ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN LỊCH SỬ TỈNH CÀ MAU NĂM HỌC 2017 – 2018


Đáp án tham khảo

Câu 1. (2,5 điểm)
Trình bày khái quát chính sách ngoại giao thời Lí, Trần, Lê sơ từ thế kỉ XI đến đầu thế kỉ XVI. Theo anh/ chị, chúng ta cần làm gì để kế thừa và phát huy của các triều đại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
       Nêu khái quát nguồn gốc của chính sách ngoại giao thời Lí, Trần, Lê sơ:
+ Truyền thống ngoại giao của dân tộc Việt Nam là hòa hiếu, hữu nghị với các nước láng giềng do vị trí địa lý, lịch sử phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh…
+ Đây là ba triều đại mà chế độ phong kiến ở Việt Nam phát triển đến đỉnh cao và đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực, tạo cơ sở và tiềm lực cho chính sách đối ngoại.
Trình bày khái quát chính sách ngoại giao thời Lí, Trần, Lê sơ từ thế kỉ XI đến đầu thế kỉ XVI:
+Hòa hiếu với lân bang, mềm dẻo với nước lớn. 
+Chiến tranh xảy ra khi chính sách ngoại giao hòa bình đã đến giới hạn cuối cùng.
Theo anh/ chị, chúng ta cần làm để kế thừa và phát huy của các triều đại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay:
+Đây là câu hỏi mở, học sinh có thể làm nhiều cách khác nhau nhưng đúng. Tức là đáp án là mở.
+Chính sách ngoại giao hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; ra sức xây dựng và phát triển sức mạnh quốc gia, tạo thực lực cho đấu tranh ngoại giao…
Câu 2. (2,5 điểm)
Phân tích ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Theo anh/ chị, cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã tác động như thế nào đối với cách mạng Việt Nam?
Phân tích ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917
+Thắng lợi này đã mở ra kỉ nguyên mới làm thay đổi hoàn toàn tình hình đất nước và số phận hàng triệu người ở Nga; đập tan ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến.
+Cách mạng tháng Mười Nga đã mở đầu lịch sử thế giới hiện đại, làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Và dẫn đến sự xuất hiện nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới, tạo ra chế độ xã hội đối lập với chế độ tư bản chủ nghĩa.
+Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra trước mắt các dân tộc bị áp bức “thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, Chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành hiện thực và được truyền bá rộng rãi khắp nơi, dẫn đến sự ra đời của nhiều đảng cộng sản trên thế giới ở các nước tư bản và các nước thuộc địa.
-Cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã tác động như thế nào đối với cách mạng Việt Nam:
+Trước hết, đó là nguồn cổ vũ và động viên tinh thần cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc.
+Hai là, Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã đưa chủ nghĩa Mác – Lênin thành thực tế và truyền bá khắp nơi dẫn đến việc Nguyễn Ái Quốc bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam – con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người đã tích cực chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam – Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tố quyết định hàng đầu mọi thắng lợi của cách mạng về sau.
+Ba là, cuộc cách mạng này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho nhân dân Việt Nam tiếp thu và sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh đất nước.
Câu 3. (3,0 điểm)
Phân tích thái độ chính trị và khả năng cách mạng của các giai cấp trong xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Vì sao giai cấp nông dân Việt Nam không trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng để tổ chức và lãnh đạo đấu tranh tự giải phóng mình?
–Phân tích thái độ chính trị và khả năng cách mạng của các giai cấp trong xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
+Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp tiến hành Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương. Dưới tác động của chương trình này, sự phân hóa giai cấp trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc. Mỗi giai cấp có địa vị kinh tế, thái độ chính trị và khả năng cách mạng khác nhau.
+Giai cấp địa chủ tiếp tục bị phân hóa. Bộ phận đại địa chủ phong kiến phản động là ta sai cho đế quốc. Một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ tuy có hạn chế là bóc lột nông dân nhưng cũng chịu nổi nhục của người Việt Nam mất nước. Họ có mâu thuẫn với thực dân Pháp về quyền lợi dân tộc nên có khả năng tham gia phong trào chống Pháp và thế lực tay sai phản động.
+Giai cấp nông dân bị đế quốc, phong kiến thống trị, tước đoạt ruộng đất, bị bần cùng hóa. Họ là nạn nhân chủ yếu của các chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột tô thuế và cướp đoạt ruộng đất. Vì thế mâu thuẫn giữa nông dân Việt Nam với đế quốc Pháp và tay sai hết sức gay gắt. Nông dân là một lực lượng cách mạng to lớn của dân tộc. Họ có yêu cầu về độc lập dân tộc vừa có yêu cầu về ruộng đất, trong đó yêu cầu số một là độc lập dân tộc.
+Giai cấp tiểu tư sản ra đời, phát triển nhanh về số lượng, nhất là bộ phân tri thức. Họ có tinh thần dân tộc, dân chủ sâu sắc, có tinh thần chống thực dân Pháp và tay sai, nhạy bén với thời cuộc và tha thiết canh tân đất nước nên hăng hái đấu tranh vì đọc lập tự do.
+Giai cấp tư sản, phân hóa thành hai bộ phận: tư sản mại bản làm tay sai cho đế quốc; tư sản dân tộc là một bộ phận có khuynh hướng kinh doanh độc lập, muốn phát triển chủ nghĩa tư bản của dân tộc Việt Nam. Tuy có hạn chế là bóc lột công nhân, nhưng tư sản dân tộc Việt Nam có mâu thuẫn với thực dân Pháp về quyền lợi dân tộc. Họ giữ vai trò đáng kể trong phong trào dân tộc.
+Giai cấp công nhân ra đời từ Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, giai cấp này có sự phát triển nhanh về số lượng và số lượng, do tác động của thời đại, họ nhanh chóng vươn lên thành một lực lượng mạnh mẽ trong phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam theo khuynh hướng cách mạng tiên tiến của thời đại. Đây là giai cấp có sự mệnh nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
–Giai cấp nông nhân Việt Nam không trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng để tổ chức và lãnh đạo đấu tranh tự giải phóng mình vì:
Thứ nhất, giai cấp nông dân không phải là đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ, không phải là một giai cấp tiên tiến. Do đó họ thiếu một đường lối và phương pháp đấu tranh đúng đắn cùng với chưa có điều kiện tiếp thu những luồng tư tưởng, ánh sáng mới từ bên ngoài, nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin để làm vũ khí đấu tranh chống Pháp.
Thứ hai, họ tuy có số lượng đông nhưng yếu kém về kinh tế, yếu ớt về chính trị, bị giai cấp địa chủ phong kiến và thực dân Pháp áp bức, bóc lột nặng nề.
Câu 4. (3,0 điểm)
Tóm tắt những hoạt động tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920. Trên cơ sở đó, hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về những nội dung trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
–Tóm tắt những hoạt động tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920:
+Đầu năm 1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn tìm cơ hội ra nước ngoài để “xem họ làm như thế nào” rồi trở về giúp đồng bào giải phóng dân tộc. Ngày 5/6/1911, trên chiếc tàu buôn của Pháp mang tên Đô đốc Latusơ Tơrêvin, Nguyễn Tất Thành rời Cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước.
+Tháng 7/1911, Người đến cảng Mác-xây, sau đó Người qua nhiều nước ở Châu Phi, Châu Mĩ và châu Âu. Đặt biệt, Người dừng chân khảo sát khá lâu ở ba nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mĩ, Anh và Pháp.
+Đầu tháng 12/1917, Nguyễn Ái Quốc rời Luân Đôn (Thủ đô nước Anh) về Pari (thủ đô nước Pháp) hoạt động. Ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc hăng hái hoạt động trong phong trào yêu nước của Việt kiều và phong trào đấu tranh của công nhân Pháp. Các phong trào đó đang phát triển mạnh mẽ dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga. Người nhanh chóng trở thành nhân vật chủ chốt trong Hội người Việt Nam yêu nước ở Pari. Người kết bạn với nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội và văn hóa có uy tín của Pháp.
+Tháng 6/1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đến Hội nghị Vécxai Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, đòi các uyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc Việt Nam.
+Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đế dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Bản luận cương này đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha của Nguyễn Ái Quốc đang ấp ủ; độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Bản Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc sớm xác định được con đường giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
+Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (Đại hội Tua), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thanh gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện đó đánh dấu bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động của Người, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản.
–Từ những hoạt động của Người trong những năm 1911-1920, những nội dung trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là: tấm lòng yêu nước, thương dân, ý chí quyết tâm giải phóng đồng bào thoát khỏi cách nô dịch; kết hợp giữa lí luận và thực tiễn, học đi đôi với hành; ý chí vượt khó khăn gian khổ; có tinh thần tự lực tự cường.
Câu 5. (3,0 điểm)
Vì sao trong phong trào dân chủ 1936-1939,  Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp? Trong phong trào này đã xuất hiện những lĩnh vực đấu tranh mới mẻ nào?
Trong phong trào dân chủ 1936-1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp vì:
+Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong những năm 1930-1945 là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp (dân tộc và dân chủ). Hai nhiệm vụ này là trái với chính sách thuộc địa của chính quyền Pháp. Nên cách mạng phải dùng hình thức bí mật, bất hợp pháp để đấu tranh.
+Hoàn cảnh lịch sử thay đổi. Đó là lúc Chính phủ Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền ở Pháp (6/1936), thi hành một số chính sách tiến bộ, trong đó có những chính sách tự do, dân chủ được áp dụng ở thuộc địa, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ ở Đông Dương. Đối với Đông Dương, Chính phủ Pháp cử phái viên sang điều tra tình hình, cử Toàn quyền mới, sửa đổi luật bầu cử vào Viện Dân biểu, ân sá một số tù chính trị, nới rộng quyền tự do báo chí… Điều đó đã tạo điều kiện cho cách mạng đấu tranh công khai hợp pháp khi nhân dân có nhu cầu về dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình.
+Ngày từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định cách mạng Việt Nam là cuộc cách mạng bạo lực, trong đó chú trọng đến bạo lực chính trị của quần chúng. Đến năm 1935, Đảng Cộng sản Đông Dương và phong trào cách mạng được phục hồi sau một thời gian đấu tranh cực kì gian khổ. Một số tù chính trị được trả tự do đã nhanh chóng tìm cách trở lại hoạt động. Đó là điều kiện để Đảng ta tiếp tục chủ trương này.
+Đảng đã họp Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 7/1936 do Lê Hồng Phong chủ trì đã đề ra chủ trương chỉ đại chiến lược và sách lược mới. Trong đó có đề ra phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp.
–Phong trào dân chủ 1936-1939 là một phong trào thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia dưới sự lãnh đạo của Đảng đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Biểu hiện bằng những lĩnh vực đấu tranh mới mẻ như:
+Phong trào đấu tranh đòi quyền lợi tự do, dân chủ: thảo ra bản “dân nguyện” gửi đến phái đoàn, tiến tới triệu tập Đông Dương Đại hội vào tháng 8/1936; “đón rước” Gôđa và Brêviê…
+Đấu tranh nghị trường:  Mặt trận Dân chủ Đông Dương đưa người ứng cử vào Viện Dân biểu Bắc Kì, Hội đồng quản hạt Nam Kì,… Trong kì họp của Viện Dân biểu vào tháng 9/1938, các nghị viên đã bác bỏ dự án thuế thân và thuế điền thổ của chính quyền thuộc địa.
+ Đấu tranh trên lĩnh vực báo chí: Năm 1937, Báo chí công khai của Đảng phát triển nhanh chóng. Ở Bắc Kì có tờ Hồn trẻ, Tin tức, Đời nay… Ở Trung Kì có các tờ báo tiêu biểu là Nhành lúa, Dân,… Ở Nam Kì, có các tờ báo Lao động, Dân chúng…
+Phong trào Đông Dương Đại hội.
Câu 6. (3,0 điểm)
Khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền vào năm 1945 ở nước ta diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử nào? Cho biết hình thái khởi nghĩa và tính chất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.
–Khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền vào năm 1945 diễn ra trong điều kiện lịch sử sau:
+Quần chúng nhân dân và đội tiên phong là Đảng Cộng sản Đông Dương đã sẳn sàng tổng khởi nghĩa. Đảng có sự chuẩn bị đầy đủ về đường lối và phương pháp cách mạng. Lực lượng cách mạng, bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang được chuẩn bị chu đáo trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tầng lớp trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng.
+Kẻ thù thống trị đã không còn thống trị như cũ được nữa. Ngày 15/8/1945, Nhật kí giấy đầu hàng Đồng minh không điều kiện, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Ở Đông Dương, phát xít Nhật và tay sai hoang mang, dao động. Quân đội Nhật mất hết tinh thần. Thời cơ cách mạng xuất hiện. Nhưng một nguy cơ mới đang đến gần do quân đôi các nước đế quốc với danh nghĩa Đồng minh chuẩn bị vào Đông Dương làm nhiệm vụ giải giáp phát xít Nhật. Với bản chất đế quốc, họ có thể dựng ra một chính quyền tay sai trái với ý chí và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam. Các thế lực phản động trong nước cũng đang tìm cách thay thầy đổi chủ. Vì thế vấn đề giành chính quyền được đặt ra như một cuộc chay đua nước rút với quân Đồng minh mà nhân dân Việt Nam không thể châm trễ.
+Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ban bố “Quân lệnh số 1”, phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Từ ngày14 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa và quyết định chính sách đối ngoại, đối nội sau khi giành được chính quyền. Từ ngày 16 đến ngày 17/8/1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập ở Tân Trào; tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.
–Hình thái và tính chất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam:
+Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam có hình thái độc đáo. Đó là cuộc nổi dậy giành chính quyền có sự kết hợp chặc chẽ ở nông thôn và thành thị. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đi từ khởi nghĩa từng phần từ Cao trào Kháng Nhật cứu nước tiến đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong tháng 8/1945.
+Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vừa là cách mạng vô sản và cũng mang tính dân chủ tư sản kiểu mới.
Câu 7. (3,0 điểm)
Trình bày hoàn cảnh ra đời và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo anh/ chị, việc thành lập Cộng đồng ASEAN đã tạo ra những thời cơ và thách thức như thế nào cho các nước trong khu vực?
–Hoàn cảnh ra đời và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN):
+“Trật tự hai cực Ianta” với sự đối đầu giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đứng đầu mỗi phe là Mĩ và Liên Xô, điển hình là tình hình Chiến tranh lạnh mà điểm nóng là ở Đông Nam Á. Trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mĩ lúc này là Việt Nam và Đông Dương. Nhất là lúc, Mĩ đang sa lầy trong chiến trường Đông Dương, các quốc gia Đông Nam Á cần phải liên kết lại để hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn (Liên Xô, Trung Quốc, Mĩ). Mặc khác, sau khi giành được độc lập, nhiều nước trong khu vực bước vào thời kì ổn định và dốc sức phát triển kinh tế. Hơn nữa, những tổ chức hợp tác mang tính khu vực trên thế giới ra đời ngày càng nhiều, nhất là sự thành công của Khối thị trường chung Châu Âu đã thúc đẩy sự liên kết hợp tác của các nước Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ở Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước: Thái Lan, Inđônêxia, Singapore, Malaysia và Philippin.
+Tháng 2/1976, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của tổ chức ASEAN họp tại Bali (Inđônêxia) đã thông qua những nguyên tắc hoạt động cơ bản của tổ chức là: 1- Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; 2- Không dùng vũ lực hoặc đe doạn vũ lực đối với nhau; 3- Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; 4- Không can thiệp vào nội bộ của nhau; 5- Hợp tác và phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
–Cộng đồng ASEAN đã tạo ra những thời cơ và thách thức như thế nào cho các nước trong khu vực:
+Về kinh tế, Cộng đồng ASEAN quy định dần tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan, tự do buôn bán các mặt hàng không cấm trên lãnh thổ của mười quốc gia trong tổ chức ASEAN. Điều đó đã tạo điều kiện cho các quốc gia trong tổ chức ASEAN mở rộng thị trường hợp tác kinh tế, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến của các quốc gia trong khu vực. Dân số của tổ chức ASEAN khoảng 600 triệu dân đã tạo nên thị trường tiêu thụ rộng lớn, thu hút nguồn đầu tư của các tổ chức, nhà nước ngoài khu vực; đồng thời tăng sức cạnh tranh của Cộng đồng ASEAN với các tổ chức bên ngoài, từ đó rút ngắn khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, AEC cũng vấp phải những thách thức không nhỏ về sự chênh lệch trình độ kinh tế và khoa học kĩ thuật giữa các nước trong cộng đồng và giữa cộng đồng với thị trường bên ngoài, về sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường thế giới, về quan hệ quốc tế còn nhiều khi bất bình đẳng. Một số nước trong cộng đồng bị mất một số tiền không nhỏ vì đã xóa dần hàng rào thuế quan; nguy cơ hàng trong nước bị hàng các quốc gia trong cộng đồng chiếm chổ là rất lớn, nhất là ở Việt Nam khi thuế quan có mặt hàng gấp 200% sản phẩm.
+Về an ninh – chính trị, Cộng đồng ASEAN dần trở thành nơi đoàn kết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, thể hiện trách nhiệm chung trong việc giải quyết tranh chấp ở biển đảo và trên đất liền. Tuy nhiên hiện nay, khu vực Đông Nam Á lại có những thách thức lớn ngày càng đặt ra cấp thiết về chủ nghĩa khủng bố và li khai, ASEAN chưa có tiếng nói thống nhất (nếu như EU là tổ chức bỏ phiếu tán thành nghị quyết, tuyên bố thì ASEAN phải được toàn bộ các quốc gia đồng ý mới được thông qua), vấn đề tranh chấp giữa một số nước trong ASEAN với Trung Quốc xung quanh Biển Đông, thách thức toàn cầu như dịch bệnh, đói nghèo, ô nhiễm môi trường…
+Về văn hóa – xã hội, ASEAN tiến tới một cộng đồng với các nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà, giao thoa các lĩnh vực văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm và góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước cho các quốc gia trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, AEC luôn đối mặt về sự khác nhau giữa những nền văn hóa của các nước thành viên, các nước thành viên có nguy cơ bị đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Tình hình nhập cư, xuất cư của những công dân trong cộng đồng cũng là thách thức không hề nhỏ cho các nước thành viên. Nếu không quản lí tốt sẽ gây ra những hệ lụy không hề nhỏ (bất ổn về chính trị, mất an toàn về cuộc sống,…).


Nhận xét