Gọi là đồng môn vì tôi cảm thấy rất tự hào khi được cùng cô nghiên cứu chung một lĩnh vực. Cô là cựu học viên cao học, sau đó là nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM. Tôi hỏi cô: "Cô học với thầy Hồng phải không ạ?. Cô trả lời: "Thầy Hồng là người hướng dẫn đề tài cho chị". Cô nói tiếng Việt rất thạo, cô xưng hô với chúng tôi một cách thân mật là "em" và "chị".
1. Sống với sứ mệnh của một nhà sử học
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh phong trào đấu tranh dân chủ ở Hàn Quốc đang diễn ra mạnh mẽ, những người trẻ ở Hàn Quốc đã rất quan tâm đến đất nước Việt Nam, đặc biệt là phong trào giải phóng dân tộc và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của người Việt. Những cuốn sách đậm chất cách mạng của Việt Nam như tiểu thuyết "Áo trắng" của nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết về phong trào đấu tranh của trí thức Sài Gòn phản kháng chính quyền Ngô Đình Diệm từ năm 1959 đến năm 1961 và tập hồi ký "Sống như Anh" của nhà văn Trần Đình Vân viết về tấm gương của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi của nhà văn được họ nồng nhiệt đón nhận. Tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của người Việt đã được họ tích cực học tập. Cô Ku Su Jeong cũng là một trong những người như vậy. Nhờ đọc những quyển sách trên mà cô cảm thấy yêu mến đất nước và con người Việt Nam, yêu mến những người có cùng lý tưởng với mình. Tuy nhiên lúc đó quan hệ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc chưa được thiết lập nên cô chưa có cơ hội được đến Việt Nam.
Đầu những năm 90 khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, quan hệ giữa Hàn Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa được thiết lập. Một làn sóng du học đến các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Mông Cổ...đã diễn ra. Vốn đã quan tâm đến Việt Nam từ trước đó, nên cô đã chọn du học ở Việt Nam và đề tài mà cô tâm đắc chính là sự can dự của quân đội Hàn Quốc vào cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ở Hàn Quốc cô đã từng biết đến cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng theo tuyên truyền của chính phủ Hàn Quốc khi ấy, quân đội Hàn Quốc tham chiến với sứ mệnh là bảo vệ hoà bình tại Việt Nam. Mãi đến năm 1997 khi đang học tại Việt Nam, cô được tiếp cận một tài liệu của Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tựa là "Những tội ác của quân đội Nam Triều Tiên tại miền Nam Việt Nam", và cô đã thực sự rất sốc vì những thông tin mà cô lần đầu được biết đến: cuộc thảm sát của quân đội Hàn Quốc ở miền Nam Việt Nam diễn ra vào năm 1966, đúng thời điểm mà cô trào đời.
Với quan điểm tiếp cận lịch sử một cách khách quan, cô đã quyết tâm tìm ra sự thật lịch sử bằng cách đi đến những nơi trước đây quân đội Hàn Quốc từng đóng quân khi tham chiến ở Việt Nam, khác hẳn với các nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam trước đây chỉ dựa vào tài liệu của phía Hàn Quốc và Mỹ.
2. Hành trình gần hai mươi năm cho một lời xin lỗi
Cô Ku Su Jeong từng là một phóng viên và viết rất nhiều bài báo tại Hàn Quốc. Năm 1999, những sự thật về tội ác của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam được cô công luận trên Tạp chí Hankyoreh 21 - một tờ báo có uy tín lớn thời bấy giờ - đã tạo nên một cơn sốt trong xã hội Hàn Quốc. Nhiều cựu chiến binh đã tấn công đập phá toà soạn và hành hung phóng viên, nhưng cũng nhờ vậy mà sự thật trên càng được nhiều người biết đến. Cô đã nhận được rất nhiều thư của những người Hàn ở khắp nơi với ngỏ ý mong muốn tạ lỗi và giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh Việt Nam, và họ đã gửi rất nhiều tiền về cho toà soạn. Và sau đó, từ năm 1999 phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam" đã được cô phát động.
Năm 2001, Uỷ ban sự thật về chiến tranh Việt Nam được thành lập nhằm quảng bá những thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam, mặc dù lúc đầu gặp rất nhiều sự công kích từ những cựu chiến binh nhưng hiện nay những sự thật này đã được đại đa số người dân Hàn Quốc biết đến.
Phong trào cũng nhận được sự ủng hộ của Hội Y tế vì hoà bình Việt Nam, các đoàn bác sĩ thường xuyên đến thăm chữa bệnh miễn phí cho người dân ở những vùng xảy ra thảm sát tại miền Trung Việt Nam.
Cô chia sẻ: một dự án như vậy kéo dài gần 20 năm là không hề đơn giản, và chúng tôi đã tạo được niềm tin đối với gia đình các nạn nhân.
Trong thời gian đó, một người bạn của cô là nhà báo Koh Kyeong Tae đã dành suốt 18 năm để tìm kiếm sự thật về vụ thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị ở Quảng Nam. Song vì những chứng cứ do Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Quảng Nam điều tra trước đây còn sơ sài, có nhiều sai sót nên chưa thể lập được hồ sơ tố tụng, vì thế nhà báo Koh Kyeong Tae đã phải sang Mỹ, gặp gỡ và phỏng vấn các cựu chiến binh Mỹ. Và nhà báo Koh Kyeong Tae đã cho xuất bản 2 quyển sách về cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị.
Trước đây cô Ku Su Jeong và nhà báo Koh Kyeong Tae từng hoạt động chung tại Hiệp Hội Tạp chí nguyệt san. Khi cô Ku Su Jeong công bố những sự thật về tội ác của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam thì nhà báo Koh Kyeong Tae đã tiến hành phỏng vấn các cựu chiến binh tại Hàn Quốc. Lúc đầu những cựu chiến binh này trả lời phỏng vấn một cách lung tung, nhưng sau đó bị dư luận lên án nên họ buộc phải rút những lời ấy lại.
Những hiện vật gồm quà tặng, giấy chứng nhận, thư cảm ơn...của các cơ quan, chính quyền Đà Nẵng, Quảng Nam thay cho lời cảm ơn đến Quỹ hoà bình Hàn-Việt. |
Khi được hỏi về việc chính phủ Hàn Quốc mong muốn nói lời xin lỗi chính thức với Việt Nam nhưng chính phủ Việt Nam đã từ chối nhận lời xin lỗi đó, cô Ku Su Jeong cho biết đây là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị:
Thứ nhất, chính phủ Việt Nam cho rằng những vết thương chiến tranh vẫn còn đang âm ỉ, nếu khơi gợi lại quá khứ sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoà giải, hoà hợp dân tộc của Việt Nam.
Thứ hai, việc nhận lời xin lỗi từ chính phủ Hàn Quốc sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước khác, vì không chỉ Hàn Quốc mà còn có Philippin, Úc...đều có quân đội tham chiến tại Việt Nam.
Chính vì thế trong cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang ngày 23/03/2018, Tổng thống Moon Jae-in chỉ bày tỏ lấy làm tiếc về quá khứ đau thương của hai dân tộc Việt, Hàn chứ không đưa ra lời xin lỗi chính thức.
3. Lịch sử là gốc của con người, là hồn của dân tộc
Khi được ngồi cạnh và nói chuyện cùng cô, tôi cảm thấy rất xúc động. Tôi có thể cảm nhận được hơi ấm từ cô. Tôi chia sẻ với cô: Em đã từng đến Jeju vào năm 2012, nhưng Jeju mà khi đó em biết là một hòn đảo thiên đường với thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống văn minh, hiện đại. Nhờ tham gia chương trình Đồng hành văn hoá 2018 mà em đã biết được một nửa còn lại của Jeju, đó là một quá khứ đau thương, mất mác vô cùng to lớn của người dân Jeju do chiến tranh và vụ thảm sát Jeju 4.3 để lại. Em đã đến tượng Pieta Việt Nam, và cũng nhờ thế mà em biết đến phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam", và nhờ tìm hiểu trên báo chí nên em đã biết đến cô. Em rất cảm phục khi biết cô là một nhà nghiên cứu lịch sử và cô đã sống đúng với sứ mệnh của một người học lịch sử. Đó là đi tìm ra sự thật lịch sử, và đấu tranh cho hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Cô là tấm gương sáng mà em phải noi theo.
Khi tôi nói muốn nghe một lời nhắn nhủ từ cô đến những người trẻ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay phần lớn người trẻ Việt không quan tâm đến lịch sử, cô đã chân thành chia sẻ: Không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả những người trẻ ở Hàn Quốc hiện nay cũng ít quan tâm đến lịch sử, sống xa rời lịch sử. Lịch sử là cái gốc của con người, nó giúp ta hiểu hơn về hiện tại, sống tốt hơn cho tương lai. Một người nếu sống xa rời lịch sử thì cũng giống như tự đánh mất đi cái hồn của chính mình.
Tôi hiểu "Lịch sử" mà cô nói ở đây không phải đơn thuần là lịch sử trong sách, lịch sử được dạy ở trường mà chính là quá khứ, là tổ tiên, là cội nguồn dân tộc.
Các thành viên chương trình Đồng hành văn hoá 2018 chụp ảnh kỷ niệm cùng cô Ku Su Jeong tại văn phòng Quỹ hoà bình Hàn-Việt |
Một cuộc gặp gỡ vô cùng đặc biệt với nhiều cảm xúc đan xen lẫn nhau, từ khi sang Hàn Quốc đến giờ chưa có cuộc gặp gỡ nào để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp đến như vậy.
Seoul, ngày 17/08/2018
Nhận xét
Đăng nhận xét