Vì sao Hòn Phụ Tử nằm ở huyện Kiên Lương nhưng được coi là biểu tưởng của thị xã Hà Tiên?


Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao Hòn Phụ Tử nằm ở xã Bình An, huyện Kiên Lương nhưng lại được coi như là biểu tượng văn hóa - du lịch của thị xã Hà Tiên không?

 Hòn Phụ Tử là biểu tượng của tình cảm gia đình (cha - con) và ý chí đấu tranh với tự nhiên của người dân Hà Tiên xưa.

Thường thì khi nhắc đến Hòn Phụ Tử, người ta lại nghĩ ngay là hòn đảo này nằm ở thị xã Hà Tiên, nhưng khi tra thông tin trên mạng và đến tham quan trực tiếp thì lại không phải như vậy: Hòn Phụ Tử nằm ở xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, bên cạnh di tích Chùa Hang.

Như vậy, xét về mặt địa lý, thị hiện nay Hòn Phụ Tử không nằm trong địa phận thị xã Hà Tiên. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi nhắc tới Hòn Phụ Tử, người ta lại nghĩ đó là một biểu tượng văn hóa - du lịch của thị xã Hà Tiên, thậm chí trong các ấn phẩm như quần áo, logo, đồ lưu niệm du lịch Hà Tiên... người ta vẫn in hình của Hòn Phụ Tử trên đó, hoặc khi ra công viên Trần Hầu (thị xã Hà Tiên) bạn sẽ thấy hòn non bộ mô phỏng theo hình ảnh của Hòn Phụ Tử.
Bản thân mình cũng tự thắc mắc về điều đó, và sau khi tìm tòi, nghiên cứu, khảo sát người dân địa phương, mình đã nhận được một số ý kiến giải thích như sau:

1. Ý kiến thứ nhất: Hòn Phụ Tử có thể dịch chuyển từ Kiên Lương về Hà Tiên. Ý kiến này mình đọc được trên một tạp chí viết về du lịch hà Tiên vào khoảng năm 2007 - 2008, tác giả cho rằng Hòn Phụ Tử có thể "trôi" từ Kiên Lương về Hà Tiên do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo dưới lòng đất theo mùa, cho nên có lúc chúng ta thấy Hòn Phụ Tử nằm ở bãi biển Mũi Nai (Hà Tiên), có lúc lại nằm ở bãi biển Bình An (Kiên Lương). Tuy nhiên, do hiện tại cuốn tạp chí đó không còn nữa, nên mình không thể tìm gặp tác giả để hỏi thực hư ra sao.

2. Ý kiến thứ hai: Vì Hòn Phụ Tử nằm ở Bình An trên đường đi xuống Hà Tiên, lại gần Hà Tiên nên cũng được coi như một địa danh ở Hà Tiên. Ý kiến này của một người bán quần áo ở Hà Tiên, tuy nhiên, nghe không được thuyết phục lắm.

3. Ý kiến thứ ba: Một số người có hiểu biết về lịch sử Hà Tiên cho rằng vì ngày xưa địa phận của Hà Tiên rất lớn, trong đó bao gồm cả địa phận của Kiên Lương, nên Hòn Phụ Tử ở Kiên Lương thì cũng như là nằm ở Hà Tiên vậy.
Ý kiến này có vẻ đúng, nhưng mình thấy không thuyết phục, vì nếu nói như vậy thì đảo Phú Quốc cũng có thể là biểu tượng của Hà Tiên...

        Theo mình, Hòn Phụ Tử nằm ở huyện Kiên Lương nhưng vẫn được coi là biểu tượng của Hà Tiên bởi yếu tố lịch sử quá trình hình thành thị xã Hà Tiên, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Hà Tiên là tên gọi có từ xa xưa, qua từng thời kỳ, địa giới thay đổi từ vùng (thời Chúa Nguyễn) thành trấn (thời vua Gia Long), chuyển sang tỉnh (từ thời vua Minh Mạng đến 1956), đổi thành quận (thời Việt Nam Cộng hòa), huyện (1976-1999) và bây giờ là thị xã.
Thứ hai, toàn bộ vùng đất của thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương hiện nay chính là địa phận của huyện Hà Tiên trước đây (từ tháng 2/1976). Khi ấy huyện Hà Tiên bao gồm thị trấn Hà Tiên, thị trấn Kiên Lương và 9 xã: Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa, Phú Mỹ, Mỹ Đức, Tiên Hải, Thuận Yên, Hòa Điền, Dương Hòa, Bình An. 
Tháng 7/1998, Chính phủ cho thành lập thị xã Hà Tiên trên cơ sở tách địa phận thị trấn Hà Tiên, xã Tiên Hải, xã Mỹ Đức và một phần xã Thuận Yên ra khỏi huyện Hà Tiên. Thị xã Hà Tiên có 7 xã, phường là phường Đông Hồ, phường Tô Châu, phường Pháo Đài, phường Bình San, xã Thuận Yên, xã Mỹ Đức và xã Tiên Hải.
Tháng 4/1999, Chính phủ đổi tên huyện Hà Tiên thành huyện Kiên Lương thuộc tỉnh Kiên Giang, địa phận thị trấn Kiên Lương và các xã Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa, Phú Mỹ, Hòa Điền, Dương Hòa, Bình An trở thành địa phận của huyện Kiên Lương từ đấy.
Thứ ba, Hòn Phụ Tử không biết có từ bao giờ, nhưng chắc chắn một điều Hòn Phụ Tử đã trở nên nổi tiếng khi được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia vào năm 1989. Khi ấy Hòn Phụ Tử nằm trên địa phận của xã Bình An, huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Và Hòn Phụ Tử được coi như biểu tượng của cảnh đẹp ở huyện Hà Tiên chứ không phải ở các vùng đất khác thuộc xứ Hà Tiên thời họ Mạc.

Như vậy, có thể thấy, việc Hòn Phụ Tử nằm ở địa phận huyện Kiên Lương nhưng vấn được coi là biểu tượng văn hóa - du lịch của thị xã Hà Tiên là do bởi yếu tố lịch sử quá trình hình thành thị xã Hà Tiên. 

Nhiều báo chí hay trang web nói rằng Hòn Phụ Tử ở Hà Tiên, khi đó chúng ta nên hiểu "Hà Tiên" ở đây là Hà Tiên theo
nghĩa rộng (huyện Hà Tiên hay vùng đất Hà Tiên trước đây) chứ không phải là thị xã Hà Tiên hiện nay.
Ngày nay, khi nhắc đến Hà Tiên, người ta không chỉ hiểu đơn thuần là thị xã Hà Tiên mà là huyện Hà Tiên hay cả vùng đất Hà Tiên rộng lớn thời họ Mạc. 
Bởi thế, khi nhắc tới cảnh đẹp Hà Tiên, người ta không chỉ nói đến Hòn Phụ Tử mà còn nói đến Chùa Hang - Thạch Động mặc dù chùa Hang ở xã Bình An, huyện Kiên Lương còn Thạch Động nằm ở xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên.
Tóm lại, khi nói Hòn Phụ Tử là biểu tượng của thị xã Hà Tiên, của huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang hay là biểu tượng của Hà Tiên (nói chung) là đều đúng cả.                                                                                                                    
Tài liệu tham khảo:
1. Nguồn:
http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/BAI-DUONG-(HON-PHU-TU)-a188.html
2.Nguồn:
http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=935&Itemid=65
3. Nguồn:
http://hatien.kiengiang.gov.vn/vi-vn/chinhquyen/gioithieu/tongquan.aspx





Nhận xét