SINH VIÊN NĂM CUỐI LUÔN BỊ KHỦNG HOẢNG VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ NÀY

Hoang mang về công việc sau khi ra trường

Câu hỏi “ra trường sẽ làm gì?” luôn khiến nhiều sinh viên băn khoăn. Kết thúc những năm tháng trên giảng đường đồng nghĩa với việc bạn bắt đầu hành trình xin việc đầy thử thách. Và bạn phải đối mặt với việc không phải ai sau khi tốt nghiệp cũng tìm được cho mình một công việc như ý. Có người thì sẵn sàng làm bất kì việc gì để kiếm thêm thu nhập, người thì nhất quyết tìm việc theo đúng ngành nghề mình học, nói không với việc “trái nghề”… để rồi dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Vậy đâu mới là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn? Chấp nhận làm một công việc không đúng chuyên ngành hay thất nghiệp để chờ đợi thời cơ? Thật ra câu trả lời phải do chính bạn, phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của bạn. Nếu trong khoảng thời gian chưa kiếm được việc làm đúng chuyên môn nhưng lại mang trong mình gánh nặng về kinh tế, bạn có thể tạm thời làm một công việc trái ngành có nguồn thu ổn định để tiếp tục nuôi dưỡng cơ hội xin những công việc phù hợp với đam mê, sở thích. Hoặc giả, nếu điều kiện cho phép, bạn hãy cứ dành thời gian gõ cửa các cơ quan, công ty nơi mà bạn muốn vào làm để xin thực tập với mức lương thấp hoặc không lương…
Nói chung, hành trình tìm việc không hề dễ dàng và chắc chắn là bạn phải có đủ quyết tâm để vượt khó và đủ bản lĩnh để đối diện với những quyết định trong tương lai sau khi ra trường.

Thiếu các mối quan hệ xã hội

Đây có lẽ là một trong những vấn đề sinh viên thường gặp phải. Và nếu bạn không nỗ lực cải thiện điều này thì bạn có thể bỏ qua nhiều cơ hội trong bước đường tương lai. Trong thời đại ngày nay, sinh viên cần đánh giá đúng tầm quan trọng của các mối quan hệ. “Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội”- Andrew Carnegie, ông vua thép của Mỹ đã từng nói. Còn bạn thì sao nếu cuộc sống đại học của bạn là đường thẳng từ nhà đến trường, từ trường về nhà?

Thiếu kĩ năng mềm

Kiến thức chuyên ngành có được ở trường đại học là yếu tố quyết định giúp các sinh viên có thể lập nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, ngoài kiến thức chuyên môn, để vượt qua thử thách và những khó khăn trên bước đường phía trước mỗi sinh viên cần có và nâng cao các kĩ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng viết CV tìm việc và trả lời phỏng vấn tuyển dụng…
Thực tế, khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhiều sinh viên thường ít chú trọng đến vấn đề này, đến khi ra trường mới thấy bản thân còn nhiều thiếu sót. Thậm chí, trong nhiều trường hợp điều này còn khiến sinh viên “khủng hoảng” vì để mất cơ hội được tiếp cận với công việc.

Lựa chọn nâng cao bằng cấp?

Như đã nói ở trên, sinh viên ra trường chưa chắc đã tìm được việc làm và có việc làm thì cũng chưa chắc là đúng sở thích, chuyên ngành của bản thân. Vì vậy, tiếp tục việc học lên bằng cấp cao hơn hay lựa chọn những chuyên ngành khác trở thành một cứu cánh vô cùng cần thiết cho các sinh viên. Trong số đó, cũng có rất nhiều sinh viên “mông lung” không biết nên hay không nên học tiếp sau khi đã tốt nghiệp.
Tâm lý chung các bạn đều cho rằng, chỉ cần học lên học tiếp, nhiều bằng cấp thì sẽ thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng, cơ hội được lựa chọn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cũng cần hiểu một điều, các nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến kinh nghiệm, năng suất làm việc chứ không phải tấm bằng kia. Vậy nên, nếu có ý định học thêm “vài tấm bằng” cho đỡ thất nghiệp thì bạn nên xem xét lại. Tốt nghiệp ra trường là thời điểm thích hợp để các bạn bắt đầu sử dụng những gì mình đã học qua để áp dụng vào thực tế và để tích lũy kinh nghiệm sau này. Đi làm 1-2 năm sau khi vừa tốt nghiệp, rồi lại tiếp tục học lên sau đó cũng là một sự lựa chọn, học không bao giờ là muộn cả!
Sưu tầm : Trần Phương Linh

Nhận xét