ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN LỊCH SỬ TỈNH QUẢNG TRỊ NĂM HỌC 2017 – 2018












Đáp án tham khảo


Câu 1.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh đất nước đang lâm vào tình trạng khủng hoảng về mọi mặt dưới sự thống trị của triều đình phong kiến nhà Nguyễn:
Về đối nội, triều đình chỉ lo ra sức củng cố nền thống trị của giai cấp địa chủ và tư tưởng Nho giáo; nhiều chính sách của triều đình gây bất lợi cho nền kinh tế, nông nghiệp, công - thương nghiệp ngày càng sa sút; đời sống nhân dân khổ cực, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa chống triều đình nổ ra khắp nơi. Việc chống đạo, giết đạo đã làm tạo điều kiện cho kẻ thù bên ngoài lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Về đối ngoại, chính sách đóng cửa đã làm cho nước ta bị cô lập; nền quốc phòng yếu kém khiến cho đất nước không đủ sức chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.
Trong khi đó trên thế giới, chủ nghĩa tư bản trên đà phát triển, các nước tư bản phương Tây đang ráo riết mở rộng chiến tranh xâm lược sang phương Đông. Đến giữa thế kỷ XIX, một loạt các nước châu Á, trong đó có Đông Nam Á bị biến thành thuộc địa. Từ khi thất thế ở Ca-na-đa, Ấn Độ…Pháp càng muốn có thuộc địa ở Viễn Đông, mà trước hết là Việt Nam.
Đến giữa thế kỷ XIX, khi mâu thuẫn Anh – Pháp đã dịu bớt, thực dân Pháp có điều kiện tập trung lực lượng, tổ chức cuộc tấn công đánh chiếm Việt Nam. Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công và từng bước xâm chiếm nước ta. Lúc này chúng đã thiết lập được những cơ sở chính trị, xã hội đầu tiên trên đất nước ta, thông qua hoạt động của Hội truyền giáo nước ngoài trước đó.
Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, quân dân ta đã chống trả quyết liệt, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp, buộc chúng phải chuyển sang kế hoạch “chiếm từng gói nhỏ”.
Nhưng càng về sau, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển dần thành hai trận tuyến: trận tuyến của quân đội dưới sự lãnh đạo của triều đình và trận tuyến của nhân dân tự đứng lên chống Pháp.
Trên trận tuyến của quân đội, tuy triều đình Huế có tổ chức kháng chiến nhưng do thiếu ý chí, quyết tâm, lại không có đường lối chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, lực lượng lại chênh lệch có lợi cho kẻ thù…nên các vùng lãnh thổ Việt Nam lần lượt rơi vào tay Pháp. Cuối cùng triều đình Huế đã buộc phải cắt đất cầu hòa, rồi đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Hiệp ước Patơnốt ngày 6/6/1884 đã đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của triều đình phong kiến nước ta trước thế lực xâm lăng là tư bản Pháp, kết thúc giai đoạn tồn tại của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập.
Trái với thái độ yếu ớt của triều đình Huế, ngay từ đầu nhân dân ta đã đứng dậy chiến đấu ngoan cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống yên bình của quê hương. Cuộc chiến tranh nhân dân diễn ra liên tục, đều khắp với tinh thần dũng cảm vô song đã khiến thực dân Pháp phải chịu nhiều tổn thất và phải mất 26 năm để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược một nước Việt Nam nhỏ bé.
Đây chính là đặc điểm lớn nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1884. Chính thái độ đầu hành của triều đình nhà Nguyễn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thất bại của cuộc kháng chiến và nước ta trở thành thuộc địa của Pháp.

Câu 2.
- Nguồn gốc của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ là do những đòi hỏi của cuộc sống và của sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của con người. Nhất là trong tình hình bùng nổ dân số và sự vơi cạn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
- Đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ là khoa học- kỹ thuật trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp: Mọi phát minh kỹ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học. Khoa học gắn liền với kỹ thuật, khoa học đi trước mở đường cho kỹ thuật. Kỹ thuật lại đi trước mở đường cho sản xuất. Khoa học tham gia trực tiếp vào sản xuất, là nguồn gốc chính của những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ.
- Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ có những tác động tích cực về nhiều mặt như tăng năng suất lao động, không ngừng nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của con người. Từ đó dẫn đến những thay đối lớn về cơ cấu dân cư, chất lượng nguồn nhân lực, những đòi hỏi mới về giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, sự hình thành một thị trường thế giới với xu thế toàn cầu hóa.Tuy nhiên, cuộc cách mạng khoa học – cộng nghệ cũng gây ra những hậu quả tiêu cực (chủ yếu do chính con người tạo nên) như tình trạng ô nhiễm môi trường trên hành tinh cũng như trong vũ trụ, hiện tượng Trái Đất nóng dần lên, những tai nạn lao động và giao thông, các loại bệnh dịch mới…nhất là việc chế tạo những loại vũ khí hiện đại có sức công phá hủy diệt khủng khiếp, có thể tiêu diệt nhiều lần sự sống trên hành tinh.
- Việc sử dụng internet đang mang lại những tác động tích cực và hạn chế:
+ Về mặt tích cực: internet là nguồn cung cấp thông tin và tri thức khổng lồ, mọi người có thể truy cập thông tin cho công việc, học tập mọi lúc mọi nơi; internet giúp mọi người kết nối với nhau để giao lưu, học hỏi và phục vụ cho công việc; ngoài ra internet còn có những chương trình bổ ích giúp cải thiện đời sống tin thần cho con người.
+ Về mặt hạn chế: internet cũng là môi trường thuận lợi của những tội phạm an ninh mạng với hành vi đánh cắp dữ liệu, phát tán thông tin thất thiêt…; những kênh thông tin đồi trụy trên internet đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi và đạo dức của con người, tệ nạn nghiện game đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của giới trẻ.
- Liên hệ bản thân: Internet như là một con dao hai lưỡi, do đó chúng ta không nên lạm dụng nó. Là một học sinh, tôi đã tận dụng internet để tìm kiếm thông tin và học tập trên mạng. Tôi cũng sử dụng internet để giải trí như xem phim, nghe nhạc nhưng tuyệt đối nói không nghiện game và tránh những kênh thông tin không lành mạnh. Tôi đã sử dụng tốt internet và hoàn toàn làm chủ nó.

Câu 3.
Sự giống nhau và khác nhau giữa trào lưu cải cách duy tân ở nửa sau thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ở Việt Nam:
- Điểm giống nhau:
+ Đều xuất phát từ lòng yêu nước của các sĩ phu tiến bộ, mong muốn duy tân, phát triển đất nước để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
+ Đều được khởi xướng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…
+ Đều thất bại do nhiều nguyên nhân, các trào lưu chỉ làm nên một cuộc vận động cải cách chứ chưa thể làm nên một cuộc cách mạng tư sản. Song thể hiện lòng yêu nước có các sĩ phu và để lại nhiều bài học kinh nghiệm.
- Điểm khác nhau:
+ Trào lưu cải cách duy tân nửa cuối thế kỷ XIX trên thực chất là những đề nghị cải cách của các quan lại, sĩ phu có tư tưởng tiến bộ lên triều đình Huế, do đó quyền quyết định thực hiện là ở triều đình. Còn trào lưu cải cách duy tân đầu thế kỷ XX là do các sĩ phu yêu nước tiến bộ đang trên con đường tư sản hóa, đứng đầu là Phan Châu Trinh đứng ra khởi xướng và thực hiện.
+ Trào lưu cải cách duy tân nửa sau thế kỷ XIX diễn ra khi cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn đang tiếp diễn, nước ta còn giữ được độc lập nên mục tiêu là mong cho nước nhà cường thịnh, có thể đương đầu với sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Trào lưu cải cách duy tân đầu thế kỷ XX diễn ra khi nước ta đã trở thành thuộc địa của Pháp mục tiêu là đánh đuổi thực dân Pháp thông qua việc nâng cao dân trí, dân quyền.
+ Trào lưu cải cách duy tân nửa sau thế kỷ XIX vẫn chấp nhận chế độ phong kiến còn trào lưu duy tân đầu thế kỷ XX thì đả kích chế độ phong kiến, mong muốn xây dựng đất nước theo con đường dân chủ.
+ Những đề nghị cải cách trong trào lưu cải cách duy tân nửa sau thế kỷ XIX không đường triều đình nhà Nguyễn bảo thủ chấp nhận thực hiện. Còn trào lưu cải cách duy tân đầu thế kỷ XX đã được thực hiện rộng rãi, phát triển thành phong trào duy tân ở Trung kỳ và Bắc kỳ, dẫn đến sự bùng nổ phong trào chống thuế Trung kỳ năm 1908.

Câu 4.
- Sau nhiều năm đối đầu căng thẳng, tháng 12/1989 Mỹ và Liên Xô cùng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh. Nhưng mãi đến năm 1991, khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ kéo theo sự tan rã của trật tự hai cực Ianta thì chiến tranh lạnh mới thật sự chấm dứt. Từ năm 1991 tình hình thế giới đã diễn ra những thay đổi to lớn và phức tạp, phát triển theo các xu hướng chính sau đây:
+ Một là, trật tự thế giới “hai cực” đã sụp đổ, nhưng trật tự thế giới mới đang trong quá trình hình thành theo xu hướng “đa cực”, với sự vươn lên của các cường quốc như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Liên bang Nga, Trung Quốc.
+ Hai là, sau Chiến tranh lạnh, hầu như các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế để xây dựng sức mạnh thực sự của mỗi quốc gia.
+ Ba là, sự tan rã của Liên Xô đã tạo ra cho Mỹ một lợi thế tạm thời, giới cầm quyền Mỹ ra sức thiết lập trật tự thế giới “một cực” do Mỹ làm bá chủ. Nhưng tương quan lực lượng giữa các cường quốc, Mỹ không dễ gì thực hiện tham vọng đó.
+ Bốn là, sau Chiến tranh lạnh, hòa bình thế giới được củng cố, nhưng ở nhiều khu vực tình hình lại không ổn định với những cuộc chiến, xung đột đẫm máu kéo dài như ở bán đảo Ban căng, ở một số nước châu Phi và Trung Á.
- Bước sang thế kỷ XXI, với sự tiến triển của xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, nhưng cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 đã đặt các quốc gia, dân tộc phải đối mặt với những thách thức to lớn, trong đó có Việt Nam.
- Những thời cơ và thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay:
+ Về thời cơ: Xu thế hòa bình, hợp tác phát triển và xu thế toàn cầu hóa kinh tế đã tạo thuận lợi cho nước ta mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác phát triển quốc tế. Mặt khác, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đã nâng cao thế và lực của nước ta trên trường quốc tế, tạo tiền đề mới cho quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế.

+ Về thách thức: Nước ta đứng trước nguy cơ bị tụt hậu về kinh tế, không đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập; bị “hòa tan” trong quá trình hội nhập, đánh mất bản sắc dân tộc; những vấn đề toàn cầu như phân hóa giàu nghèo, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia... gây tác động bất lợi đối với nước ta. Ngoài ra, lợi dụng toàn cầu hóa, các thế lực thù địch sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” chống phá chế độ chính trị và sự ổn định phát triển của nước ta.
Trong bối cảnh đó, năm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới, đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và nhân dân ta.

Câu 5.
- Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện trong các văn kiện như Chính cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng…do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.
- Cương lĩnh bao gồm những nội dung chính sau:
+ Cương lĩnh xác định đường lối chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
+  Nhiệm vụ của cuộc cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, làm cho Việt Nam được độc lập, tự do, lập chính phủ công nông binh, tổ chức quân đội công nông; tịch thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc; tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng chia cho dân cày nghèo, tiến hành cách mạng ruộng đất…
+ Lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức; còn phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản thì lợi dụng hoặc trung lập, đồng thời phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới.
+ Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp vô sản sẽ giữ vai trò lãnh đạo cách mạng.
- Như vậy, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định được nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là chống đế quốc và phong kiến nhằm đem lại độc lập cho dân tộc và đem lại ruộng đất cho dân cày, tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh cũng đã nêu bật vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân với lực lượng cách mạng là toàn thể nhân dân lao động Việt Nam; về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
- Đây là một cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc sáng tạo và độc đáo, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Độc lập và tự do là tư tưởng cốt lõi của cưỡng lĩnh này.

Câu 6.
- Những sự kiện lịch sử liên quan đến Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945:
+ Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thảo ra Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
+ Tháng 3/1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã cử Nguyễn Ái Quốc làm đại diện của Đảng tại Quốc tế Cộng sản.
+ Ngày 28/1/1941 Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941) tại Pác Bó (Cao Bằng) để hoàn chỉnh chủ trương đưa ngọn cờ giải phóng dân tộc lên làm nhiệm vụ hàng hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Sau đó, Người cùng với Đảng lãnh đạo toàn dân tích cực chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
+ Tháng 8/1942, với tên gọi mới là Hồ Chí Minh, Người lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cho cách mạng Việt Nam.
+ Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, tổ chức này chính là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
+ Tháng 5/1945, Hồ Chí Minh rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang). Theo chỉ thị của Người, ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một số vùng phụ cận. Tân Trào được chọn làm thủ đô của Khu giải phóng và là trung tâm chỉ đạo cách mạng trong cả nước.
+ Tháng 8/1945, khi Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ cách mạng xuất hiện, Người cùng với Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng (14-15/8) và Đại hội quốc dân (16-17/8) quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền và Người được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.
+ Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra thành công, Người về Hà Nội chuẩn bị mọi mặt cho ngày lễ Quốc khánh. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, tự do, kỷ nguyên nhân dân lao động nắm chính quyền, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc; kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội.

Hoài Thương





















Nhận xét