ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA MÔN LỊCH SỬ NĂM 2007


Đáp án tham khảo


Câu 1.
Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên (thế kỷ XIII) của nhân dân ta giành được thắng lợi là do những yếu tố sau:
- Tất cả các tầng lớp nhân dân, các thành phần dân tộc đều tham gia đánh giặc, bảo vô quê hương, đất nước, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó các quý tộc, vương hầu là hạt nhân.
- Sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho mỗi cuộc kháng chiến. Đặc biệt nhà Trần rất chăm lo sức dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân bằng nhiều biện pháp để tạo nên sự gắn bó giữa triều đình và nhân dân.
- Tinh thần hi sinh, quyết chiến quyết thắng của toàn dân, mà nòng cốt là quân đội.
- Chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của Vương triều Trần, đặc biệt của vua Trần Nhân Tông, các danh tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, đã buộc giặc từ thế mạnh chuyển dần sang thế yếu, từ chủ động chuyển sang bị động để tiêu diệt chúng, giành thắng lợi.

Câu 2.
- Phong trào Cần vương là phong trào phong trào yêu nước, chống xâm lược của nhân dân ta kéo dài từ giữa năm 1885 đến năm 1896, nhưng cuối cùng bị thất bại do những nguyên nhân sau:
+ Hạn chế về mặt đường lối và giai cấp lãnh đạo: đường lối cứu nước theo khuynh hướng phong kiến nhằm khôi phục chế độ phong kiến đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn Việt Nam lúc bấy giờ là độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Các văn thân, sĩ phu yêu nước còn hạn chế về tầm nhìn nên không đủ sức nắm giữ ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
+ Phong trào diễn ra lẻ tẻ, địa phương, thiếu sự liên kết và chỉ đạo thống nhất, đặc biệt là sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, chưa thu hút, tập hợp được sức mạnh của toàn thể nhân dân.
+ Phong trào diễn ra trong bối cảnh thực dân Pháp đã ổn định được nền thống trị của chúng, dẫn đến sự chênh lệch về lực lượng. Thêm vào đó, phe chủ hòa trong triều đình Huế làm tay sai cho Pháp…đã khiến các cuộc khởi nghĩa lần lượt thất bại.
- Phong trào Cần vương tuy diễn ra thất bại nhưng đã thể hiện tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân ta. Đây là phong trào yêu nước chống Pháp lớn nhất của nhân dân Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX, góp phần làm chậm quá trình bình định của thực dân Pháp. Phong trào đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam sau này.

Câu 3.
- Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Pác Bó (Hà Quảng – Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đề ra chủ trương giải phóng dân tộc như sau:
+ Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là giải phóng dân tộc, tiếp tục tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, nêu khẩu hiệu giảm tô, giảm thuế, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng.
+ Hội nghị chỉ rõ sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp – Nhật sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
+ Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh thay cho Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, thay tên các hội Phản đế thành hội Cứu quốc và giúp đỡ việc thành lập mặt trận ở các nước Lào, Campuchia.
+ Hội nghị xác định hình thái của cuộc khởi nghĩa ở nước ta là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa và nhấn mạnh: chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân.
+ Với những chủ trương trên, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn chỉnh chủ trương được đề ra từ Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 nhằm giải quyết mục tiêu số một của cách mạng là độc lập dân tộc, đưa giải phóng dân tộc lên làm nhiệm vụ hàng đầu.
- Thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương 8, Đảng ta đã tích cực chuẩn bị, xây dựng lực lượng chính trị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang:
+ Ngày 19/5/1941, Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) chính thức được thành lập. Năm tháng sau, Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ của Việt Minh được công bố chính thức và đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
+ Từ Cao Bằng, các hội Cứu quốc trong mặt trận Việt Minh đã được xây dựng thí điểm và phát triển ra các tỉnh khác. Các hội Phản đế trước đây được chuyển sang thành hội Cứu quốc.
+ Năm 1943, Đảng đề ra bản Đề cương văn hóa Việt Nam. Năm 1944, Đảng Dân chủ và Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam được thành lập, đứng trong mặt trận Việt Minh.
+ Đảng cũng tăng cường công tác vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp, những ngoại kiều ở Đông Dương đấu tranh chống phát xít.
+ Đến tháng 8/1945 Đảng ta đã xây dựng được một lực lượng chính trị hùng hậu dưới sự tập hợp của mặt trận Việt Minh, cùng với lực lượng vũ trang sẵn sàng đứng lên giành chính quyền khi thời cơ đến.

Câu 4.
- Từ giữa năm 1954, cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh vũ trang chống Pháp sang đấu tranh chính trị chống Mỹ - Diệm, đòi thi hành Hiệp định Gionevo, bảo vệ hòa bình, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng.
- Nhưng từ giữa năm 1957, Mỹ - Diệm tăng cường khủng bố làm cho cách mạng miền Nam gặp muôn vàng khó khăn. Chúng ban han hành đạo luật đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, ra Luật 10/59, công khai chém giết, làm cho hàng vạn cán bộ, đảng viên bị giết hại, hàng chục vạn đồng bào yêu nước bị tù đày. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam đòi hỏi phải có một biện pháp quyết liệt để đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách.
- Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Trung ương Đảng (1-1959) đã chỉ rõ: Ngoài con đường dùng bạo lực cách mạng, nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác. Phương hướng cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng con đường đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang đánh đổ ách thống trị Mỹ - Diệm.
- Được sự soi sáng của Nghị quyết Trung ương 15, phong trào “Đồng khởi” đã bùng nổ và diễn ra mạnh mẽ, khởi đầu là ở Vĩnh Thạnh (Bình Định), Bác Ái (Ninh Thuận), Trà Bồng (Quảng Ngãi) sau đó nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, tiêu biểu nhất là ở Bến Tre.
- Phong trào “Đồng khởi” đã giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ và làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Từ khí thế của phong trào, ngày 20/12/1960 Mặt Dân tộc giải phóng miền Nam đã chính thức được thành lập.
- Như vậy, có thể thấy phong trào “Đồng khởi” đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam là chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Câu 5.
So sánh chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975):
- Về tính chất và quy mô: Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) đều là 2 trận quyết chiến chiến lược, là hai đỉnh cao của hai cuộc tiến công chiến lược (đông - xuân 1953 - 1954 và Xuân 1975), đều là những chiến dịch ta chủ động tiến công và mang tính chất của cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng dân tộc và được tập trung lực lượng đến mức cao nhất.
- Về hoàn cảnh lịch sử: Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra khi chưa có hội nghị Giơnevơ, Pháp vẫn còn đang thực hiện kế hoạch Na-va hòng giành thắng lợi ở Đông Dương, còn  chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra sau khi Mỹ đã ký hiệp định Pari, rút quân về mước. Như vậy chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra trong bối cảnh thuận lợi hơn.
- Về địa bàn mở chiến dịch: Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở rừng núi còn chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra ở đô thị và đồng bằng.
- Về phương châm tác chiến: Phương châm tác chiến của chiến dịch Điện Biên Phủ là chuyển từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, còn phương châm tác chiến của chiến dịch Hồ Chí Minh là “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
- Về thời gian: Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13/3 đến ngày 7/5/1954, trải qua 3 đợt, còn chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra ngắn hơn, từ ngày 26/4 đến ngày 2/5/1975 và nhanh chóng giành được thắng lợi vào ngày 30/4/1975.
- Về hình thức: chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra dưới hình thức tiến công quân sự của lực lượng vũ trang, còn chiến dịch Hồ Chí Minh thì kết hợp tiến công quân sự của lực lượng vũ trang và nổi dậy của quần chúng.
- Đối tượng tiến công của chiến dịch Điện Biên Phủ chủ yếu là quân viễn chinh Pháp còn của chiến dịch Hồ Chí Minh chủ yếu là quân đội Sài Gòn.
- Về kết quả và ý nghĩa:
+ Chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh đều giành được thắng lợi và đây là những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, được ghi nhận là những chiến công chói lọi như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX.
+ Chiến dịch Điện Biên Phủ  thắng lợi đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Còn chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, 30 năm đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc thực dân đất nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Câu 6.
- Diễn biến cách mạng Cuba từ sau chiến tranh thế giới tứ hai đến năm 1961:
+ Năm 1953, được Mĩ giúp, Batixta đã thiết lạp chế độ độc tài quân sự, thi hành nhiều chính sách phản động. Dẫn đến sự bùng nổ phong trào đấu tranh của nhân dân Cuba.
+ Ngày 26/7/1953, Phi đen Cát-xtơ-rô  đã lãnh đạo 135 thanh niên tấn công pháo đài Môn-ca-đa, mở đầu thời kì đấu tranh vũ trang.
+ Mặc dù lực lượng chênh lệch, gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, nhưng từ năm 1956 – 1958, phong trào cách mạng lan rộng khắp cả nước và chuyển sang thế phản công.
+ Ngày 1/1/1959, chế độ độc tài Batixta bị lật đổ. Cách mạng giành thắng lợi, chấm dứt ách thống trị của chính quyền tay sai.
+ Từ 1959 đến năm 1961, Cu Ba tiến hành cải cách dân chủ.
+ Năm 1961, Cuba là nước đầu tiên ở Tây bán cầu tuyên bố tiến lên chủ nghĩa xã hội giữa vòng vây của Mỹ.
- Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách thực dân mới ở khu vực Mỹ Latinh. Vì thế, phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài thân Mĩ để giành hoặc bảo vệ nền độc lập của nhân dân Mỹ Latinh bùng nổ và phát triển mạnh. Thắng lợi của cách mạng Cuba năm 1959 cho ra đời nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh. Thắng lợi đó đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ latinh đưa các nước trong khu vực vào thời kì đấu tranh quyết liệt, giành nhiều thắng lợi. Khu vực Mỹ Latinh được mệnh danh là “Lục địa bùng cháy” với hàng loạt các quốc gia tuyên bố độc lập:Vênêxuêna, Nicaragoa, Chilê, Côlôm bia... Vì thế, Cuba chính là lá cờ đầu trong phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực Mĩ Latinh.

Câu 7.
- Cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai ra đời từ những năm 40 của thế kỉ XX (từ đầu những năm 70 được gọi là cách mạng khoa học – công nghệ), không chỉ là cuộc cách mạng kĩ thuật đơn thuần như ở thế kỷ XVIII mà nó kết hợp chặt chẽ giữa cách mạng khoa học và cách mạng kĩ thuật. Cuộc cách mạng này phát triển với một tốc độ nhanh chóng, quy mô rộng lớn và thu được những thành tựu kì diệu chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đã và đang đưa loài người bước sang một nền văn minh mới hay còn gọi là “văn minh hậu công nghiệp”, “văn minh truyền tin”, “văn minh trí tuệ”.
- Cuộc Cách mạng khoa học – công nghệ đã và đang đưa loài người chuyển sang nền văn minh mới vì :
+ Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đã và đang mang lại cho con người một lực lượng sản xuất to lớn : Nhờ những thành tựu vượt bậc của các ngành khoa học cơ bản, xuất hiện các ngành khoa học mới, sáng tạo ra những công cụ sản xuất mới, những nguồn năng lượng mới, những vật liệu mới, những phương tiện mới… phục vụ cho cuộc sống con người.
+ Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đã và đang mang đến cho con người khả năng có thể phát triển hơn nữa sự sáng tạo trong lao động, tạo ra cho con người những năng lực mới : không chỉ giúp con người nối dài các giác quan, tăng thêm sức mạnh cơ bắp mà còn thay thế những thao tác trí tuệ, mở ra một khả năng vô tận trong tìm hiểu và khám phá thế giới.
+ Những thành tựu do cuộc cách mạng khoa học – công nghệ tạo ra đã không ngừng nâng cao mức sống của nhân loại, tạo điều kiện cho con người tiến lên làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống.


Nhận xét