắc phục khó khăn trong việc mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng Pháp
– Mĩ không thấy được khả năng của quân dân Việt Nam.
+
Trên
cơ sở phân tích âm mưu nguy hiểm của Pháp – Mĩ trong việc chiếm đóng Điện Biên
Phủ, ta thấy bên cạnh mặt mạnh của Pháp là thực dân Pháp tập trung ở Điện Biên
Phủ tập trung đông mạnh, âm mưu của Pháp – Mĩ ở đây hết sức nguy hiểm nhưng địch
có những chỗ yếu cơ bản: Điện Biên Phủ là nơi quân Pháp chỉ có tiếp tế duy nhất
bằng đường không và là sản phẩm của thế
thua, là sản phẩm của thế yếu. Chính vì vậy, ta có thể khoét sâu vào chỗ yếu của
địch để giành thắng lợi.
+ Trên cơ sở phân tích toàn diện, tháng 12/1953, Bộ
Chính trị đã quyết định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Việc thay đổi
phương châm tiến công chiến lược trong đông – xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện
Biên Phủ thể hiện sự quán triệt phương châm chiến lược tích cực, chủ động, cơ động,
linh hoạt và chắc thắng.
+ Như vậy, Điện Biên Phủ vốn không có trong kế hoạch
quân sự Nava và cũng không có trong kế hoạch tác chiến đông – xuân 1953-1954 của
phía Việt Nam được đề ra tại Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9/1953 nhưng mà cuối
cùng nó lại trở thành điểm hẹn lịch sử, trở thành nơi diễn tiến công chiến lược
của quân đội và nhân dân Việt Nam, nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược để kết
thúc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã kéo dài từ tháng 12/1946 trên phạm
vi cả nước.
Câu
VI.
- Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông
Dương được ký kết, Mỹ liền thay thế Pháp, dựng nên chính quyền Ngô Đình Diệm ở
miền Nam Việt Nam, thực hiện âm mưu chia cắt nước ta, biến miền Nam thành thuộc
địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương và Đông Nam Á. Thực chất đây
là chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Mỹ hòng dựa vào bộ máy chính quyền
Ngô Đình Diệm ở miền Nam để thống trị nhân dân ta.
- Phong trào Đồng khởi (1959 – 1960) của nhân dân miền Nam đã làm
phá sản chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, Mỹ liền chuyển sang thực hiện chiến
lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965) với âm mưu “dùng người Việt đánh người
Việt”. “Chiến tranh đặc biệt” được tiến hành bằng quân đội tay sai, dưới sự chỉ
huy của hệ thống cố vấn Mỹ, dựa vào vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến
tranh của Mỹ nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta với bộ xương
sống là các “ấp chiến lược” ở miền Nam.
- Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ càng đẩy
mạnh, mở rộng chiến tranh xâm lược trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ở miền Nam, Mỹ
tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) với âm mưu giành lại thế
chủ động trên chiến trường với các chiến dịch “tìm diệt”, hơn nửa triệu quân Mỹ
cùng quân các nước chư hầu ồ ạt kéo vào nước ta. Ở miền Bắc, từ cuối năm 1964 Mỹ
đã tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân.
- Từ năm 1969, tuy bị sa lầy trong “Chiến
tranh cục bộ”, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh ở Việt Nam, với chiến
lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ
hai, đồng thời mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương với chiến lược “Đông
Dương hóa chiến tranh”. Âm mưu của Mĩ là tận dụng xương máu của người Việt thay
cho quân Mĩ rút dần về nước, thực hiện “dùng người Việt đánh người Việt”, “dùng
người Đông Dương đánh người Đông Dương”. Mỹ tận dụng triệt để lực lượng quân đội
Sài Gòn để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và ở Lào, Campuchia.
Đồng thời, sử dụng biện pháp ngoại giao để ngăn cản sự ủng hộ của Liên Xô,
Trung Quôc và các nước xã hội chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Nhưng quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari 1973
rút quân về nước, và đã đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh
của Mỹ bằng thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
– Trong các chiến lược chiến tranh, chiến lược “Chiến tranh cục bộ”
(1965-1968) thể hiện sức mạnh quân sự cao nhất của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Vì đây
là lúc lực lượng quân Mỹ và quân Đồng Minh ở trạng thái đông và mạnh nhất ở miền
Nam, chỉ tính số quân viễn chinh Mỹ là 50 vạn, đây là số quân không hề nhỏ của
một quốc gia kinh tế phát triển, khoa học – kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới
lúc bấy giờ. Thời gian này là thời gian vai trò quân Mỹ trên chiến trường thể
hiện rõ nhất, nếu trước hoặc sau chiến lược này thì lực lượng chủ yếu trên chiến
trường là quân đội Sài Gòn thì thời gian này lực lượng chủ yếu trên chiến trường
là quân viễn chinh Mỹ và các đồng Minh của Mỹ.
Câu VII.
- Sau khi đất nước thống nhất đất nước năm 1975, nhân dân ta dưới
sự lãnh đạo của Đảng đã bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả
nước.
- Trong thời gian thực hiện hai kế hoạch Nhà nước 5 năm
(1976-1985), chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực đời
sống xã hội, song cũng gặp không ít khó khăn thách thức:
+ Do mắc phải những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về đường lối,
đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng, trước hết là khủng hoảng kinh tế -
xã hội. Hậu quả là dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực, đời sống nhân dân
khó khăn, giảm sút lòng tin ở chính quyền.
+ Các thế lực phản động trong nước ra sức tuyên truyền chống phá
cách mạng. Chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ và tình trạng căng thẳng với
Trung Quốc từ năm 1979 làm ảnh hưởng chung đến hoạt động ngoại giao của đất nước
ta.
- Để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, đưa đất nước vượt qua
khủng hoảng và đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên, Đảng và Nhà nước
ta phải tiến hành đổi mới.
- Những thay đổi của tình hình thế giới và quan hệ giữa các nước
do tác động của cách mạng khoa học – kỹ thuật trở thành xu thế thế giới; cuộc
khủng hoảng toàn diện, trầm trọng ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác
cũng đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải tiến hành đổi mới.
- Vì vậy, đổi mới là vấn đề cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với
chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời là vấn đề phù hợp với xu thế chung của thời
đại.
Huỳnh Thanh Mộng –Trần Hoài Thương
Nhận xét
Đăng nhận xét