Hương vị ngày Tết




Có mùi thơm nào dễ chịu như mùi thơm nhang khói trên bàn thờ. Mỗi lần đi đâu đó ngang qua nơi người ta cúng kiếng, tình cờ ngửi được mùi nhang, lòng tôi bỗng nôn nao khó tả làm sao. Vì ngửi được mùi nhang là nghĩ ngay đến mùi Tết. Đó là mùi nhang bay nhẹ nhàng thoang thoảng, mùi hương ngọt ngọt nồng nồng của nồi chè trôi nước đưa lên bàn thờ ông Táo ngày 23 Tết. 

Hồi tôi còn nhỏ, cứ mong chờ đến ngày cúng ông Táo để được ăn chè trôi nước. Chú ba tôi nói ăn một viên là lớn thêm một tuổi nha con. Năm nào cũng vậy, dù nhà có lu bu, bận bịu cỡ nào thì bà nội tôi cũng tổ chức nấu chè trôi nước. Với lại lúc đó ghe nghỉ trăng nên chú bác anh em tôi có mặt đầy đủ. Đàn bà con gái thì nặn bột nấu chè, đàn ông con trai thì lột dừa và nạo dừa. Năm nào khá giả thì chè có nhiều màu vàng, xanh, trắng, đỏ. Năm nào trật duột thì cũng được hai màu là trắng và đỏ. Để nấu được nồi chè cũng là cả một công đoạn phức tạp. Bà nội phải ngâm nếp và đậu xanh từ tối hôm qua. Sáng mẹ tôi mang lên nhà bà dì để xay bột ké vì nhà không có cối. Ở nhà thím tôi luộc và xào đậu xanh làm nhân. Nước luộc đậu xanh thì trẻ con chúng tôi tha hồ uống với nước đường, mà hồi đó nó cũng như là một thứ "xa xỉ phẩm". Bột được xay từ trong cối thành nước bột và chảy vào túi vải, sau đó lấy hòn đá to cỡ hai ký đè lên túi chừng một tiếng thì mới có được bột dẻo để vò viên nấu chè. Năm nào mà luộc trôi nước không bị bể viên nào thì coi như năm đó làm ăn khấm khá. Trẻ con chúng tôi thì thích ăn viên ỉ hơn là viên trôi nước. Có lẽ vì nó nhỏ, nhìn dễ thương, và nguyên chất nếp không có đậu xanh như tâm hồn chúng tôi.
Giờ ở chốn Sài Gòn tưng bừng nhộn nhịp, chiều tan ca đi ngang qua văn phòng kế bên ngửi được mùi nhang cúng đưa ông Táo về trời mà thấy nôn nao làm sao. Phải chi có thêm mùi hương ngọt ngọt của nồi chè trôi nước, một chút nồng nồng của gừng già, pha lẫn tiếng cười sum họp của gia đình thì ấm cúng biết là bao...

Nhận xét