Nói thẳng với sinh viên năm Nhất

"Em vẫn còn ngồi đây ư?"
"Tại sao em lại không được ngồi đây ạ?"
"Vì em là sinh viên năm nhất."

"Sinh viên năm nhất thì sao ạ?"

"Nhanh lên, em phải đi ngay từ bây giờ không sẽ trễ".


Kết quả hình ảnh cho thói quen sinh viên


Anh buộc phải nói thẳng cho các em biết một sự thật rằng lên đại học không phải là để nghỉ ngơi và học đại học không phải là chuyện dễ như người ta vẫn đồn đại. Các em dự định dành năm nhất của mình để xả hơi lấy lại sức sau 3 năm dùi mài kinh sử đêm ngày ư? Dẹp ngay cái ý nghĩ đó nhé.
Các em có biết được rằng, bao nhiêu người đã đánh mất chính bản thân mình kể từ lúc họ còn là sinh viên không?
Điều nguy hiểm giết chết một con người KHÔNG PHẢI là thất bại: KHI Ở ĐÁY TẬN CÙNG, SỚM HAY MUỘN NGƯỜI TA CŨNG SẼ TÌM ĐƯỢC CÁCH ĐỂ NGOI LÊN.
Nhưng nhìn lại cuộc sống sinh viên của họ, ngoài những ngày mệt mỏi kia...
Họ không còn giữ được sự quyết tâm, nỗ lực, bản lĩnh đương đầu với thử thách như trước nữa. Trước đây nếu họ có thể thức đến 2, 3 giờ sáng để ôn thi đại học thì giờ đây có nhiều cuốn giáo trình chưa chắc họ đọc qua.
Họ bảo việc học ở trường rất vất vả, nhưng trận chiến lớn nhất của họ chỉ là vật lộn với bản thân để dậy sớm vào buổi sáng và lê chân lên giảng đường điểm danh cho kịp giờ.
Họ có thể dành cả đêm chơi đế chế, dota, đọc tiểu thuyết, lướt Facebook, xem phim hàn nhưng bảo họ đi làm bài tập nhóm, họ đáp rằng: "đợt này bận quá, nhóm làm đi rồi ghi tên tớ vào với, ít hôm mời cả nhóm đi ăn chè".
Ai đó hẹn họ lên Garena để "chiến đấu" họ sẽ không muộn màng 1 phút nào nhưng hẹn họ đến trường tập thuyết trình thì hãy nhẫn nhịn đợi họ ít nhất là 30 phút.
Họ chém gió như bão về thể loại A đến thể loại Z, chém gió sôi nổi, chém gió vô biên, giáo sư chém gió nhưng ở trên lớp, bảo họ phát biểu ý kiến của mình thì họ im bặt, mỉm cười lấy lệ.
Họ vẫn được cha mẹ chu cấp tiền hàng tháng, thỉnh thoảng vẫn đi chơi với bạn bè hay người yêu... Họ vẫn lên mạng xã hội hàng ngày, đọc những tin tức chẳng-liên-quan đến họ, họ giành rất nhiều thời gian nói chuyện với những người chẳng giúp ích gì cho họ.
Đó là sự TẦM THƯỜNG - và nó đang ăn sâu dần vào máu từng ngày bởi vì cha mẹ nói họ chỉ cần lo học thật tốt hay bạn bè nói rằng ai cũng vậy cả, "sinh viên mà".
Càng nguy hiểm hơn, khi nó không giết chết họ ngay lập tức mà cứ lặng lẽ rút đi cuộc sống của họ trong nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm.
Họ muốn theo đuổi đam mê, nhưng lại chưa có những kĩ năng cần thiết, chưa từng được một ai hướng dẫn cách theo đuổi niềm đam mê.
Đến một tuổi nào đó họ sẽ nhận ra rằng thất tình chẳng có gì đáng sợ. thất nghiệp mới đáng sợ.
HỌ SỢ MÌNH SẼ THẤT NGHIỆP NHƯNG HỌ ĐÃ QUÊN CHUẨN BỊ “VŨ KHÍ”
Các em không có thời gian cho mình nghỉ ngơi đâu. 4 năm đại học không phải là nhiều để các em có thể thu nhập cho đủ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, làm giàu vốn sống và kinh nghiệm của mình. Cho nên đừng dễ dãi với bản thân phút giây nào hết. Ngay từ bây giờ, các em phải vẽ ra con đường để mình chạy rồi đó.
Các em cứ chạy đi rồi các em sẽ phát hiện ra cuộc sống của mình sẽ vô vị, chán ngán như thế nào nếu không có sự cố gắng, nỗ lực từng ngày. Các em có thể hỏi những sinh viên năm 2, năm 3, nhiều người thú thực cũng cảm thấy cuộc sống của mình vô vị, nhạt nhẽo lắm, họ cũng muốn thay đổi nhưng đã có muộn, họ đánh mất đi những vốn liếng quý giá của mình rồi.
Các em đừng để khi chết đuối rồi mới tiếc mình tại sao trước đó không tập bơi nhé!
...
Các em rồi sẽ nghe nhiều người bảo với các em rằng: "Học thì học chưa biết sau này ra sao", "Thời này có bằng giỏi ra trường cũng chưa chắc kiếm được việc", "Mình không phải con ông cháu cha, không có ô có dù nên an phận thôi", và những câu đại loại như thế.
Nếu các em nghe được như thế hãy xin lỗi người ta và bảo lại rằng: "Em không thể suy nghĩ tầm thường như thế được".
Họ nghĩ rằng học là để thi, thi điểm cao để lấy bằng. Nhưng các em phải nghĩ khác: việc học không giới hạn ở trường lớp, ở thầy cô. Các em phải học từ nhiều thứ. Học kiến thức, học kỹ năng, học thái độ. Các em không bao giờ thiệt thòi khi bỏ công sức ra học tập.
Giả sử là một chủ doanh nghiệp, các em sẽ lựa chọn ai, có thể là ai khác nữa ngoài những người có thể làm được việc cho mình, mang lại giá trị cho mình.
Cho nên đừng lo nghĩ nhiều đến chuyện xin việc. Việc các em phải lo đó là học, là rèn luyện, là trải nghiệm. Hãy nỗ lực để làm giàu tài khoản bản thân mình bằng kiến thức, kỹ năng từng ngày.
Nếu sau này cầm hồ sơ đi xin việc, có công ty nào từ chối các em vì bằng không đẹp mà không xét xem khả năng của các em đến đâu, các em nên vui vì ít nhất, các em không phải làm việc cho một công ty chỉ đánh giá con người bằng cái bằng. Thử nghĩ xem đối với những công ty như thế, nếu các em là nhân viên, nỗ lực, cống hiến của bản thân có được đánh giá công bằng hay không?
...
Một điều nữa, là người trẻ, các em đừng bao giờ ngại đi, ngại học hỏi, ngại làm cho dù làm sai đi chăng nữa.
Các em không thể ngồi một chỗ rồi nghĩ mình phải làm như thế này như thế kia, mơ tưởng này nọ, lo sợ lung tung được. Các em phải đứng dậy, bước đi, phải xắn ống tay áo lên và làm.
Cho dù không chắc chắn thành công nhưng bài học từ thất bại còn quý giá và đáng nhớ hơn nhiều các em ạ. Câu này cho dù ở thời đại nào vẫn luôn đúng: "Thất bại là mẹ của thành công".
Đừng chỉ chúi đầu cắm cổ vào mớ giáo trình, bài tập trên lớp và áp lực những kỳ thi, những cái đó cần nhưng chưa đủ. Thế giới lý thuyết và thế giới bên ngoài rất khác nhau nên các em phải đi mới biết được.
Đừng ngại tham gia các câu lạc bộ, tổ đội tình nguyện, đó thực sự là một môi trường rất tốt để các em học hỏi. Nhưng cũng đừng lấy việc tham gia ấy làm cái cớ để các em lơ là việc học, để các em đỗ lối cho việc lười nhác. Các em phải tự làm cho mình thay đổi, làm cho mình tốt lên đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện làm điều gì đó tốt cho cộng đồng.
...
Các em còn phải nhớ một điều nữa: các em phải khác biệt chính mình từng ngày.
Trên thế giới có hơn 7 tỷ người, những người có suy nghĩ tích cực, có ý chí phấn đấu cố gắng sẽ xếp hàng đầu tiên và là những người nhận được cơ hội để phát triển. Hãy hỏi mình từng ngày rằng hôm nay mình đã làm được gì để "khác" với mình hôm qua, để "khác" với những người xung quanh, để có thể nâng vị trí của mình trong bảng xếp hạng của hơn 7 tỷ người trên thế giới.
Các em còn trẻ nên đừng bao giờ nghĩ đến chuyện im lặng. Hãy dám tự tin thể hiện những suy nghĩ của mình cho dù trước đây các em có thể sợ người ta nói này nói nọ, các em có thể nghĩ nó chưa hoàn toàn đúng và mình sẽ bị cười. Phải nói các em mới có cơ hội nhận ra mình đúng hay sai. Phải nói các em mới rèn luyện được bản lĩnh của mình, mới tập cách bảo vệ chính kiến của mình.
Các em còn trẻ nên một điều tối kị là sợ này sợ nọ! Đừng vì sự sợ hãi vô căn cứ mà bỏ lỡ đi những cơ hội đáng giá.
...
Các em hãy kết bạn mỗi ngày nhưng đừng bao giờ tầm thường hóa tình bạn. Là một người bạn, các em phải nghĩ đến sứ mệnh của mình: làm cho bạn mình tốt lên. Cho dù các em có phải nói thẳng vào mặt bạn rằng: "Mày đã sai. Mày phải như thế này mới đúng", rồi sau đó bạn em giận em 1 tháng, 1 năm không thèm nói chuyện đi chăng nữa, các em vẫn phải nói. Nếu hôm nay các em lờ đi những sự sai sót của bạn, những suy nghĩ lệch hướng của bạn, các em để bạn đi sai đường thì hãy chấp nhận rằng trong tương lai các em mất đi một người bạn. Như thế chính các em là người có lỗi với người bạn của mình.
...
Lời cuối cùng mà anh muốn nói là các em còn trẻ, các em có rất nhiều thứ mà anh chị năm 2, năm 3 không còn giữ được như là ý chí, nhiệt huyết, nỗ lực, v.v.v..., các em đang nắm trong tay tương lai của mình, hi vọng của bố mẹ cho nên đừng bao giờ lãng phí thời gian của mình, tuổi trẻ của mình.
Hãy luôn nhớ mình là một người trẻ.
 Thắng Sơn Đoàn

Nhận xét