ĐÁP ÁN THAM KHẢO
Câu 1. (2,5 điểm)
Nhận xét về khuynh hướng chính trị, kết cục và ý nghĩa của các phong
trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
Đáp án tham khảo
Các phong trào yêu nước chống
Pháp cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX diễn ra theo hai khuynh hướng chính trị:
khuynh hướng phong kiến và khuynh hướng dân chủ tư sản.
–Phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX theo khuynh hướng phong
kiến:
+Hệ tư tưởng phong kiến vẫn tồn
tại cho dù giai cấp này đã mất vai trò lịch sử, nhân dân Việt Nam vẫn còn tiếp
tục sử dụng hệ tư tưởng phong kiến để đánh Pháp. Nếu khuynh hướng này thành
công sẽ dẫn đến sự ra đời của nhà nước phong kiến tồn tại, chưa giải quyết triệt
để những mâu thuẫn của xã hội.
+Ba cuộc khởi nghĩa tieu biểu
nhất trong phong trào Cần vương là: Cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) do Phạm
Bành và Đinh Công Tráng lãnh đạo; Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1885-1892) do Nguyễn
Thiện Thuật lãnh đạo; Cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) do Phan Đình Phùng
lãnh đạo. Cùng thời giai với phong trào Cần vương còn diễn ra cuộc khởi nghĩa
nông dân ở rừng núi Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Những phong trào này mặc
dù kéo dài đến 10 năm, phong trào Cần vương bị thực dân Pháp dìm trong bể máu.
Riêng cuộc khởi nghĩa Yên Thế vẫn còn tiếp tục kéo dài đến tận 1913. Sự thất bại
của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, khẳng định: Hệ tư tưởng phong kiến
không còn đủ khả năng giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi kiếp nô lệ, con đường cứu
nước dưới sự chi phối bở hệ tư tưởng này là không thành công. Do đó, độc lập
dân tộc không gắn liền với chủ nghĩa phong kiến.
+Ý nghĩa: thể hiện truyền thống
yêu nước, đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam; góp phần khảo
sát thử nghiệm khuynh hướng cứu nước phong kiến, tránh vết xe đổ của khuynh hướng
cứu nước này và đặt ra yêu cầu cần phải có khuynh hướng cứu nước mới tiến bộ
hơn.
–Phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XX theo khuynh hướng dân chủ
tư sản:
+Hệ tư tưởng dân chủ tư sản được
du nhập vào Việt Nam qua các Tân thư, Tân báo được đưa vào Việt Nam một cách
gián tiếp. Nếu khuynh hướng này thành công sẽ hình thành nên một chế độ mới –
tư bản chủ nghĩa, không xóa bỏ hoàn toàn sự bóc lột, mà chuyển từ chế độ bóc lột
này sang chế độ bóc lột khác với trình độ cao hơn.
+Trong điều kiện lịch sử mới
đó, giai cấp tư sản Việt Nam chưa ra đời cho nên người tiếp thu những tư tưởng
lúc bấy giờ là các sĩ phu văn thân tư sản hóa mà điển hình là Phan Bội Châu và
Phan Châu Trinh. Từ đó, hình thành nên hai xu hương khác nhau trong phong trào
yêu nước: xu hướng bạo động và xu hướng cải cách. Nhìn chung, phong trào yêu nước
đầu thế kỉ XX với hai xu hướng bạo động và cải cách đã diễn ra khá sôi nổi với
những hình thức phong phú nhưng cuối cùng thất bại. Điều đó chứng tỏ rằng hệ tư
tưởng dân chủ tư sản dù hết sức mới mẻ đối với nhân dân Việt Nam xong nó không
đủ khả năng giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi vòng nô lệ.
+Việc không thành công của Phong
trào yêu nước cuối thế kỷ XX đã khẳng rằng con đường cứu nước theo khuynh hướng
dân chủ tư sản không thể giành được thắng lợi. Và cùng với Phong trào yêu nước
cuối thế kỷ XIX rốt cuộc không thành công, làm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc
Việt Nam lâm vào khủng hoảng “dường như trong đêm tối không có đường ra”. Đó
chính là tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước. Tình hình ấy đã đặt ra
yêu cầu bức thiết là phải tìm con đường cứu nước mới. Trong điều kiện đất nước
nô lệ, độc lập tự do luôn là yêu cầu thiết tha nhất của mọi người Việt Nam yêu
nước. Cùng với đó là yêu cầu phải tìm kiếm con đường cứu nước mới, nó tác động
vào tất cả những người yêu nước Việt Nam thời bấy giờ. Và trong bối cảnh đó, có
nhiều người Việt Nam yêu nước ra đi với hi vọng tìm thấy con đường cứu nước mới
để cứu nước, cứu dân. Trong số đó, có người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất
Thành.
Câu 2. (2,5 điểm)
Phân tích ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đối với
phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Đáp án tham khảo
+Sự xuất hiện nhà nước chuyên
chính vô sản đầu tiên trên thế giới đã tạo ra thể chế xã hội chủ nghĩa; làm cho
bản đồ chính trị thế giới có sự thay đổi. Kể từ đây, thế giới đã hình thành hai
hệ thống đối lập: hệ thống tư bản chủ nghĩa và hệ thống xã hội chủ nghĩa.
+Cách mạng tháng Mười Nga năm
1917 đã đánh dấu mốc lớn cho sự phát triển của lịch sử - lịch sử thế giới đã
chuyển sang thời kì hiện đại.
+Cách mạng tháng Mười Nga năm
1917 đã thúc đẩy mạnh mẽ và cổ vũ phong trào cách mạng thế giới; mở ra con đường
đấu tranh giải phóng dân tộc cho giai cấp công nhân và các dân tộc thuộc địa. Đối
với phong trào giải phóng dân tộc, Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra trước mắt
các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi và khu vực Mĩ Latinh “thời đại cách mạng
chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”.
+Cách mạng tháng Mười Nga đã
nêu lên một tấm gương sáng cho các dân tộc đang bị chủ nghĩa đế quốc thực dân
nô dịch. Một xu hướng mới đã xuất hiện trong phong trào giải phóng dân tộc ở
nhiều nước.
+Cách mạng tháng Mười Nga đã tạo
điều kiện khách quan thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới
phát triển, làm cho kẻ thù của phong trào giải phóng dân tộc suy yếu, còn nước
Nga Xô viết trở thành đồng minh tin cậy, là chỗ dựa vững chắc cho các dân tộc bị
áp bức trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Câu 3. (3,0 điểm)
Nêu điểm giống nhau và khác nhau về nhiệm vụ chiến lược cách mạng tư sản
dân quyền được xác định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên và Luận cương chính
trị tháng 10/1930 của Đảng ta.
Đáp án tham khảo
Năm 1930, ở Việt Nam có hai văn kiện quan trọng, đó là
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (đầu năm 1930) và Luận
cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10/1930). Do những nguyên
nhân khách quan và chủ quan, mà hai văn kiện này có những điểm giống nhau và
khác nhau.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và Luận cương
chính trị đều xác định đường lối chiến lược
của cách mạng Việt Nam là từ cách mạng tư sản dân quyền tiến lên cách mạng
xã hội chủ nghĩa; đều xác định nhiệm vụ
cách mạng là chống đế quốc và phong kiến.
Tuy có những điểm giống nhau nhưng Cương lĩnh chính trị
và Luận cương chính trị có những điểm khác nhau cơ bản sau:
Về nội
dung của cuộc cách mạng tư sản dân quyền, Cương lĩnh chính trị đầu tiên, tư sản dân quyền cách
mạng không bao gồm cách mạng ruộng đất mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân
tộc, cách mạng ruộng đất là một cuộc cách mạng khác. Còn trong Luận cương chính
trị tháng 10/1930, tư sản dân quyền sẽ bao gồm hai nhiệm vụ cách mạng ruộng đất
và nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
Về mối
quan hệ giữa hai nhiệm vụ độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất, Cương lĩnh chính trị đầu tiên xác định nhiệm
vụ cách mạng gồm cả hai nội dung dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống
phong kiến nhưng nổi lên hàng đầu là chống đế quốc và giải phóng dân tộc. Còn
Luận cương chính trị nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất, không
đưa ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Câu
4. (3,0 điểm)
Cách
mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam có phải là một cuộc bạo lực cách mạng không?
Vì sao?
Đáp
án tham khảo
Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một cuộc
cách mạng bạo lực.
Sở dĩ nói như vậy, là vì:
Thứ
nhất, trong điều kiện một nước
thuộc địa, kẻ thù luôn dùng bạo lực để thống trị nhân dân thì con đường cùng nhất
để giành độc lập dân tộc là con đường cách mạng bạo lực.
Thứ
hai, Cách mạng tháng Tám năm
1945 là một cuộc vùng dậy của cả dân tộc Việt Nam, được tiến hành bằng khởi
nghĩa vũ trang, đập tan của chính quyền đế quốc và tay sai, thiết lập chính quyền
cách mạng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân ta đi từ khởi nghĩa từng
phần tiến lên tổng khởi nghĩa (được xác định và chuẩn bị từ Hội nghị Ban Chấp
hành Trung ương Đảng lần thứ 8 tháng 5/1941).
Thứ
ba, Cách mạng tháng Tám năm
1945 dựa vào sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam (trừ bọn tay sai), không phân biệt
tâng lớp, giai cấp, đảng phái chính trị. Lực lượng tham gia của Tổng khởi nghĩa
giành chính quyền được tổ chức thành hai lực lượng cơ bản, có quá trình chuẩn bị
chu đáo và lâu dài là lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Trong Cách mạng
tháng Tám năm 1945, có sự kết hợp chặc chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu
tranh vũ trang. Đó là sức mạnh áp đảo của toàn dân tộc đã đưa cách mạng đến thắng
lợi.
Câu
5. (3,0 điểm)
Vì
sao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân ta thực hiện phương
châm đánh lâu dài?
Đáp
án tham khảo
Đường lối kháng chiến của Đảng đã được vạch ra
trước và trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, được thể hiện cụ
thể trong Chỉ thi “toàn dân kháng chiến” (12/12/1946) của Ban thường vụ Trung
ương Đảng, trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946) của chủ tịch
Hồ Chí Minh và được giải thích cụ thể trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng
lợi” (23/9/1947) của Tổng bí thư Trường Chinh. Nội dung đường lối kháng chiến của
Đảng được tóm tắt trong các chữ: toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh
sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
quân dân ta thực hiện phương châm đánh lâu dài vì:
Thứ
nhất, so sánh tương quan lực
lượng về kinh tế và quân sự không cho phép ta chiến thắng nhanh chóng mà cần
đánh lâu dài.
Thứ
hai, ta cần có thời gian dể vừa
kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, vừa xây dựng hậu phương và vận động
quốc tế nhằm từng bước thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch,
tiến lên chớp lấy thời cơ giành chiến thắng quyết định và giải pháp ngoại giao
để kết thúc chiến tranh.
Thứ
ba, đánh lâu dài nhằm chống lại
chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp. Địch cần đánh nhanh thắng
nhanh để phát huy ưu thế của quân đội nhà nghề và phương tiện chiến tranh hiện
đại, khắc phục chỗ yếu của chiến tranh phi nghĩa, tránh phản ứng bất lợi của dư
luận quốc tế và nước Pháp, để tiết kiệm chi phí chiến tranh và sớm hoàn thành mục
tiêu xâm lược thuộc địa nhằm khai thác về kinh tế. Ta đánh lâu dài là để chúng
đánh theo cách của ta, không phát huy được lối đánh sở trường của chúng, hãm địch
vào thế trận do ta chọn.
Thứ
tư, kế thừa và phát huy truyền
thống của dân tộc là lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy đại nghĩa để thắng
hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo, truyền thống đánh giặc lâu dài của
dân tộc ta.
Câu
6. (3,0 điểm)
Phân
tích điều kiện bùng nổ và ý nghĩa lịch sử của phong trào “Đồng khởi”
(1959-1960) ở miền Nam Việt Nam.
Đáp
án tham khảo
Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” là bước
ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta. Điều kiện bùng
nổ của phong trào này là:
Điều kiện bùng nổ:
- Từ
sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được kí kết, so sánh lực lượng ở miền
Nam thay đổi không có lợi cho cách mạng. Nhân dân miền Nam tiến hành đấu tranh
chính trị, đòi thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, tiến lên đấu
tranh chính trị có vũ trang tự vệ, chống “tố công”, “diệt cộng”, chống đạo luật
10-59. Qua thực tiễn đấu tranh, lực lượng chính trị được bảo tồn, lực lượng vũ
trang và căn cứ địa cách mạng được xây dựng lại ở một số nơi. Đó là điều kiện để
tiếp tục đưa cách mạng miền Nam
tiến lên.
- Trong
những năm 1957-1959, cách mạng miền Nam gặp muôn vàn khó khăn do những chính
sách khủng bố tàn bạo của đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn. Cuộc đấu tranh của
nhân dân miền Nam
đòi hỏi có một biện pháp quyết liệt để đưa cách mạng vượt qua khó khăn thử
thách.
-
Tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Trung ương Đảng khẳng định con đường
cách mạng bạo lực. Hội nghị nhấn mạnh: ngoài con đường dùng bạo lực cách mạng,
nhân dân miền Nam
không có con đường nào khác.
Ý nghĩa:
- Giáng
một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của đế quốc Mĩ, làm lung lay tận gốc
rễ ách thống trị của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.
- Đánh dấu bước phát triển của cách mạng miền
Nam, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần
tiến lên chiến tranh cách mạng.
Câu
7. (3,0 điểm)
Nêu
và nhận xét về sự phân chia ảnh hưởng và sự xung đột Đông – Tây diễn ra ở châu
Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX.
Đáp
án tham khảo
Châu Âu có sự phân chia hai
cực rõ ràng, phân định chặc chẽ: Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô –
xã hội chủ nghĩa và Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ – tư bản chủ nghĩa. Tuy
nhiên, ở Châu Á, tình hình không hẳn như thế, nó bị “vi phạm” ngay từ đầu và
tình hình trong khu vực diễn ra ngày càng có chiều hướng khác với sự đối đầu
của hai phe.
Ở Trung Quốc, theo thỏa
thuận giữa Anh, Mĩ và Liên Xô tại Hội nghị Ianta thì Trung Quốc sẽ là “khu
đệm”, một chính phủ liên hiệp của Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch có sự tham
gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thành lập. Thế nhưng, tháng 7/1946, cuộc
nội chiến Trung Quốc bùng nổ. Tình hình Trung Quốc đã không diễn ra như sự sắp
đặt của hai diêu cường Mĩ và Liên Xô.
Ở Đông Nam Á, Tây Á và Nam
Á, ba cường quốc đã thỏa thuận những khu vực này thuộc phạm vi ảnh hưởng truyền
thống của các nước phương Tây, vẫn chấp nhận nền thống trị thuộc của các nước
thực dân phương Tây. Ngay sau khi nghe tin phát xít Nhật đầu hàng, các dân tộc
ở Đông Nam Á đã nhanh chóng đứng lên đấu tranh nổi dậy giành chính quyền, tuyên
bố độc lập và lập nên những nhà nước mới tiêu biểu là Inđônêxia, Việt Nam và
Lào, như một phản ứng dây truyền, làn sóng đấu tranh giải phong dân tộc nhanh
chóng lan nhanh sang Tây Á và Nam Á. Sau đó, các dân tộc Đông Nam Á đã kiên trì
tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân tái xâm lược và cuối cùng các
nước đế quốc thực dân phương Tây đều thất bại, phải tuyên bố công nhận và trao
trả độc lập cho các dân tộc.
Như vậy, các dân tộc châu Á đã
không cam chịu cái khu vực “phạm vi ảnh hưởng truyền thống của các nước tư bản
phương Tây” như một thiết chế của một trật tự hai cực Ianta. Phong trào giải
phóng dân tộc đã trực tiếp làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, thực dân phương Tây,
một cực trong Trật tự “hai cực Ianta” và thực tế là một nhân tố làm rạn nứt và
“xói mòn”quyền lực đưa tới sự sụp đổ của trật tự hai cực Ianta. Nhưng mặt khác,
trong bối cảnh thế giới hai cực, một số quốc gia sau khi giành được độc lập bị
cuồn hút vào một cực này hay cực kia, phe này hay phe kia trong trật tự hai cực
Ianta. Khu vực Đông Nam Á trở thành khu vực tiêu biểu. Thậm chí là chiến trường
của chiến tranh lạnh trong nhiều thập niên.
Huỳnh Thanh Mộng
Nhận xét
Đăng nhận xét