ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA MÔN LỊCH SỬ NĂM 2012


Đáp án tham khảo



Câu 1, Nêu những điểm giống, khác nhau giữa hai xu hướng bạo động, cải cách trong phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX.
Trả lời:
- Những điểm giống và khác giữa hai xu hướng bạo động, cải cách trong phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam những năm đàu thế ki XX :

        Xu hướng bạo động
              Xu hướng cải cách


Điểm
khác
- Do Phan Bội Châu khởi xướng.
- Chủ trương dùng bạo lực vũ trang đấu tranh, tiến tới thiết lập nền quân chủ lập hiến.
- Dựa vào Nhật để chống Pháp, lập Hội Duy Tân và thực hiện phong trào Đông Du.

- Do Phan Châu Trinh khởi xướng
- Chủ trương đấu tranh bằng những cải cách xã hội, nâng cao dân trí dân quyền, tiến tới xóa bỏa nền phong kiến lạc hậu, xây dựng xã hội tiến bộ.
- Dựa vào Pháp để chống phong kiến, yêu cầu người Pháp làm cho nước ta giàu mạnh, thực hiện cuộc vân động Duy Tân và phong trào chống thuế ở Trung Kì.


Điểm giống
- Đều do những sĩ phu, văn thân yêu nước tiến bộ khởi xướng và lãnh đạo.
- Mục tiêu chung là đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập dân tộc và phát triển đất nước
- Đều là những cuộc vận động giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản.
- Đều thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân.
- Đều thất bại và thể hiện tinh thần yêu nước của tầng lớp sĩ phu, văn thân lúc bấy giờ.
- Nhận xét: Cả hai xu hướng đấu tranh trong phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX dù giống hay khác nhau đều có những hạn chế về mục tiêu và đường lối đấu tranh. Điều đó cho thấy sự khủng hoảng của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, đòi hỏi phải có một phương hướng cứu nước đúng đắn. Đó cũng chính là lí do đưa đến việc Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước.

Câu 2, Giải thích ý kiến của anh (chị) về nhận định: Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra cho các dân tộc bị áp bức thời đại giải phóng dân tộc.
Trả lời:
Năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công đã mở ra thời đại mới cho dân tộc Nga và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười, đế quốc Nga – khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc đã bị chọc thủng, khiến cho chúng không thể liên kết với nhau để đàn áp phong trao cách mạng thế giới như trước nữa . Đều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc.
Cách mạng tháng Mười Nga thành công đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Việt Nam,…Ở những nước này phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ nhất phát triển mạnh mẽ, các đảng cộng sản lần lược ra đòi và lãnh đạo phong trào.
Quan trọng hơn, Cách mạng tháng Mười  thành công đã dẫn đến sự ra đời của Liên Xô – nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Liên Xô đã cùng với Quốc tế cộng sản ( được thành lập vào tháng 3-1919 tại Mát-xcơ-va ) đã dẫn dắt phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc từ năm 1919 đến năm 1943. Sau đó, với thắng lợi của  mình trong việc đánh bại phát xít Đức và quân phiệt Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Hồng quân Liên Xô  đã giải phóng các nước Đông Âu ra khỏi ách phát xít Hít-le, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hàng loạt các quốc gia Á, Phi, Mi La-tinh đánh đuổi đế quốc thực dân giành lại dộc lập dân tộc.
Ngoài ra, Cách mạng tháng Mười còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào cách mạng thế giới, giúp cho nhiều nước thuộc địa, phụ thuộc tìm ra con đường giải phóng cho chính mình, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Nhìn lại một lần nữa về ý nghĩa lớn lao của Cách mang tháng Mười,chúng ta có thể kêt luận rằng: nhận định “Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra cho các dân tộc bị áp bức thời đại giải phóng dân tộc” là hoàn toàn đúng đắn.

Câu 3, Phân tích vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với cách mạng Việt Nam vào nửa sau những năm 20 của thế kỉ XX.
Trả lời:
Vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với cách mạng Việt Nam nửa sau những năm 20 của thế kỉ XX:
- Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sang lập vào tháng 6-1925 ở Quảng Châu (Trung Quốc) với hạt nhân là Cộng sản đoàn. Tronh thời gian hoạt động của mình, Hội đã có những đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam nửa sau những năm 20 của thế kỉ XX.
- Việc Hội mở lớp đào tạo cán bộ cách mạnh và xuất bản sách báo cách mạng (báo Thanh niên và tác phẩm Đường kách mệnh) đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Đó là một trong những nhân tố đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
- Năm 1928, Hội thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, nhiều cán bộ cách mạng đã đi vào nhà máy, đồn điền, hầm mỏ sinh hoạt và lao động với công nhân để tuyên truyền và vận động cách mạng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân. Điều đó đã thúc đẩy phong trào công nhân những năm 1928-1929 phát triển mạnh mẽ, giai cấp công nhân từng bước trưởng thành và nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
- Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo quần chúng đấu tranh theo khuynh hướng vô sản góp phần làm phong phú thêm các phương hướng đấu tranh trong phong trào yêu nước những năm 1925-1929.
- Năm 1929, đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam, Hội đã phân hóa thành hai tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng. Sự xuất hiện của các tổ chức cộng sản cho thấy xu thế khách quan của cách mang Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản.
- Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức cách mạng có tổ chức cơ quan chặt chẽ, mục tiêu rõ ràng, đường lối hoạt động đúng đắn và có cơ sở rộng khắp trong quần chúng nhân dân. Những điểm đó cho thấy Hội chính là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Nói tóm lại, những hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nửa sau những năm 20 của thế kỉ XX đã chuẩn về tổ chức và tư tưởng chính trị cho sự ra  đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930) – nhân tố quyết định những thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này.

Câu 4, Trình bày nguyên nhân và hệ quả cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương (9-3-1945).
Trả lời:
- Nguyên nhân Nhật đảo chính Pháp:
+ Cuối năm 1944  đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ở châu Âu, Hồng quân Liên Xô trên đường vào Béclin, Đức Quốc xã đứng trước giờ bị tiêu diệt. Ở châu Á- Thái Bình Dương quân Nhật phải chống trả những đòn tấn công quyết liệt của liên quân Mĩ-Anh ở trên bộ cũng như trên biển, lại không nhận được sự giúp đỡ từ đồng minh nên liên tục gặp thất bại.
+ Lúc này ở Đông Dương ngọn lửa cách mạng đang dâng cao, còn lực lượng Pháp theo phái Đờ Gôn thì đang ráo riết chuẩn bị chờ thời cơ phản công. Nền thống trị của phát xít Nhật ở Đông Dương đang bị đe dọa.
+ Trước tình hình đó Nhật Bản quyết định ra tay trước, lật đổ Pháp để tránh tình trạng bị đánh sau lưng và có thể độc chiếm Đông Dương. Vào lúc 20 giờ ngày 9- 3- 1945, quân Nhật nổ súng lật đổ Pháp trên toàn Đông Dương, quân Pháp chỉ chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng. Để mị dân, phát xít Nhật tuyên bố sẽ giúp đỡ cho nền độc lập của các dân tộc Đông Dương, chúng dựng lên chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và đưa Bảo Đại lên làm “Quốc trưởng”, nhưng chưa được bao lâu thì bộ mặt giả nhân giả nghĩa của chúng đã lộ rõ.
- Hệ quả của việc Nhật đảo chính Pháp: Sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9 - 3- 1945 đã cho thấy sự khủng hoảng lớn về chính trị của phát xít Nhật, đồng thời làm cho mâu thuẫn giữa chúng và nhân dân ta càng thêm gay gắt hơn, dẫn đến Cao trào kháng Nhật cứu nước từ tháng 3 đến tháng 8- 1945:
+ Ngày 12- 3- 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, ra chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng nhật cứu nước làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa.
+ Ở Cao- Bắc- Lạng, lực lượng Cứu quốc quân phối hợp với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân giải phóng nhiều châu, xã. Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập.
+ Khắp các tỉnh Bắc kì và Bắc Trung kì, nhân dân hăng hái tham gia phong trào “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” .
+ Cùng với các cuộc nổi dậy ở Tiên Du, Bần Nhân Yên, ngày 11- 3 tù chính trị ở Quảng Ngãi nổi dậy phá nhà lao, thành lập đội du kích Ba Tơ.
+ Ở Nam kì, phong trào Vệt minh phát triển mạnh mẽ nhất là ở Mĩ Tho và Hậu Giang.
+ Cùng với cao trào kháng Nhật cứu nước, công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa được gấp rút hoàn thành. Cả nước đã sẵn sàng chờ thời cơ đứng lên tổng khởi nghĩa.

Câu 5, So sánh về quy mô, hình thức, phương châm tác chiến, ý nghĩa lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).
Trả lời:
Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) đều là những chiến dịch mà quân ta chủ động tấn công địch trên chiến trường và đều mang tính quyết định lịch sử. Song do diễn ra trong hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau nên quy mô, hính thức, phương châm tác chiến và ý nghĩa lịch sử cũng có sự khác biệt.
Về quy mô: chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra chỉ nhằm giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào. Còn chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra là để giải phóng Sài Gòn- thủ phủ của chế độ Ngụy, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Tính quyết định của chiến dịch Hồ Chí Minh cao hơn nên diễn ra với quy mô lớn hơn, huy động sức người, sức của nhiều hơn.
Về hình thức:  chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc tiến công chiến lược nằm trong Chiến cuộc Đông - Xuân 1953- 1954, còn chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra dưới hình thức tổng tiến công chiến lược năm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Về phương châm tác chiến: trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phương châm tác chiến của bộ đội ta lúc đầu là “đánh nhanh thắng nhanh” sau chuyển sang “đánh chắc tiến chắc” nhằm đảm bảo yêu cầu thắng lợi. Còn trong chiến dịch Hồ Chí Minh cả dân tộc ta ra quân với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng”.
Về ý nghĩa lịch sử: chiến dịch Điện Biên Phủ làm nên thắng lợi quân sự lớn nhât của quân ta trong cuôc kháng chiến chống thực dân Pháp, buộc chúng phài kí Hiệp  Giơnevơ lập lại hòa bình ở  Đông Dương. Còn  chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Dù có những điểm khác nhau nhưng cả hai chiến dịch Điện Biên Phủ và Hồ Chí MInh đều là những chiến dịch quân sự mang tầm vóc lớn lao trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đó là không chỉ là niềm tự hào của người Việt Nam mà còn là niềm tự hào của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Câu 6, Cuối năm 1974 – đầu năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng xác định kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam như thế nào? Vì sao Tây Nguyên được chọn làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975?
Trả lời:
- Kế hoạch giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị Trung ương Đảng:
+ Cuối năm 1974- đầu năm 1975 Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, sau khi phân tích tình hình thực tế đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976.
+ Kế hoạch giải phóng miền Nam trong bối cảnh tương quan lực lượng trên chiến trường hoàn toàn có lợi cho ta: quân Mĩ rút về nước theo tinh thần Hiêp định Pari; quân Ngụy yếu đi nhiều do không còn viện trợ của Mĩ; sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, khả năng chi viện sức người, sức của của hậu phương cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn. Thực hiện chủ trương “tiếp tục con đường bạo lực” của Đảng trong Hội nghị 21 (7- 1973), quân dân ta liên tục tiến hành các hoạt động quân sự ở miền Nam và giành được thắng lợi. Đặc biệt, chiến thắng Phước Long (6- 1-1975) đã cho thấy khả năng đánh thắng của quân dân ta, sự suy yếu của quân đội Sài Gòn và khả năng can thiệp trở lại của Mĩ là rất hạn chế. Vì thế, khi đề ra kế hoạch Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
+ Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết tranh thủ thời cơ đánh nhanh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt các cơ sở kinh tế, công trình văn hóa,…giảm thiểu sự tàn phá của chiến tranh.
- Tây Nguyên được chọn làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975 vì:
+ Tây Nguyên là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng mà ta và địch đều cố giữ, “ai chiếm được Tây Nguyên là có thể khống chế cả Đông Dương”. Nếu giải phóng được Tây Nguyên ta có thể uy hiếp Duyên hải Nam Trung Bộ, cô lập Huế- Đà Nẵng, đồng thời tạo áp lực xuống phía nam đẩy quân đội Sài Gòn vào thế bị động.
+ Do nhận định sai hướng tiến công của ta, địch chốt giữ ở đây một lực lượng mỏng, bố phòng còn nhiều sơ hở. Bộ Chính trị cũng nhận định khả năng phản công của địch khi mất Tây Nguyên là rất hạn chế, do đó có thể đánh được.
+ Thực tiễn cho thấy, chiến dịch giải phóng Tây Nguyên diễn ra chưa đầy một tháng đã giành được thắng lợi, quân đôi Sài Gòn phải rút về Duyên hải miền Trung. Cả vùng Tây Nguyên rộng lớn với 60 vạn dân đến ngày 24- 3- 1975 hoàn toàn giải phóng.Quân ta chuyển từ thế tiến công chiến lược sang Tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

Câu 7, Tóm tắt những thắng lợi của quân Đồng minh ở châu Á trong năm 1945 và nêu tác động của những thắng lợi đó đối với cách mạng Việt Nam.
Trả lời:

- Những thắng lợi của quân Đồng minh ở châu Á trong năm 1945:
+ Đầu năm 1945, cùng với việc tiêu diệt phát xít Đức ở châu Âu, quân Đồng minh đã giáng cho phát xít Nhật những đòn nặng nề ở mặt trận châu Á- Thái Bình Dương, đến tháng 8-1945 quân Nhật đã bị đã bị quét sạch khỏi Miến Điện và Phi-líp-pin.Cùng thời gian đó quân đội Mĩ một mặt ném bom oanh tạc Nhật Bản, mặt khác đánh chiếm các đảo cực nam nước này, tiêu diệt phần lớn không quân và hải quân Nhật.
+ Ngày 8- 8- 1945 Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Hồng quân Liên Xô mở đợt tấn công như vũ bão vào đội quân Quan Đông của Nhật ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.
+ Ngày 6 và ngày 9- 8-1945 Mĩ ném bom nguyên tử hủy diệt hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki của Nhật Bản làm 10 vạn người chết, hàng chục vạn người bị tàn phế.
+ Ngày 15- 8-1945 Nhật Bản chấp nhận đầu hàng Đồng minh không điều kiện, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
- Tác động đến Việt Nam: Những thắng lợi của quân Đồng minh đã cổ vũ mạnh mẽ Cao trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân Viêt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Cách mạng tháng Tám bùng nổ và nhanh chóng giành được thắng lợi.
+ Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim hoang mang tột độ, thời cơ khách quan cho tổng khởi nghĩa đã đến.
+ Ngay từ ngày 13- 8- 1945, khi nhận được thông tin Nhật Bản sắp đầu hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt minh lập tức thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, ra “Quân lệnh số 1”, chính thức phát lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước.
+ Tiếp theo, Hội toàn quốc cùa Đảng (ngày 14 và 15- 8) và Đại hội quốc dân (ngày 16 và 17- 8) họp ở Tân Trào đã thông qua kế hoạch và tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, quyết định giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào nước ta. Sau đó, chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi mọi người đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
+ Ngày 19- 8, nhân dân ta giành được chính quyền ở Hà Nội, tiếp đến là ở Huế (23- 8), Sài Gòn (25- 8) và đến ngày 28- 8-1945, Tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi trong cả nước, chế độ phong kiến sụp đổ, chính quyền về tay nhân dân.
+ Ngày 2- 9-1945 tại quản trường Ba Đình, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Hoài Thương


Download Đáp án tại đây





Nhận xét