Không như ở Sài Gòn, tết ở quê luôn đến một cách nhẹ nhàn và từ tốn khiến người ta có thể cảm nhận từng milimet từ trong nhà ra đến đầu ngõ.
Hồi đó chưa có đường lớn, nhà tôi nằm ở mé biển, là một nhà sàn. Phía trước là rừng núi cách nhà tôi bởi một con đường mòn rộng cỡ ba bước chân, còn phía sau là biển. Càng về gần tết, sóng biển càng lớn, đêm nào cũng vậy, tôi nằm trên giường mà bị sóng đánh từ dưới lên xuyên qua ván cây làm ướt cả chiếu. Gió mùa đông cũng không thôi dữ dội, tấm thiếc trên nóc nhà tôi bị đánh bật tung ra phân nửa. Cứ về đêm khi gió lớn là nó cứ đập vô đập ra vách nhà, tạo ra những tiếng rất khó nghe và đinh tai nhức óc. Phía đối diện nhà tôi là vườn bạch đằng, khi nữa đêm gió về nó cũng không ngơi gào thét, tạo ra những tiếng rù rù như máy bay Mỹ sắp đến.
Độ chừng mười lăm, mười sáu tết thì chúng tôi đã thấy hương vị tết đến gần. Nhà bà dì hai kế nhà tôi có một cây mai lớn, nhà bà dì nằm quay mặt về dưới biển, phía trước là hai cây gòn, còn phía sau là cả một khu rừng nào chuối, nào dừa, nào bạch đằng và nhất là cây mai mà tôi mới nói. Bà dì chặt mấy nhánh mai cột lại thành nhiều bó để cho nhà mình và hàng xóm mỗi nhà một bó. Lũ trẻ con tụm lại xung quanh để ngắm đôi bàn tay uống mai khéo léo của bà dì.
Những cành mai giữa tháng mười hai mới ra những cái búp chúm chím với lớp vảy bọc bên ngoài. Thường thì sau khi lặt lá, người ta phải ngâm cành mai trong thùng nước, rồi phơi nắng, hong sương các kiểu. Khoảng một tuần thì búp mai tróc hết vảy, bung ra và tách thành nhiều nụ xanh mơn mởn. Chừng một tuần nữa thì nụ lớn và nở thành hoa mai. Nếu chăm sóc mai mà không kỹ thì búp sẽ không nở thành nụ được, coi như năm đó nhà không có hoa mai. Nhà tôi cũng được bà dì cho một nhành mai, mẹ tôi mừng lắm, đem đi ngâm nước chờ ngày hoa nở. Lũ trẻ chúng tôi thấy người lớn chiết mai thì cũng bắt trước. Chúng tôi tinh mắt thấy bà dì tỉa đi những cành mai nhỏ yếu mà vẫn có búp, thế là chúng tôi tranh nhau nhặt lấy và cột lại thành chùm đem đi ngâm nước. Thế là ngoài cái chậu mai đặt trước bàn thờ Chúa, trên bàn ăn nhà tôi cũng có một chậu mai mini.
Đến hai mươi chín tết, trời bỗng dưng ít gió lại, chỉ ở độ chừng ren rét. Sóng biển cũng thôi làm dữ. Nước biển rút đi còn để lại trên bãi cát dưới nhà tôi nào là trái gòn khô, trái bàng khô, cây khô, rong rêu, lưới ghẹ và bọc ni lông các loại. Mẹ tôi quét từ trong nhà ra và đốt một đống rác to đùng. Tôi thấy chậu mai lớn của mẹ tôi và chậu mai mini trên bàn của mình ra ra nụ lớn, ba tôi thích thú phì cười. Nồi thịt heo kho sau nhà bốc mùi lên thơm nức mũi. Bên nhà bà dì hai, mọi người cũng nô nức gói bánh tét cho kịp ra lò mé đầu tiên sáng hôm sau để cúng giao thừa. Hàng xóm kế bên nhà tôi ai cũng ngưng hết mọi việc để chuẩn bị dọn nhà đón tết. Nhiều đứa bạn còn chạy sang khoe với tôi là nhà nó vừa mới làm mứt dừa xong.
Sáng mồng một, mùi hương khói nghi ngút trong nhà, tui ngửi thấy một mùi thơm phưng phức của nhang, hoa và mấy lon nước ngọt. Đối với dân ngoài đảo như tôi thì mứt và nước ngọt hồi đó là mặt hàng "xa xỉ", chỉ có tết mới được uống thả ga. Tôi không hiểu sao mình rất thích ngửi mùi nhang, cứ mỗi lần ngửi là cảm nhận ngay bàn thờ tổ tiên và hương vị ngày tết. Ngoài đường gió vẫn thổi se se cùng với chút mưa xuât lất phất, người đi thăm bà con, người đi cúng chùa, người tới nhà thờ mừng tuổi Chúa. Nhà tôi rực rỡ đầy màu sắc đèn chớp, trái châu và bánh trái. Nhạc tết vang lên khắp nơi. Mấy chú thì rủ nhau đi nhậu, mấy dì thì rủ nhau đánh bài. còn tụi nhỏ thì chạy dỡn lung tung, bắn culi, đi tắm biển. Tết mới có điện ban ngày mà không ai thèm coi ti vi hết.
Ở giữa nhà chậu mai của mẹ đã nở đầy hoa vàng rực, ba tôi mừng lắm, nói là năm nay sẽ làm ăn khắm khá. Còn trên bàn ăn, chậu mai của tôi cũng điểm tô năm sáu bông mai tươi thắm. Tôi cũng hân hoan vì năm nay chắc là mình sẽ học rất giỏi.
Hương khói bàn thờ hòa vào không gian đưa vào mũi tôi một mùi hương vô cùng dễ chịu, tôi như lạc vào cõi mộng khi tết đang về mà cứ ngỡ trong mơ.
Ảnh: Hoài Thương
Nhận xét
Đăng nhận xét