ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA MÔN LỊCH SỬ NĂM 2014

Đáp án tham khảo




Câu 1.
Trong bối cảnh con đường cứu nước đa bế tắc sau thất bại của phong trào Cần Vương cuối thế XIX, Phan bội Châu, Phan Châu Trinh và các sĩ phu yêu nước thức thời khác như Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can các ông đã đón nhận trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản và mở ra cuộc vận động đổi mới trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng.
          Phan Bội Châu là người khởi xướng cho xu hướng đấu tranh bạo động. Ông chủ trương tổ chức lực lượng trong nước và tranh thủ sự viện trợ từ bên ngoài mà trước hết là Nhật Bản. Năm 1904, ông thành lập Hội Duy Tân nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập, thành lập chính thể quân chủ lập hiến ở Việt Nam và phát động phong trào Đông Du, đưa thanh thiếu niên Việt Nam sang Nhật học tập. Sau khi phong trào Đông Du thất bại (1909), ông thành lập Việt Nam Quang phục hội và tiếp tục đấu tranh chống Pháp đến khi bị bắt vào cuối năm 1913.
          Phan Châu Trinh là người đại diện cho xu hướng đấu tranh bằng cải cách, duy tân,  với mục tiêu xóa bỏ chế độ phong kiến, xây dựng nhà nước dân chủ, nâng cao dân trí, dân quyền, làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh. Ông phát động phong trào duy tân bằng việc đi khắp Trung kỳ vận động những người có cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền.
Dưới tác động của phong trào duy tân, nhiều trường học đã ra đời, chương trình học gồm các môn: Toán, Cách trí (Khóa học thường thức), Vệ sinh, Sử-Địa, Thể dục…với nội dung mới. Nhà trường cũng là nơi tuyên truyền mở rộng công, thương nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, phê phán bọn quan lại, đả phá phong tục lạc hậu, thực hiện đời sống mới. Tiêu biểu cho các trường học duy tân này là Đông Kinh nghĩa thục do Lương Văn Can làm Thục trưởng. Nhiều hiệu buôn bán nội hóa, nhiều công ty làm nghề thủ công được thành lập khắp các tỉnh Trung kỳ.
Phong trào duy tân đã làm bùng lên cuộc đấu tranh chống thuế, chống đi phu ở Trung kỳ vào năm 1908.
Trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, các hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đều thất bại, nhưng đã góp phần quan trọng cho phong trào vận động giải phóng dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất.


Câu 2.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào ngày 8-8-1967 với mục tiêu là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các thành viên trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Từ 5 nước thành viên ban đầu là In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-phin, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và Thái Lan, đến năm 1999, ASEAN đã phát triển thành tổ chức có 10 thành viên với sự tham gia của Bru-nây, Việt Nam, Mi-an-ma, Lào và Cam-pu-chia.
Tuy nhiên, đó là một quá trình diễn ra lâu dài và đầy trở ngại.
          Nguyên nhân của những trở ngại đó trước hết bắt nguồn từ tác động của Chiến tranh lạnh, tạo nên những diễn biến phức tạp của quan hệ giữa nhóm nước sáng lập ASEAN và nhóm nước Đông Dương.
Trong giai đoạn 1967 – 1975, nhiều nước ASEAN như Thái Lan, Phi-lip-pin trở thành chư hầu của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. Do đó, đối với các nước Đông Dương, ASEAN chỉ là một tổ chức đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á.
Sau thất bại của Mỹ ở , các nước ASEAN đã điều chỉnh lại hoạt động của mình nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Tháng 2 – 1976, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (Hiệp ước Bali) được ký kết với nội dung là tôn trọn quyền độc lập và tự chủ của nhau giữa các nước trong khu vực. Nhờ thế, quan hệ giữa các nước Đông Dương và ASEAN được cải thiện. Hai nhóm nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao và bắt đầu có những chuyến viếng thăm lẫn nhau của các lãnh đạo cấp cao.
Nhưng từ cuối những 70, tình hình hai nhóm nước lại trở nên căng thẳng bởi “vấn đề Campuchia”. Cho đến giữa những năm 80 của thế kỷ XX, khi thế giới diễn ra xu thế hòa hoãn Đông – Tây, Việt Nam và ASEAN mới bắt đầu quá trình đối thoại.
Năm 1992, Việt Nam và Lào tham gia Hiệp ước Bali. Tiếp đó 28-7-1995, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Năm 1997, đến lượt Lào được tổ chức này kết nạp.
Ngoài tác động của Chiến tranh lạnh, những đặc điểm của tình hình chính trị mỗi nước cũng tác động không nhỏ đến quá trình mở rộng và phát triển của ASEAN.
Bru-nây đến năm 1984 mới tuyên bố là một quốc gia độc lập, và ngay sau đó đã gia nhập và trở thành thành viên thứ sáu của ASEAN.
Mi-an-ma sau gần 30 thực hiện chính sách tự lực hướng nội đến năm 1988 đã tiến hành cải cách mở cửa, đến năm 1997 thì được kết nạp vào ASEAN.
Cam-pu-chia từ năm 1993 mới bắt đầu ổn định chính trị, tiến hành xây dựng và phát triển đất nước. Đến năm 1999, mới chính thức trở thành thành viên thứ 10 của ASEAN.
Có thể thấy, những tác động của quan hệ quốc tế và sự khác biệt về đặc điểm tình hình chính trị ở mỗi nước chính là nguyên nhân cản trở đến quá trình mở rộng và phát triển của tổ chức ASEAN.

Câu 3.

- Giai đoạn từ Nhật Bản đầu hàng Đồng minh đến những ngày đầu tháng 9 năm 1945 là thời cơ “ngàn năm có một” của dân tộc Việt Nam:
+ Thứ nhất, sự việc Nhật Bản đầu hàng Đồng minh ngày 15-8-1945 đã tạo ra một “khoảng trống quyền lực” ở Đông Dương: quân đội Nhật ở Đông Dương rệu rã không còn tinh thần để chống lại cách mạng, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang tột độ, quân Đồng minh chưa tiến vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật trong khi thực dân Pháp đã bị Nhật hắt cẳng ra khỏi Đông Dương từ tháng 3-1945. Đây là cơ hội để Đảng ta và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
+ Thứ hai, Đảng Cộng Sản Đông Dương đã có quá trình chuẩn bị chu đáo cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám trong suốt 15 năm (1930 – 1945) với 3 đợt tập dợt lớn: 1903 – 1931, 1936 – 1939 và 1939 – 1945. Đặc biệt, từ sau hội nghị Trung ương 8 (5-1941), Đảng đã xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu và tiến hành khẩn trương công tác chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa về lực lượng chính trị (xây dựng Mặt trận Việt Minh), lực lượng vũ trang (xây dựng Cứu quốc quân và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, sau đó hợp nhất thành Quân giải phóng Việt Nam) và căn cứ địa cách mạng (căn cứ địa Việt Bắc).
+ Thứ ba, từ tháng 3 – 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Đảng đã phát động cao trào kháng Nhật cứu nước và được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, từ khởi nghĩa từ phấn tiến tới tổng khởi nghĩa. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh cũng chính là lúc khí thế cách mạng trong cả nước sôi sục hơn bao giờ hết, toàn dân sẵn sàng chờ lệnh tổng khởi nghĩa để đứng lên giành chính quyền.
- Trước tình hình đó, Đảng ta đã chủ động, nhạy bén trong việc chớp thời cơ, phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa.
+ Vừa hay tin Nhật sẽ đầu hàng Đồng minh, ngày 13-8 Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1 phát động tổng khởi nghĩa.
+ Từ ngày 14 đến 15- 8, Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương.
+ Ngày 16 và 17-8, Đại biểu Quốc dân Tân Trào họp hưởng ứng quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc của Đảng, thông qua Mệnh lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và 10 chính sách lớn của Việt Minh. Cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc.
+ Cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra trong vòng nửa tháng (từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945) đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Câu 4.

Sự khác nhau về sách lược của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thực dân Pháp và quân Trung Hoa Dân quốc trước và sau ngày 6 - 3 – 1946.
Trước 6/3/1946
Sau ngày 6/3/1946
Chủ trương: Tạm thời hoà hoãn, tránh xung đột với quân Trung Hoa dân quốc ở miền Bắc, tập trung lực lượng chống Pháp ở miền Nam.

Chủ trương: Hòa với Pháp nhằm đẩy quân Trung Hoa Dân quốc ra khỏi nước ta, tranh thủ thời gian để chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Biện pháp:
- Nhằm hạn chế sự phá hoại của quân Trung Hoa dân quốc và tay sai, tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khoá 1 đã đồng ý nhượng cho các đảng Việt Quốc, Việt Cách 70 ghế trong Quốc hội và 4 ghế trong chính phủ không qua bầu cử, Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó Chủ Tịch nước; đồng thời nhân nhượng cho chúng một số quyền lợi về kinh tế như nhận cung cấp lương thực thực phẩm, nhận tiêu tiền mất giá của chúng...
- Ngày 11-11-1945: Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự giải tán”, thực chất là tạm thời rút vào hoạt động bí mật.

Biện pháp:
- Ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 với nội dung:
+ Chính phủ Pháp công nhận nước ta là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp
+Ta đồng ý cho 15000 quân Pháp ra Miền Bắc thay cho quân Trung Hoa Dân quốc và rút dần trong thời hạn 5 năm.
+ Hai bên ngừng bắn ở Nam Bộ để đàm phán ở Pari.
- Sau Hiệp định sơ bộ, Pháp vẫn tăng cường những hành động khiêu khích , quan hệ Việt Pháp trở nên căng thẳng có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Trước tình hình đó, để kéo dài thêm thời gian hòa hoản chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp với Pháp bản Tạm ước 14-9 tiếp tục nhân nhượng cho chúng một số quyền lợi về kinh tế và văn hoá ở Việt Nam.         

Tác dụng:
Làm thất bại âm mưu của quân Trung Hoa dân quốc, đồng thời vô hiệu hóa các hoạt động chống phá của bọn tay sai của quân Trung Hoa dân quốc, tạo điều kiện tập trung lực lượng chống Pháp ở miền Nam.

Tác dụng:
- Đập tan ý đồ của Pháp trong việc câu kết với Tưởng để chống lại ta.
- Đẩy nhanh được 20 vạn quân Tưởng và tay sai về nước, thoát được thế bao vây của kẻ thù.
- Có thêm thời gian để củng cố lực lượng chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Nguyên nhân của sự khác nhau nhau đó:
- Đảng và Chính phủ ta xác định kẻ thù nguy hiểm nhất chính là Pháp: sau cách mạng tháng Tám nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” phải đối phó cùng lúc nhiều kẻ thù: phía Bắc có Tưởng đứng sau là Mỹ, phía Nam có Pháp đứng sau là Anh và còn có quận đội Nhật bại trận chờ giải giáp. Tuy nhiên kẻ thù nguy hiểm nhất, quyết tâm xâm chiếm nước ta chính là Pháp. Từ việc xác định kẻ thù chính cần phải đó phó là Pháp nên trước ngày 6-3-1945 thì ta mềm dẻo với Tưởng, nhưng quyết tâm kháng chiến chống Pháp. Chỉ khi Tưởng muốn bán đứng ta cho Pháp bằng Hiệp ước Pháp – Hoa (28-2-1946) ta mới ký Hiệp định Sơ bộ 26-3 và Tạm ước 14-9 nhân nhượng với Pháp nhưng vẫn chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp sau này.
- Chủ trương của ta là mềm dẻo sách lược nhưng cứng rắn về chiến lược, nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng và nền độc lập dân tộc. Do đó trước ngày 6-3-1946 ta cứng rắn với Pháp nhưng nhân nhượng với Tưởng, buộc Tưởng phải công nhận chính quyền của nhân dân ta (Chính phủ liên hiệp kháng chiến). Sau mượn tay Pháp để đuổi Tưởng về nước theo Hiệp định sơ bộ 6-3, ta tiếp tục nhân nhượng với Pháp công nhận nước ta là một nước “tự do” có chính phủ, quân đội và tài chính riêng, đồng thời để có thêm thời gian hòa bình, xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng.

Câu 5.

Những thắng lợi quân sự của quân dân ta buộc Mĩ phải chấp nhận bắt đầu đàm phán và ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam:
- Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:
+ Bước vào mùa xuân năm 1968, xuất phát từ nhận định so sánh lực lượng có lợi cho ta, đồng thời lợi dụng mâu thuẫn trong năm bầu cử tổng thống ở Mĩ(1968), ta chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, trọng tâm là các đô thị, nhằm tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, đánh đòn mạnh vào chính quyền và quân đội Sài Gòn, giành chính quyền về tay nhân dân, buộc Mỹ phải đàm phán rút quân về nước. Đêm 30 rạng 31-1-1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã diễn ra ở hầu khắp các đô thị miền Nam.
+ Cuộc tổng tiến công diễn ra qua 3 đợt: Đợt 1, từ ngày 30/1 đến 25/2/1968, Quân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 37/44 tỉnh, 4/6 đô thị, 64/242 quận lị, ở hầu khắp các “ấp chiến lược”. Tại Sài Gòn, quân giải phóng tiến công vào cơ quan đầu não của địch: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất...làm rung chuyển cả miền Nam. Đợt 2, trong tháng 5 và 6; đợt 3 trong tháng 8 và 9/1968.
Trong đợt 1: Ta loại khỏi vòng chiến đấu 147.000 tên địch (43.000 lính Mỹ), phá hủy khối lượng lớn vật chất, phương tiện chiến tranh. Trong đợt 2 và 3 ta gặp khó khăn và tổn thất.
+ Mặt dù có những tổn thất, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn có ý nghĩa to lớn: Đã giáng đòn bất ngờ làm địch choáng ván, làm lung lay ý chí xâm lược của quân Mỹ, buộc Mĩ phải tuyên bố “phi Mĩ hóa” chiến tranh.
+ Ngày 31-3-1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và bắt đầu nói đến đàm phán với Việt Nam. Ngày 13-5-1968 cuộc đàm phán Pa-ri chính thức bắt đầu.
- Miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mĩ:
+ Trong hơn 4 năm (từ ngày 5-8-1964 đến 1/11/1968), miền Bắc đã bắn rơi và phá hủy 3243 máy bay trong đó có 6B52, 3F111), bắn cháy và chìm143 tàu chiến.
- Ngày 1-11-1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.
- Cuộc tiến công chiến lược năm 1972:
+ Ngày 30-3-1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược vào Quảng Trị, lấy Quảng Trị làm hướng tiến công chủ yếu, rồi phát triển rộng khắp chiến trường miền Nam.
Cuối 6-1972, quân ta chọc thủng ba phòng tuyến mạnh nhất của địch: Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ loại 20 vạn quân địch, giải phóng vùng rộng lớn.
+ Cuộc tiến công chiến lược 1972, đã giáng đòn nặng nề vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mĩ phải “Mĩ hóa” trở lại chiến tranh xâm lược (thừa nhấn sự thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”).
- Thắng lợi trong trận “Điện Biên Phủ trên không”:
+ Cuối tháng 12 năm 1972, quân dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường hàng không bằng máy bay B52 của Mĩ vào Hà Nội, Hải Phòng. Cuộc tập kích của Mĩ bắt đầu từ 18 đến 29/12/1972, nhằm giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải kí một hiệp định có lợi cho Mĩ. Kết quả là nhân dân ta làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, bắn rơi 81 máy bay Mĩ (trong đó có 34 chiếc B52 và 5 chiếc F 111), bắt sống 43 phi công Mĩ, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường hàng không bằng máy bay B52 của Mĩ. Tính chung, trong cuộc chiến tranh phá họai lần thứ hai (4/1972 đến tháng 1/1973), miền Bắc đã bắn rơi 735 máy bay Mĩ, bắn cháy và làm bị thương 125 tàu chiến, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm phi công Mĩ.
+ “Điện Biên Phủ trên không" là trận thắng quyết định của ta, đã buộc Mĩ phải ngừng hẳn các hoạt động ném bom bắn phá miền Bắc (15/1/1973). Góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" của Mĩ.  Mĩ phải quay lại bàn đàm phán và kí với ta Hiệp định Pari (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Câu 6.
- Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới trong hoàn cảnh sau:
+ Sau 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội 1976 – 1985 ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể, song cũng gặp không ít khó khăn, yếu kém do sai lầm khuyết điểm gây ra, dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Yêu cầu đặt ra lúc này là phải đổi mới để khắc phục sai lầm, khuyết điểm, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đầy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến lên.
+ Những thay đổi của tình hình thế giới và quan hệ giữa các nước do tác động của cách mạng khoa học – kỹ thuật trở thành xu thế thế giới; cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta tiến hành đổi mới.
- Đường lối đổi mới của Đảng được đề ra lần đầu tiên tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI (12-1986), được điều chỉnh, bổ sung và phát triển trong các đại hội tiếp sau đó. Nội dung của đường lối đổi mới:
+ Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả, bằng những quan điểm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp.
+ Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ từ kinh tế và chính trị đến tổ chức, văn hóa, tư tưởng. Đổi mới kinh tế phải gắn liền với đổi mới chính trị, nhưng trọng tâm là đổi mới kinh tế.
+ Về đổi mới kinh tế : Chủ trương xóa bỏ cơ chế quản lí kinh tế tập trung, bao cấp hình thành cơ chế thị trường, xây dựng nền kinh tế quốc dân với cơ cấu nhiều ngành nghề, nhiều quy mô và trình độ công nghệ; phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại.
+ Về đổi mới chính trị : Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện đoàn kết dân tộc, chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác.
- Những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay đã từng bước đưa nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội, điều đó khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, bước đi của công cuộc đổi mới là phù hợp.

Câu 7.
- Qúa trình phát triển thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 2000 trải qua những giai đoạn sau:
+ Từ năm 1945 đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX.
Sau khi phát xít Nhật đầu hàng, nhiều nước ở châu Á đã nổi dậy, thành lập chính quyền cách mạng điển hình là Việt Nam, Inđônêxia, Lào.
Phong trào lan nhanh ra các nước Nam Á và Bắc Phi điển hình là Ấn Độ (1946-1950) và Ai Cập (1952). Năm 1960, 17 nước ở châu Phi tuyên bố độc lập (Nam châu Phi).
Ở khu vực Mỹ La-tinh, ngày 1/1/1959, cách mạng Cu-ba thành công, đã tạo ra làn sóng đấu tranh mạnh mẽ biến khu vực này thành “lục địa bùng cháy”.
Đến giữa những năm 60, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân cơ bản đã bị sụp đổ. Đến năm 1967, hệ thống thuộc điạ chỉ còn tập trung ở miền Nam Châu Phi.
+ Từ giữa những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX.
Đến đầu những năm 60, nhân dân 3 nước Ăngôla, Môdămbích và Ginê Bít-xao này đã tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ chế độ thống trị của Bồ Đào Nha.
Tháng 4/1974, cách mạng Bồ Đào Nha thành công, chính quyền mới ở Bồ Đào Nha đã lần lượt trao trả độc lập cho 3 nước này: Ginê Bít-xao (9/1974), Ăngôla (11/1975) và Môdămbích (6/1975).
Sự tan rã cuả thuộc điạ Bồ Đào Nha là thắng lợi quan trọng cuả phong trào giải phóng dân tộc, đánh dấu sự tan rã hoàn toàn của chế độ thực dân kiểu cũ.
+ Từ giữa những năm 70 đến giữa những năm 90 của thế kỉ XX.
Cuối những năm 70, chủ nghĩathực dân tồn tại dưới “hình thức chế độ phân biệt chủng tộc A-phác-thai”. Sau nhiều năm, chính quyền thực dân đã phải xoá bỏ chế độ phân biệt chủng tộc của những người da đen.
Năm 1980, Cộng hoà Dim-ba-bu-ê giành độc lập. Đến năm 1990, Cộng hoà Na-mi-bi-a đã giành độc lập.
Ở Cộng hoà Nam Phi, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của người da đen và sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, đến năm 1993, chế độ A-phac-thai đã hoàn toàn sụp đổ. Năm 1994, Nen-xơn Men-đê-la được bầu làm Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi.
Đến đây, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc đã bị sụp đổ hoàn toàn.
- Tác động của những thắng lợi đó đến quan hệ quốc tế:
+ Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc thực dân và chế độ phân biệt chủng tộc A-phác-thai sụp đổ hoàn toàn, hàng loạt các quốc gia trẻ tuổi Á, Phi, Mỹ La-tinh ra đời đã làm cho bản đồ chính trị trên thế giới có những biến đổi to lớn, sâu sắc.
+ Các quốc gia độc lập ngày cáng tích cực tham gia và có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị thế giới với ý chí chống chủ nghĩa thực dân, vì hòa bình thế giới, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Điều này góp phần quan trọng làm cho quan hệ quốc tế được mở rộng và đa dạng hơn bao giờ hết.

Hoài Thương


Download Đáp án tại đây





Nhận xét

Đăng nhận xét