ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN LỊCH SỬ TỈNH BÌNH PHƯỚC (28/9/2018)

ĐÁP ÁN THAM KHẢO


Câu 1:
a)    Trình bày nguồn gốc, đặc điểm, các giai đoạn phát triển và tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ?

b)     Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới có tên gọi là gì? Học sinh cần chuẩn bị gì để bước vào thời đại công nghệ mới?

TRẢ LỜI:

a)     Nguồn gốc, đặc điểm, các giai đoạn phát triển và tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ.

-         Nguồn gốc:
Xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống, của sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần ngày càng cao của con người (cũng giống như cách mạng công nghiệp trong thế kỷ XVIII – XIX);

Những đòi hỏi đó đặt ra cho cuộc cách mạng công nghệ những vấn đề bức thiết cần giải quyết, đó là cần tìm kiếm những công cụ sản xuất mới có kỹ thuật và năng suất cao, tìm kiếm những vật liệu mới…  

-         Đặc điểm:
Đặc điểm lớn nhất của cách mạng khoa học công nghệ là khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp;

Mọi phát minh kỹ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học; khoa học gắn liền với kỹ thuật, khoa học đi trước mở đường cho kỹ thuật…

Khoa học tham gia trực tiếp vào sản xuất, trở thành nguồn gốc chính của những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ.

-         Các giai đoạn phát triển:
+  Trong lĩnh vực khoa học cơ bản: loài người đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, những bước tiến nhảy vọt chưa từng thấy trong các ngành Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học,… Một sự kiện gây chấn động lớn trong dư luận thế giới là tháng 3/1945, các nhà khoa học đã tạo ra Cừu Đôli bằng phương pháp sinh sản vô tính; tháng 6/2000, các nhà khoa học công bố Bản đồ gen người mới được giải mã hoàn chỉnh.

+  Trong lĩnh vực công nghệ:
Công cụ sản xuất mới: năng lượng mặt trời, năng lượng nguyên tử,…

Những vật liệu mới: chất pôlime, các loại vật liệu siêu sạch, siêu bền, siêu cứng,…

Công nghệ sinh học với những đột phá phi thường trong công nghệ di truyền, công nghệ tế bào,… dẫn tới cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp với những giống lúa cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt,…

Những tiến bộ thần kỳ trong thông tin lien lạc, giao thong vận tải: cáp sợi thủy tinh quang dẫn, máy bay siêu âm khổng lồ,…

Trong chinh phục vũ trụ: vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ,…

Công nghệ thông tin: trong những thập niên gần đây đã phát triển mạnh như một sự bùng nổ toàn cầu, hình thành mạng thong tin máy tính toàn cầu (được gọi là Internet),… Nền văn minh nhân loại đã sang một giai đoạn mới – Văn minh thông tin.

-         Tác động:
+  Mặt tích cực:
Đã làm thay đổi cơ bản các yếu tố sản xuất; tạo ra lực lượng sản xuất lớn hơn, đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước đây; sản xuất ra khối lượng hang hóa đồ sộ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người;

Dẫn đến những thay đổi to lớn về cơ cấu dân cư, chất lượng nguồn nhân lực, dẫn tới những đòi hỏi mới về giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, sự hình thành một thị trường thế giới và xu thế toàn cầu hóa…

Đưa loài người bước sang nền văn minh sau thời kỳ công nghiệp hóa – vi tính, điện tử, thong tin và khoa sinh hóa… làm cơ sở;

Tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới, nhất là những nước đang phát triển, những nước đi sau nhưng có nhu cầu cao về phát triển kinh tế - xã hội (thường gọi là “đi tắt đón đầu”, rút ngắn thời gian, tận dụng tốt hơn thời cơ, giảm thiểu nguy cơ trong quá trình xây dựng phát triển đất nước).

+  Mặt hạn chế:
Gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trên trái đất cũng như bên ngoài vũ trụ; hiện tượng trái đất nóng dần lên; làm gia tăng tai nạn lao động, tai nạn giao thông; xuất hiện them nhiều các loại dịch bệnh,…

Sản xuất ra các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, có thể hủy diệt nhiều lần sự sống trên hành tinh của chúng ta.

b)     Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới có tên gọi là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0).

Để bước vào thời đại công nghệ mới, rất cần học sinh tích cực, chủ động chuẩn bị những yếu tố cần thiết như:

-         Luôn có ý thức học tập, rèn luyện tốt, toàn diện về nhiều mặt: kiến thức văn hóa, kỹ năng mềm, giao tiếp, sức khỏe, Tin học, Ngoại ngữ,…
-         Quan tâm theo dõi, nắm bắt những diễn biến của tình hình đất nước và thế giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, ngoại giao v.v…
-         Có lối sống lành mạnh, có lý tưởng, mục tiêu phấn đấu, cống hiến trong tương lai…


Câu 2:
a)     Trình bày những điều kiện bùng nổ và đặc điểm của phong trào cách mạng đầu tiên diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng?

b)     Phong trào cách mạng này có vị trí quốc tế như thế nào?

TRẢ LỜI:

a)     Phong trào cách mạng đầu tiên ở Đông Dương cũng như ở Việt Nam diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng là phong trào cách mạng 1930 – 1931 (còn gọi là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh). Phong trào bùng nổ dưới tác động của tình hình thế giới, và khi đó Đảng ta vừa ra đời đã đóng giữ vai trò hạt nhân, nắm trong tay ngọn cờ lãnh đạo cách mạng.

-         Điều kiện bùng nổ:
+  Điều kiện khách quan (tình hình thế giới):
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 đã tàn phá kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa; Giai cấp tư sản ở các nước trút gánh nặng lên nhân dân trong nước và nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa; Mâu thuẫn giữa công nhân với tư bản, giữa các nước thuộc địa với các nước đế quốc, giữa các nước đế quốc với nhau… trở nên gay gắt.

Liên Xô đạt nhiều thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội (trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hóa và quốc phòng,… đã cổ vũ các dân tộc bị áp bức, nhân dân lao động các nước tư bản vùng lên đấu tranh.

+  Điều kiện chủ quan (tình hình trong nước):
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động rất mạnh đến tình hình nước ta. Thực dân Pháp đã tăng cường bóc lột nhân dân. So với các nước thuộc địa của Pháp thì Việt Nam là nước chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng này, làm trầm trọng thêm tình trạng đói khổ của nhân dân lao động, công nhân và nông dân là những nạn nhân trực tiếp và chịu nhiều tai họa nhất.

Mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc mà hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với Pháp và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Trong những mâu thuẫn trên thì mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai phản động là chủ yếu nhất.

Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái (2/1930), thực dân Pháp đã tiến hành một chiến dịch khủng bố dã man những người yêu nước Việt Nam. Từ đó làm căng thẳng thêm những mâu thuẫn và gây nên tình trạng bất ổn xã hội.

Trong hoàn cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời đã lãnh đạo quần chúng nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh, tạo nên một cao trào cách mạng rộng lớn, mạnh mẽ. Đảng đã biến ý chí căm thù của nhân dân thành hành động cách mạng cụ thể. Trong lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng (2/1930) có đoạn viết: “Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”.

-         Đặc điểm của phong trào cách mạng 1930 – 1931:
+  Kẻ thù: là một phong trào cách mạng triệt để, nhắm thẳng 2 kẻ thù chính của cách mạng là đế quốc và phong kiến;

+  Quy mô, phạm vi: thu hút hàng triệu người tham gia, diễn ra trên phạm vi khắp cả nước;

+  Lực lượng cách mạng: chủ yếu là công nhân và nông dân;

+  Là một bước tiến lớn so với các phong trào yêu nước – cách mạng ở cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX;

+  Đây là lần đầu tiên công nhân và nông dân sát cánh trong một cuộc đấu tranh. Qua phong trào đã thừa nhận trong thực tế vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân; góp phần hình thành nên khối liên minh công – nông cho cách mạng, tạo cơ sở để tập hợp công nhân và nông dân vào mặt trận dân tộc thống nhất.

+  Phong trào cách mạng 1930 – 1931 đã sử dụng bạo lực cách mạng đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, là một cuộc bạo lực có tổ chức đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng một đường lối đấu tranh đúng đắn.

Đặc biệt, đây được xem là cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho Cách mạng tháng Tám 1945. Đánh giá về phong trào 1930 – 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Xô viết Nghệ – Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào này tuy thất bại, nhưng nó đã rèn luyện lực lượng cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi sau này”.

b)     Vị trí quốc tế của phong trào cách mạng 1930 – 1931:

+  Đây là phong trào cách mạng tiêu biểu, điển hình ở một nước thuộc địa, được đánh giá cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

+  Sau thắng lợi của phong trào, Đảng ta được Quốc tế Cộng sản công nhận là thành viên của Quốc tế Cộng sản. Hay nói cách khác, thắng lợi của phong trào cách mạng 1930 – 1931 đã góp phần quan trọng gắn kết cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.


Câu 3:
a)     Hãy phân tích thái độ chính trị của các thế lực ngoại xâm để xác định kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam trong năm đầu tiên sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công?

b)     Sự cấu kết giữa kẻ thù chính của dân tộc với các thế lực khác được thể hiện như thế nào?

TRẢ LỜI:

a)     Thái độ chính trị của các thế lực ngoại xâm và kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ở Việt Nam có nhiều thế lực ngoại xâm: ngoài quân Pháp và quân Nhật đã có mặt từ trước, quân Anh kéo vào miền Nam, quân Trung Hoa Dân Quốc tràn vào miền Bắc, hậu thuẫn là đế quốc Mỹ.

+  Quân đội Nhật: là quân đội bại trận trong thế chiến thứ hai, chờ quân Đồng minh giải giáp để hồi hương. Mặc dù quân Nhật còn có những hành động chống phá cách mạng, nhưng không còn là kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam như trong Cách mạng tháng Tám.

+  Quân đội Anh: vào Đông Dương với danh nghĩa Đồng minh làm nhiệm vụ giải giáp phát xít Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16. Do phải lo đối phó với phong trào giải phóng dân tộc đang lên cao trong các thuộc địa của mình nên họ không có khả năng ở lại Đông Dương lâu dài. Họ giúp Pháp trở lại Đông Dương.

+  Quân đội Trung Hoa Dân Quốc: vào Việt Nam cũng với danh nghĩa Đồng minh làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16. Nhưng họ phải lo đối phó với lực lượng cách mạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đang ngày càng phát triển mạnh, nên sớm muộn cũng phải rút quân về nước.

+  Quân đội Mỹ: có chiến lược toàn cầu, nhưng đang phải lo ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, đồng thời giúp Trung Hoa Dân quốc ở Trung Quốc, nên chưa có khả năng can thiệp trực tiếp vào Việt Nam.

+  Quân đội Pháp: chúng âm mưu xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Ngay khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, Pháp đã đưa một đạo quân viễn chinh trở lại xâm lược Đông Dương, cử Cao ủy Pháp ở Đông Dương.

Ngày 2/9/1945, quân Pháp xả súng bắn vào dân chúng ở Sài Gòn – Chợ Lớn đang dự mit tinh chào mừng “Ngày Độc lập”.

Ngày 23/9/1945, chúng nổ súng tiến công ở Sài Gòn, rồi ngày càng mở rộng địa bàn chiếm đóng ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Thực dân Pháp bộc lộ rõ dã tâm xâm lược Việt Nam. Vì thế, kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp, cần phải “tập trung ngọn lửa đấu tranh” vào chúng.

b)     Sự cấu kết giữa kẻ thù chính của dân tộc với các thế lực khác:
+  Cấu kết với Anh: để quân đội Anh mở đường quay lại xâm lược nước ta, mở đầu là đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định;

+  Cấu kết với Trung Hoa Dân Quốc để đưa quân ra Bắc: nhằm âm mưu chiếm nước ta lần nữa, thể hiện qua bản Hiệp ước Hoa – Pháp (28/2/1946) với nhiều nội dung có lợi cho cả Pháp và Trung Hoa Dân Quốc, bất lợi cho Đảng và nhân dân ta.

Nội dung chính của Hiệp ước Hoa – Pháp gồm: Tưởng chấp nhận cho quân Pháp ra miền Bắc thay quân Tưởng giải giáp quân Nhật; Pháp đồng ý trả lại tô giới và nhượng địa trên đất Trung Quốc đã chiếm trước đó, cho phép Trung Hoa Dân Quốc vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường sắt Hải Phòng – Vân Nam mà không đóng thuế v.v…

+  Cấu kết với Mỹ nhằm duy trì và đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam: Pháp được Mỹ ủng hộ về chính trị, giúp đỡ về kinh tế, tài chính…; thể hiện ở Kế hoạch Rơve (1949), Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương (1953), Kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi (1951), Kế hoạch Nava (1953), những thỏa thuận và âm mưu của Pháp và Mỹ tại Hội nghị Giơevơ (1954)…

+  Cấu kết với các thế lực nội phản nhằm làm suy yếu cách mạng, tiến tới lật đổ Đảng và cách mạng:

Pháp cấu kết với Việt Quốc, Việt Cách đòi Đảng ta cải tổ, nhượng ghế trong Quốc Hội và nhiều yêu sách về chính trị, kinh tế,… Cấu kết với Chính phủ Bảo Đại nhằm chống lại chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh,…

Câu 4: Trình bày hoàn cảnh, nội dung của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam?

-         Hoàn cảnh lịch sử, nội dung của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

+  Hoàn cảnh lịch sử:

Từ năm 1929, phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và các tầng lớp nhân dân yêu nước đã đưa đến sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

Ba tổ chức cộng sản này ra đời đã thúc đẩy sự phát triển của cách mạng nhưng lại hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng,…

Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc đã sang Trung Quốc triệu tập hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản.Với chức trách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đến Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) để bàn việc thống nhất Đảng.

+  Nội dung của Hội nghị thành lập Đảng:

Nguyễn Ái Quốc phê phán quan điểm sai lầm của mỗi tổ chức cộng sản riêng rẽ và nêu chương trình hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận và nhất trí với ý kiến của Nguyễn Ái Quốc là hợp nhất các tổ chức cộng sản và thành lập một chính Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo (Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng).

Nhân dịp Đảng ra đời, Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức, bóc lột.

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam bởi vì:
1- Chấm dứt hoàn toàn sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam:
+ Từ khuynh hướng phong kiến (cuối thế kỷ XIX), dân chủ tư sản (những năm đầu thế kỷ XX) đến hai xu hướng tư sản và vô sản song song tồn tại tranh giành địa vị dẫn đầu phong trào yêu nước (thời gian 1919-1930) đến chỉ còn một khuynh hướng vô sản thắng thế để đưa cách mạng tiến lên.
+ Từ sự mất vai trò lãnh đạo của tầng lớp vân thân, sĩ phu yêu nước (cuối thế kỷ XIX), tầng lớp Nho học cấp tiến (những năm đầu thế kỷ XX); từ sự tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng giữa hai giai tầng hệ tư sản và vô sản đến sự lãnh đạo duy nhất của giai cấp công nhân.
+ Giai cấp công nhân đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mang; phong trào công nhân Việt Nam từ tự phát hoàn toàn sang tự giác.
2- Phong trào yêu nước Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn và sáng tạo, khác với những phong trào yêu nước giai đoạn trước kia (diễn ra trên quy mô toàn quốc, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, mang tính chất cách mạng,…).
3- Cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít với cách mạng thế giới:
+ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đặt dưới sự chỉ thị của Quốc tế Cộng sản với khẩu hiệu “giai cấp vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại”.
+ Với Cương lĩnh chính trị đúng đắn sáng tạo, cách mạng Việt Nam liên quan mật thiết với phong trào đấu tranh của nhân dân lao động ở chính quốc (nước Pháp) và ở một số nước tư sản khác…

Câu 5: So sánh điểm giống nhau trong Hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc với các lãnh tụ cách mạng thế giới như Lê-Nin (Liên Xô) và Tôn Trung Sơn (Trung Hoa Dân Quốc).

- Đều xuất phát từ mục đích giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động thoát khỏi ách áp bức, bóc lột; tiến tới xây dựng nhà nước do giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm chủ; tiến tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc;

- Đều trãi qua quá trình nghiên cứu, hoạt động thực tiễn phong phú, sinh động, cho nên chủ trương cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, Lê-Nin và Tôn Trung Sơn đều đúng đắn, được các nhà cách mạng, giai cấp công nhân và nhân dân hưởng ứng…

- Về phương pháp cách mạng: thành lập chính đảng để lãnh đạo; tuyên truyền giác ngộ giai cấp công nhân; gắn kết chặt chẽ phong trào cách mạng trong nước với các nước khác; sử dụng bạo lực cách mạng đấu tranh triệt để với giai cấp tư sản, giành chính quyền về tay giai cấp công nhân.

Nguyễn Duy Khánh

Nhận xét