ĐÁP ÁN THAM KHẢO
Trình bày những điểm nổi bật về cách đánh giặc của quân dân Đại Việt dưới thời Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên ở thế kỉ XIII. Nêu đóng góp của Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên.
Những điểm nổi bật về cách đánh giặc của quân dân Đại Việt dưới thời Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên ở thế kỉ XIII:
+Chủ động rút lui bảo toàn lực lượng, tránh chỗ mạnh của địch, đánh vào chỗ yếu của kẻ thù; phát động cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, thực hiện kế hoạch “thanh dã”.
+Sử dụng nghệ thuật “công tâm” đánh vào lòng người; lấy sức nhàn chống kẻ địch mệt mỏi, khi địch rơi vào thế khó khăn quân dân Đại Việt thời Trần chủ động mở cuộc tấn công chiến lược đuổi quân xâm lược Mông – Nguyên về nước. Đó là sự nhạy bén chớp thời cơ trong cuộc kháng chiến.
+Chọn trận quyết chiến chiến lược – trận Bạch Đằng đúng đắn, sáng tạo nhằm đập tan âm mưu xâm lược của quân Mông – Nguyên.
Đóng góp của Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên:
+Trần Quốc Tuấn là một trong những người lãnh đạo trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược, đề ra những chiến lược, sách lược cho toàn bộ cuộc kháng chiến và chiến thuật cho từng trận chiến.
+Trần Quốc Tuấn là tấm gương sáng và trung tâm đoàn kết trong nội bộ triều đình, giữa triều đình với quân dân; là người khích lệ tướng sĩ và quần chúng nhân dân anh dũng, kiên cường kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên với tinh thần “Sát thát”.
Câu 2. (3,0 điểm)
Phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam đầu thế kỉ XX diễn ra theo khuynh hướng chính trị nào? Phân tích những điều kiện lịch sử dẫn tới sự xuất hiện khuynh hướng cứu nước đó.
Phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam đầu thế kỉ XX diễn ra theo khuynh hướng chính trị là khuynh hướng dân chủ tư sản do các sĩ phu yêu nước tiến bộ lãnh đạo với hai xu hướng chính là bạo động và cải cách với hai đại diện tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
Những điều kiện lịch sử dẫn tới sự xuất hiện khuynh hướng cứu nước:
Về chính trị, cho đến năm 1896, cùng với sự thất bại của cuộc Khởi nghĩa Hương Khê, phong trào Cần vương đã thất bại. Thất bại của phong trào Cần vương đã chứng tỏ con đường cứu nước dưới ngọn cờ lãnh đạo của các sĩ phu, văn thâm yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến là không thành công, độc lập tự do không gắn liền với chế độ phong kiến. Trong hoàn cảnh đó, những người yêu nước Việt Nam cần phải đi tìm chân lí cứu nước mới.
Về kinh tế, từ năm 1897 đến năm 1914, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa trên toàn Đông Dương. Để phục vụ đắc lực cho cuộc khái thác, bóc lột kinh tế, thực dân Pháp đã xây dựng hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ; đẩy mạnh khai thác mỏ, trước hết là mỏ than. Chúng tiến hành xây dựng một số nhà máy điện, nước, xi măng, dệt, xây xát gạo… Chính sách khai thác, bóc lột của thực dân Pháp làm cho cơ cầu nền kinh tế ở Việt Nam bước đầu thay đổi. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bước đầu du nhập vào Việt Nam. Sự biến đổi về kinh tế chủ yếu diễn ra ở một số vùng mang tính cục bộ. Về cơ bản, nền kinh tế Việt Nam đã mang tính chất nửa phong kiến. Sự biến đổi về kinh tế còn rất hạn chế, nhưng nó là cơ sở kinh tế cho phong trào yêu nước với khuynh hướng cứu nước mới.
Về xã hội, chính sách cai trị, khai thác, bóc lột của thực dân Pháp đã kéo theo sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc. Giai cấp công nhân ra đời; tầng lớp tư sản và tiểu tư sản xuất hiện; giai cấp địa chủ phân hóa; giai cấp nông dân trở thành nạn nhân của những chính sách khai thác thuộc địa. Trong khi các giai cấp, tầng lớp trên chưa đủ sức lãnh đạo thì các sĩ phu Nho học cũng có nhiều chuyển biến về tư tưởng chính trị. Họ không chỉ độc các kinh sách Nho giáo mà còn đọc các cuốn sách mới của các tác giả ở Châu Âu và Trung Quốc, hô hào lập trường học, dạy học theo lối mới, mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đó là lãnh đạo của phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX. Họ chưa phải là tư sản, cũng chưa phải là vô sản, cũng không phải là giai cấp địa chủ phong kiến mà là sĩ phu yêu nước tiến bộ. Những sĩ phu đang trên con đường tư sản hóa đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu luồng tư tưởng cách mạng mới, để dấy lên phong trào yêu nước và cách mạng mang màu sắc dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX. Như vậy, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đã làm nảy sinh lực lượng xã hội mới. Sự biên động này đã tạo những điều kiện bên trong cho cuộc vận động giải phóng dân tộc theo khuynh hướng mới, khuynh hướng dân chủ tư sản.
Về tư tưởng, đầu thế kỉ XX, hệ tư tưởng dân chủ tư sản được du nhập vào Việt Nam qua các Tân thư, Tân báo được đưa vào Việt Nam nhất là các tác phẩm của Vôn-te, Ru-xô, Mông-te-xki-ơ. Ảnh hưởng của Cuộc cải cách Minh Trị (1868) ở Nhật Bản, rồi ảnh hưởng của những tư tưởng Cải cách chính trị và văn hóa ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX (tư tưởng của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu) và muộn hơn là ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi năm 1911 ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Trung Hoa Đồng Minh Hội-một tổ chức của Tôn Trung Sơn. Hệ tư tưởng dân chủ tư sản du nhập vào nước ta đã tác động đến nhận thức và hành động của các tầng lớp sĩ phu yêu nước cấp tiến.
Câu 3. (2,5 điểm)
Nêu sự khác nhau về việc xác định hình thức, phương pháp đấu tranh và khẩu hiệu đấu tranh cách mạng trong phong trào dân chủ 1936-1939 so với phong trào cách mạng 1930-1931 ở Việt Nam. Lí giải vì sao có sự khác nhau đó?
Sự khác nhau về việc xác định hình thức, phương pháp đấu tranh và khẩu hiệu đấu tranh cách mạng trong phong trào dân chủ 1936-1939 so với phong trào cách mạng 1930-1931 ở Việt Nam:
Tiêu chí Phong trào Cách mạng 1930-1931 Phong trào Dân chủ 1936-1939
Hình thức đấu tranh Bí mật, bất hợp pháp, bạo động vũ trang. Kết hợp hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp
Phương pháp Phong phú và quyết liệt, như bãi công, biểu tình, bãi khóa, bãi thị, mittin, bao vây huyện đường, thành lập đội tự vệ… Rất phong phú, như mittin, hội họp, lập hội buôn, lập đoàn, đấu tranh báo chí, đấu tranh nghị trường, đưa đơn kiến nghị,…
Khẩu hiệu “Độc lập dân tộc, ruộng đất dân cày”. Chống chiến tranh đế quốc, phản động thuộc địa, đòi tự do dân sinh dân chủ cơm áo hòa bình
Sở dĩ có sự khác nhau đó là vì hoàn cảnh lịch sử thay đổi.
Từ năm những năm 30 của thế kỉ XX, các thế lực phát cầm quyền ở một số nước như Đức, Italia, Nhật Bản ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh chia lại thị trường thế giới. Sự xuất hiện hiện chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh đe dọa nền hòa bình và an ninh thế giới. Tháng 7/1935, Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản họp tại Matxcova (Liên Xô), chỉ rõ nguy cơ phát xít và chiến tranh thế giới, chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân thế giới rộng rãi, thực hiện nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hòa bình an ninh thế giới. Tháng 6/1936, Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, ban hành nhiều chính sách tự do dân chủ, trong đó có những chính sách được áp dụng ở những nước thuộc địa, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Sau một thời gian đấu tranh kiên trì và gian khổ, Đảng Cộng sản Đông Dương và phong trào cách mạng được phục hồi. Một số tù chính trị được thả tự do đã nhanh chóng tìm cách hoạt động trở lại. Tháng 7/1936, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) xác định nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình; phương pháp đấu tranh là kết hợp hình thức đấu tranh công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương nhằm tập hợp lực lượng rộng rãi mọi lực lượng dân chủ chống phát xít. Ở Đông Dương, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do chính sách tăng thuế của chính quyền thuộc địa. Vì thế, họ hăng hái đấu tranh đòi tự do cơm áo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong Phong trào Dân chủ 1936-1939, một phong trào cách mạng diễn ra trên quy mô rộng lớn, lôi kéo đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, với những hình thức tổ chức và đấu tranh phong phú, quần chúng được tổ chức, giác ngộ và rèn luyện thực tiễn đấu tranh đòi quyền lợi hằng ngày, trở thành một lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng.
Câu 4. (3,0 điểm)
Phân tích lí do thành lập và vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nguyên nhân thành lập Mặt trận Việt Minh:
+ Yêu cầu tập hợp lực lượng toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do: Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và ngày càng lan rộng, tác động đến tình hình Việt Nam... Phát xít Nhật vào Đông Dương (9-1940). Nhân dân Việt Nam phải chịu hai tầng áp bức, “quyền lợi của mọi bộ phận, mọi giai cấp đều bị cướp giật, vận mệnh dân tộc nguy vong không lúc nào bằng”. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược và tay sai phát triển gay gắt, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt ra vô cùng cấp thiết. Cần huy động lực lượng toàn dân tộc đứng lên tự giải phóng.
+ Yêu cầu giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương: Đông Dương có ba quốc gia dân tộc, cùng đoàn kết chống kẻ thù chung, nhưng ở mỗi nước có những đặc điểm riêng, cần phải giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước. Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, chỉ đạo xây dựng thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương, quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận riêng: Việt Nam độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh.
Vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945
+ Đoàn kết mọi người Việt Nam có lòng yêu nước thương nòi, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; cô lập cao độ kẻ thù đế quốc và tay sai để chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chúng.
+ Đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị tiến lên Tổng khởi nghĩa: Việt Minh là nơi tổ chức, giác ngộ và rèn luyện lực lượng chính trị cho Cách mạng tháng Tám, một lực lượng cơ bản và có ý nghĩa quyết định trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; tạo cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng.
+ Động viên toàn dân tham gia cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật; đi từ khởi nghĩa từng phần, tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; góp phần cùng phe Đồng minh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.
Câu 5. (3,0 điểm)
Lí giải vì sao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại thay đổi sách lược đối phó với thực dân Pháp và Trung Hoa Dân quốc trước và sau ngày 6/3/1946. Nêu tác dụng của việc thay đổi sách lược đó.
Trước và sau ngày 6/3/1946, sách lược của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thực dân Pháp và Trung Hoa Dân quốc khác nhau:
+Trước ngày 6/3/1946: Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sách lược: Hòa hoãn với Trung Hoa Dân quốc ở miền Bắc; kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam.
+Sau ngày 6/3/1946: Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sách lược: Hòa hoãn với Pháp và Trung Hoa Dân quốc.
Sở dĩ có sự khác nhau đó là vì hoàn cảnh lịch sử thay đổi.
+Trước ngày 28/2/1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước nhiều kẻ thù xâm lược đông và mạnh trong khi đất nước đứng trước tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”, trong đó Pháp là kẻ thù chính và phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Trong khi đó, Trung Hoa Dân quốc có những mâu thuẫn nội tại mà Đảng và Chính phủ có thể lợi dụng. Trong điều kiện đó, Đảng và Chính phủ đã chủ trương hòa với Trung Hoa Dân quốc, kháng chiến chống Pháp.
+Ngày 28/2/1946, Hiệp ước Hoa – Pháp đã làm cho tình hình thay đổi. Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trước một trong hai con đường lựa chọn: hoặc là đánh Pháp không cho quân Pháp ra miền Bắc hoặc là hòa với Pháp cho Pháp ra miền Bắc, gạt 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc về nước. Trước tình hình đó, ngày 3/3/1946, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “Hòa để tiến”. Ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí với G. Xanhtơni (đại diện Chính phủ Pháp) kí Hiệp định Sơ bộ.
Tác dụng của việc thay đổi sách lược:
Với việc kí Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), tạm thời hòa hoãn với Pháp là chủ trương đúng đắn và kịp thời của Chính phủ cách mạng. Ta đã ngăn chặn được âm mưu bắt tay của thực dân Pháp với Trung Hoa Dân quốc, nhanh chóng gạt 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc và tay sai ra khỏi nước ta, tránh một cuộc đụng độ nổ ra quá sớm và bất lợi cho ta, tạo thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu về sau.Và đồng thời tránh trường hợp cùng lúc đối phó với nhiều kẻ thù.
Chỉ trong một năm đầu sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong bối cảnh cực kì khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng bằng những hoạt động đấu tranh ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, từng bước phân hóa và loại bỏ những kẻ thù, chuẩn bị đầy đủ để bước vào cuộc trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
Câu 6. (3,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: Liên hợp quốc cần phải thay đổi mới có thể xử lí những thách thức toàn cầu hiện nay. Hãy đưa ra quan điểm của anh/ chị về ý kiến trên.
Liên hợp quốc cần phải thay đổi mới có thể xử lí những thách thức toàn cầu hiện nay là ý kiến hoàn toàn chính xác.
Giải thích ý kiến:
+Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn với nhiều trung tâm quyền lực mới nổi, những nền kinh tế mới và với hệ thống đa cực. Trong khi đó, những mối nguy hiểm xuyên quốc gia như khủng bố, li khai, tội phạm mạng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, di dân,… đang vắt kiệt sức của các quốc gia và số các cuộc đấu tranh vũ trang trên toàn cầu ngày một gia tăng trong vài năm gần đây. Trong hoàn cảnh đó, thế giới rất cần cơ quan quyền lực của Liên hợp quốc, đó chính là Hội đồng Bảo an cần phải hiệu quả hơn và hợp pháp hơn.
+Tính đại diện, khả năng giải quyết vấn đề yếu kém. Thành phần của Hội đồng Bảo an chưa phản ánh đầy đủ địa – chính trị thế giới. Nhóm Tây Âu và các quốc gia khác chiếm 3/5 ghế trong Uỷ viên thường trực, trong khi nhóm Đông Âu có 1 ghế (Nga), nhóm châu Á – Thái Bình Dương có 1 mình Trung Quốc, châu Phi hay Mĩ Latinh đều không có ghế nào.
Câu 7. (3,0 điểm)
Nêu những sự kiện chính từ nửa những năm 70 đến năm 2000 để làm rõ chính sách ngoại giao mới của Nhật Bản.
Năm 1973, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Năm 1978, Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật được kí kết. Tháng 8/1977, với học thuyết Phucưđa, đánh dấu sự “trở về” Châu Á của Nhật Bản. Năm 1991, Nhật Bản đưa ra học thuyết Kaiphu là tiếp tục phát triển học thuyết Phucưđa trong hoàn cảnh lịch sử mới, nhằm củng cố mối quan hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với các nước Đông Nam Á.
Từ năm 1991, Nhật Bản tiếp tục liên minh chặc chẽ với Mĩ, tháng 4/1996, Hiệp ước an ninh Mĩ-Nhật được tái khẳng định kéo dài vĩnh viễn. Mặt khác, Nhật Bản vẫn coi quan hệ với Tây Âu và mở rộng đối ngoại với các nước trên phạm vi trên phạm vi toàn cầu. Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản với các nước NICs và ASEAN phát triển mạnh. Nhật Bnả chú trọng quan hệ củng cố quan hệ với kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với các nước ASEAN.
Vai trò, vị trí và ảnh hưởng của Nhật Bản ngày càng lớn trên trường quốc tế cả kinh tế và chính trị.
Chính sách đối ngoại của Nhật Bản, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xu hướng về Châu Á ngày càng đậm nét trong đường lối đối ngoại của Nhật Bản.
Từ nửa sau những năm 70 của thế kỉ XX, với tiềm lực kinh tế - tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện trong Học thuyết Phucưđa (1977) và Học thuyết Kaiphu (1991). Nội dung cơ bản của các học thuyết này là tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với các nước Đông Nam Á và tổ chức ASEAN. Nhật Bản thiết lập quan hệ với Việt Nam năm 1973.
Từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng suy thoái, nhưng Nhật Bản vẫn là một trong ba trung tâm kinh tế-tài chính lớn nhất của thế giới. Về đối ngoại, với cac Học thuyết Miyadaoa (1993) và Hasimôtô (1997), Nhật Bản vẫn coi trọng mối quan hệ với Mĩ và các nước Tây Âu, mở rộng hoạt động đối ngoại với các đối tac trên phạm vi toàn cầu và chú trọng phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Bằng những thay đổi lớn trong đường lối đối ngoại của mình, đặc biệt là sự “trở về” Châu Á của Nhật Bản đã cho thấy quốc gia này nỗ lực vươn lên thành một cường quốc chính trị để tương xứng với vị thế siêu cường kinh tế.
Huỳnh Thanh Mộng
Nhận xét
Đăng nhận xét