MỘT SỐ SỰ KIỆN LỊCH SỬ HÀN QUỐC THỜI CẬN ĐẠI



1. Năm 1863, Vua Cao Tông (Gojong) lên ngôi, Hưng Tuyên đại viện quân (Heungseon Daewongun) nắm quyền trong bối cảnh bên trong thì nông dân nổi dậy khắp nơi, bên ngoài thì các thế lực phương tây gây áp lực đòi mở cửa thông thương.
Hưng Tuyên đại viện quân đã từ chối một cách dứt khoát yêu cầu thông thương vì mục đích xâm lược của các thế lực phương tây, mặt khác ông cũng cho cải cách nội chính để giữ vững vương quyền đồng thời ổn định cuộc sống cho nhân dân. Ông tuyên bố: “Ta sẽ không tha thứ cho bất cứ ai làm hại đến nhân dân Joseon (Triều Tiên), dù đó là Khổng Tử hồi sinh”.
2. Mười năm sau, quyền lực về tay dòng họ Min. Năm 1876 Triều Tiên ký điều ước Ganghwa-do mở 3 cửa biển cho Nhật Bản, và sau đó lần lượt ký các điều ước thông thương với Mỹ, Anh và các nước phương tây khác, tích cực thực hiện chính sách mở cửa, hoà vào dòng chảy chung của lịch sử thế giới.
Phong trào khai hoá cũng được thực hiện. Triều đình cử các quan chức trẻ sang Nhật thị sát các thiết bị công nghệ, thành tựu văn hoá và các cơ quan, bộ máy nhà nước của Nhật Bản. Sau khi về nước, họ viết du hành ký, tấu trình chuyến đi cho quốc vương. Triều đình cũng cử các lưu học sinh sang nhà Thanh học cách huấn luyện quân sự và chế tạo vũ khí hiện đại ở Thiên Tân. Để chủ động triển khai chính sách khai hoá, chính phủ lập ra Thống lý cơ vụ nha môn (Tongnigimuamun) tổ chức quân đội theo kiểu mới gọi là Biệt kỹ quân (Byeolgigun), đội quân này được huấn luyện để sử dụng vũ khí mới của Nhật Bản.
3. Năm 1895, nhận thấy vua Cao Tông và hoàng hậu Myeongseong muốn dựa vào Nga để chống lại âm mưu xâm lược của mình, Nhật đã cho người ám sát hoàng hậu. Vua Cao Tông sau đó đã chuyển đến ở toà công sứ Nga.
Năm 1896, Từ Tái Bật (Seo Jae-pil), chủ bút tờ Độc lập Tân văn đã thành lập Hiệp hội Độc lập. Hiệp hội độc lập đã tổ chức ra Vạn dân cộng đồng hội nhằm thảo luận các vấn đề chính trị xã hội, kiến nghị nhà vua cải cách chính trị để không bị phụ thuộc vào bên ngoài. Trước khí thế của quần chúng, vua Cao Tông đã hồi cung. Vua đổi quốc hiệu là Đại Hàn Đế Quốc và tiến hành cuộc cải cách Quang Vũ, tập trung phát triển công nghiệp và chấn hưng giáo dục để phát triển đất nước độc lập tự chủ.
4. Năm 1905, Nhật giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Nga nên đã đưa ra điều ước Ất Tỵ yêu cầu Đại Hàn cho xây dựng Phủ Thống giám đặt tại Seoul và cướp quyền ngoại giao. Phủ Thống giám một mặt áp bức tự do chính trị của nhân dân Hàn mặt khác bắt đầu thực hiện thực dân hoá trên toàn bán đảo Hàn.
5. Năm 1907, giữa lúc dân chúng nổi dậy phản đối điều ước Ất Tỵ, hoàng đế Cao Tông tuyên bố vô hiệu hoá điều ước này và công bố với thế giới, song những cố gắng ngoại giao của ông không thành công do sự thoả hiệp giữa các nước đế quốc.
Nhật Bản đã dùng quân đội ép vua Cao Tông thoái vị và cưỡng chế Đại Hàn ký hiệp ước Hàn-Nhật mới. Theo hiệp ước này, người Nhật được bổ nhiệm vào các chức danh thứ trưởng của các bộ thuộc khối hành chính, tăng cường sự giám sát gắt gao đối với nội chính Đại Hàn.
Theo sách Lịch sử Hàn Quốc, Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học, 2005, NXB Đại học Quốc gia Seoul.

Nhận xét