ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN LỊCH SỬ TỈNH HẢI DƯƠNG NĂM HỌC 2017 – 2018

Đề thi


Đáp án chính thức

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 12
NĂM HỌC 2017-2018


Câu
Kiến thức cần trình bày
Điểm
1
Đánh giá về trách nhiệm của triều Nguyễn đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX, Charles Gosselin viết: “Những vị hoàng đế An Nam phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ và xuống dốc của đất nước họ…”. Phát biểu suy nghĩ của em về nhận định trên.

* Trách nhiệm của triều Nguyễn đối với sự “xuống dốc” của đất nước:


- Giữa thế kỉ XIX, trước nguy cơ xâm lược, với tư cách, vai trò quản lý đất nước, triều Nguyễn vẫn thực hiện chính sách cai trị bảo thủ, sai lầm, thiển cận (củng cố chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền đã lỗi thời; không chăm lo phát triển kinh tế, độc quyền công thương nghiệp, thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”; không củng cố quốc phòng; thực hiện chính sách đối ngoại sai lầm, cấm đạo…)
0.5

- Hậu quả: Chế độ phong kiến ngày càng khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng. Thế và lực của đất nước suy kiệt, khối đoàn kết dân tộc bị rạn nứt, đất nước bị cô lập và mất khả năng phòng thủ …
0.25

* Trách nhiệm của triều Nguyễn đối với sự “đổ vỡ” của đất nước:


- Khi đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, với vai trò trực tiếp lãnh đạo và tổ chức kháng chiến, triều Nguyễn không có đường lối kháng chiến đúng, tiếp tục khước từ những đề nghị cải cách duy tân, đi từ “thủ hòa” sang “chủ hòa”, phản bội phong trào kháng chiến của nhân dân, bỏ lỡ nhiều cơ hội tiêu diệt địch, từng bước đầu hàng thực dân Pháp…
0.5

- Hậu quả: để mất độc lập chủ quyền từng bước đến hoàn toàn. Cuối thế kỉ XIX, Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp…
0.25

* Đặt trong bối cảnh lịch sử nửa cuối thế kỉ XIX: nghĩa tư bản đang phát triển mạnh mẽ, đẩy mạnh xâm lược thuộc địa, hầu hết các nước Á, Phi, Mĩ Latinh đã bị xâm lược (bị xâm lược và mất nước không phải là ngoại lệ). Mặt khác, so sánh tương quan lực lượng chênh lệch (Pháp là kẻ thù hơn ta cả một phương thức sản xuất); triều Nguyễn trong thời gian đầu có tổ chức đánh giặc…
Tuy nhiên, một số quốc gia nhờ thức thời, tiến hành cải cách đã thoát khỏi khủng hoảng và bảo vệ được độc lập (Nhật Bản, Xiêm) …
0.25

=> Triều Nguyễn phải chịu trách nhiệm lớn đối với vận mệnh dân tộc - trách nhiệm chính trong việc để đất nước suy yếu và mất nước vào tay thực dân Pháp nửa cuối thế kỉ XIX (nhận định của Charles Gosselin đúng nhưng chưa thật đầy đủ).
0.25
2
Trên cơ sở phân tích mục tiêu, lãnh đạo của phong trào Cần Vương và phong trào nông dân Yên Thế, hãy rút ra tính chất nổi bật của hai phong trào. Từ thất bại của các phong trào đó, có thể rút ra những bài học lịch sử gì?

* Phong trào Cần Vương
- Mục tiêu: giúp vua cứu nước, chống Pháp giành độc lập, khôi phục chế độ phong kiến tiến bộ …

0.25

- Lãnh đạo: chủ yếu là các văn thân sĩ phu yêu nước, bị chi phối nặng  nề bởi tư tưởng Nho giáo, tư tưởng “trung quân ái quốc” (tiêu biểu là Phan Đình Phùng, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thiện Thuật …)…
0.25

=> Tính chất nổi bật: yêu nước, chống xâm lược trên lập trường phong kiến.
0.25

* Phong trào nông dân Yên Thế


- Mục tiêu: chống chính sách cướp bóc và bình định quân sự của thực dân Pháp, bảo vệ quê hương, bảo vệ cuộc sống…
0.25

- Lãnh đạo: là thủ lĩnh nông dân (tiêu biểu là Đề Nắm, Đề Thám, Cả Dinh, Cả Huỳnh…)…
0.25

=> Tính chất nổi bật: là phong trào yêu nước, mang tính chất tự vệ (tự phát).
0.25

* Bài học lịch sử rút ra từ thất bại của phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX…


- Thất bại của hai phong trào là do các nguyên nhân khách quan và chủ quan (tương quan so sánh lực lượng chênh lệch; nổ ra lẻ tẻ, thiếu sự liên kết phối hợp; do hạn chế của lực lượng lãnh đạo, hạn chế về hình thức và phương pháp đấu tranh…)
0.25

- Bài học lịch sử: muốn đấu tranh thắng lợi phải nổ ra đúng thời cơ, phải có sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến với đường lối đúng đắn …
0.25
3
Tại sao trong những năm 1897 – 1914, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam? Phân tích tác động tích cực của cuộc khai thác đối với nước ta trong khoảng thời gian đó?

* Nguyên nhân thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam:


- Khai thác, bóc lột thuộc địa là mục đích của bất kì cuộc chiến tranh xâm lược nào của các nước đế quốc, trong đó có Pháp…
0.25

- Với việc đàn áp xong phong trào Cần Vương (1896), thực dân Pháp cơ bản bình định được Việt Nam bằng quân sự. Tình hình Việt Nam tương đối ổn định tạo điều kiện cho Pháp tiến hành cuộc khai thác…
0.25

- Năm 1897, Chính phủ Pháp cử Pôn Đu-me sang làm Toàn quyền Đông Dương để hoàn thiện bộ máy cai trị và tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất.
0.25

- Mục đích: bù đắp thiệt hại do cuộc chiến tranh xâm lược gây ra, khai thác bóc lột thuộc địa phục vụ cho sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc Pháp, đồng thời xây dựng cơ sở cho nền thống trị thuộc địa lâu dài…
0.25

* Khái quát nội dung cuộc khai thác: chính sách cướp đoạt ruộng đất, tập trung khai thác mỏ, phát triển công nghiệp nhẹ (điện, nước…), chú trọng xây dựng hệ thống giao thông vận tải…
0.25

* Tác động: Tuy bản chất cuộc khai thác là bóc lột thuộc địa nhưng về khách quan cũng đưa lại những chuyển biến tích cực cho Việt Nam về kinh tế, xã hội …


- Về kinh tế: bước đầu du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam, từng bước phá vỡ nền kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp truyền thống …
0.25

- Về xã hội: đưa tới sự ra đời của những lực lượng xã hội mới (giai cấp công nhân, tầng lớp tư sản và tiểu tư sản), khiến xã hội Việt Nam dần có đủ cơ cấu giai cấp của một xã hội hiện đại; mặt khác, mâu thuẫn dân tộc và giai cấp trở nên gay gắt hơn cũng thúc đẩy phong trào yêu nước diễn ra mạnh mẽ hơn…
0.25

- Sự biến đổi kinh tế - xã hội do cuộc khai thác thuộc địa đã tạo điều kiện bên trong cho cuộc vận động giải phóng dân tộc theo khuynh hướng mới đầu thế kỉ XX – khuynh hướng dân chủ tư sản, với nhiều điểm mới (lực lượng tham gia đông đảo hơn, hình thức đấu tranh phong phú hơn…)
0.25
4
Trình bày khái quát thắng lợi của các nước Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chứng minh rằng: Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc Đông Nam Á đã góp phần làm thay đổi sâu sắc bản đồ chính trị thế giới.

* Khái quát thắng lợi của các nước Đông Nam Á trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân …


- Tận dụng thời cơ Nhật đầu hàng Đồng minh, giữa tháng 8-1945, nhân dân Đông Nam Á đã đứng lên đấu tranh, nhiều nước giành được độc lập, hoặc giải phóng phần lớn lãnh thổ (dẫn chứng tiêu biểu)…
0.25

- Ngay sau đó, thực dân Âu – Mĩ quay lại tái chiếm Đông Nam Á, nhân dân các nước lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, buộc các nước đế quốc phải lần lượt công nhận nền độc lập của nhiều nước (dẫn chứng tiêu biểu)…
0.25

- Nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954; tuy nhiên sau đó Việt Nam, Lào, tiếp đến là Campuchia phải tiến hành kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân mới, đến năm 1975 mới giành thắng lợi hoàn toàn. 1-1984, Brunây tuyên bố độc lập
0.25

- Như vậy, sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á diễn ra sớm nhất, quyết liệt và dai dẳng, cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn. Chủ nghĩa thực dân cả cũ và mới ở khu vực đều bị đánh đổ…
0.25

* Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc Đông Nam Á đã góp phần làm thay đổi sâu sắc bản đồ chính trị thế giới vì:


- Đã đưa tới sự ra đời của hàng loạt các quốc gia độc lập. Các quốc gia này ngày càng tham gia tích cực và có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị thế giới …
0.25

- Góp phần đưa tới sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân (cả cũ và mới) cùng hệ thống thuộc địa của nó. Trận địa của chủ nghĩa đế quốc bị thu hẹp lại …
0.25

- Góp phần mở rộng trận địa và tăng cường lực lượng của hệ thống xã hội chủ nghĩa (với thắng lợi của cách mạng Việt Nam)
0.25

- Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc Đông Nam Á cũng góp phần quan trọng làm xói mòn và đưa tới sự sụp đổ của trật tự hai cực Ianta…
0.25
5
Từ sự phát triển kinh tế của Mĩ, Tây Âu và Nhật Bản trong thời kì hoàng kim sau chiến tranh thế giới thứ hai, hãy làm rõ những nguyên nhân chung đưa tới sự phát triển đó? Theo Anh (chị), Việt Nam có thể rút ra được những bài học gì cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay?

* Sự phát triển kinh tế của Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản trong thời kì hoàng kim:


- Mĩ: sau chiến tranh thế giới thứ hai, kinh tế Mĩ phát triển mạnh mẽ. Khoảng 20 năm sau chiến tranh, Mĩ trở thành trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới…
0.25

- Tây Âu: Sau giai đoạn phục hồi, từ thập kỉ 50, nền kinh tế của các nước tư bản chủ yếu có sự phát triển nhanh, nhiều nước giữ vị trí cao trong nền kinh tế thế giới. Đầu thập niên 70, Tây Âu trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính lớn của thế giới …
0.25

- Nhật Bản: Sau khi phục hồi, từ năm 1952 đến năm 1960 kinh tế Nhật phát triển nhanh, nhất là từ năm 1960 đến năm 1973, Nhật đạt được sự phát triển “thần kì”. Từ đầu thập niên 70 của thế kỉ XX trở đi, Nhật trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính lớn của thế giới…
0.25

* Nguyên nhân chung đưa tới sự phát triển của Mĩ, Tây Âu và Nhật Bản:


- Áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đây là nguyên nhân chung có ý nghĩa quyết định nhất đến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản sau chiến tranh thế giới thứ hai.
0.25

- Nhà nước có vai trò rất lớn trong việc quản lý hiệu quả, điều tiết, thúc đẩy nền kinh tế …
0.25

- Biết tận dụng tốt các cơ hội bên ngoài để phát triển (Mĩ lợi dụng chiến tranh để làm giàu; Tây Âu tận dụng viện trợ Mĩ, giá nguyên liệu rẻ từ thế giới thứ ba, hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ Cộng đồng châu Âu (EC); Nhật tận dụng viện trợ Mĩ, các cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam để làm giàu)
0.25

* Bài học kinh nghiệm với Việt Nam:
- Chú trọng tiếp thu những thành tựu khoa học kĩ thuật hiện đại, áp dụng sáng tạo công nghệ mới để đi tắt đón đầu, rút ngắn thời gian xây dựng và phát triển kinh tế.
- Tăng cường vai trò của nhà nước trong việc quản lý, điều tiết nền kinh tế, tiếp thu kinh nghiệm quản lý của các nước khác.
- Ngoài việc phát huy tối đa yếu tố nội lực (tài nguyên phong phú, nhân công dồi dào), cần phải tận dụng tốt những yếu tố bên ngoài để phát triển kinh tế (tranh thủ vốn đầu tư của nước ngoài, thời cơ từ hội nhập quốc tế và khu vực…)
0,5

Nguồn: https: cô Trang Phạm  và cô Duong Giang

Nhận xét