ĐÁP ÁN ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN DỰ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA MÔN LỊCH SỬ TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM HỌC 2017 – 2018



Đáp án tham khảo

Câu 1.
Vào những năm 60 của thế kỉ XV, đất nước đã ổn định. Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã tiến hành một cuộc cải cách hành chính: ở trung ương, các chức Tể tướng và Đại hành khiển bị bãi bỏ. Thành lập cơ quan 6 bộ (Lễ, Binh, Lại, Công, Hộ, Hình)  để trực tiếp cai quản mọi việc và chịu trách nhiệm trước nhà vua. Ngự sử đài có quyền hành cao hơn trước; ở địa phương, nhà nước bãi bỏ các đạo, lộ chia nước ta thành 13 đạo thừa tuyên, mỗi đạo gồm ba ti (Đô ti, Hiến ti và Thừa ti) phụ trách các lĩnh vực quân sự, dân sự và kiện tụng. Xã vẫn là đơn vị hành chính cơ sở.
Để chọn quan lại, nhà nước tổ chức các khoa thi đều đặn, cứ 3 năm có một kì thi Hội ở kinh đô để chọn nhân tài. Tất cả mọi người dân có học, có lí lịch rõ ràng đều được đi thi. Trường Quốc tử giám được mở rộng cho các em quan lại đến học. Những người đỗ Tiến sĩ được khắc trên bia đá ở Văn Miếu, được “vinh quy bái tổ”.
Về pháp luật, năm 1483, nhà Lê biên soạn bộ Luật Hồng Đức với hơn 70 điều, đề cập đến các mặt hoạt động xã hội thể hiện ý chí giai cấp của nhà Lê, nhưng nó cũng mang đậm tính dân tộc. Bộ luật đã đánh dấu trình độ phát triển cao về ý thức pháp lí của dân tộc Đại Việt.
Quân đội được tổ chức chặt chẽ theo chế độ ngụ binh ư nông, trang bị vũ khí đầy đủ. Nhà Lê tiếp tục củng cố ý thức đoàn kết dân tộc trong nước, phong chức tước cho các tướng lĩnh, đặc biệt là những người có công lớn trong cuộc chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Chính sách với các vùng biên giới rất nghiêm ngặt.
Việc xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước thời Lê sơ, nhất là sau cải cách của Lê Thánh Tông về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Cuộc cải cách mang tính toàn diện đó được tiến hành từ trung ương đến địa phương đảm bảo sự thống nhất trong chính quyền có ý nghĩa nâng cao quyền lực tập trung của nhà nước phong kiến Việt Nam, nhất là quyền tập trung vào tay vua, bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế nhà Lê đạt đến mức độ cao, hoàn thiện. Điều đó chứng tỏ bộ máy nhà nước quân chủ nhà Lê đạt đến đỉnh cao.
Nhà nước phong kiến hoàn thiện và phát triển tạo nên sự ổn định về chính trị-xã hội, từ đó tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, mở rộng ngoại giao và mở mang bờ cõi. Nhờ vậy mà Đại Việt trở thành một quốc gia cường thịnh bậc nhất ở Đông Nam Á dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Tuy nhiên trong hoàn cảnh xã hội phong kiến, sự tập trung quyền hành nói trên cũng kép theo tình trạng tập trung ruộng đất vào tay giai cấp địa chủ, nảy sinh tư tưởng phân tán, mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt.
Câu 2.
Nhận định: Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là xu thế tất yếu của thế giới ngày nay là nhận định hoàn toàn chính xác.
Giải thích nhận định:
Thứ nhất, sau Chiến tranh lạnh hầu như tất cả các quốc gia đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm, bởi ngày này kinh tế đã trở thành nội dung căn bản trong quan hệ quốc tế. Việc xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia với một nền sản xuất phồn vinh, một nền tài chính vững chắc, một nền công nghệ có trình độ cao cùng với một lực lượng quốc phòng hùng mạnh đã thay thế cho việc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia như trước đây.
Thứ hai, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là nguyện vọng thiết tha của loài người tiến bộ. Trong nữa đầu thế kỉ XX, cả thế giới đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh thế giới với những hậu quả nặng nề (Chiến tranh thế giới thứ nhất 10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương, tiêu tốn 85 tỉ USD; Chiến tranh thế giới thứ hai làm cho 60 triệu người chế, 90 triệu người bị thương, tiêu tốn hơn 4000 tỉ USD) và sau đó là “Trật tự hai cực Ianta” với đỉnh cao là Chiến tranh lạnh (1947-1989) với những hậu quả nặng nề và còn những “di chứng” đến ngày nay. Chính bởi thế, nhân loại đã thấm thía và tổn thương do chiến tranh gây ra, họ có nguyện vọng một nền hòa bình an ninh thế giới. Cũng do nguyên nhân này mà các nước lớn đã có sự điều chỉnh quan hệ đối ngoại theo chiều hướng đối thoại, thỏa hiệp, tránh xung đột trực tiếp nhằm tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi, giúp họ vươn lên mạnh mẽ, xác lập một vị trí ưu thế trong trật tự thế giới mới. Tình trạng đối đầu căng thẳng giữa các cường quốc trước đây đã được thay thế bằng mối quan hệ mang tính hai mặt: mâu thuẫn và hài hòa, cạnh tranh và hợp tác, tiếp xúc và kiềm chế. Điều này đã tạo ra xu thế hòa bình, hòa dịu trong quan hệ quốc tế.
Thứ ba, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ phát triển ngày càng phát triển mạnh mẽ đã tạo ra những mặt tích để phát triển loài người nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức to lớn đối với cả thế giới, trong đó có việc tạo ra những vũ khí có tính hủy diệt hàng loạt có quy mô khủng khiếp. Nếu chiến tranh xảy ra là cuộc chiến tranh hủy diệt, chiến tranh không có người thắng. Vì vậy, Liên Xô và Mĩ cần tránh xung đột, đối đầu và chuyển sang hòa dịu.
Thứ tư, những vấn đề mang tính toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, dịch bệnh, chủ nghĩa khủng bố,… Những vấn đề này không phải chỉ cần một nước hay một nhóm nước giải quyết được mà cần sự hợp tác của tất cả các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn chung tay, đoàn kết mới giải quyết được.
Câu 3.
Đặc điểm nổi bật nhất của phong trào dân tộc dân chủ Việt Nam thời kỳ 1919 – 1930:
Trong những điều kiện kinh tế-xã hội cũng như tư tưởng mới thì ở Việt Nam hình thành nên những khuynh hướng khác nhau trong phong trào dân tộc. Đó là khuynh hướng tư sản và khuynh hướng vô sản. Cả hai khuynh hướng này cùng tồn tại và phát triển, đều vươn lên để giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc do lịch sử đặt ra. Đây là đặc điểm lớn nhất của cách mạng Việt Nam trong thời gian 1919 đến đầu năm 1930. Cả hai khuynh hướng tư sản và vô sản đều nỗ lực vươn lên giải quyết nhiệm vụ của lịch sử đã đặt ra, mà thực chất đó là cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam.
Khuynh hướng tư sản: phong trào dân chủ công khai của tư sản và tiểu tư sản (cuộc đấu tranh chống độc quyền hải cảng Sài Gòn, chống độc quyền xuất cảng lúa gạo ở Nam Kì, thành lập Đảng Lập hiến; thành lập các tổ chức chính trị (Việt Nam nghĩa đoàn, Phục Việt, Hưng Nam, Thanh niên cao vọng), lập các nhà xuất bản (Nam Đồng thư xã, Cường học thư xã, Quan hải tùng thư), ra báo chí tiến bộ (Chuông rạn, Người nhà quê, An Nam trẻ...), đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, truy điệu và để tang Phan Châu Trinh); đỉnh cao của phong trào cách mạng quốc gia tư sản của Việt Nam Quốc dân đảng và cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Khuynh hướng vô sản những năm 20 của thế kỉ XX, biểu hiện qua sự phát triển của phong trào công nhân theo phương hướng từ tự phát đến tự giác, những hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, gắn liền với sự ra đời và hoạt động của những tổ chứ tiền cộng sản (Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân Việt Cách mạng đảng), 3 tổ chức cộng sản trong năm 1929 và cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng:
Thứ nhất, Đảng ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp quyết liệt của nhân dân Việt Nam, là sự sàn lọc nghiêm khắc của lịch sử trên con đường đấu tranh trong 30 năm đầu thế kỉ XX. Đảng ra đời sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong thời đại mới.
Thứ hai, Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đã chấm dứt thời kì khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam kéo dài mấy chục năm đầu thế kỉ XX.
Thứ ba, Đảng ra đời với hệ thống tổ chức chặc chẽ và Cương lĩnh chính trị đúng đắn, sáng tạo làm cho giai cấp công nhân giác ngộ được sứ mệnh lịch sử của mình.
Thứ bốn, Sự ra đời của Đảng làm cho cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới.
Thứ năm, Đảng ra đời là bước chuẩn bị tất yếu đầu tiên cho những thắng lợi vang vội và những bước phát triển nhảy vọt về sau của cách mạng Việt Nam.
Câu 4.
Đầu thế kỉ XX, trong bối cảnh lịch sử mới, phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam đi theo khuynh hướng cứu nước mới, khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản. Bối cảnh lịch sử đó là:
Về chính trị, cho đến năm 1896, cùng với sự thất bại của cuộc Khởi nghĩa Hương Khê, phong trào Cần vương đã thất bại. Thất bại của phong trào Cần vương đã chứng tỏ con đường cứu nước dưới ngọn cờ lãnh đạo của các sĩ phu, văn thâm yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến là không thành công, độc lập tự do không gắn liền với chế độ phong kiến. Trong hoàn cảnh đó, những người yêu nước Việt Nam cần phải đi tìm chân lí cứu nước mới.
Về kinh tế, từ năm 1897 đến năm 1914, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa trên toàn Đông Dương. Để phục vụ đắc lực cho cuộc khái thác, bóc lột kinh tế, thực dân Pháp đã xây dựng hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ; đẩy mạnh khai thác mỏ, trước hết là mỏ than. Chúng tiến hành xây dựng một số nhà máy điện, nước, xi măng, dệt, xây xát gạo… Chính sách khai thác, bóc lột của thực dân Pháp làm cho cơ cầu nền kinh tế ở Việt Nam bước đầu thay đổi. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bước đầu du nhập vào Việt Nam. Sự biến đổi về kinh tế chủ yếu diễn ra ở một số vùng mang tính cục bộ. Về cơ bản, nền kinh tế Việt Nam đã mang tính chất nửa phong kiến. Sự biến đổi về kinh tế còn rất hạn chế, nhưng nó là cơ sở kinh tế cho phong trào yêu nước với khuynh hướng cứu nước mới.
Về xã hội, chính sách cai trị, khai thác, bóc lột của thực dân Pháp đã kéo theo sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc. Giai cấp công nhân ra đời; tầng lớp tư sản và tiểu tư sản xuất hiện; giai cấp địa chủ phân hóa; giai cấp nông dân trở thành nạn nhân của những chính sách khai thác thuộc địa. Trong khi các giai cấp, tầng lớp trên chưa đủ sức lãnh đạo thì các sĩ phu Nho học cũng có nhiều chuyển biến về tư tưởng chính trị. Họ không chỉ độc các kinh sách Nho giáo mà còn đọc các cuốn sách mới của các tác giả ở Châu Âu và Trung Quốc, hô hào lập trường học, dạy học theo lối mới, mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đó là lãnh đạo của phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX. Họ chưa phải là tư sản, cũng chưa phải là vô sản, cũng không phải là giai cấp địa chủ phong kiến mà là sĩ phu yêu nước tiến bộ. Những sĩ phu đang trên con đường tư sản hóa đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu luồng tư tưởng cách mạng mới, để dấy lên phong trào yêu nước và cách mạng mang màu sắc dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX. Như vậy, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đã làm nảy sinh lực lượng xã hội mới. Sự biến động này đã tạo những điều kiện bên trong cho cuộc vận động giải phóng dân tộc theo khuynh hướng mới, khuynh hướng dân chủ tư sản.
Về tư tưởng, đầu thế kỉ XX, hệ tư tưởng dân chủ tư sản được du nhập vào Việt Nam qua các Tân thư, Tân báo được đưa vào Việt Nam nhất là các tác phẩm của Vôn-te, Ru-xô, Mông-te-xki-ơ. Ảnh hưởng của Cuộc cải cách Minh Trị (1868) ở Nhật Bản, rồi ảnh hưởng của những tư tưởng Cải cách chính trị và văn hóa ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX (tư tưởng của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu) và muộn hơn là ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi năm 1911 ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Trung Hoa Đồng Minh Hội-một tổ chức của Tôn Trung Sơn. Hệ tư tưởng dân chủ tư sản du nhập vào nước ta đã tác động đến nhận thức và hành động của các tầng lớp sĩ phu yêu nước cấp tiến.
Trên đây là những điều kiện xã hội và tâm lí làm nảy sinh và thúc đẩy phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở nước ta đầu thế kỉ XX, trong đó Phan Bội Châu đại biểu xu hướng bạo động và Phan Châu Trinh đại biểu xu hướng cải cách.
Câu 5.
Để làm rõ nhận định “Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mang tính chất cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới” trước hết chúng ta cần làm rõ bản chất của cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới.
Cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới là cuộc cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo với lực lượng tham gia là các tầng lớn nhân dân nhằm lật đổ chế độ phong kiến xây dựng nhà nước dân chủ và phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa. Điển hình là cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1917 ở Nga.
Cách mạng tháng Tám 1945 là cách mạng giải phóng dân tộc mang tính chất cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới vì:
Một là, cách mạng đánh đuổi đế quốc, giải phóng dân tộc: Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 và ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Hai là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi to lớn của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương – đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời đưa Đảng ta trở thành một Đảng cầm quyền, chuẩn bị những điều kiện tiên quyết cho những thắng lợi tiếp theo.
Ba là, Cách mạng tháng Tám năm 1945 có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân: Dưới ngọn cờ tập hợp lực lượng cách mạng của Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Việt Nam không phân biệt già trẻ, trai gái, tôn giáo, dân tộc, đảng phái đã đoàn kết một lòng đứng lên giành chính quyền, đem đến thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
Bốn là, Cách mạng tháng Tám lật đổ chế độ phong kiến, thành lập nhà nước dân chủ: Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã lật đổ ách phong kiến gần một ngàn năm thống trị mà lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của dân do dân và vì dân.
Năm là, Cách mạng tháng Tám thành công đã mở đường cho cách mạng Việt Nam phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo. Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do; người dân nắm chính quyền, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc, hướng tới xây dựng một dân tộc độc lập, tự do, hạnh phúc.
Như vậy, nhận định “Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mang tính chất cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới” là nhận định hoàn toàn đúng đắn.
Câu 6.
Tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết định thành lập ở mỗi nước Đông Dương một mặt trận riêng. Mặt trận Việt Minh là mặt trận đoàn kết dân rộc Việt Nam với các đoàn thể quần chúng mang tên Hội Cứu quốc.
Mặt trận Việt Minh ra đời và hoạt động có vai trò quan trọng đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đây là một nhân tố quyết định đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945. Vai trò của mặt trận đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám được thể hiện như sau:
Một là, Mặt trận Việt Minh thành lập ngày 19/5/1941. Chương trình cứu quốc của Mặt trận Việt Minh đáp ứng nguyện vọng của mọi giới đồng bào, vì thế phong trào Việt Minh phát triển rất mạnh mẽ, tập hợp mọi người Việt Nam có lòng yêu nước, đồng thời cô lập kẻ thù là đế quốc xâm lược và tay sai, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chúng.
Hai là, Việt Minh là nơi tập hợp, giác ngộ và rèn luyện lực lượng chính trị cho Cách mạng tháng Tám. Đó là lực lượng cơ bản và giữ vai trò quyết định trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.
Ba là, Mặt trận Việt Minh tạo cơ sở chính trị vững chắc để từng bước xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đều là cơ sở của bạo lực cách mạng, là điều kiện để phát động cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân, với sự kết hợp giữa hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.
Bốn là, Việt Minh cũng tích cực tham gia xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tháng 6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc ra đời, 10 chính sách của Việt Minh được ban bố, góp phần vào xây dựng Việt Bắc trở thành hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới.
Năm là, Tổng bộ Việt Minh cùng với Trung ương Đảng đã nhận định đúng đắn thời cơ, kịp thời huy động toàn dân tộc, ra sức chuẩn bị về mọi mặt, lãnh đạo nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945).
Câu 7.
Đầu năm 1945, nhằm đáp ứng nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới, các nước Đồng minh đã nhất trí thành lập một tổ chức quốc tế nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Chiến tranh thế giới thứ hai đến giai đoạn kết thúc, tại Hội nghị Ianta (2/1945) đã thống nhất thành lập tổ chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Thực hiện nghị quyết của Hội nghị Ianta và đáp ứng mong muốn hòa bình thiết tha của nhân dân thế giới, từ ngày 25/4 đến ngày 26/6/1945, một hội nghị quốc tế diễn ra tại Xan Phranxixcô (Mĩ) với sự tham gia của đại biểu 50 quốc gia đã thông qua Hiến chương và tuyên bố thành lập tổ chức Liên hợp quốc. Ngày 24/10/1945, với sự phê chuẩn của quốc hội các nước thành viên, Bản Hiến chương chính thức có hiệu lực. Liên hợp quốc ra đời.
Hiến chương Liên hợp quốc xác định rõ mục tiêu của tổ chức mình là duy trì hòa bình và an ninh thế giới; phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các quốc gia, dân tộc.
Hoạt động của Liên hợp quốc thực hiện theo những nguyên tắc cơ bản sau: 1- Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc; 2- Tôn trọng độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước; 3- Không can thiệp và công việc nội bộ của bất kì nước nào; 4- Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; 5- Chung sống hòa bình và sự nhất trị giữa năm nước lớn: Liên Xô (Nga), Anh, Pháp, Mĩ và Trung Quốc.
Đến năm 2006, Liên hợp quốc có 192 thành viên. Đây là một diễn đàn quốc tế và hợp tác vừa đấu tranh nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Đồng thời là tổ chức có vai trò quan trọng đối với hòa bình ổn định và hợp tác phát triển đối với tất cả các quốc gia, khu vực trên thế giới.
Liên hợp quốc đã có vai trò to lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế: giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới; có đóng góp vào lộ trình phi thực dân hóa, thông qua Nghị quyết “Phi thực dân hóa”; Nghị quyết xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc; Nỗ lực trong việc giải trừ quân bị: thông qua Nghị quyết cấm thử vũ khí hạt nhân; giải quyết vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, Iran; Góp phần giải quyết các vụ tranh chấp, xung đột quân sự khu vực (Campuchia, Ănggôla, Đôngtimo, Trung Đông, Châu Phi). Liên hợp quốc đã đóng góp hết sức vào công cuộc giải trừ quân bị và chủ nghĩa thực dân, hạn chế chạy đua vũ trang giữa các nước, là trung gian hòa giải của nhiều vụ xung đột, tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Liên hợp quốc là người trung tâm để giải quyết các vấn đề, những thác thức đặt ra đối với toàn cầu và nhân loại như vấn đề ô nhiễm môi trường, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa li khai, đói nghèo, dịch bệnh… Liên hợp quốc đã đóng vai trò quan trong trong việc trợ giúp các nước đang phát triển, thực hiện cứ trợ nhân đạo các nước đang gặp khó khăn. Điều này thể hiện rõ nhất ở những cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc như UNESCO, FAO, UNFP, IMF, UNICEF,…
Ngoài thực hiện mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh thế giới, Liên hợp quốc còn thúc đẩy mạnh mẽ những mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc; đóng góp vào việc thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ để toàn cầu hóa trở thành lực lượng tích cực đối với toàn thể nhân loại.
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế có trụ sở tại Hà Lan đã ra một phán quyết về vụ Philippin kiện Trung Quốc chống lại những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nội dung phán quyết phủ nhận những đòi hỏi về cái gọi là chủ quyền lịch sử của họ chiếm 90% diện tích Biển Đông trong phạm vi đường đứt khúc 9 đoạn do Bắc Kinh đơn phương vạch ra. Phán quyết đó là phán quyết đúng trên cơ sở chủ quyền dân tộc của Philippins và Trung Quốc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Philippin nói riêng, nhân dân thế giới nói chung.


Tuy rằng phán quyết của Tòa trọng tài không có hiệu lực thực tế nhưng có ý nghĩa to lớn về mặt pháp lý, vì nó là một bộ phận của luật quốc tế. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để các nước có tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam đấu tranh khẳng định chủ quyền của mình. Đồng thời cho thấy vai trò quan trọng của các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp giữa các nước, duy trì hòa bình và an ninh thế giới như mục tiêu hoạt động của Liên hợp quốc.
Trần Hoài Thương - Huỳnh Thanh Mộng

Nhận xét