ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN LỊCH SỬ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM HỌC 2017 – 2018



Đáp án tham khảo

Câu I.
- Đến giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản trên đà phát triển, các nước tư bản phương tây đẩy mạnh xâm lược các nước phương Đông. Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia lần lượt trở thành thuộc địa, phụ thuộc của chủ nghĩa thực dân phương tây. Việt Nam cũng không tránh khỏi việc trở thành đối tượng xâm lược của các nước phương Tây, mà đặc biệt là thự dân Pháp.
- Trong bối cảnh đó nhà Nguyễn tuy đã ý thức được nguy cơ xâm lược, nhưng đã có những hành động sai lầm về đối nội và đối ngoại, dẫn tới việc thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta
+ Về đối nội: Triều đình chỉ lo tập trung củng cố nền thống trị của giai cấp phong kiến mà không chăm lo đến đời sống nhân dân. Xu hướng độc quyền công thương của Nhà nước đã hạn chế sự phát triển của sản xuất và thương mại; nông nghiệp không được chăm lo trở nên sa sút, nạn mất mùa đói kém diễn ra liên miên; đời sống nhân dân khó khăn, các cuộc khởi nghĩa chống triều đình liên tục nổ ra. Nền quốc phòng không được củng cố, quân sự lạc hậu không đủ sức chống trả với vũ khí hiện đại của các nước phương tây. Đặc biệt việc cấm đạo, giết đạo đã gây ra những mâu thuẫn, làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, gây bất lợi cho sự nghiệp kháng chiến sau này.
+ Vê đối ngoại: Chính sách “bế quan tỏa cảng” của nhà Nguyễn khuyến khích cho nước ta bị cô lập với thế giới bên ngoài. Đối với Pháp, nhà Nguyễn khước từ mọi quan hệ. Và nhất là việc cấm đạo và đuổi các giáo sĩ phương Tây đã tạo nên cái cớ cho thực dân pháp nổ súng xâm lược nước ta.
- Để nước ta thoát khỏi nguy cơ bị xâm lược triều đình nhà Nguyễn cần thực hiện những chính sách sau:
 + Về kinh tế : Chăm lo, phát triển nông nghiệp để cải thiện đời sống cho nông dân. Có chính sách chia ruộng đất cho dân cày. Mở cửa buôn bán với các nước phương Tây. Áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất kinh tế. Ban bố quyền tự do buôn bán và đi lại, thiết lập chế độ tiền tệ thống nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng.
+ Về giáo dục: Đưa những thành tựu khoa học kĩ thuật vào giảng dạy và áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc. Mở mang trường học, cả trường công lẫn trường tư. Cho người sang du học ở các nước phương Tây.
+ Về văn hóa: cho người dân được tự do tôn giáo, tính ngưỡng, hoạt động truyền đạo dưới sự kiểm soát của nhà nước. Khuyến khích phát triển văn hóa dân tộc, học hỏi văn hóa các nước tiên tiến.
 + Về quốc phòng: Quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây. Tăng cường mua và sản xuất vũ khí đạn dược. Mời giảng viên nước ngoài về giảng dạy và đưa một số sinh viên sĩ quan đi học tập ở các nước phương Tây.
+ Về ngoại giao: duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, thiết lập và mở rộng quan hệ với các nước phương tây, thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc.
Câu II.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858 đến năm 1884 thất bại là do những ngyên nhân sau:
- Triều đình không có đường lối kháng chiến đúng đắn, tư tưởng lại thiên về chủ hoà, không đoàn kết với nhân dân, bạc nhược trước sức mạnh của kẻ thù. Triều đình nhà Nguyễn phải chịu trách nhiệm chính trong việc để mất nước ta vào tay thực dân Pháp.
- Nhân dân yêu nước, chiến đấu anh dũng nhưng các cuộc kháng chiến diễn ra lẻ tẻ, tự phát, dễ bị thực dân Pháp từng bước đàn áp.
- Tương quan lực lượng chênh lệch, đặc biệt là sự chênh lệch về trang bị vũ khí. Quân Pháp tinh nhuệ, được trang bị vũ khí hiện đại, hơn hẳn ta về trình độ tác chiến và tổ chức quân đội.
Nhìn chung, nguyên nhân thất bại chủ yếu là do cuộc khánh chiến của nhân dân ta thiếu một đường lối và giai cấp lãnh đạo đúng đắn.
- Bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam sau này:
+ Cách mạng muốn thành công phải có một tổ chức tiền phong của giai cấp tiên tiến đứng ra lãnh đạo với đường lối đúng đắn. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong của giai cấp công nhân với đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.
+ Phải tập hợp, đoàn kết được toàn dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Vì “dân là gốc”, các cuộc kháng chiến chống xâm lược của cha ông ta trong lịch sử diễn ra thắng lợi đều do đoàn kết được sức mạnh của toàn dân, được sự ủng hộ của nhân dân.
+ Không ngừng xây dựng lực lượng, tăng cường sức mạnh của cách mạng. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước cho cách mạng nước ta.
Câu III.
- Từ cuối thế kỷ XIX đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất, hàng loạt các phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp đã diễn ra với hai khuynh hướng là phong kiến và tư sản.
+ Tiêu biểu cho khuynh hướng phong kiến là phong trào Cần vương (1885 – 1869) với đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo và phong tràp phong trào nông dân Yên Thế kéo dài và quyết liệt nhất do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (1884 – 1913).
+ Tiêu biểu cho khuynh hướng tư sản là phong trào Đông du theo xu hướng bạo động của Phan Bội Châu và phong trào duy tân theo xu hướng cải cách của Phan Châu Trinh.
+ Ngoài ra còn có các hoạt động yêu nước của binh lính, cuộc đấu tranh của đồng bào dân tộc thiểu số, các cuộc đấu tranh buổi đầu của công nhân…
- Các cuộc đấu tranh cuối cùng đều thất bại do khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo
+ Về đường lối đấu tranh, khuynh hướng phong kiến đã quá lỗi thời, còn khuynh hướng tư sản thì một lực lượng tư sản dân tộc đủ mạnh để đứng ra lãnh đạo. Mục tiêu đấu tranh của hai khuynh hướng này đều không giải quyết triệt để được hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc bây giờ là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp (mâu thuẫn dân tộc) và mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân và địa chủ phong kiến (mâu thuẫn giai cấp).
+ Về giai cấp lãnh đạo, thất bại của phong trào Cần Vương cho thấy giai cấp phong kiến và nông dân không có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam; thất bại của khuynh hướng tư sản là do các sĩ phu yêu nước còn hạn chế về tầm nhìn; giai cấp tư sản dân tộc mới hình thành còn nhỏ yếu về địa vị kinh tế - chính trị. Trong bối cảnh giai cấp công nhân mới ra đời là lực lượng tiên tiến nhất nhưng chưa được giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin để có thể lãnh đạo cách mạng Việt Nam theo khuynh hướng vô sản.
- Tóm lại, cuối thế kỷ XIX đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất, cách mạng Việt Nam đang ở thời kỳ khủng hoàng, bế tắc về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo. Cách mạng Việt Nam ví như “trong đêm tối không có đường ra”.
Câu IV.
- Những biến đổi của khu vực Đông Bắc Á sau chiến tranh thế giới thứ hai
+ Thứ nhất, trước và trong chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đông Bắc Á (trừ Nhật Bản) đều bị chủ nghĩa thực dân nô dịch. Sau chiến tranh, các nước này đều giành được độc lập, tiêu biểu là sự ra đời của hai nhà nước Đại Hàn Dân quốc (8/1948) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (9/1948) trên Bán đảo Triều Tiên và sự ra thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (10/1949).
+ Hai là, sau khi thành lập, các quốc gia trong khu vực đã bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và đã giành được những thành tựu quan trọng. Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Công cùng với Xingapo trở thành 4 “con rồng” kinh tế ở châu Á. Trung Quốc từ những năm 80 của thế kỷ XX đã trở thành nước có tốc độ tăng trưởng nhanh và cao nhất thế giới.
- Sự kiện có tác động to lớn đến sự biến đổi của khu vực này là chiến tranh thế giới thứ hai
+ Trong chiến tranh thế giới thứ hai thì bị phát xít Nhật chiếm đóng và thống trị. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với sự thất bại của phát xít Nhật đã tạo đều kiện để các nước Đông Bắc Á giành được độc lập, dù sau đó khu vực này lại chịu sự ảnh hưởng của Liên Xô và Mỹ.
+ Thắng lợi của Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo đều kiện cho hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời ở Đông Âu và châu Á, trong đó có khu vực Đông Bắc Á, mà tiêu biểu là sự thành lập hai nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và cộng Hòa nhân dân Trung Hoa.
Câu V.
- Hoàn cảnh ra đời:
+ Sau khi giành được độc lập, bước vào thời kỳ phát triển trong điều kiện rất khó khăn, nhiều nước trong khu vực thấy cần có sự hợp tác với nhau để cùng phát triển. + Đồng thời, họ cũng muốn hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài đối với khu vực, nhất là khi cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Đông Dương đang bị sa lầy và sự thất bại là không tránh khỏi.
+ Hơn nữa, những tổ chức hợp tác mang tính khu vực trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều, những thành công của khối thị trường chung châu Âu đã cổ vũ các nước Đông Nam Á tìm cách liên kết với nhau.
+ Ngày 8/8/1967 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức được thành lập với sự tham gia của 5 nước thành viên là Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan và Philippin.
- Mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
- Những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các ước ASEAN được xác định trong Hiệp ước Bali (1976) với những nội dung như sau: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực đối với nhau; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác phát triển có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Trách nhiệm của mỗi nước thành viên trong việc xây dựng một cộng đồng ASEAN bền vững
+ Một là, tuân thủ các nguyên tắc trong quan hệ giữa các nước ASEAN theo Hiệp ước Bali 1976 và Hiến chương ASEAN năm 2007.
+ Hai là, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, góp phần tạo nên sức mạnh chung của khối ASEAN.

+ Ba là, phát huy vai trò thành viên trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực và quốc tế, làm cầu nối để ASEAN hội nhập với thế giới.

Hoài Thương

Nhận xét