CẢM NHẬN VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐỒNG HÀNH VĂN HOÁ 2018



1. Sự đa dạng văn hoá trong một thế giới

Khi còn ở Việt Nam tôi đã từng nghe nhiều về khái niệm “đa dạng văn hoá”, tuy nhiên hiểu biết của tôi lúc đó cũng chỉ là hiểu theo lời giải thích của các diễn giả, và nó ở tầm vĩ mô, tức là sự khác biệt văn hoá giữa các quốc gia, các dân tộc mà trong đó không có văn hoá nào xấu, văn hoá nào tốt cả mà chỉ có văn hoá phù hợp và văn hoá không phù hợp.
Khi tham gia chương trình Đồng hành văn hoá 2018 tôi mới thật sự hiểu hết được ý nghĩa của khái niệm này: sự đa dạng về văn hoá về bản chất chính là sự khác biệt ở mỗi con người, vì con người tạo ra văn hoá và văn hoá cũng chính là con người. Trên thế giới này có hơn 7 tỷ người nên sẽ có hơn 7 tỷ kiểu văn hoá khác nhau. Khi bạn tiếp xúc với một con người mới thì cũng là lúc bạn tiếp xúc với một nền văn hoá mới.



Các thành viên tham gia chương trình Đồng hành văn hoá 2018 đến từ các quốc gia khác nhau, trong mỗi quốc gia lại có những vùng miền khác nhau, trong mỗi vùng miền lại có sự khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, nghề nghiệp, lứa tuổi…Trong chương trình 2018 CPI Orientation & Cultural Field Trip ở Gwangju, tôi đã thấy được những bộ trang phục, những điệu nhảy truyền thống dân tộc khác nhau, nghe được những ngôn ngữ khác nhau… chưa bao giờ tôi cảm nhận được một thế giới văn hoá đa dạng như vậy.
Mặc khác, tôi cũng có thể cảm nhận được sự đa dạng văn hoá giữa các thành viên “Kề vai sát cánh” và các thầy cô phụ trách của chúng tôi. Chúng tôi là người Việt Nam, các thầy cô là người Hàn Quốc là đã có sự khác biệt về văn hoá. Nhóm 5 anh em Việt Nam chúng tôi thì lại đến từ 5 vùng miền khác nhau và nghề nghiệp khác nhau: anh Long thì đến từ đất tổ Phú Thọ và làm nhân viên sale, Thảo đến từ thủ đô Hà Nội và làm nghề tổ chức sự kiện, Tùng thì đến tỉnh Quảng Nam của miền Trung và là kiến trúc sư, Thịnh đến từ xứ dừa Bến Tre, đang là sinh viên ngành Hàn Quốc học, còn tôi đến từ xứ biển Kiên Giang và là giáo viên Lịch sử.


Mặc dù tất cả chúng tôi, những người đang tham gia chương trình Đồng hành văn hoá 2018 có sự khác biệt như vậy nhưng điều có chung một mục tiêu là giao lưu văn hoá với nhau, và bằng những hoạt động nhỏ của mình để góp phần xây dựng hoà bình cho thế giới. Để làm được như vậy, bản thân mỗi người chúng tôi phải giữ gìn và phát huy cái đẹp văn hoá của mình, đồng thời phải hoà mình để học tập văn hoá của người khác, để rồi từ đó mọi người sẽ thấu hiểu, tôn trọng và gắn kết với nhau.

2. Phát triển các giá trị văn hoá trên nền tảng hoà bình

Mỹ là một cường quốc, và người Mỹ muốn lan toả những giá trị tư tưởng, văn hoá tốt đẹp của họ đến các nước khác. Song cách thức mà họ làm đó chính là can thiệp, chiến tranh và nô dịch. Vì thế nó làm phản tác dụng và gây nên làn sóng chống Mỹ. Và người dân các nước coi văn hoá Mỹ là sự mở đường cho một mưu đồ chính trị. Còn Hàn Quốc thì ngược lại, họ lan toả các giá trị văn hoá bằng các hoạt động hoà bình và trên tinh thần cầu thị, giao lưu học hỏi văn hoá từ các nước khác chứ không cho rằng văn hoá của Hàn là số một, điều đó làm cho người ta dễ dàng chấp nhận và hưởng ứng làn sóng Hallyu.
Mặc khác cũng có thể thấy để có một nền văn hoá phát triển như hiện nay, Hàn Quốc đã trải qua một giai đoạn đen tối bởi chiến tranh và sự thù hằn: Sự thống trị tàn bạo của thực dân và phát xít Nhật Bản, cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, các cuộc đàn áp phong trào dân chủ như ở Jeju, Gwangju…Và hiện nay người dân sống ở biên giới Hàn Quốc – Triều Tiên vẫn còn đang phập phồng lo sợ bởi cuộc chiến tranh giữa hai nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy mà người dân Hàn Quốc rất có ý thức trong việc đấu tranh bảo vệ hoà bình. Hơn nữa hoà bình, ổn định hiện nay cũng đang là xu thế phát triển của thế giới.


Chương trình Đồng hành văn hoá 2018 được tổ chức như một chiến dịch quảng bá văn hoá Hàn Quốc và cũng là một cơ hội để những người Hàn Quốc được học tập văn hoá của các nước khác. Nhưng quan trọng hơn hết, đây là một cầu nối để các nền văn hoá trên thế giới được gặp gỡ, lan toả, đan xen lẫn nhau trong một môi trường hoà bình và cũng để hướng đến hoà bình.
Tôi có thể thấy cô Lee Hyang My, một trong những người phụ trách dự án “Kề vai sát cánh” của chúng tôi như là một đại sứ hoà bình, khi cô mặc áo cờ đỏ sao vàng tham gia Ngày hội văn hoá Việt Nam ngày 2 tháng 9 năm 2018 và cô tự nhận mình là người Việt Nam, cô còn bảo chúng tôi dạy cho cô tiếng Việt và nói tục bằng tiếng Việt cho cô nghe nữa. Chưa hết, ngoài câu nói “Xin chào” khi gặp người Việt Nam, cô còn biết những câu chào của nhiều nước khác như Thái Lan, Lào, Mông Cổ, Trung Quốc…, gặp ai cô cũng có thể niềm nở bắt chuyện và lắng nghe câu chuyện của họ. Và khi gặp ai có điểm gì đó tương đồng với tôi, cô thường bảo tôi nói chuyện và làm bạn với họ. Thầy Na Gi Seok cũng vậy, thầy lúc nào cũng vui vẻ và tạo tiếng cười cho mọi người, điều đó khiến tôi rất thích và tôi phải cố gắng học tiếng Hàn để nói chuyện với thầy. Thầy Na và cô Hyang My đã giúp tôi hiểu được rằng khi đã muốn đồng hành văn hoá cùng nhau thì sự khác biệt về ngôn ngữ không còn là vấn đề quan trọng nữa. Ngoài ra, khi tham được tham gia lớp học làm truyện tranh của cô Gu Ki Seon chúng tôi được học các từ vựng về đoàn kết, yêu thương, điều đó đã giúp tôi nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa chương trình mà chúng tôi đang tham gia, thôi thúc tôi phải bỏ qua cái tôi, phải thấu hiểu và đoàn kết với mọi người để thực hiện tốt các nhiệm vụ của chương trình.
Phát triển các giá trị văn hoá trên nền tảng hoà bình chính là muốn giao lưu văn hoá thì phải xuất phát từ sự khiêm tốn, chân thành và yêu thương.

3. Nhận thức mới về du lịch



Việc tham gia du lịch Art trekking đã giúp tôi hiểu được tiềm năng và vai trò của du lịch địa phương. Du lịch địa phương góp phần tận dụng được các tài nguyên du lịch địa phương và biến chúng thành những giá trị tốt đẹp, giúp người trong địa phương và khách du lịch ở xứ khác hiểu hơn về nơi mình đang sống. Cách thức tổ chức art trekking thật công phu với hai điểm ấn tượng là những vở kịch và truyện tranh, mặc khác chuẩn bị các phương tiện nghe nhìn, như thẻ đeo, miến lót, bánh, nước uống, tai nghe…khiến cho người tham gia thật sự muốn được tham gia thêm một lần nữa. Tôi rất thích mô hình du lịch này, khi về Việt Nam tôi sẽ áp dụng thử vào địa phương của mình.



Tôi cũng rất hứng thú về các nội dung được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về du lịch đô thị lần thứ 7, tháng 9 năm 2018. Thế giới đang nhìn về sự phát triển của du lịch đô thị trong tương lai, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường, giữ gìn các yếu tố truyền thống và đảm bảo cho cuộc sống của người dân địa phương được đặc biệt quan tâm. Tôi cũng cảm thấy rất khâm phục Hàn Quốc vì họ đã thành công trong việc phát triển du lịch đô thị. 
Thành phố Seoul đã nhận giải thưởng Thế giới Lee Kuan Yew cho những thành tựu của nó trong việc tái sinh đô thị được xây dựng dựa trên sự tham gia của công dân. Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề phát triển du lịch đô thị một cách bền vững chưa được thực sự quan tâm một cách đúng mức, đúng tầm. Tôi mong đợi những chính sách của chính quyền và sẽ cùng mọi người chung tay xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm du lịch đô thị trong tương lai.

4. Chủ động giới thiệu văn hoá của đất nước mình với mọi người

Đó là một trong những điều tốt đẹp nhất mà chúng tôi học được từ các thầy cô khi tham gia chương trình Đồng hành văn hoá 2018. Thầy cô không chỉ dạy chúng tôi về mặt lý thuyết mà còn hành động làm gương và tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện điều tốt đẹp đó. Nhờ vậy mà chúng tôi đã thực hiện được nhiều hoạt động giới thiệu văn hoá Việt Nam với mọi người.

Chương trình “Showcase” giới thiệu về 5 người Việt Nam chúng tôi và những kế hoạch trong chương trình Đồng hành văn hoá của chúng tôi.
Lớp học văn hoá Việt Nam dành cho các em học sinh Hàn Quốc với nội dung giới thiệu đất nước Việt Nam cho các em, và tổ chức trò chơi dân gian Việt Nam cho các em.
Buổi thuyết trình giới thiệu về quê hương ở Việt Nam của chúng tôi: Phú Thọ, Quảng Nam, Hà Nội, Bến Tre và Kiên Giang.
Gian hàng “Sắc màu Việt Nam” trong Lễ hội văn hoá châu Á quận Guro với các hoạt động tô màu tranh, ghép tranh, chơi banh đũa, chơi ô ăn quan…đã mang hình ảnh chợ Bến Thành, áo dài, con trâu Việt Nam đến với trẻ em và những người tham gia lễ hội đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Chương trình “1020 Thanh xuân rực rỡ” đã giới thiệu với người Hàn Quốc về ngày 20 tháng 10 – ngày của phụ nữ Việt Nam, về những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Chương trình du lịch “Văn hoá không biên giới” giới thiệu chợ Bến Thành của Việt Nam đến người Hàn Quốc.


Nhờ được tham gia chương trình Đồng hành văn hoá mà tôi không chỉ học được văn hoá của các nước bạn mà còn hiểu hơn về văn hoá của đất nước mình.

5. Những dự định sau khi tham gia chương trình

Thực tế tham gia các hoạt động của CPI giúp tôi nhận thức được những giá trị định hướng văn hoá hoà bình như sau:
Một là, nói không với bạo lực và tôn trọng mọi sự sống.
Hai là, công bằng xã hội, quyền dân chủ và quyền con người
Ba là, bảo tồn trái đất, bảo tồn di sản văn hoá
Bốn là, lắng nghe để thấu hiểu và đối thoại; bao dung và tôn trọng sự khác biệt và đa dạng; đồng cảm, đoàn kết và hoà nhập
Năm là, hài hoà giữa công dân trong mỗi quốc gia và công dân toàn cầu



Những dự định của bản thân sau khi tham gia chương trình:
- Đổi mới nội dụng giảng dạy trong môn học Lịch sử - công việc hiện tại của tôi, chương trình dạy học sẽ hướng đến nội dung hoà bình và đa dạng văn hoá
- Phát triển hơn nữa CLB Giai điệu phương nam – CLB âm nhạc dân tộc của người trẻ Thành phố Hồ Chí Minh do tôi sáng lập, để bảo tồn văn hoá dân tộc và chia sẻ tinh thân đó với mọi người
- Áp dụng mô hình du lịch mới vào địa phương mà tôi đang sống nhằm khai thác tài nguyên du lịch địa phương, xây dựng văn hoá du lịch mới.
- Học để nâng cao năng lực ngoại ngữ của mình nhằm duy trì các mối quan hệ đã xây dựng được trong khi tham gia CPI, thông qua các mối quan hệ đó nhằm thực hiện, tham gia các dự án cộng đồng đa quốc gia.

Nhận xét