ĐỀ VÀ ĐÁP ÁN
THAM KHẢO ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA 2015
Câu 1. (2,5 điểm)
Trong thời gian từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIII, quân dân Đại Việt đã đánh
thắng những thế lực ngoại xâm nào từ phương Bắc? Nhận xét chung về các thế lực
đó.
Đáp án tham khảo
Các triều đại phong kiến
phương Bắc từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIII là Tống, Mông-Nguyên. Đó là những triều
đại có đất đai rộng lớn, dân cư đông đúc, có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời.
Trong quá trình hình thành và phát triển, các triều đại phong kiến phương Bắc này
luôn thực hiện chủ trương bành trường và mở rộng lãnh thổ quốc gia của họ. Đại
Việt là nơi lí tưởng thực hiện chủ trương này.
Đại Việt (1054) là một quốc
gia độc lập, có chủ quyền. Thời gian từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIII là thời gian
hình thành và phát triển của các triều đại Lí, Trần. Trong khoảng thời gian
này, quân dân Đại Việt đã đánh bại các thế lực ngoại xâm từ phương Bắc sau:
Một là,
cuộc kháng chiến chống của nhà Lí đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tống (năm
1077). Với thắng lợi to lớn ở sông Như Nguyệt và biện pháp ngoại giao “giảng
hòa trong thế thắng” của nhà Lí, thế lực nhà Tống xâm lược đã bị đập tan âm mưu
và ý chí xâm lược, chấp nhận rút quân về nước.
Hai là,
nhà Trần ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên (lần thứ nhất năm 1258; lần thứ
hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288). Với thắng lợi của Chiến thắng Bạch Đằng
(1288) – chiến thắng quyết chiến chiến lược giữa nhà Trần và nhà Nguyên, nhà
Nguyên thất bại phải rút quân về nước, đập tan dã tâm xâm lược Đại Việt.
Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIII,
quân dân Đại Việt đối đầu với những kẻ thù xâm lược (Tống, Mông – Nguyên) từ
phương Bắc cùng trình độ phát triển (phương thức sản xuất phong kiến) nhưng
chúng đông và mạnh. Những thế lực đó đều có quân đội tinh nhuệ, vũ khí trang bị
chu đáo, có kinh nghiệm tác chiến trên chiến trường; binh lực, tài lực đầy đủ
cho cuộc chiến tranh. Kháng chiến
chống Tống thời Lí, nhà Lí có 10 vạn, nhà Tống có đến 30 vạn quân; cuộc kháng
chiến chống quân Mông – Nguyên, nhà Trần có khoảng 10 đến 15 vạn, trong khi đó
tính ba lần xâm lược nước ta quân Mông – Nguyên có tới 83 vạn quân.
Các thế lực đó đều ngoan cố
không từ bỏ ý thức xâm lược. Chúng chỉ chấp nhận rút quân về nước khi đã thất bại
về quân sự trên chiến trường, bị quân dân Đại Việt đập tan hoàn toàn ý chí xâm
lược. Các thế lực đó là Hán tộc hay không phải là Hán tộc nhưng chúng đều có
chung bản chất là bành trướng, hiếu chiến, nham hiểm và tàn bạo, muốn chiếm lâu
dài Đại Việt, muốn đồng hóa dân Đại Việt và sát nhập Đại Việt vào lãnh thổ
Trung Quốc. Các thế lực đó đều đại diện cho các thế lực phong kiến Trung Hoa.
Câu 2. (2,5 điểm)
Từ đầu những năm 80 của thế kỉ XX, trên thế giới đã diễn ra xu thế toàn
cầu hóa. Hãy làm sáng tỏ nhận định: Toàn cầu hóa là xu thế phát triển khách
quan, là một thực tế không thể đảo ngược.
Đáp án tham khảo
Nhận định: Toàn cầu hóa là xu
thế phát triển khách quan, là một thực tế không thể đảo ngược là nhận định hoàn
toàn chính xác.
Sở dĩ khẳng định như vậy là
vì:
Thứ nhất, toàn cầu hóa là một hệ quả quan trọng
của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, bắt đầu từ nhu cầu của sản xuất và
cuộc sống. Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ diễn ra trên quy mô lớn, tốc độ
nhanh và đạt được những thành tựu kì diệu làm cho nền kinh tế thế giới và sự
giao lưu văn hóa thế giới ngày càng mang tính quốc tế hóa cao và mở ra khả năng
hợp tác toàn cầu trên mọi lĩnh vực.
Thứ hai, lực lượng sản xuất phát triển nhanh
chóng do tác động của cách mạng khoa học – công nghệ tạo nên những thay đổi to
lớn về kinh tế, xã hội làm tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia dân tộc.
Thứ ba, hàng loạt vấn đề cấp bách đặt ra trước
mắt tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt
tài nguyên, các loại dịch bệnh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… đòi hỏi
tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới hợp tác giải quyết.
Thứ tư, Toàn cầu hóa nảy sinh nhu cầu hội nhập của tất cả quốc gia dân tộc
không phân biệt chế độ chính trị, không biệt nước lớn hay nước nhỏ, nước phát
triển hay nước đang pháp triển, nước giàu hay nước nghèo.
Câu
3. (3,0 điểm)
Xác
định mốc thời gian kết thúc hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.
Phân tích những yếu tố tác động đến việc khẳng định con đường cứu nước của Người.
Đáp án tham khảo
Sau 10 năm ra đi tìm đường cứu nước đến năm 1920, Nguyễn
Ái Quốc đã kết thúc hành trình tìm đường cứu nước của mình. Những mốc thời gian
kết thúc cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Người là: Tháng 7/1920, Nguyễn
Ái Quốc đọcSơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề
thuộc địa của Lênin. Bản luận cương này giúp Người khẳng định, muốn cứu nước và
giải phóng dân tộc phải đi theo cách mạng vô sản; Tiếp đó, tại Đại hội của Đảng
Xã hội Pháp lần thứ XVIII (12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập
Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Những yếu tố tác động đến việc khẳng định con đường cứu
nước mới của Nguyễn Ái Quốc là:
Thứ
nhất, yếu tố thời đại.
Chủ nghĩa tư bản chuyển hẳn sang giai đoạn đế quốc chủ
nghĩa. Mâu thuẫn trong lòng nó phát triển gay gắt: mâu thuẫn giữa đế quốc với đế
quốc dẫn đến chiến tranh đế quốc, tiêu biểu là Chiến tranh thế giới thứ nhất;
mâu thuẫn giữa đế quốc với thuộc địa dẫn tới sự phát triển của phong trào giải
phóng dân tộc; mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản dẫn tới sự phát triển của phong
trào công nhân và cách mạng xã hội.
Năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công, mở ra
trước mắt các dân tộc bị áp bức thời đại “cách mạng chống đế quốc, thời đại giải
phóng dân tộc”. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin trở thành hiện thực và được truyền bá rộng
rãi khắp nơi dẫn tới sự ra đời của các đảng cộng sản ở nhiều nước trên thế giới.
Quốc tế Cộng sản được thành lập (2/3/1919). Đại hội II
của Quốc tế Cộng sản (1920) thông qua Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề
thuộc địa của Lênin, chỉ ra phương hướng đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp
bức.
Thời đại đầy biến động trên giúp Nguyễn Ái Quốc nghiên
cứu lí luận và khảo sát thực tiễn để xác định con đường cứu nước đúng đắn.
Thứ
hai, yếu tố dân tộc.
Thực dân Pháp xâm lược và thống trị Việt Nam. Đất nước
mất độc lập, nhân dân ta mất tự do. Độc lập, tự do là khát khao cháy bỏng của mọi
người Việt Nam yêu nước.
Phát huy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, các
phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Việt Nam diễn ra liên tục và anh
dũng theo những con đường khác nhau nhưng đều bị thực dân Pháp dập tắt. Thất bại
của Phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX khẳng định con đường cứu nước theo ngọn
cờ phong kiến là không thành công, do đó độc lập tự do không thể gắn liền với
chủ nghĩa phong kiến. Thất bại của phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX khẳng định
con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản là không thành
công, độc lập tự do không gắn liền với chủ nghĩa tư bản. Sự nghiệp giải phóng
dân tộc lâm vào tình trạng “dường như trong đêm tối không có đường ra”, đặt ra
yêu cầu bắc thiết phải tìm con đường cứu nước mới.
Thứ
ba, yếu tố chủ quan: Trí tuệ và nhãn quan chính trị của Nguyễn Ái Quốc, thể hiện như sau:
Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc đã hiện lên như một
nhân vật lịch sử. Người sinh ra trong một gia đình nhà Nho giàu lòng yêu nước,
trên một mãnh đất có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, Người tậm mắt chứng
kiến các phong trào yêu nước của ông cha và hạn chế trong các phong trào đó. Chính
bởi vậy, một mặt rất khâm phục tinh thần cứu nước của ông cha nhưng Nguyễn Ái
Quốc lại không tán thành con đường của họ và Người đã quyết tâm tìm con đường cứu
nước mới.
Kết hợp nghiên cứu lí luận và khảo sát thực tiễn ở nhiều
quốc gia trên thế giới, kể cả các nước tư bản và thuộc địa, nhất là ba nước tư
bản phát triển: Anh, Mĩ và Pháp; rút ra kết luận quan trọng về cách mạng tư sản
là “cách mạng chưa đến nơi”; về bạn và thù của cách mạng Việt Nam trên thế giới;
về tinh thần độc lập tự chủ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; đặc biệt phát
hiện thấy Luận cương của Lê nin một phương hướng cứu nước mới và khẳng định con
đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản.
Chính thiên tài trí trệ và nhãn quan chính trị sắc bén
đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu lí luận và khảo sát thực tiễn để xác định
con đường cứu nước đúng đắn.
Câu 4. (3,0 điểm)
Nêu và nhận xét chủ trương giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ độc lập
dân tộc và cách mạng ruộng đất trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng
sản Việt Nam (đầu năm 1930), Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 và Nghị quyết
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5 – 1941.
Đáp án tham khảo
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (đầu năm 1930):
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng xác định nhiệm
vụ cụ thế của cách mạng tư sản dân quyền (tức là cách mạng giải phóng dân tộc)
là đánh đổ đến quốc, bon phong kiến tay sai, làm cho nước Việt Nam được độc lập,
tự do; lập chính phủ công-nông-binh, tổ chức quân đội công nông, tich thu hết sản
nghiệp lớn của đế quốc; tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng
chia cho dân cày nghèo.
Bản Cương lĩnh xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam gồm
cả hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến trong đó
nổ bật lên hàng đầu là nhiệm vụ dân tộc, chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Điều
đó phản ánh đúng yêu cầu khách quan của lịch sử, vì ở nước Việt Nam thuộc địa,
mâu thuẫn giữa toàn thế dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp xâm lược và tay sai
là mâu thuẫn chủ yếu và cần tập trung để giải quyết. Cương lĩnh chính trị đầu
tiên của Đảng đã đáp ứng nguyên vọng độc lập, tự do của quần chúng nhân dân,
làm cho Đảng ngay khi mới ra đời đã quy tụ được lực lượng và sức mạnh của toàn
dân tộc và dấy lên một phong trào cách mạng trong những năm 1930-1931.
Luận
cương chính trị tháng 10 năm 1930:
Luận cương chính trị tháng 10/1930 xác định cách mạng
Đông Dương lúc đầu là làm cách mạng tư sản dân quyền “có tính chất thổ địa và
phản đế”; tiến hành hai nhiệm vụ cách mạng ruộng đất và giải phóng dân tộc. Hai
nhiệm vụ này gắn bó khăng khít với nhau.
Luận cương chính trị chưa thấy được mâu thuẫn chủ yếu
và cơ bản trong lòng xã hội Việt Nam thuộc địa, nên không đặt nhiệm vụ giải
phóng dân tộc lên hàng đầu mà nặng về đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất.
Đây là một điểm hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10/1930 cũng đồng thời
là điểm khác biệt so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương
tháng 5 – 1941
Hội nghị tháng 5/1941 xác định nhiệm vụ chủ yếu trước
mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, tiếp tục tạm gác khẩu hiểu cách mạng
ruộng đất, nêu khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất công, tiến tới
thực hiện người cày có ruộng. Hội nghị chỉ rõ, sau khi đánh đổ đế quốc Pháp, phát
xít Nhật, sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hội nghị tháng 5/1941 đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển
hướng chỉ đạo chiến lược được đề ra tại Hội nghị tháng
11/1939, nhằm giải quyết nhiệm vụ số một của cách mạng là độc lập dân tộc và đề
ra nhiều chủ trương sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ này và khẳng định lại tính
đúng đắn sáng tạo của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (đầu năm 1930), khắc
phục triệt để những hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 của Trần
Phú. Hội nghị đã tập trung giải quyết mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với Pháp
– Nhật và tay sai. Điều này phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của nước Việt Nam lúc
đó.
Câu 5. (3,0 điểm)
Vì sao Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa quyết định mở chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950? Phân tích ý nghĩa
thắng lợi của chiến dịch.
Đáp án tham khảo
Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa quyết định mở chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950 vì:
Thứ nhất, thế và lực của cuộc kháng chiến ngày càng mạnh. Hậu
phương kháng chiến được xây dựng và củng cố; lực lượng vũ trang, nhất là bộ đội
chủ lực trưởng thành về nhiều mặt,… tạo điều kiện chuyển cuộc kháng chiến sang
giai đoạn mới.
Thứ hai, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến tích cực. Phe
xã hội chủ nghĩa được củng cố, ngày 1/10/1949, cách mạng Trung Quốc thành công,
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời; phong trào giải phóng dân tộc tiếp tục
lên cao; các nước xã hội chủ nghĩa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt
Nam. Ta có thêm hậu phương từ các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Trung Quốc.
Thứ ba, sự cần thiết phải phá thế bao vây. Từ cuối năm 1949,
Mĩ can thiệp sâu vào Đông Dương. Tháng 5/1949, Pháp đề ra kế hoạch Rơ-ve, tăng
cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4, hành lang Đông – Tây; Hải Phòng – Hòa
Bình – Sơn La, bao vây căn cứ địa Việt Bắc; cô lập cuộc kháng chiến của ta.
Căn cứ vào những điều kiện trên, Việt Nam cần khai
thông biên giới Việt – Trung, mở đường liên lạc quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ
từ bên ngoài. Mở chiến dịch còn nhằm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch; mở
rộng và củng cố căn cứ Việt Bắc, đồng thời tạo những điều kiện thuận lợi mới
thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.
Chiến dịch Biên giới thu –
đông diễn ra từ ngày 16/9/1950 đến ngày 22/10/1950. Ta loại khỏi vòng chiến hơn
8.000 tên địch, giải phóng tuyến Biên giới Việt – Trung từ Cao Bằng đến Đình Lập
với 35 vạn dân; chọc thủng “Hành lang Đông – Tây” của Pháp. Thế bao vậy của địch
cả trong và ngoài đối với căn cứ địa Việt Bắc bị phá vỡ. Kế hoạch Rơve bị phá sản.
Chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950 là chiến dịch tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực Việt Nam
trong cuộc kháng chiến . Với thắng
lợi của chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950, con đường liên lạc của ta với
các nước xã hội chủ nghĩa được khai thông; quân đội chủ lực của ta đã trưởng
thành về mọi mặt, cơ quan đầu não kháng chiến của ta được bảo vệ.
Thắng lợi của chiến dịch đánh
dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta và tích lũy được nhiều kinh nghiệm,
mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau chiến dịch Biên
giới thu – đông năm 1950, so sánh lực lượng giữa ta và thực dân Pháp có thay đổi
căn bản. Quân ta giành thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, ngược lại
thực dân Pháp vào thế bị động, đối phó với các đợt tấn công của ta.
Câu 6. (3,0 điểm)
Các chiến lược chiến tranh của Mĩ ở miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến
năm 1975 có những điểm gì giống nhau? Vì sao Đảng Lao động Việt Nam khẳng
định phải tiếp tục con đường cách mạng bạo lực ở miền Nam (7/1973) và đề ra chủ
trương giải phóng hoàn toàn miền Nam (cuối năm 1974, đầu năm 1975)?
Đáp án tham khảo
Từ năm 1961 đến
năm 1975, các đời Tổng thống Mĩ đã tiến hành các chiến lược chiến tranh ở miền
Nam là chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”
(1961-1965) – Tổng thống Kennơđi và Giôn xơn, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) – Tổng thống Giôn xơn và chiến lược
“Việt Nam hóa chiến tranh”
(1969-1975) – Tổng thống Ních xơn và G. Pho.
Những
điểm giống nhau của các chiến lược chiến tranh này là:
Về âm
mưu, những chiến lược chiến
tranh đều nhằm chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành
thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ, dùng miền Nam làm bàn đạp tiến
công miền Bắc và phản kích phe xã hội chủ nghĩa từ phía Đông Nam Á.
Về bản
chất, những chiến lược chiến
tranh đều là những loại hình chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới, nằm trong
chiến lược toàn cầu của Mĩ.
Về lực
lượng, những chiến lược chiến
tranh đều dựa vào chính quyền và quân đội Sài Gòn, do Mĩ trực tiếp viện trợ,
trang bị, huấn luyện, tổ chức và chỉ huy.
Về biện
pháp, những chiến lược chiến
tranh đều chú trọng chính sách bình định, nhằm chiếm đất giành dân, sự dụng viện
trợ kinh tế và quân sự để tiến hành chiến tranh xâm lược.
Đảng Lao động Việt Nam khẳng định phải tiếp tục con đường cách mạng bạo
lực ở miền Nam (7/1973):
Ngày 29/3/1973, toán lính Mĩ cuối
cùng rút khỏi Việt Nam, nhưng Mĩ vẫn theo đuổi mục tiêu “Việt Nam hóa chiến
tranh”, duy trì một lực lượng hải quân và không quân ở Vịnh Bắc Bộ, Thái Lan và
Guam, để lại miền Nam “những người lính không mặc quân phục” cùng các nhân viên
quân sự; Mĩ đổi tên cơ quan chỉ huy quân sự Mĩ (MACV) thành cơ quan ngoại giao
– tùy viên quốc phòng (DAO). Trước ngày kí Hiệp định Pari, Mĩ chuyển giao các
căn cứ quân sự của Mĩ cho chính quyền Sài Gòn cùng với viện trợ khẩn cấp một khối
lượng vật chất khủng lồ cho chính quyền Sài Gòn. Như vậy, Mĩ vẫn tiếp tục thực
hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam.
Mĩ và chính quyền Sài Gòn phá hoại
Hiệp định Pari. Quân đội Sài Gòn liên tiếp mở các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”,
phá hoại hòa bình, hòa hợp dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Tình hình đó đòi hỏi
phải sử dụng bạo lực cách mạng để hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước.
Mặt khác, đường lối chiến lược của
Đảng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (2/1930) và Luận cương chính trị
(10/1930) cũng xác định con đường đấu tranh cách mạng giành thắng lợi của cách
mạng Việt Nam là sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng, lật đổ ách thống trị
của đế quốc và tay sai để thiếp lập chính quyền cách mạng của nhân dân.
Căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của
cách mạng miền Nam và đường lối chiến lược của Đảng nên tháng 7/1973, Ban Chấp
hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21, nhận định kẻ thù vẫn là đế quốc
Mĩ và tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu; xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền
Nam là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; khẳng định con đường
cách mạng bạo lực, nắm vững chiến lược tấn công, đấu tranh trên ba mặt trận:
quân sự, chính trị và ngoại giao.
Đảng Lao động Việt Nam đề ra chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam
(cuối năm 1974, đầu năm 1975):
Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt
Nam được kí kết (1/1973). Mĩ phải công nhân các quyền dân tộc cơ bản của nhân
dân Việt Nam, rút hết quân về nước. Việc Mĩ rút hết quân làm cho lực lượng địch
bị suy yếu nghiêm trọng. Đó là thắng lợi lịch sử quan trọng tạo thời cơ thuận
lợi để nhân dân ta tiến lên giải phóng miền Nam.
Cuối năm 1974 – đầu năm 1975, lực lượng quân giải phóng miền Nam
đã lớn mạnh, vùng giải phóng đã chiếm 4/5 lãnh thổ, so sánh lực lượng ở miền
Nam thay đổi có lợi cho ta, miền Bắc đẩy mạnh chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Trong hai năm 1973-1974, miền Bắc đưa vào các chiến trường miền Nam, Campuchia,
Lào gần 20 vạn bộ đội, hàng vạn thanh niên xung phong. Về vật chất – kĩ thuật,
ta đã đảm bảo đầy đủ và kịp thời nhu cầu của Tổng tiến công chiến lược.
Ngày 6/1/1975, ta giành thắng lợi vang dội giải phóng tỉnh Phước
Long. Chiến thắng Phước Long thấy rõ sự lớn mạnh và khả năng lớn của ta, sự suy
yếu bất lực của quân đội Sài Gòn và khả năng can thiệp của Mĩ rất hạn chế.
Hội
nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng (mở rộng) cuối năm 1974 đầu năm 1975 đề ra
chủ trương, kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976. Hội nghị
nhấn mạnh, cả năm 1975 là thời cơ và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975
thì lập tự giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975, ta cần tranh thủ thời
cơ đánh nhanh để đỡ thiệt hại về người và của của nhân dân.
Câu 7. (3,0 điểm)
Hiệp ước Bali (2-1976)
xác định những nguyên tắc cơ bản nào trong quan hệ các nước ASEAN? Phát biểu ý
kiến của anh (chị) về nguyên tắc: Tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất
toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Hiệp ước Bali (2-1976)
xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ các nước ASEAN:
Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
được thành lập ở Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước: Thái Lan,
Inđônêxia, Singapore, Malaysia và Philippin nhằm tương trợ, hợp tác về kinh tế, xây dựng Đông Nam
Á thịnh vượng, an ninh, hòa bình, trung lập và cùng phát triển.
Tháng 2/1976, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất họp tại
Bali (Inđônêxia) đã kí Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á – Hiệp ước
Bali. Hiệp ước Bali đã xác định những nguyên tắc hoạt động cơ bản của tổ chức:
1- Tôn trọng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; 2- Không đe dọa vũ lực hoặc dùng
vũ lực với nhau; 3- Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; 4- Không
can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; 5- Hợp tác và phát triển có hiệu quả
trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiệp định Bali đã xác định những
nguyên tắc hoạt động cơ bản được kí bởi các nguyên thủ quốc gia.
Phát biểu ý kiến của anh
(chị) về nguyên tắc: Tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh
thổ của nhau.
Học sinh nêu ý kiến của mình nhưng phải đúng về nguyên
tắc trên với diễn đạt mạnh lạc, chữ viết rõ ràng. Chẳng hạn:
+Tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất toàn vẹn
lãnh thổ của mỗi quốc gia là quyền thiêng liêng, cao quý của mỗi quốc gia,
những quyền tự nhiên mang tính bản năng của con người.
+Suy nghĩ về một số vụ vi phạm nguyên tắc trênMĩ và
một số nước phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Irắc, Nam Tư, Xiri,
Libi là sự chà đạp quyền độc lập của mỗi quốc gia; Trung Quốc đánh chiếm quần
đảo Hoàng Sa và sau đó chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
+Trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc Việt Nam
trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.
Huỳnh Thanh Mộng
Nhận xét
Đăng nhận xét