MỤC
LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
Là sinh viên chuyên ngành Tư tưởng Hồ
Chí Minh, tôi luôn tự hào vì mình được vinh dự có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu
về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Gần bốn năm học chuyên ngành đã giúp cho
tôi hiểu thêm về Bác, đặc biệt là những tấm gương đạo đức của Người, từ đó tôi
đã rút ra cho mình nhưng bài học và kinh nghiệm sống trong hiện tại, và trên
đoạn đường sắp tới.
“Có Bác lòng ta trong sáng hơn” – quả
thật như đúng như vậy. Khi chúng ta biết nhiều về Bác, hiểu nhiều về Bác thì
lòng chúng ta cũng được trải rộng ra, có lẽ do đã hòa cũng với tấm lòng yêu
thương con người bao la trời biển của Người. Sự nghiệp của Bác là vĩ đại, nhưng
tư tưởng, đạo đức của Người còn vĩ đại hơn. Bởi trên thế giới, hiếm thấy một
lãnh tụ dân tộc nào lại gần dân đến như thế, còn nhân dân thì gọi người lãnh tụ
của mình bằng một tên gọi thân thương “Bác Hồ” . Suốt cả đời mình, Bác chỉ có
một điều tâm nguyện duy nhất là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân
ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mạc, ai cũng được học
hành. Cho đến khi mất, trong bản Di chúc Người còn căn dặn Đảng và Nhà nước
phải có chính sách thật tốt để phát triển kinh tế - văn hóa, chăm lo đời sống
vật chất tinh thần cho người dân. Nói về đạo đức của Người, thì đó là một tấm
gương đạo đức sáng ngời. Đạo đức của Người không chỉ là những lời nói suông mà
là những hành động thực tiễn, từ lối sống, phong cách làm việc cho đến tư tưởng
cách mạng.
Để có thể tìm hiểu, nghiên cứu về Bác
và học tập theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác thì đó là một quá trình
“lâu dài và gian khổ”. Bởi lẽ có người nghiên cứu cả đời mà không thể nghiên
cứu hết được, có người đã phải đi “vòng quanh thế giới” như Bác để có thể có
được những hiểu biết và cảm nhận thật sự đúng về Người. Do đó, nếu chỉ ngồi
trên ghế nhà trường nghe thầy cô giảng bài và vào thư viện hay lên mạng đọc
sách không thể khó mà có thể hiểu về Bác một cách tường tận và ý nghĩa được.
Thấu
hiểu điều đó và với mong muốn tạo điều kiện cho sinh viên chuyên ngành Tư tưởng
Hồ Chí Minh có thể có những trải nghiệm thực tế với ngành học của mình, được đến
những nơi mà Bác Hồ đã từng sống, và hoạt động cách mạng, các thầy cô trong Bộ
môn Tư tưởng Hồ Chí Minh khoa Lịch sử - trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân
văn – Đại học quốc gia TP.HCM đã tổ chức chuyến đi thực tập thực tế cho sinh
viên năm 4 chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh chúng tôi vào cuối học kỳ đầu năm
học này (2015 – 2016) với hành trình xuyên Việt từ Thành phố mang tên Người cho
đến tận Pác Pó – Cao Bằng, nơi đầu nguồn cách mạng. Và chúng tôi cảm thấy rất
tự hào về điều đó.
Trải qua cuộc hành trình kéo dài suốt
12 ngày 11 đêm, với lộ trình 4618 km và đi qua 22 tỉnh thành, chúng tôi đã hiểu
thêm về quê hương, đất nước mình, và càng biết ơn các thế hệ ông cha đi trước
cùng biết bao người đã ngã xuống để cho Tổ quốc đứng lên ngày hôm nay. Chúng
tôi càng hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức
của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi được đến tham quan những địa danh gắn liền với tên
tuổi của Người.
Với
niềm tự hào và kiêu hãnh đó, đồng thời mong muốn góp thêm một phần công sức của
mình vào công việc nghiên cứu chung về Người, tôi quyết định chọn đề tài “Xuyên
Việt 2016 – Hành trình theo dấu chân Người” làm đề tài báo cáo thực tập chuyên
ngành của mình. Đề tài sẽ trình bày về một số địa danh tiêu biểu mà chúng tôi đã
đi qua mà những địa danh đó gắng liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của
Người, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết - Bình Thuận, Huế, Pác Pó –
Cao Bằng và Hà Nội. Ở mỗi địa danh, tôi sẽ trình bày sơ lược về lịch sử hình
thành, điều kiện tự nhiên và xã hội, và đặc biệt là cuộc sống và hoạt động của
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở những nơi đó. Các địa danh trong bài làm được trình bày
theo thứ tự trong chuyến đi nên không đúng với thứ tự thời gian trong cuộc đời
hoạt động của Người. Bài làm viết theo lối ký sự và kể chuyện nên ít nhiều mang
yếu tố văn học và cảm xúc của người làm trong đó.
Cấu
trúc bài làm bao gồm:
Lời
nói đầu
Chương
1. Từ thành phố mang tên Bác
Chương
2. Đến mảnh đất cuối cùng của miền Trung - Nơi Bác dừng chân
Chương
3. Đất kinh kỳ - nơi lưu giữ nhiều ký ức tuổi thơ của Bác
Chương
4. Nghệ An - nơi “chôn nhau cắt rốn” của Người
Chương
5. Pác Pó – Cao Bằng, nơi đầu nguồn cách mạng
Chương
6. Bác Hồ “sống mãi với Thủ đô”
Thay
lời kết
CHƯƠNG 1.
TỪ THÀNH PHỐ MANG TÊN BÁC
Thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày
cuối đông[1]
thời tiết vẫn oi bức, buổi trưa có khi thời tiết lên đến gần 30 độ C. Riêng vào
đêm khuya và rạng sáng thì trời se se lạnh.
Xe
chúng tôi xuất phát từ lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 18 – 1 – 2016 từ Ký
túc xá sinh viên Làng Đại học ở Thủ Đức hướng về tỉnh Đồng Nai, bắt đầu cho
cuộc hành trình xuyên Việt.
Theo lời giới thiệu của anh Minh –
hướng dẫn viên trên xe chúng tôi biết được quận Thủ Đức trước đây thuộc phần
đất huyện Nghãi An, phủ Phước Long và tổng Long Vĩnh Hạ, huyện Long Thành, phủ
Phước Tuy thuộc tỉnh Biên Hòa (một trong sáu tỉnh Nam Kỳ thời Nhà Nguyễn). Về
tên gọi của quận Thủ Đức, có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng cách lý giải
nhận được sự đồng thuận nhiều nhất hiện nay là do cách gọi ghép của hai từ
“Thủ” và “Đức” , “Thủ” là danh từ chỉ đồn canh gác dọc theo các đường sông khi
xưa, còn “Đức” là tên của vị thủ đồn đầu tiên ở đây. Sau có ông Tạ Dương Minh
là người Trung Quốc thuộc lớp người “phản Thanh phục Minh” đến quy dân, lập chợ
buôn bán, nhớ ơn vị thủ đồn xưa nên lấy tên và chức tước của ông đặt cho chợ.
Từ tên gọi của chợ Thủ Đức đã thành tên của quận Thủ Đức hiện nay.
Từ thành phố mang tên Bác, chúng lên
đường tìm về những vùng đất “địa chỉ đỏ” gắn liền với tên tuổi của Người.
Thành
phố Hồ Chí Minh được vinh dự mang tên Bác từ ngày 2 – 7 – 1976 khi Quốc hội
thống nhất đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với số phiếu tán thành 100%,
chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Xưa
kia, đây là vùng đất thuộc Chân Lạp (Campuchia) với tên gọi là Prey Nokor. Nhờ
quá trình khai phá Nam bộ của nhà Nguyễn mà thành phố được hình thành. Năm
1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho
lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố[2].
Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công
cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở
thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh là “Hòn
ngọc Viễn Đông”.
Đầu
năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đến đây để tìm đường ra
nước ngoài với mong muốn tìm ra con đường cứu nước mới, có thể giải phóng dân
tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Vào đầu tháng 3-1911, anh
Thành xin vào học tại một trường dạy nghề ở Sài Gòn. Trong thời gian học 3
tháng ngắn ngủi đó, anh đã dành nhiều thời gian để quan sát cuộc sống ở nơi
đây. Anh thấy Sài Gòn đồ sộ và sầm uất hơn những vùng đất mà anh đã đi qua với
các công trình to lớn và mới lại như cầu đường, bến cảng, nhà máy, dinh thự, nhà
thờ…Và đặc biệt hơn nữa là cuộc sống xa hoa của những người Pháp ở nơi đây. Lần
đầu tiên được biết tới tiệm cà phê, bóng đèn điện, rạp chiếu bóng và cả món kem
mà anh đã từng đọc được trong sách vở. Đồng thời, anh cũng thấy được cuộc sống
khốn khổ của những người dân lao động ở đây, và trái với hình ảnh đó là những
“ông Tây”, “bà đầm nghênh đi lại và ức hiếp người dân. “Ngay giữa chợ Bến Thành
(Sài Gòn) – mà người ta bảo là một thành phố Pháp – bọn người châu Âu gác chợ
cũng giơ roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh ra, khỏi làm
nghẽn lối đi”[3].
Cảnh tượng đó càng khiến anh nung nấu ý chí ra đi tìm đường cứu nước.
Một
hôm, anh Thành tâm sự với anh Lê – một người bạn thân mà anh Thành mới quen
được khi đến Sài Gòn. Anh Thành hỏi:
- Anh
Lê, anh có yêu nước không?
-
Tất nhiên là có – Anh Lê ngạc nhiên trả lời.
-
Anh có giữ bí mật được không?
-
Có.
-
Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ
làm như thế nào. Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình,
thật ra cũng có điều mạo hiểm…ví như khi đau ốm. Anh muốn đi với tôi không?
-
Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?
-
Đây,tiền đây – Anh Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay – Chúng ta sẽ làm bất cứ
việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ?
Bị
lôi cuốn vì lòng hăng hái của anh Thành, anh Lê nhận lời, nhưng sau đó đã không
đủ can đảm để ra đi.
Hồi
ấy, bến Nhà Rồng[4]
là một thương cảng lớn ở Sài Gòn. Vào trưa ngày 2-6-1911, chiếc tàu Amiral
Latouche Tréville của hãng Năm Sao từ Đà Nẵng đến cập cảng này. Và người ta
thấy có một chàng thanh niên dáng cao, mảnh khảnh nhưng có đôi mắt rất sáng đến
đây để xin việc. Ông thuyền trưởng người Pháp tên Louis Édouard Michel nhìn anh
và hỏi:
-
Anh có thể làm được việc gì?
-
Tôi có thề làm bất cứ công việc gì?
Nhìn nét mặt cương nghị và thông minh
của anh, viên thuyền trưởng mỉm cười:
-
Được, tôi đồng ý nhận anh làm phụ bếp, sáng mai anh xuống đây nhận việc. Anh
tên là gì?
Tần ngần một lát, anh Thành đáp:
-
Tôi tên là Văn Ba.
Ngày 3 – 6 – 1911, với thẻ nhân viên
mang tên Văn Ba, anh Thành bắt đầu xuống thuyền làm việc với lương tháng là 50
Francs.
Theo
tác giả Mai Văn Bộ trong cuốn sách “Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh” thì lúc
đó cụ Nguyễn Sinh Sắc đang ở Sài Gòn và làm nghề bốc thuốc.Trước khi lên đường,
Nguyễn Tất Thành đã đến từ biệt cha. Thấy cha hốc hác gầy rạc người đi vì quá
bận rộn với công việc chuẩn bị ra đi của mình, Thành ái ngại:
-
Cha, hồi này sức khỏe của cha suy sụp quá nhiều, cha đã hy sinh cho con biết
bao năm dài, nuôi dưỡng, dạy dỗ, dìu dắt con từng bước đường đời. Nay đã từng
tuổi này mà con chưa kịp báo đền, quả thật là bất hiếu, ra đi con chưa yên
lòng.
-
Nước mất thì lo mà cứu, con chỉ có việc đó phải làm. Cứu nước tức là hiếu với
cha rồi đó. Con hãy mạnh dạn lên đường. Cha chỉ ở quanh quẩn đất Sài Gòn này để
trông tin tức của con.
-
Xin cha hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe, chờ tin con báo về[5].
Trưa
ngày 5-6-1911, tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu rời cảng lên đường sang
Pháp. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Văn Ba đã ra đi tìm đường cứu nước.
Thành
phố Hồ Chí Minh khi ấy tiễn Bác ra đi và từ đó cho đến về sau không còn dược
lần nào đón Bác về nữa[6].
“Sài
Gòn đi trước về sau” – Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là nơi bắt đầu cho cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại và mãi đến ngày 30-4-1975 mới được
giải phóng khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi, đưa đến thắng
lợi hoàn toàn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn
toàn miền Nam, thống nhất nước Nhà. Sài Gòn – Thủ đô của miền Nam thân yêu mà
Bác Hồ luôn hướng tim mình về đó sau hơn 40 xây dựng và phát triển đã trở thành
Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, là một trong hai trung tâm kinh tế -
chính trị lớn nhất cả nước. Nhân dân Thành phố đã và đang ra sức xây dựng để
Thành phố ngày càng giàu đẹp hơn, xứng đáng với vinh dự là thành phố mang tên
Người.
Trở
lại với cuộc hành trình, sau khi dừng chân ăn sáng tại thị trấn Dầu Giây[7],
chúng tôi tiếp tục lên đường đi về phương Bắc.
(chủ biên) (2012), Sài Gòn –
Thành phố Hồ Chí Minh, hành trình 100 năm (1911 – 2011), Nxb Tổng hợp Thành
phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, tr. 9.
[4] Sở dĩ
gọi là Bến Nhà Rồng là bởi tại bến có ngôi nhà trên nóc có đôi rồng được gắn
vào theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt” . Có ý kiến cho rằng xuất phát từ tên
của vua Gia Long, “Gia” nghĩa là Nhà, “Long” nghĩa là Rồng.
[6] Có tài
liệu nói rằng, năm 1912 Nguyễn Tất Thành có trở lại Sài Gòn.
CHƯƠNG
2. MẢNH ĐẤT CUỐI CÙNG CỦA MIỀN TRUNG – NƠI BÁC
DỪNG CHÂN
Theo
đường quốc lộ 1, xe chúng tôi băng qua thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), đến
khoảng 10 giờ xe đến thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Bình
Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ nhưng lại thuộc vùng kinh tế Đông Nam
Bộ. Còn Phan Thiết là một tỉnh lỵ, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ
thuật trực thuộc tỉnh Bình Thuận.
Theo
anh Minh hướng dẫn viên của đoàn cho biết, tên gọi Phan Thiết không phải là một
từ thuần việt mà có nguồn gốc từ tiếng Chăm. Có ý kiến cho rằng tên gọi Phan
Thiết bắt nguồn từ tên gọi của hoàng tử Po Thit (vốn em của công chúa Po Sah
Inư, con của vua Chăm Par Ra Chanh, tức Trà Chanh) từng đóng đồn trấn ngữ vùng
đất này vào thế kỷ XIV được người Việt đọc trại ra mà thành Phan Thiết. Tuy
nhiên, có một cách giải thích khác được nhiều người ủng hộ mà bản thân anh cũng
đồng ý đó là tên gọi Phan Thiết bắt nguồn từ tên gọi “Hamu Lithit”. Khi chưa có
người Việt định cư, người Chăm gọi vùng đất này là
"Hamu Lithít" - "Hamu" là xóm ruộng bằng,
"Lithít" là ở gần biển. Khi bắt đầu có người Việt định cư, vẫn chưa
ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Lâu dần, âm cuối
"Lithit" lại được gắn liền với âm "Phan" tách từ phiên âm
của tên hai vùng Phan Rang, Phan Rí mà thành ra Phan Tiết (tên gọi ngày xưa) và
sau này người ta gọi chuẩn với cái tên là Phan Thiết.
Đất
Bình Thuận xưa kia vốn là lãnh thổ của nước Chiêm Thành, các chúa Nguyễn trong
quá trình mở cõi xuống phía Nam đã thu phục vùng đất ấy. Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đánh
chiếm đất Phan Lang (sau gọi là Phan Rang), và chỉ để lại mảnh
đất phía Tây cho Chiêm Thành. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy
luôn mảnh đất còn lại đặt tên là Thuận Phủ và năm 1694 đặt
là Thuận Thành trấn. Năm 1697,
Lập Bình Thuận phủ gồm 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Sau cải thành Bình Thuận
Dinh. Đời vua Gia Long vẫn giữ Bình Thuận
dinh, đến vua Minh
Mạng đổi lại Bình Thuận phủ. Năm 1827,
vua Minh Mạng đặt ra hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận và hai huyện Tuy Phong và
Tuy Định. Bình Thuận được đặt thành tỉnh và giao cho quan Tuần phủ Thuận Khánh
kiêm nhiệm luôn tỉnh Khánh
Hòa. Từ đó đến nay, địa phận tỉnh Bình Thuận được sáp nhập
và chia tách nhiều lần qua nhiều tên gọi khác nhau. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận
có 1 thành phố (Phan Thiết),
1 thị xã (La Gi) và 8 huyện trực thuộc là Tuy Phong,
Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Tân, Đức Linh và Phú
Qúy, trong đó Phú Qúy là huyện đảo với tổng diện tích là 7828 km2,
nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 200 km [8].
Bình
Thuận là khu vực khô hạn nhất cả nước, nhiều nắng, nhiều gió, không có mùa
đông, nhiệt độ trung bình năm là 26 – 27 độ C. Khí hậu thay đổi theo 2 mùa rõ
rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Do chúng tôi
đi qua Bình Thuận ngay mùa khô nên mặc dù đang là cuối đông nhưng thời tiết ở
đây vẫn vô cùng oi bức, trên đường đi có thể thấy được những đồi cát như trong
sa mạc.
Do
có bờ biển kéo dài Chiều dài bờ biển 192 km, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp
như Mũi Né, Mũi Kê gà, Núi Tà Cú, Bàu Trắng, Gành son và hiều điểm di tích văn
hoá, lịch sử nổi tiếng như: Tháp Chăm Poshanư, Chùa núi Tà Cú, Dinh Thầy Thím,
Cổ Thạch Tự, Di tích Dục Thanh nên Bình thuận là một vùng đất giàu tiềm
năng du lịch. Người dân ở đây ngoài việc sinh sống bằng nghề nông (trồng lúa,
thanh long, nho, nuôi heo, bò..) còn phát triển các dịch vụ du lịch. Vùng biển
Bình Thuận nằm trong ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận nên nghề đánh bắt và
chế biến hải sản ở đây cũng rất phát triển, trong đó nổi tiếng nhất là nước mắm
ở Phan Thiết. Đến Phan Thiết, du khách ngoài việc tham quan, tắm biển còn có
thể mua các sản vật như mật nho, cá khô, nước mắm…về làm quà tặng. Nước mắm
Phan Thiết nổi tiếng từ lâu đời và không thua gì nước mắm Phú Quốc ở Kiên
Giang.
Bình
Thuận là một vùng đất giàu tài nguyên với các mỏ khoán sản có trữ lượng lớn như
cát thủy tinh, đá Granit, sét Bentonit, nước khoáng, sét làm gạch ngói, Ilmenit
-Zicon (TiO2), muối công nghiệp. Dầu khí là nguồn tài nguyên gần bờ
biển, có tiềm năng khai thác với các mỏ có trữ lượng lớn và chất lượng tốt như
Sử Tử Đen, Trắng, Sư Tử Nâu, Sư Tử Vàng, Rubi. Trong đó nước khoán Vĩnh Hảo trở
thành một thương hiệu lớn của tỉnh Bình Thuận.
Vào
đầu thế kỷ XX, Bình Thuận là nơi gặp gỡ của nhiều sĩ phu yêu nước Bắc – Trung –
Nam. Sở dĩ nói như vậy là vì từ những ngày đầu đánh Pháp, Bình Thuận đã là nơi
tụ họp của các sĩ phu yêu nước, còn Phan Thiết thì được coi là đất “tị địa”,
không khí chính trị ở đây không ngột ngạt như các tỉnh miền Trung khác nên có
thể là nơi ẩn náu của những người bị theo dõi hoặc rời bò quê hương vì mục đích
chính trị…Hơn nữa, lúc nay hai viên Khâm sứ Trung kỳ và Công sứ Bình Thuận đang
mâu thuẫn nên các sĩ phu ở đây được phép thực hiện nhiều việc hơn. Tại đây,
Công sứ Garneé không theo lệnh Tòa Khâm sứ nên các cơ sở của phong trào Duy
Tân, trong đó có Công ty Liên Thành[9]
không bị phá hủy mà vẫn còn hoạt động. Hơn nữa, Bình Thuận là đất nằm giữa Nam
Kỳ (xứ thuộc địa) và Trung Kỳ (xứ bảo hộ), muốn qua lại giữa hai vùng này phải
có giấy thông hành và các thủ tục khác như đi sang một nước khác. Do đó, nhiều
sĩ phu, trong đó có cụ Phan Châu Trinh muốn đi vào Nam phải dừng lại Phan
Thiết, tìm cách xin giấy thông hành rồi mới có thể đi tiếp[10].
Vào
mùa thu năm 1910, Nguyễn Tất Thành đã từng dừng chân ở đây và là thầy giáo dạy
học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết).
Trường
Dục Thanh được thành lập vào năm 1906 bởi hai ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn
Qúy Anh (con cụ Nguyễn Thông), với sự cộng tác của những người thân tín và cấp
tiến như Truong Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Quang Nghiêm, Trần
Đình Phiên (con Trần Đình Phong). Trường được xây dựng trên khu đất của Ngọa Du
sào[11],
gồm một nhà thờ gỗ lợp ngói khá rộng, nằm giữa nhà thờ và nhà thảo bạt.
Chuyện
kể rằng, trước khi đi vào Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành đã đến huyện Bình Khê
(Bình Định) để thăm cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc đang làm Tri huyện ở đây. Thấy
con đến, cụ Sắc lạnh lùng hỏi:
-
Con đi đâu mà qua đây?
-
Dạ, con đến với cha ạ.
-
Anh đến với tôi để làm gì?
-
Con đến thăm cha để rồi…con đi…
Nét
mặt cụ Sắc đã ấm lại và thoáng cười tươi:
-
Được. Cha cứ tưởng con đi theo cha thì đáng buồn. Con phải tự tìm ra cho mình
một hướng đi, một con đường. Đời cha không có con đường, chỉ có một ngõ cụt.
Cha đã không làm được điều mình hằng ước nguyện: Vì Tổ quốc mà ngã giữa trận
tuyền, vì công bằng mà rơi đầu trước đám cường quyền bạo ngược. Cha đành chịu
phận: chí đoản hận trường (chí nhỏ hận dài).
- Nhớ
lời cha dặn con hồi năm ngoái, nay con định đến Phan Thiết, trao phong thư của
cha tới ông Hồ Tá Bang. Con sẽ xin được dạy học ở trường Dục Thanh một thời
gian, cha ạ.
-
Phải. Con cứ mạnh dạn làm, một khi lòng đã quyết. Con đã đến tuổi tráng niên
rồi. Nhớ là: “Kỳ ấu giả duy phụ mẫu sở hữu chi nhân, kỳ tráng duy quốc gia sở
hữu chi nhân, kỳ lão duy hậu thế sở quan trọng chi nhân (Lúc ta còn thơ ấu thì
thuộc quyền cha mẹ, lúc ta lớn lên thuộc về đất nước, lúc về già lại dành cho
lớp người sau là quan trọng nhất).
Sau
khi vào Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành được nhận vào dạy ở trường Dục Thanh với
vai trò là trợ giáo, dạy môn thể dục. Ngoài ra anh còn dạy thêm các môn ngoại
ngữ vào giờ ngoại khóa và phụ trách thư viện của trường. Tại trường, anh ở cùng
học sinh nội trú tại một căn nhà có tên là nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông.
Chỉ
lưu lại Phan Thiết một thời gian nhưng thầy Thành đã để lại một dấu ấn không
nhỏ trong những người nơi đây, mọi người đều yêu quý thầy. Nhà văn Sơn Tùng
trong tác phẩm Búp sen xanh đã miêu tả thầy giáo Nguyễn Tất Thành khi lên lớp
thường “bận bộ dài trắng, cổ đứng, đi guốc gỗ mộc, ôm cặp da bò màu vàng cam,
bước khoan thai vào lớp. Cả lớp học đón thầy với một không khí ấm cúng, trật tự
và lễ phép”[12].
Bác
sĩ Nguyễn Kính Chi – Thứ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – người
từng là học trò của thầy Thành ở trường Dục Thanh kể lại rằng: năm đó Nguyễn
Tất Thành 20 tuổi, dáng người thanh thanh, hớt tóc ngắn, trán cao, nét mắt long
lanh như lúc nào cũng cười. Nguyễn Tất Thành được ở trong ký túc xá của trường
nhưng anh ít ở đó mà sang ngủ và ăn ở chung với các học sinh. Anh chỉ đến Ngọa
Du sào đọc sách và bàn chuyện với các thầy khác…Ngoài ra thường mỗi sáng một
đôi lần vào ngày chủ nhật, Nguyễn Tất Thành đưa học trò đi chơi ở động cát
Thiềng Đức hoặc đến bờ biển Chương Thánh. Những lần đi như vậy Nguyễn Tất Thành
thường giảng về địa lý và lịch sử đất nước cho học sinh nghe. Cũng theo hồi ức
của nhiều người, thầy Thành từng giảng giải cho học sinh nghe về thiên văn và
sao chổi năm 1910, thầy cũng hay đi thăm, kết thân và tìm hiểu đời sống nhân
dân lao động các làng chài[13].
Tết
nguyên Đán năm 1910, thầy Thành ở nhà với gia đình và con cháu cụ Nguyễn Thông.
Tết Trung Thu năm canh Tuất (18-8-1910) tại trường Dục Thanh có diễn ra một
buổi tiệc mừng. Và sau đó thầy Thành ra đi.
Để
tránh cuộc chia tay nặng lòng kẻ ở người đi, thầy Thành đã để lại một bức thư
giải thích rằng “thầy không thể ở lại trường Dục Thanh lâu hơn nữa. Thầy phải
đi, đi rất xa. Ước mơ về một ngày mai nước nhà độc lập đang kêu gọi thầy dấn
bước ra đi…Thầy đi xa nhưng lòng vẫn nhớ, vẫn gần các em. Thầy mong các em học
giỏi, chăm ngoan, biết kính người già, nhường người trẻ, yêu quý mọi người”.
Cùng
đi với thầy Thành vào Sài Gòn có cụ Nghè Trương Gia Mô, cụ Hồ Tá Bang và Trần
Lê Chất là ba trong sáu thành viên của Ban Quản trị công ty Liên Thành. Tuy
đường vào Sài Gòn chỉ có 200 cây số nhưng vì lúc đó không có xe, họ phải đi
bằng ghe chở nước mắm. Do giữa đường gặp sóng to gió lớn, phải ghé vào Vũng Tàu
nên mãi tới tháng 2 – 1911 Nguyễn Tất Thành mới vào tới Sài Gòn.
Khi
cụ Nguyễn Sinh Sắc tới Phan Thiết thì Nguyễn Tất Thành không còn ở đấy nữa, và
tại đây theo sự chỉ dẫn của gia đình ông nghè Mô, cụ đi thẳng vào Sài Gòn đến
nhà ông Lê Văn Đại ở xóm cầu Rạch Bần (nay là số 185 đường Cô Bắc, TP.Hồ Chí
Minh). Tại nơi đây đã diễn ra cuộc chia tay giữa hai cha con trước khi Nguyễn
Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Xe
chúng tôi đi qua Phan Thiết, nhưng không có điều kiện để ghé trường Dục Thanh,
sau mấy mươi năm kể từ khi Bác ra đi, chắc trường giờ đây đã có nhiều thay đổi.
Nhưng những dấu ấn của vẫn còn đọng lại rất sâu đậm trong lòng những người dân
nơi đây. Bình Thuận chưa một lần được đón Bác về thăm kể từ khi nước nhà được
độc lập nhưng vẫn mong nhớ Bác. Nhân kỷ niệm 120 ngày sinh của Bác và 100 năm
ngày Bác dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh vào giữa năm 2010, hàng trăm đại
biểu là các nhà chuyên môn đã tham gia một cuộc hội thảo quy mô lớn về sự
nghiệp của Người trong quãng thời gian dừng chân ở Dục Thanh – Phan Thiết.
Rời
khỏi Bình Thuận, xe chúng tôi tiếp tục bước qua ranh giới của tỉnh Ninh Thuận
và ghé lại Cà Ná dùng cơm trưa. Đoàn tiếp tục đi qua các địa danh và ngắm biển
Đại Lãnh, ngắm cảnh Đèo Cả. Tối đến, chúng tôi dừng chân ăn tối tại nhà hàng
Bãi Tiên, Sông Cầu – Phú Yên. Gần 22 giờ, xe đến Quy Nhơn (Bình Định), chúng
tôi dừng chân và nghỉ qua đêm tại khách sạn Hưng Thịnh, kết thúc ngày đầu tiên
hành trình theo chân Bác.
[9] Công
ty Liên Thành được thành lập ở Phan Thiết, là một tổ hợp gồm ba tổ chức: Liên
Thành thương quán, Liên Thành thư xã và Dục Thanh học hiệu (trường Dục Thanh) –
những cơ sở gắn liền với các vấn đề kinh tế - văn hóa xã hội – giáo dục để các
sĩ phu duy tân thực hiện chí hướng của
mình. Tên Liên Thành ngụ ý bảo vệ truyền thống, có nghĩa là thành hoa sen.
[10] Hà
Minh Hồng (chủ biên) (2012), Sài Gòn –
Thành phố Hồ Chí Minh, hành trình 100 năm (1911 – 2011), Nxb Tổng hợp Thành
phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, tr. 61 – 63.
[11] Trong
ba mươi năm cuối đời mình, cụ Nguyễn Thông dựng bên bờ sông Mương Mán một nhà
thờ, sau nhà thờ là nhà ở. Trên gác có phòng đọc sách, xung quanh tường vẽ là
những cảnh cụ đã từng thưởng ngoạn, dọi là Ngọa du sào (cái tổ để nằm chơi),
bên cạnh có ngôi nhà thảo bạt để cho khách nghỉ chân, bàn chuyện. Nơi đây từng
là nơi lui tới của nhiều sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ.
[12] Sơn
Tùng (2015), Búp Sen Xanh, Nxb Kim
Đồng, Hà Nội, tr. 245.
[13] Hà
Minh Hồng (chủ biên) (2012), Sài Gòn –
Thành phố Hồ Chí Minh, hành trình 100 năm (1911 – 2011), Nxb Tổng hợp Thành
phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, tr. 66 – 67.
CHƯƠNG 3. ĐẤT KINH KỲ - NƠI LƯU GIỮ NHIỀU KÝ ỨC TUỔI
THƠ CỦA BÁC
Ngày
thứ hai, chúng tôi xuất phát từ 5 giờ sáng, hướng về tỉnh Quảng Ngãi. Xe đi
ngang qua núi Thiên Ấn, nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, nơi yên nghỉ của nhà chí
sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.
Cụ
Huỳnh Thúc Kháng vốn là một trong những đại biểu của phong trào Duy Tân do Phan
Châu Trinh khởi xướng vào đầu thế kỷ XX. Vì lý do đó, cụ bị bắt trong năm Mậu
Thân (1908), rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908 – 1921) mới được trả tự do.
Sau khi ra tù, cụ vẫn tiếp tục hoạt động trong phong trào dân tộc dân chủ. Khi
cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh vì mến mộ tài đức
mà mời cụ ra tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Sau, cụ lại được bầu làm chủ
tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt).
Về
mối quan hệ giữa Cụ Huỳnh Thúc Kháng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nói không
chỉ là tỉnh cảm giữa những người đồng chí mà còn là tình cảm của những người
thân trong gia đình. Bác luôn kính trọng và xem cụ như những vị tiền bối đi
trước.
Chuyện
kể rằng, vào sáng ngày 31 – 5 – 1946, Bác Hồ rời Hà Nội đi Pháp để mở cuộc đàm
phán chính thức với chính phủ Pháp. Sân bay Gia Lâm hôm ấy đông nghịt người ra
tiễn. Bác đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Đồng bào vẫy cờ, vỗ tay
hoan hô và chen lấn nhau ra phía trước để được nhìn rõ Người.
Sắp
đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh nói:
-
Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ
cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến”
(lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi).
Cụ
Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu, Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm Quyền Chủ
tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.
Theo
GS.TS Hoàng Chí Bảo, cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những người “giục Báclấy
vợ”. Trong một buổi cơm thân mật năm 1946, cụ Huỳnh đã tặng Bác hai câu thơ hóm hỉnh:
“Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già
Cụ ông thì có, cụ bà thì không?”
Sau
này, trong thời gian ở Paris, ngoài các bức điện văn gửi về hỏi thăm tình hình,
Bác đã gửi tặng một bài thơ để đáp lại lời khuyên của cụ Huỳnh:
“Cụ Huỳnh, nhớ lắm cụ Huỳnh ơi,
Nghĩ chẳng
ra thơ để trả lời.
Giang sơn
đất nước cùng nhau gánh,
Độc lập
xong rồi lấy vợ thôi.”
Những
câu chuyện cảm động trên không chỉ cho thấy tình cảm giữa Bác với cụ Huỳnh Thúc
Kháng mà còn cho thấy tài năng của Bác
trong việc trong dụng nhân tài. Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy được nỗi lòng của một người lãnh tụ dân tộc khi
đất nước còn khó khăn, sẵn sàng hy sinh việc cá nhân mà lo cho việc chung của
dân tộc.
Dọc
đường chúng tôi ghé thăm bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng
Ngãi, nơi lưu giữ những dấu tích của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Buổi trưa,
chúng tôi ăn cơm tại quán cơm Gốc Đa với các món ăn mạng đậm chất hương vị của
vùng quê hương Quảng Ngãi.
Buổi
chiều, chúng tôi đến tham quan tại khu tưởng niệm chiến tích Sơn Mỹ - nơi trưng
bay các hình ảnh tội ác của Mỹ và tay sai trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Sau đó, xe
tiếp tục lên đường đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam, đến Đà Nẵng, vượt qua đèo
Hải Vân đến Thừa Thiên Huế.
Tối
đó, sau khi dùng cơm tại nhà hàng – khách sạn Hoàng Tuấn, chúng tôi dạo bước
trên những con đường thơ mộng của xứ sở cố đô. Khí hậu ở Huế mùa này se se
lạnh, do từ Đèo Cả trở ra khí hậu của nước ta bắt đầu chịu ảnh hưởng của gió
mùa Đông Bắc từ Trung Quốc thổi xuống. Do đang lúc này là những ngày giáp tết
nên những con phố của Huế tràn ngập đèn hoa, trông thật tráng lệ. Ngoài đường,
ngoài những người Việt Nam đang thênh thang dạo bước, còn có những người Tây và
người Hàn Quốc đang đến đây du lịch.
Cũng
như các nhà văn, nhà thơ hay ca tụng, sông Hương mùa này nước chảy êm đềm như
mái tóc của người con gái trong độ tuổi xuân thì, được cầu Tràng Tiền bắc ngang
như một chiếc lược ngà đang chải chuốt trên đó. Đang đêm, nên cầu Tràng Tiền
trở nên tĩnh lặng và nước sông Hương càng êm đềm hơn nữa. Dưới chân cầu là một
công viên, ở đó có rất nhiều bạn trẻ đang tấp nập nơi đây, không phải để hẹn hò
mà là để cố mua cho được một ổ bánh mì thịt của cô gánh hàng rong ở đó. Gánh
hàng cũng đơn sơ như những gánh hàng bánh mì thịt ở chợ Bến Thành nhưng không
hiểu sau lại có nhiều người xếp hàng mua đến như vậy. Tôi chưa có cơ hội được
ăn bánh mì này, nhưng nghĩ chắc là ngon lắm, có thể đây là một loại “đặc sản
vỉa hè” ở Huế. Chúng tôi ghé vào ăn một quá chè Huế bên đường, nhiều người trong
đoàn bị thu hút bởi món Chè heo quay, đặc sản của Huế. Không ai có thể quên
được khi nghe chị bán chè nói chuyện với một cái giọng nói thân thương, nhưng
thật nhã nhặn, dịu êm, bởi cái đẹp vốn có của người con gái Huế.
Thời
tiết se se lạnh làm cho tôi nhớ đến cái rét của Bác Hồ vào những ngày giáp tết
đầu năm 1901. Cái rét đó không phải là cái rét của khí trời mà là cái rét ở
trong lòng người, mà đúng hơn là nỗi đau xé gan xé thịt.
Từ năm
1895, cụ Nguyễn Sinh Sắc vì đang học ở trường Quốc Tử Giám tại Huế và chuẩn bị
cho kỳ thi sau nên đã đưa vợ và và hai con trai từ Nghệ An vào chung sống. Gia
đình Bác ở tại một ngôi nhà tranh ba gian gần Viện Đô Sát trong thành nội (nay
là số nhà 112 đường Mai Thúc Loan). Khi ấy Bác mới 11 tuổi, con đang là cậu bé
Nguyễn Sinh Cung[14].
Mẹ Bác mới sinh em bé và đang mắc bệnh hậu sản. Anh trai Bác thì đang theo cha
đi coi thi ngoài Thanh Hóa, còn chị thì đang ở quê chăm sóc bà ngoại. Một mình
Bác ở nhà vừa chăm em, vừa lo cơm nước vừa thang thuốc cho mẹ. Vào một buổi
sáng, ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý nhằm ngày 10 – 2 – 1911, khắp kinh thành
Huế trùm phủ một màu ảm đạm. Bác đang trên đường đi mua cơm và thuốc cho mẹ về
thì hay tin mẹ mất, Bác vội chạy thật nhanh về nhà, nước mắt giàn giụa, cố kìm
nén nỗi đau không cho ra tiếng khóc thì thấy mẹ thi hài mẹ đang nằm trên
giường, một tay buôn thỏng xuống, một tay đang ôm lấy bé Xin. Cả đất trời dường
như tối sầm lại. Ngày 23 tháng Chạp, cái ngày mà người ta đưa tiễn ông Táo lên
chầu trời cũng là ngày mà Bác đưa tiễn linh cửu mẹ mình về nơi yên nghỉ. Nhờ
những người hàng xóm tốt bụng lo toan giúp đỡ, nên tang lễ của bà Hoàng Thị
Loan cũng diễn ra chu tất. Và những ngày sau đó là những ngày đau khổ nhất
trong cuộc đời của Bác. Trong tiểu thuyết Búp
Sen xanh, nhà văn Sơn Tùng đã kể lại:
“Chôn
cất mẹ xong, Côn lại bế em về với ngôi nhà hoang vắng trong thành nội. Bà con
hàng xóm, các nhà có con học ông cử Sắc đều muốn đón anh em Côn về ở với gia
đình họ. Nhưng Côn không đến ở nhà ai. Em còn nhỏ, đang lâm bệnh ỉa chảy, lại là
ngày Tết, nhà nào cũng có cỗ bàn sang trọng, khách khứa đông vui người ta sẽ
khó chịu về sự có mặt của hai đứa trẻ mồ côi mẹ này! Những đêm đầu tiên vắng
mẹ, Côn thấy rờn rợn trong đầu. Bé Xin nhớ hơi mẹ, thèm sữa gào khóc; không dỗ
được em nín, khổ quá, Côn khóc luôn với em. Tiếng "eng éc" của con
chim cú lợn kêu từ đêm trước lại hiện đến trong Côn với cảm giác như bị cái cột
nứa cứa vào bàn tay. Côn cất tiếng ru :
À ơi. Bồng bồng bế bế bồng bồng...
Cò con theo mẹ sang sông đắm đò...
À ơi đắm đò ướt hết thân cò...
Cò con cò mẹ lò dò sang sông...
Bồng... bồng... bế... bế... ớ... bồng... ơ... bồng...
Cái
cảm giác sợ hãi đã bay biến thì nỗi cô đơn lại bao trùm lấy tâm trí Côn lúc cả
kinh thành bay lên theo tiếng pháo giao thừa. Côn phải dỗ em bằng kẹo, bánh của
các bạn đem đến cho. Tuy em Xin chưa biết nói, Côn vẫn trò chuyện với em như nó
đã tiếp nhận được mọi điều của anh nói ra :
- Em
ăn cái bánh ni ngon hơn mọi thứ bánh khác, đây là lộc của đức Hoàng phi Thành
Thái cho anh em mình đó. Em có biết không, mẹ Công tôn nữ Huệ Minh thưa với đức
Hoàng phi về tình cảnh của anh em mình, cha mình là cử nhân, là giám sinh đang
chấm thi ngoài tỉnh Thanh...
Mặc
anh dỗ dành, nựng chiều, bé Xin vẫn không ăn bánh, không đòi bú và cả tiếng
khóc cũng đang đuối dần! Côn bế em vào lòng, tựa lưng bên bàn thờ mẹ nhìn đau
đáu trong đêm đen quạnh quẽ mịt mù...”[15].
Sáng
hôm sau, chúng tôi đón bình minh của xứ Huế từ lúc tờ mờ sáng. Đúng 7 giờ xe
bắt đầu lên đường với City tour tại Thành phố Huế. Sau khi ăn sáng, chúng tôi
đến tham quan quần thể di tích Kinh thành triều Nguyễn với Lầu Ngũ Phụng, Ngọ
Môn, Điện Thái Hòa, Cửu Đỉnh, Thái Miếu...Lần đầu tiên được đến thăm Kinh thành
Huế, nhưng tôi có cảm giác dường như nó không nguy nga, tráng lệ như trong suy
nghĩ của tôi. Có lẽ do trong tâm thức của tôi, kinh thành Huế từng là nơi đóng
đô của suốt 13 đời vua triều Nguyễn và từng là thủ phủ của nhiều triều đại
trước đó nên chắc hẳn phải có tầm vóc vĩ đại lắm. Cũng có thể do lưỡi dao thời
gian và sự tàn phá của chiến tranh nên kinh thành ngày nay không còn được như
những gì trong sử sách còn ghi chép lại.
Vốn
từng là thủ phủ, là kinh đô của nhiều triều đại trước đây, nên Huế là chứng
nhân lịch sử của biết bao chuyện bể dâu dời đổi. Huế trước kia là đất của Chiêm
Thành nằm trong vùng châu Ô và châu Rí, vào đầu thế kỷ XVI thì thuộc về nước ta
khi vua Trần Nhân Tông gả con gái là công chúa Huyền Trân cho nên vua Chiêm là
Chế Mân đã dâng hai châu này cho nước ta để làm sính lễ, vua Trần Anh Tôn mới
đổi tên mới là châu Thuận và châu Hóa. Vào đầu thế kỷ XV, khi nhà Hồ đại bại,
nước ta bị nhà Minh đô hộ thì Huế lại thuộc về phủ Thuận Hóa (gồm cả hai châu ở
trên) dưới sự cai trị tàn bạo của bọn quan lại nhà Minh. Sau khi Lê Lợi đại
thắng quân Minh năm 1428, lập ra nhà Hậu Lê thì
Thuận Hóa trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Từ thế kỷ XVII, khi
chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam, hai họ Trịnh – Nguyễn phân tranh thì Huế, khi
ấy là đất của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, lại phải chứng kiến cảnh nước nhà bị
chia cắt, nhân dân trong cảnh lầm than loạn lạc. Kề từ năm 1738, dưới thời Võ
Vương Nguyễn Phúc Khoát thì Huế chính thức trở thành phủ chúa với tên gọi Phú
Xuân, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (trước đó, năm 1687, Chúa Ngãi
Nguyễn Phúc Trăn đã dời Phủ chúa về làng Phú Xuân, nhưng vì nhiều lý do, các
chúa đời sau lại dời đi chỗ khác)[16].
Năm 1774, nhân lúc Tây Sơn khởi binh đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong, quân Trịnh
đã chiếm thành Phú Xuân và Huế thuộc về tay họ Trịnh. Năm 1786 quân Tây Sơn
dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ hạ thành Phú Xuân, kể từ đó Phú Xuân – Huế luôn
trở thành một địa bàn chiến lược được Nguyễn Huệ vô cùng coi trọng và chọn là
nơi đóng đại bản doanh. Năm 1802 Nguyễn Ánh tiêu diệt Tây Sơn thì Phú Xuân lại
trở thành kinh đô của triều Nguyễn. Năm 1883, thực dân Pháp tấn công vào cửa biển
Thuận An, buộc triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Hác – măng công nhận nền thống
trị của Pháp trên đất nước ta. Một lần nữa Huế lại phải chứng kiến cảnh nước ta
bị đô hộ, đời sống của nhân dân khốn khổ, các cuộc đấu tranh bị dìm trong bể
máu, nhiều vị vua vì có tư tưởng yêu nước chống Pháp mà bị đày đi tận xứ châu
Phi. Cũng tại nơi đây, Huế đã chứng lòng yêu nước và hoài bão tìm đường cứu
nước của Bác Hồ kính yêu đang lớn lên theo từng ngày từng tháng. Mùa Thu năm
1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà giành được độc lập. Ngày 23 – 8,
nhân dân ta giành được chính quyền ở Huế. Ngày 30 – 8, vua Bảo Đại vị vua cuối
cùng của triều Nguyễn đã trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng và tuyên bố
thoái vị với mong muốn “thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô
lệ. Mùa đông năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch
Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Huế lại nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực
dân Pháp với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước,
nhất định không chịu làm nô lệ”. Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, tưởng đâu đã
đau khổ lắm rồi, nhưng có ngờ đâu một lần nữa Huế lại chứng kiến cảnh nước nhà
trước nỗi đau chia cắt, và Huế lại trở thành một phần máu thịt của miền Nam.
Một lần nữa, nhân dân Huế lại đứng lên tranh đấu vì “không có gì quý hơn độc
lập, tự do” với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Sau hai 21 năm
chia cách, Huế lại trở về với những ngày bình yên, nhưng đâu đó vẫn còn nhưng
vết thương chiến tranh với những cảnh hoang tàn đổ nát mà nhân dân cố đô phải
mất nhiều năm để xây dựng lại. Ngày nay, Huế đã là nơi của những di sản văn hóa
thế giới, những di tích quốc gia. Nước sông Hương đã êm đềm và cầu Tràng Tiền
vẫn nên thơ khi được dệt lên đó chiến nón bài thơ và màu áo tím.
Trong
các địa điểm tham quan tại Kinh thành, tôi chú ý nhiều nhất đến diện Cần Chánh,
là nơi mà các vua triều Nguyễn cùng các quan thiết triều. Trước sân điện còn
một số tượng các quan do người đời sau dựng lại để miêu tả cảnh thiết triều
ngày xưa. Vào đầu năm 1901, Bác Hồ của chúng ta khi ấy là cậu bé Nguyễn Sinh Côn
đã từng chứng kiến cảnh thiết triều của vua Thành Thái nhân ngày Vạn Thọ (sinh
nhật) của vua. Buổi lễ ấy đã gợi lên trong đầu cậu bé Côn những suy nghĩ về sự
khác biệt giữa cuộc sống giàu sang của các vị vua quan và cuộc sống bần hàn của
những người dân lao động.
Quan cảnh Cố
đô Huế sáng ngày 20 – 1 – 2016.
Sau
khi tham quan xong Kinh thành Huế, xe chúng tôi di chuyển đến chùa Thiên Mụ,
trên đường chúng tôi có đi ngang qua trường Quốc học, một trường học nổi tiếng
ở nước ta dưới thời nhà Nguyễn. Vào năm 1908, khi Bác Hồ theo cha ra Huế lần
thứ hai, người đã được vào học ở trường này. Trong thời gian học ở Trường Quốc
học Huế, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với nhiều sách báo Pháp. Trong các thầy
giáo của trường, có cả người Pháp lẫn người Việt, cũng có những người yêu nước
như thầy Hoàng Thông và thầy Lê Văn Mến. Chính nhờ ảnh hưởng của các thầy giáo
yêu nước và sách báo tiến bộ mà Người đã được tiếp xúc, ý muốn đi sang phương
tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi những thành tựu của văn minh nhân
loại từng bước lớn dần trong tâm trí của Người. Cùng thời gian đó, Người còn
được nghe kể về hoạt động của những ông vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và
những bàn luận về con đường cứu nước của các sĩ phu yêu nước. Trước đó, vào
tháng 4 – 1908, xảy ra một sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời của Bác, Người
tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân tỉnh Thừa Thiên, khởi đầu cho
cuộc tranh đấu suốt đời Bác vì quyền lợi của nhân dân lao động. Vì những hoạt
động yêu nước, tham gia cuộc đấu tranh của nông dân, Bác bị thực dân Pháp để ý
theo dõi. Cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng bị chúng khiển trách vì đã để cho con trai có
những hoạt động bài Pháp. Sau đó, vì muốn thực hiện chí lớn “đánh đuổi giặc
Pháp, giải phóng đồng bào”, Nguyễn Tất Thành bỏ trường đã đi vào nam để tìm
hướng đi riêng cho mình.
Sau
khi đến tham quan chùa Thiên Mụ, chúng tôi quay lại khách sạn Hoàng Tuấn dùng
cơm và tiếp tục cuộc hành trình đến Quảng Trị.
Buổi
chiều, chúng tôi đến tham quan, viếng Thành cổ Quảng Trị, dâng hương cho các
liệt sĩ và được nghe kể về câu chuyện 81 ngày đêm rực lửa của quân và dân ta
anh dũng chiến đấu dưới làn mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ và tay sai để bao vệ
Thành cổ.
Xe
tiếp tục di chuyển và đi ngang qua các địa danh huyền thoại như Thánh địa La
Vang, Xa lộ Kinh hoàng, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương. Xế chiều, chúng tôi đến
tham quan địa đạo Vịnh Mốc – bằng chứng tiêu biểu cho thời kỳ kháng chiến chống
Mỹ cứu nước của nhân dân ta nói chung và nhân dân Quảng Trị nói riêng.
Sau
đó, xe tiếp tục lên đường ra Đồng Hới, Quảng Bình. Chúng tôi dừng lại, ăn tối
và nghỉ ngơi tại khách sạn Hà Nội, gần bờ biển Nhật Lệ.
[14] Do
cách phát âm của của người Nghệ An nên Nguyễn Sinh Cung đọc chạy ra là Nguyễn
Sinh Côn.
[15] Sơn
Tùng (2015), Búp Sen Xanh, Nxb Kim
Đồng, Hà Nội, tr. 111 – 112.
CHƯƠNG
4. NGHỆ AN – NƠI “CHÔN NHAU CẮT RỐN” CỦA NGƯỜI
Ngày
thứ tư, xe chúng tôi khởi hành từ lúc 6 giờ sáng, đi từ Quảng Bình ra Vinh, trên
đường đi, đoàn ghé ghé lại Vũng Chùa viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Do trời
sương nặng ướt cả đường nên khi xuống xe chúng tôi phải đội mũ. Mộ còn đang
trong quá trình xây dựng nên chưa có gì, kể cả nhà vệ sinh, nhưng ẩn sâu trong
đó là tâm hồn và hình tượng của một người anh hùng vĩ đại, một vị dũng tướng,
người học trò xuất sắc của Bác Hồ, người đã góp phần làm nên những chiến công
rực rỡ của dân tộc Việt Nam.
Sau
đó, chúng tôi tiếp tục lên đường đến ghé thăm khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, nơi
mà “Còn đây ý chí mười cô gái/Dũng cảm hy sinh thưở má đào”. Kết thúc buổi
sáng, chúng tôi dùng cơm trưa tại khách sạn Bến Thủy – Vinh. Vinh là một thành
phố trực thuộc tỉnh Nghệ An. Vào khoảng tháng 9 – 1905, Bác Hồ cùng anh là
Nguyễn Tất Đạt được ông cha xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường
tiểu học Pháp – bản xứ ở nơi đây. Chính tại ngôi trường này, lần đầu tiên Người
được tiếp xúc với khẩu hiệu Tự do – Bình đẳng – Bác ái.
Sau
khi dùng cơm trưa xong, chúng tôi di chuyển về Nam Đàn – Nghệ An, ghé thăm thôn
Hoàng Trù và Làng Sen là quê ngoại và quê nội của Bác Hồ, những nơi gắn liền
với Người trong suốt thời thơ ấu bên gia đình.
Nói
đến Nghệ An, người ta thường nghĩ ngay đến câu thành ngữ “chó ăn đá, gà ăn sỏi”
bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên ở nơi đây. Đất Nghệ An vốn ít ruộng nương,
nhiều đồi núi. Mùa hè thì có gió Phơn từ Lào thổi sang, nóng và khô đến nứt
đất, cỏ cây không mọc được. Ngoài những ngày tháng khô nóng, lại có những mùa
mưa to gió lớn. Do đó, người dân ở đây luôn phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc
bụng”. Nói đến đức tính cần kiệm của người Nghệ An, chúng ta lại nhớ tới câu
chuyện anh học trò nghèo và con cá gỗ mà người dân Nghệ An hay kể. Có lẽ, là một người con ưu tú của xứ
Nghệ nên Bác Hồ cũng ít nhiều được giáo dục bởi những đức tính này. Cũng có thể
do hoàn cảnh khắc nghiệt đã góp phần hình thành nên ý chí kiên cường, phấn đấu
của người dân ở nơi đây. Từ xa xưa người dân Nghệ An đã có truyền thống hiếu
học và ý chí kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, và Nghệ An trở thành
vùng đất “Địa linh - Nhân kiệt”.
Giáo
sư Ninh Viết Giao viết rằng: “Quả là một dòng sông văn hóa đã hình thành từ
buổi ban mai của lịch sử, dòng sông văn hóa ấy cứ chảy và càng chảy càng có
nhiều nguồn lạch tuôn vào, càng mênh mông dào dạt, càng rạng rỡ màu sắc,…để lại
những bãi phù sa mỡ màng mà sách vở thường nhắc đến, đó là vùng Nghi Xuân với
Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tả Ao,….Đó là vùng Đức Thọ với Phan Đình Phùng,
Phan Trọng Mưu, Lê Ninh. Đó là vùng Can Lộc với Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Văn Giao,
đó là vùng Nam Đàn với Nguyễn Đức Đạt, Phan Bội Châu,…”
Xe
chúng tôi về làng Hoàng Trù (làng Trùa hay làng Chùa) quê ngoại của Bác trước, sau
đó mới di chuyển qua làng Kim Liên, quê nội.
Hoàng Trù vốn là một trong bảy làng của xã
Chung Cự ngày xưa: Hoàng trù, Kim Liên, Ngọc Đình, Văn Hội, Cương Kỵ, Tình Lý,
Khoa Cự. Làng Hoàn Trù nằm ven tỉnh lộ số 49 Vinh – Nam Đàn – Thanh Chương – Đô
Lương, ở về phía Tây, cách thành phố Vinh 13 km. Hoàng Trù nằm gần sông Lam,
giữa một vùng sơn thủy ngoạn mục. Từ làng Hoàng Trù nhìn về phía Đông là núi
Quyết của thành phố Vinh, phía Nam là dãy núi Hồng Lĩnh và núi Thành gắn liền
với tên tuổi người anh hùng Nguyễn Biểu; phía tây là núi Hùng Sơn, còn gọi là
Rú Đụn, và xa hơn là một màu xanh của dãy Thiên Nhẫn, đỉnh nhấp nhô như gươm
bay, giáo dựng; phía Bắc là dãy núi Địa Huệ. Cảnh núi sông thật là đẹp, nhưng
đất Hoàng Trù thời ấy vốn nghèo, nắng lên là hạn, mưa to mấy ngày là lụt. Dân
Hoàng Trù vừa làm ruộng hai sương một nắng vừa phải làm nhiều nghề phụ khác,
như nghề mộc, nghề rèn, dệt vải… mà cuộc sống vẫn gian nan[17].
Ông
ngoại Bác, tức là cụ Hoàng Xuân Đường là một thầy đồ ở làng Hoàng Trù, vốn là
một người có lòng nhân hậu. Trong một ngày đầu năm đi qua làng Sen chúc tết,
thì gặp một cậu bé vừa chăn trâu vừa đọc sách trên đồng cỏ, ông cụ nhìn thấy
mặt mày kháu khỉnh mới đến thì hỏi thăm thì cậu bé đối đáp rất trôi chảy. Cậu
bé ấy chính là Nguyễn Sinh Sắc, do cha mẹ mất sớm nên cậu phải về ở chung với
anh trai là Nguyễn Sinh Trợ và chị dâu, nhà anh cả cũng rất nghèo nên cậu phải
ra đồng chăn trâu, cắt cỏ. Tuy nhà nghèo, nhưng Nguyễn Sinh Trợ rất thương em
nên Sắc vẫn được cắp sách đến trường như bao đứa bạn. Vốn thông minh, ham học
nên Nguyễn Sinh Sắc thường luôn mang theo sách bên mình để học. Cụ Hoàng Xuân
Đường vốn không có con trai, lại nhìn thấy rõ cậu bé Sắc sau này sẽ là một
người có tài nên cụ bàn với vợ là bà Nguyễn Thị Kép xin Nguyễn Xin Sắc về nuôi
và được anh trai của Sắc đồng ý. Thế là Nguyễn Sinh Sắc về làng Hoàng Trù sống
cùng với cha mẹ nuôi, và được học chữ của cụ Hoàng Xuân Đường. Không phụ lòng
thương yêu của cha mẹ nuôi, Sắc học rất giỏi, chẳng bao lâu đã nổi tiếng cả một
vùng. Thấy Sắc đến tuổi thành niên, cụ Hoàng Xuân Đường liền bàn với vợ gả con
gái đầu lòng là Nguyễn Thị Loan cho Sắc. Chẳng bao lâu lễ cưới của Nguyễn Sinh
Sắc và Nguyễn Thị Loan được diễn ra, cụ Hoàng Xuân Đường mới dựng một ngôi nhà
lá ba gian trên nền đất vườn của mình để cho vợ chồng Nguyễn Sinh Sắc ra ở
riêng. Sau đó một năm (1884), bà Loan sinh người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị
Thanh. Bốn năm sau, bà sinh tiếp người con thứ hai là Nguyễn Sinh Khiêm (tức
Nguyễn Tất Đạt). Và đến năm 1890 thì cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tức Nguyễn Tất
Thành) cất tiếng khóc trào đời.
Sinh viên lớp
Tư tưởng Hồ Chí Minh K06 chụp ảnh lưu niệm
tại làng Hoàng
Trù (quê ngoại Bác) ngày 21 – 1 – 2016.
Từ lúc ra đời đến tuổi lên 5, Nguyễn
Sinh Cung đã sống thời thơ ấu trong sự chăm sóc đầy tình yêu thương của ông bà
Ngoại và cha mẹ, trong căn nhà nhỏ ba gian với cây mít đầu hồi, hàng cau và
chiếc bể cạn trước sân. Là một cậu bé ham hiểu biết, Cung thích nghe chuyện và
hay hỏi những điều lạ, từ các hiện tượng thiên nhiên cho đến những câu hát
phường vải, những chuyện cổ tích mà bà ngoại và mẹ thường kể. Đó là thế giới
tuổi thơ của cậu bé Cung trước khi rời quê nhà theo cha vào Huế.
Sau này, khi bà Nguyễn Thị Thanh ra Hà
Nội thăm Bác năm 1945, hai chị em Người vẫn ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Bà
Thanh nhắc lại câu chuyện “cậu Côn nợ bà ngoại 17 roi”:
“Nhà ngoại có giỗ. Năm đó cỗ bàn bà
bày biện khá to. Tết lễ xong, đang chặt thịt vịt, thịt gà bày lên dĩa. Bà ngoại
cho cậu Khiêm, cậu Côn mỗi cháu một cái chân vịt luộc. Cậu Khiêm chia cái chân
vịt mình ra trêu em:
- Chân giò anh to hơn.
Cậu Côn tưởng thật, bỏ cái chân vị
mình xuống, giành cái của anh. Cả hai anh em không chịu nhường nhau, kéo co
mãi. Rốt cuộc, cậu Khiêm thả tay ra bất ngờ, cậu Côn ngã sóng soài, tay quờ
phải chồng đĩa cổ của bà vỡ bảy chiếc. Cả hai anh em lúc đó xanh tái mặt, ngồi
như tượng đá. Bà ngoại lấy cái roi cành dâu bằng chiếc đũa gọi hai cháu nằm trên
giường. Bà cho cậu Khiêm tự nhận phần lỗi trước. Bà hỏi: “Làm anh mà không chịu
nhường nhịn em thì chịu phạt mấy roi?”. Cậu Khiêm nhận: “Thưa bà, cháu xin nhận
mười roi ạ”. Bà ngoại gật đầu: “Được. Cháu biết nhận lỗi mau lẹ, bà chỉ đánh
năm roi, bà chỉ đánh năm roi, cho cháu chịu năm roi, nếu có phạm lỗi trở lại
thì số roi phạm lỗi này sẽ nhân gấp ba lần”. Cậu Khiêm ngồi dậy vui vẻ ngay.
Đến lượt bà cho cậu Côn tự nhận phần lỗi của mình. Côn thủ thỉ với bà: “Bà ơi,
cháu có lỗi giành phần hơn với anh, cháu xin nhận mười roi như anh Khiêm, nhưng
bà tạm đánh ba roi thôi, cho cháu nợ bảy roi ạ. Bà cố nén cười, hỏi lại: “cháu
là em lại tranh giành phần hơn với anh, chính tay cháu đã làm vỡ bảy cái đĩa
quý của bà. Lẽ ra cháu phải nhận số roi phạt nhiều hơn chứ sau lại ít hơn anh
cháu?”.
Cậu Côn nũng nịu: “Bà ơi. Chính anh cả
đã khoe với cháu là chân vịt của anh ấy to hơn nên lỗi của cháu được nhẹ hơn
ạ”. Bà ngoại phì cười. Cả nhà lúc đó cười ran lên. Bà ngoại đành phạt cậu Côn
ba roi, cho nợ bảy roi…”[18]
Năm 1895, Nguyễn Sinh Sắc lên đường ra
Huế để tham gia kỳ thi hội, nhưng năm đó ông không đỗ. Sau đó, ông xin học ở
trường Quốc Tử Giám và trở về Nghệ An đưa vợ và hai con trai ra ở cùng vào cuối
năm 1895. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Sinh Cung phải sống xa quê. Đầu năm 1901,
sau khi bà Hoàng Thị Loan và đứa con trai út là Nguyễn Sinh Xin mất, ông Sắc
lại đưa hai con trở về Nghệ An. Nhờ sự khích lệ của bà con trong họ, ngoài
làng, Nguyễn Sinh Sắc một lần nữa khăn gói lai kinh, và lần này ông đỗ Phó
bảng.
Ở lại quê hương, Nguyễn Sinh Cung được
bà ngoại gửi đi học chữ Hán với thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh tại xóm Vang, làng
Hữu Biệt, cách HoàngTrù 3 km, trong ngôi nhà thờ của họ Phan Trọng.
Sau khi đỗ Phó bảng, vì muốn giữ nghĩa
thủy tình chung với gia đình cụ Hoàng Xuân Đường đã có công giúp học hành, đỗ
đạt, ông Nguyễn Sinh sắc ở đó một thời gian. Mấy tháng sau, theo tục lệ thời
ấy, ông đưa ba người con về sống ở làng Kim Liên, quê nội.
Làng Kim Liên hay còn gọi là làng Sen
vì ở đây sen mọc rất nhiều, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cách
thành phố Vinh đi theo quốc lộ 46 khoảng 15km.
Khi
về làng Sen, ông Sắc được làng cấp đất công, xuất quỹ mua cho một ngôi nhà dựng
trên mảnh vườn. Cũng nhân dịp này, ông làm lễ “vào làng” cho hai con trai, Sinh
Khiêm với tên là Tất Đạt và Sinh Cung với tên mới là Tất Thành. Từ đấy, ông
cùng các con sống trong ngôi nhà năm gian do dân xã và bà con hai bên họ nội
ngoại góp công góp của làm cho. Mới hơn 10 tuổi, cậu bé Cung đã thành thạo việc
nấu ăn, rửa bát, quét dọn nhà cửa, kiếm củi, hái rau, làm vườn, kể cả việc bắt
cua, bắt cá và theo các bạn đi mót lúa, mót khoai trong những ngày mùa.
Theo
lời thuyết minh của chị hướng dẫn viên, thì làng Kim Liên vinh dự được hai lần
đón Bác về thăm, đó là giữa năm 1957 và đầu năm 1961. Qua tìm hiểu thêm, chúng
tôi biết được trong những lần Bác về quê đã để lại nhiều câu chuyện cảm động
cho người dân ở nơi đây.
Vào
cuối năm 1961, Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An lần thứ 2 từ ngày 8 đến ngày 10
– 12 – 1961. Chiều ngày 8 – 12, sau khi làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An, Bác đến
thăm nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác nhấc từng chiếc lồng bàn lên để thấy tận
mắt khẩu phần ăn của cán bộ, nhân viên. Sau đó, Bác nhận lời mời ăn cơm tối
cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Bữa cơm hôm ấy, ngoài mấy món đơn giản,
chị em phục vụ nhà bếp đã chọn gạo trắng để đãi Bác. Khi mọi người đã ngồi vào
bàn ăn, đột nhiên Bác bảo một cán bộ đi cùng đưa gói cơm của đoàn ra. Đó là một
gói cơm trắng độn ngô đỏ. Đồng chí phục vụ lấy dao cắt ra từng miếng, chia đều
cho mọi người để cùng ăn với Bác. Lúc này các đồng chí Tỉnh ủy cứ nhìn nhau,
không ai dám xới cơm trắng ra.
Hóa
ra trước chuyến đi, bộ phận Văn phòng đã chuẩn bị cơm nắm cho Bác. Lúc này cả
nước đang thực hiện ăn gạo độn màu để có đủ gạo chi dùng và dự trữ, Bác cũng
thực hiện như bất cứ người dân nào. Một vị Chủ tịch nước mà giản dị đến mức
không ngờ, nói luôn đi đôi với làm, làm một cách tự giác, đó là một trong nhiều
đức tính quý báu của Bác, có sức lay động lòng người. Bữa cơm hôm đó, những người
tham dự ai cũng đều xúc động, nghẹn ngào.
Sáng
ngày 10 – 12 – 1961, Bác đến thăm Hợp tác xã cao cấp Vĩnh Thành, lá cờ đầu về
phong trào trồng cây toàn miền Bắc. Lúc Bác đang nói chuyện với cán bộ, nhân
dân thì nắng lên cao. Một cán bộ xã xuống nhà một người dân mượn cái ô lên che
cho Bác. Vừa dương ô lên, Bác gạt ra và bảo: “Bác không phong kiến". Người
chỉ xuống cả biển người phía dưới, cũng đang đứng dưới nắng. Ai nấy đều cảm động
trước cách xử sự của Người.
Kết
thúc buổi nói chuyện, Bác còn dặn: “Bà con, các cô, chú nên về làm bù, hôm nay
Trung ương và Bác về làm mất của bà con một buổi cày...”.
Cả
cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn tâm niệm phương châm “lấy dân làm
gốc”. Vì vậy mà mọi hành động, lời nói, Người đều hướng đến nhân dân, vì nhân
dân[19].
Xế
chiều, chúng tôi rời làng Kim Liên, tiếp tục cuộc hành trình của mình. Lần đầu
tiên về thăm nhà Bác mà tôi thấy cảnh vật nơi đây sao quen thuộc, dường như đã
đi lại nhiều lần. Con đường mòn nho nhỏ có hai hàng rào râm bụt ở hai bên, rực
lên như lửa đỏ. Trước và sau nhà là những hàng cao đứng hiên ngang, bất khuất
như tinh thần và sức mạnh của những người con xứ Nghệ. Mùa này tuy chưa có sen,
nhưng gió từ ngoài đồng thoảng đưa hương thơm nhè nhẹ. Bất giác, những vần thơ
của nhà thơ Tố Hữu lại vang vẳng đâu đây như có tình Người đang ôm ấp:
“Tôi trở về quê Bác, làng Sen,
Ơi hoa sen đẹp của bùn đen,
Làng
quen như thể quê chung vậy,
Mấy
dãy ao chua mảnh đất phèn…”
CHƯƠNG 5. PÁC PÓ – CAO BẰNG, NƠI ĐẦU NGUỒN CÁCH MẠNG
Ngày
thứ năm, chúng tôi khởi hành đi Bắc Cạn sớm, thời tiết lúc này đã rất lạnh, tất
cả mọi người đều phải mặc áo ấm và quấn khăn choàng. Buổi trưa, chúng tôi dùng
cơm tại Nhà hàng Vạn Hoa – Ninh Bình. Tối đó, đoàn về nghỉ và ăn tối tại khách
sạn Bắc Cạn khá muộn, do dọc đường ghé thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở ATK, Định
Hóa –Thái Nguyên. Thời tiết lúc này rất lạnh, đồng thời do đi đường dài trong
ngày nên nhiều bạn khá mệt, có bạn bị nôn trên xe. Sau khi ăn tối, chúng tôi
nghỉ sớm để chuẩn bị cho cuộc hành trình khá vất vả trong ngày hôm sau.
Ngày
thứ sáu, xe khởi hành lúc 6 giờ đi từ Bắc Cạn lên Cao Bằng. Nhiệt độ lúc này ở
khoảng 7 – 8 độ C, xe phải chạy qua 5 ngọn đèo nhỏ, đường sườn dốc và đầy xìn
đất. Có những độ cao mà xe đi qua, nhiệt độ chỉ còn 2 độ C. Chỉ cần ra khỏi xe
là tay chân tê cứng.
Buổi
trưa, chúng tôi đến Cao Bằng và dùng cơm tại khách sạn Á Đông. Do thời tiết
lạnh nên các món ăn mới dọn ra chưa đầy 5 phút đã trở nên lạnh ngắt. Thậm chí
đĩa thịt heo và cá chiên có mỡ đã bị thời tiết làm cho đông cứng lại. Do cơm
nấu không đủ nên mọi người phải vừa ăn vừa đợi. Một số bạn đã thôi không ăn
nữa. Sau khi dùng cơm, chúng tôi lên đường đi thăm khu di tích căn cứ cách mạng
Pác Bó. Tại đây, chúng tôi đã ghé thăm núi Các Mác, suối Lênin, hang Cốc Bó và
bàn làm việc bằng đá của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi mà Người đã sống và
làm việc trong những ngày đầu khi mới về nước năm 1941.
Trong
những năm 1939 – 1941, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ ở châu Âu và
nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới. Lúc này ở trong nước, phong trào cách
mạng đang phát triển mạnh mẽ.
Sau nhiều
năm trong tình trạng không hoạt động ở Liên Xô, cuối tháng 9-1938, được sử cho
phép của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc được phép trở về phương Đông. Cuối
năm 1938, Người dự chân ở miền nam Trung Quốc, bắt liên lạc với các đồng chí
cán bộ của Đảng ta ở đây để chuẩn bị cho việc trở về Việt Nam. Lúc đầu, Người
dự định sẽ về nước theo tuyến đường từ Côn Minh (Quảng Tây) xuống Lào Cai,
nhưng sau đó con đường này bị tắc nên phải chuyển hướng xuống Cao Bằng.
Cuối
năm 1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách
mạng đầu tiên, Bác nói “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách
mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó
làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển
về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có
nối phong trào được với Thái Nguyên thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc
thuận lợi có thể công, lúc khó khăn có thể thủ”. Với những tư tưởng đúng đắn,
sáng tạo, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ, Người đã phát hiện ra Cao
Bằng là nơi hội tụ đủ những điều cần thiết của một căn cứ địa cách mạng ở buổi
ban đầu đó là thiên thời, địa lợi, nhân hoà và đáp ứng được nhu cầu mà công
cuộc giải phóng dân tộc đã đặt ra.
Trước
khi đặt chân về Tổ quốc, Người đã lưu lại làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây),
tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị cho 43 cán bộ cách mạng.
Chương
trình huấn luyện gồm 3 phần, nhằm chuẩn bị cho việc thành lập mặt trận dân tộc
rộng rãi ở nước ta:
-
Tình hình thế giới và trong nước,
- Tổ
chức đoàn thể quần chúng,
-
Cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng.
Ngay
từ ngày đầu của lớp học, Người đã căn dặn học viên kỹ lưỡng về năm điều nên làm
và năm điều nên tránh đối với dân:
Năm
điều nên làm là:
1.
Giúp dân những công việc thiết thực hằng ngày.
2.
Tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều kiêng.
3.
Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây cảm tình tốt với dân.
4.
Tùy nơi, tùy lúc mà tuyên truyền cách mạng cho phù hợp.
5.
Làm cho dân thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật, do đó
dân càng tin và giúp ta.
Năm
điều nên tránh là:
1.
Tránh việc làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa ruộng vườn của dân.
2.
Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho bằng được.
3.
Tránh sai lời hứa.
4.
Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân.
5.
Tránh lộ bí mật.
Những
bài học trên đã giúp những cán bộ tham gia buổi tập huấn nhận thức hơn về
phương pháp công tác dân vận, có giá trị lớn lao trong việc đoàn kết dân tộc,
tập hợp lực lượng cho cách mạng sau này.
Sau
hơn một tháng chuẩn bị, ngày 28 – 1 – 1941, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Khi
bước tới cột mốc 108 trên biên giới Việt – Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà
Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động.
Trong
những ngày đầu về nước, Bác ở tại nhà ông Lý Quốc Súng. Đây là một gia đình
người Việt gốc Hoa, sống cách hang Cốc Bó khoảng 100 m, sau đó vài ngày Bác đề
nghị các đồng chí chuyển sang hang Cốc Bó. Tại đây, Người đã dùng than củi viết
lên vách hang dòng chữ Hán để đánh dấu ngày Bác chuyển từ nhà ông Súng lên hang
Cốc Bó “Nhất cửu tứ nhất niên nhị nguyệt bát nhật”, tức “ngày mùng 8 tháng 2
năm 1941”.
Theo
chị hướng dẫn viên cho biết, hang Cốc Bó, thuộc địa phận làng Pác Bó, xã Trường
Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm nơi ở và làm việc. Đây vốn là một nơi có
địa thế hiểm trở, từ hang có thể ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia
biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ. Theo cách giải thích của người dân
nơi đây, Pác Bó có nghĩa là đầu nguồn nước. Nơi đây có dòng suối lớn, nước
trong vắt, thoát ra từ hang núi đá lớn, Bác đặt tên là suối Lênin. Hang đá Cốc
Bó, nơi Bác ở và làm việc nằm sâu dưới một ngọn núi đá cao, Bác gọi là núi Các
Mác.
Câu
chuyện ngày đầu tiên Bác về nước vẫn còn được lưu truyền rất phổ biến ở nơi
đây. Số là, sau cái đêm đầu tiên nghỉ lại tại nhà một đồng bào Nùng có cảm tình
với cách mạng; hôm sau Máy Lỳ (người chủ nhà) dẫn Bác và mấy đồng chí vừa về
nước, theo một con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo qua rừng, lên một ngọn núi đá. Từ
bờ suối trèo lên phải qua một đoạn dốc khá dài, cây cối rậm rạp thì mới lên tới
cửa hang. Hang không rộng lắm, có hai ba ngách nhỏ. Trong một ngách có tảng đá
khá to, bằng phẳng, sau này mọi người gác cây rồi rải lá lên làm giường nằm.
Gần đấy, một con suối nhỏ chảy quanh các tảng đá, rồi đổ xuống phía dưới, tung
những bọt nước trắng xóa. Máy Lỳ bảo: “Ở đây mọi người gọi hang này là Cốc Bó,
có nghĩa là đầu nguồn!”.
Tại
Pác Bó, Bác tự sắp xếp nơi nằm nghỉ, chỗ nấu cơm, nơi câu cá lúc nhàn rỗi, chỗ
đun nước uống mà chè là lá cây ổi, kê bàn đá mộc mạc tự nhiên để dịch lịch sử
cách mạng Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng:
“Sáng ra bờ suối tối vào hang,
Cháo bẹ rau
măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”
Theo lời của chị hướng dẫn viên thì cái bàn đá của Bác ở Pác Bó hiện tại là do phục dựng lại. Còn bàn thật thì đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngoài Hà Nội.
Hang Cốc Bó –
nơi Bác Hồ ở và làm việc khi mới nước.
Ở
Pác Bó, lúc thì người dân gọi Bác là Già Thu, khi lại gọi là ông Ké. Ông Ké
theo tiếng địa phương, chỉ người già, là cái tên mà bà con nơi đây gọi Bác với
sự tôn kính nhưng lại hàm chứa sự gần gũi, mộc mạc, giản dị của Người. Ngày ấy,
ông Ké, Già Thu trong bộ quần áo nâu của người dân tộc Nùng hòa mình vào với
cuộc sống của đồng bào các dân tộc và cảnh vật nơi đây một cách tự nhiên.
Ở
hang Cốc Bó hơn một tháng, Bác cho cán bộ chuyển cơ quan sang lán Khuổi Nặm.
Tại lán Khuổi Nặm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại biểu của Quốc tế
Cộng sản đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Tham dự
Hội nghị có Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí: Hoàng Văn Thụ,
Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt cùng một số đại biểu của Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ và đại biểu tổ chức Đảng
hoạt động ở nước ngoài. Xét về tính chất và quy mô, Hội nghị Trung ương lần thứ
8 giống như một Đại hội toàn quốc của Đảng bởi Nghị quyết Trung ương đã vạch ra
những chiến lược căn bản cho con đường cách mạng Việt Nam và có ý nghĩa quyết
định đến vận mệnh của đất nước. Hội nghị xác định giải phóng dân tộc là nhiệm
vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương, cho nên tập trung vào nhiệm vụ:
Đánh đuổi Pháp - Nhật làm cho xứ Đông Dương độc lập. Hội nghị khẳng định: Trong
lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc
lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn
chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng
không đòi lại được, Và quyết tâm chuyển hướng chiến lược cách mạng: Đặt nhiệm vụ
giải phóng dân tộc cao hơn hết, là nhiệm vụ trước tiên, tạm gác nhiệm vụ cách
mạng điền địa lại. Từ đó, Hội nghị đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc
thống nhất rộng rãi, lấy tên là “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Mặt
trận Việt Minh), nhằm đoàn kết tập hợp mọi lực lượng yêu nước, chống đế quốc,
giành độc lập cho dân tộc. Về phương pháp cách mạng, Hội nghị nhận định rằng:
Cuộc cách mạng Đông Dương kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị
chỉ rõ, khi thời cơ đến: Với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi
nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở
đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn.
Sau
Hội nghị một thời gian, ngày 6 – 6 – 1941, Bác tự tay thảo bức thư “Kính cáo
đồng bào” ký tên Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào, toàn dân đoàn kết đấu tranh
đánh đuổi Pháp, Nhật giải phóng dân tộc. Từ Pác Bó, Người trực tiếp lãnh đạo,
huấn luyện phong trào cách mạng của tỉnh Cao Bằng là điểm để rồi chỉ đạo, lãnh
đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Từ Cao Bằng, Người đã liên tiếp mở
nhiều lớp huấn luyện về Mặt trận Việt Minh, về chương trình điều lệ Việt Minh
và tổ chức các đoàn thể cứu quốc, Tỉnh ủy Cao Bằng được củng cố và nâng cao.
Tháng
10 – 1941, Người đã ra Chỉ thị cho Cao Bằng tổ chức đội vũ trang tập trung đầu
tiên của tỉnh gồm 12 người, do đồng chí Lê Quảng Ba chỉ huy. Đội có nhiệm vụ
bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, giữ vững giao thông liên lạc, giúp huấn luyện
các đơn vị tự vệ khác. Đầu năm 1942, Đảng bộ Cao Bằng tổ chức lớp quân sự đầu tiên
của tỉnh tại rừng Khuổi Nậm cho 40 học viên, học trong 1 tháng. Các học viên
được huấn luyện theo chương trình do Nguyễn Ái Quốc biên soạn gồm: Tư tưởng
chiến thuật, chiến lược, kỹ thuật chiến đấu và các kiến thức cơ bản sử dụng vũ
khí. Thông qua các lớp huấn luyện này, Người lại chọn cử các học viên xuất sắc
để gửi đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài, nhằm phục vụ lâu dài cho sự nghiệp cách
mạng. Tính đến tháng 10 – 1944, 70 cán bộ được chọn cử đi học nước ngoài, trong
đó có Lê Quảng Ba, Trần Sơn Hùng, Bằng Giang, Thế An… Từ đây, phong trào cách
mạng ngày càng lan rộng trong chiến khu Việt Bắc. Bên cạnh các lớp huấn luyện
quân sự thì phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp khác như thanh
niên, phụ nữ, thiếu nhi cũng rất tích cực. Tấm gương thiếu niên Nông Văn Dền
(tức Kim Đồng) đã thông minh, gan dạ, mưu trí để bảo vệ cơ sở hoạt động của
Đảng và đã hy sinh anh dũng.
Cũng
thời gian này, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn làm nhiều bài thơ như:
Việt Nam độc lập, Dân cày, Trẻ con, Công nhân, Bài ca Phụ nữ, Ca binh lính…;
viết tác phẩm Cách đánh du kích, gồm 13 chương, nội dung mỗi chương nêu ngắn
gọn, dễ hiểu để cán bộ, nhân dân nhận thức đúng và thực hiện được…
Từ
Pác Bó, Người đã đi nhiều nơi ở Cao Bằng chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Tháng 12 – 1944, Người ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải
phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay).
Tháng
5 – 1945, Bác Hồ rời Pác Bó vể Tân Trào (Tuyên Quang). Người chọn Tân Trào làm
trung tâm chỉ đạo cách mạng cả nước. Ngày 4 – 6 – 1945, theo chỉ thị của Người
Khu giải phóng Việt Bắc gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng sơn, Thái
Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một số vùng thuộc các tỉnh lân cận như Bác
Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên được thành lập. Khu giải phóng Việt Bắc trở
thành căn cứ địa chính của cách mạng và là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam
mới.
Sau
khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Bác rời Việt Bắc về thủ đô Hà Nội.
Cuối năm 1946, khi cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai nổ
ra, Người lại một lần nữa trở về Việt Bắc.
Tháng
7 – 1950 theo quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ mặt trận
Biên giới được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên thường vụ Trung
ương Đảng trực tiếp làm Chỉ huy kiêm Bí thư, đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên
Trung ương Đảng phụ trách hậu cần chiến dịch. Đại bản doanh của Sở chỉ huy
chiến dịch đặt tại làng Tả Phầy Tẩư huyện Quảng Hoà (nay là huyện Quảng Uyên,
tỉnh Cao Bằng). Ngày 12 – 8 – 1950, Trung ương Đảng chỉ thị cho cấp uỷ Đảng và
nói rõ tầm quan trọng của chiến dịch biên giới, đồng thời nhắc nhở các địa
phương toàn quốc phối hợp kiềm chế và tiêu hao sinh lực địch khi chúng tiếp
việc cho Đông Khê. Trong bức thư gửi cho các chiến sỹ ở biên giới Hồ Chủ Tịch
đã nhắc nhở “Trong cuộc chiến đấu này ta chỉ được đánh thắng, không cho đánh
bại”. Lúc này Cao Bằng đã trở thành chiến trường chính của chiến dịch. Đảng bộ
tỉnh Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung đã chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch
ngay từ những ngày đầu năm 1950 với khẩu hiệu tất cả cho chiến dịch toàn thắng.
Cuối
tháng 8 – 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên Cao Bằng để cùng Bộ chỉ huy trực
tiếp chỉ đạo chiến dịch. Đêm 16 – 9 – 1950, quân ta nổ súng đánh đồn Đông Khê
cũng là lúc Bác Hồ ra sở chỉ huy tiền phương, trực tiếp quan sát đồn Đông Khê,
điều đó đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là với
nhân dân các dân tộc Cao Bằng, khắp mặt trận nô nức thi đua lập thành công.
Đầu
xuân năm 1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng, và Người đã lưu bút tích của mình
tại hang Cốc Pó. Bài thơ như sau:
“Hai mươi năm trước ở hang này,
Đảng
vạch con đường đánh Nhật – Tây.
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc
có ngày nay”
Trong
buổi nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo của tỉnh Cao Bằng, Bác hỏi: - Cao Bằng
giờ có dám phấn đấu để không ai cao bằng mình không?
Đồng
chí Hồng Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy, đứng dậy nhìn các cộng sự của mình, rồi thưa rằng:
-
Dạ, phong trào cả tỉnh đang nhiều mặt yếu, Bác dạy thế cao quá, Cao Bằng khó
lòng đạt được.
Sau
vài giây suy nghĩ, Bác hỏi:
-
Vậy thì, Cao Bằng chí ít cũng phải phấn đấu để cao bằng người ta.
Đó
là yêu cầu tối thiểu, đồng chí Hồng Kỳ thay mặt Đảng bộ hứa sẽ quyết tâm thực
hiện bằng được lời Bác dạy”.
Trong
cuộc hội thảo Bác Hồ với Cao Bằng, tổ chức tại tỉnh Cao Bằng nhân kỷ niệm 70
năm Bác Hồ về nước (1911 – 2011), ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di
tích lịch sử Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đưa ra một trang giấy nhỏ, là bút
tích việc chuẩn bị bài nói mà Bác Hồ đã chuẩn bị. Nội dung đoạn bút tích đó như
sau:
Chúc
đồng bào pi mấư đây lai (tiếng Tày nghĩa
là: Chúc đồng bào năm mới nhiều tốt đẹp).
Cao
Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không
ai bằng. Đó là nỗi niềm, là lòng mong ước, là lời dạy của Bác Hồ đối với nhân
dân Cao Bằng thật dễ nhớ, dễ thuộc, dễ khắc sâu, bởi ý nghĩa sâu xa, bởi lối
chơi chữ biến ảo: Chữ Cao Bằng, danh từ chỉ địa danh đổi thành tính từ so sánh,
cách nói này của Bác Hồ vừa dân dã vừa linh hoạt, ít chữ mà nội dung tải được
lại rất nhiều so với cả một đoạn dài được chuẩn bị rất bài bản mà Bác Hồ đọc
trong buổi mít tinh đón Người tại sân vận động thị xã Cao Bằng, năm 1961: “Bác
mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc
xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như trước đây Cao Bằng là tỉnh gương mẫu trong
công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”[20].
Để
tưởng nhớ công ơn to lớn của Người, năm 2010, Cao Bằng đã xây dựng Đền thờ Chủ
tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó và được khánh thành,
đưa vào sử dụng từ tháng 5 – 2011, đúng dịp Kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của
Người. Công trình mang tầm vóc thế kỷ, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của
người con đất Việt nói chung và nhân dân Cao Bằng nói riêng hướng về vị lãnh tụ
vĩ đại của dân tộc. Công trình mang dáng dấp của ngôi nhà sàn truyền thống, với
thiết kế nội, ngoại thất đẹp, trang trọng. Mỗi đường nét đều truyền tải những ý
nghĩa văn hoá, lịch sử sâu sắc. Sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật điêu khắc,
họa tiết và hoa văn đã thể hiện tinh hoa dân tộc, tạo cho người xem cảm giác
bình dị, gần gũi mà trang nghiêm, tôn kính[21].
Pác
Bó ngày nay trở thành một địa danh thiêng liêng, Khu di tích Quốc gia đặc biệt,
là niềm tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam. Nơi núi rừng Pác Bó, ở đâu cũng
có những điểm ghi dấu bước chân Bác từng đi qua, nơi Bác từng sinh hoạt và làm
việc, cuộc sống bình dị với “cháo bẹ, rau măng”, “sáng ra bờ suối tối vào
hang”, quãng thời gian hoạt động cách mạng gian khổ mà hào hùng, lạc quan của
Người.
Chúng
tôi rài Pác Bó trong khi trời tờ mờ tối, tiếng suối Lênin vẫn reo như đang vẫy
chào chúng tôi, lòng núi Các Mác bâng khuân như đang nhớ Bác những ngày ở chiến
khu Việt Bắc. Tôi lấy chai múc một ít nước suối Lênin mang về làm kỷ niệm. Tôi
ngồi trên xe mà vẫn nghe bên tai tiếng suối reo lên tí tách. Bất chợt tôi nhớ
đến bài thơ “Cảnh khuya” của Bác:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ
thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya
như vẻ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
[20] Hồ Chí
Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 49.
CHƯƠNG
6. BÁC HỒ “SỐNG MÃI VỚI THỦ ĐÔ”
Thắm
thoắt, cuộc hành trình của chúng tôi đã đến ngày thứ mười. Sáng hôm ấy trời rét
như cắt da, cắt thịt. Gió Bắc, mưa phùn tranh nhau lùa về Thủ đô mang theo nỗi
lo của nhưng người dân xứ Bắc. Mấy hôm nay, đài cứ đưa tin thời tiết ngoài Bắc
vẫn còn đang rét đậm rét hại, ở vùng trung du và miền núi phía Bắc rất nhiều
trâu bò bị chết vì rét, nhiều ruộng nương hoa màu cũng đứng trước tình thế tan
hoang.
Chúng
tôi ăn vội hộp xôi mà các anh hướng dẫn đoàn đưa cho và đứng dưới một mái hiên
đợi đến giờ làm lễ chào cờ trước Lăng Bác. Tuy rét run người nhưng trong lòng
ai cũng háo hức. Có lẽ do sáng hôm đó trời mưa nên buổi lễ chào cờ không được
diễn ra trang trọng như những ngày thường, trên quản trường chỉ có đoàn chúng
tôi và các chiến sĩ bảo vệ Bác lúc nào cũng đứng trang nghiêm. Trong bổi lễ
không có nghi thức kéo cờ, không khí vắng tanh, duy chỉ có tiếng nhạc lễ là
luôn hào hùng và dồn dập như những đoàn quân ngày nào tiến vào giải phóng thủ
đô và đón Bác về lần thứ hai sau khi Điện Biên toàn thắng.
Sau khi lễ chào cờ kết thúc, chúng tôi
được đưa vào phòng chiếu phim và được xem những thước phim về những giờ phút
cuối đời của Bác. Mặc dù những phim này chúng tôi đã được xem trên mạng nhiều
lần, nhưng lần này như có một sức mạnh nào đó thúc đẩy chúng tôi, không ai kìm
nén được cảm xúc, nhiều bạn xem phim mà nước mắt cứ chảy dài.
Hà nội sáng hôm nay mưa nhiều như
những ngày Bác mất, những ngày mà toàn thể dân tộc Việt Nam phải hứng chịu một
nỗi đau chưa từng có “trời tuôn nước mắt người tuôn mưa”, miền Nam thân yêu
đang chờ đợi từng ngày da diết mong Bác vào thăm nhưng không còn cơ hội nữa.
Đi lặng lẽ dưới trời mưa, đoàn chúng tôi từng bước lặng thầm vào lăng viếng Bác. Bác nằm đó, gương mặt vẫn hồng hào, trái tim Người vẫn đập và hướng về miền thân yêu mà Bác chưa một lần vào thăm được, “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà, miền Nam mong Bác nỗi mong cha”. Quảng trường Ba Đình ngày nào con vang vọng tiếng Bác dậy non sông giờ đây bỗng dưng êm đềm và lặng lẽ.
Quảng trường Ba Đình sáng sớm ngày 26
– 1 – 2016.
Cách
đây hơn 70 năm, ngày 25 – 8 – 1945, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác. Người cùng với
Chính phủ lâm thời trở về từ căn cứ địa Việt Bắc. Khi đó cách mạng tháng Tám đã
thành công trên cả nước. Người đến ở trên căn gác thứ hai của ngôi nhà số 48
phố Hàng Ngang. Tại đây, Người đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, một áng văn hùng
ca bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Ngày 2 – 9 – 2015, thủ đô Hà Nội tràn
ngập cờ và hoa, ai nấy đều vui mừng vì đây không chỉ là ngày vui của nhân dân
Việt Nam mà còn là ngày vui của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên
thế giới. Chiều hôm ấy, một cuộc mít tinh lớn đã diễn ra tại quản trường Ba
Đình, hàng vạn người dân trong thủ đô và các tỉnh lân cận đổ về quảng trường để
dự lễ chào cờ và nghe Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập. Khi lễ chào cờ vừa kết
thúc, từ trên lễ đài vang lên một giọng Quảng Bình rất trang nghiêm trân trọng
giới thiệu cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh lên đọc bản Tuyên ngôn
độc lập lịch sử của nước nhà. Lập tức biển người xôn xao hẳn lên rồi những tiếng
reo như bùng nổ. Cả một rừng cánh tay cùng giơ lên, múa lên trong muôn ngàn
tiếng hô vang cuồng nhiệt: “Ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”, “Chủ
tịch Hồ Chí Minh vạn tuế”. Ai cũng muốn nhìn cho rõ mặt vị chủ tịch đánh kính.
Trên lễ đài, Bác Hồ đang tiến đến trước micro. Tất cả đều vô cùng ngạc nhiên,
bởi người đứng đầu cả dân tộc Việt Nam không phải là một vị oai phong, cao lớn
hùng dũng, hoặc sang trọng nào, mà là một vị trạc tuổi năm mươi nhăm, mảnh mai,
vô cùng giản dị với bộ ka ki màu vàng nhạt, bốn túi, cô cao đầu trần. Trên
gương mặt hơi gầy và như còn thoáng xanh màu sốt rét của rừng núi nổi lên một
vầng trán rộng mênh mông. Và nhất là đôi mắt – một đôi mắt sáng như sao– đôi
mắt của một trí tuệ siêu việt và một trái tim bao la có thể nhìn ra cả năm châu
bốn biển. Và bộ râu mềm mại lơ thơ trên mép hết sức Việt Nam và Á Đông. Gương
mặt ấy, dáng vẻ, phong thái ấy, dù chưa nói câu gì, Bác đã gần như ngày lập tức
chiếm được tất cả tình cảm, niềm tin yêu lớn, thậm chí cả tâm hồn của hàng
triệu người Việt đang hướng về Người.
Bác ra hiệu cho hết thảy đồng bào đều
im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn độc lập:
- Hỡi đồng bào cả nước!
““Tất
cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể
xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền
mưu cầu hạnh phúc”.
Lời
bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ... Bản Tuyên ngôn
Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra
tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về
quyền lợi”…Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình
đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng
trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Cả
biển người lặng yên lắng nghe và như xúc động theo từng lời của Bác. Trên lễ
đài, vẫn với giọng nói hết sức ấm áp, vang sáng và đầy xúc cảm, Bác đọc qua
đoạn viết về các tội ác của Pháp và Nhật và đọc tới khác vọng độc lập, tự do
của dân tộc ta với cuộc Cách mạng tháng Tám vừa mới thành công. Rồi đột nhiên,
ngừng lại, ngước cặp mắt sáng tuyệt vời, Bác cất tiếng ân cần hỏi:
-
Tôi nói đồng bào nghe rõ không?
Lập
tức cả biển người như bùng lên reo vang:
-
Có! Có ạ!, Có, có ạ!...
Cuối
bản Tuyên ngôn, thay mặt cho toàn thể dân tộc Việt Nam, Người khẳng định: “Nước
Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự
do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính
mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Khi
Bác vừa đọc hết bản Tuyên ngôn Độc lập, cả biển người như lại nổi sóng với
những tiếng hô vang dội, dường như không dứt: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Việt
Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm!”…Và nhiều người không thể không thốt lên với
nhau: “Áng văn lập quốc vĩ đại này sẽ mãi mãi là hành trang tinh thần của dân
tộc Việt Nam trên con đường giữ gìn độc lập – tự do và xây dựng phát triển đất
nước!”[22].
Sau
buổi lễ Quốc khánh, Bác cùng với Chính phủ ta đã kiên cường dẫn dắt đất nước và
nhân dân bắt tay vào công việc xây dựng chế độ mới. Tình thế nước ta khi ấy như
“ngàn cân treo treo sợi tóc”. Trong buổi họp đầu tiên với Chính phủ, Người đã
nêu lên những vấn đề cấp bách của nước ta:
- Hiện
nay những vấn đề gì là vấn đề cấp bách hơn cả. Theo ý tôi, có sáu vấn đề:
Một
là, nhân dân đang đói. Ngoài những kho chứa thóc mà Pháp, Nhật vơ vét của nhân
dân, bọn Nhật, Pháp còn bắt đồng bào chúng ta giảm bớt diện tích cấy lúa để
trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của
chúng. Hơn nữa, chúng ta còn tìm thấy hai kế hoạch của bọn cầm quyền Pháp với
mục đích gây nạn đói, để ngăn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào
chúng ta phải làm việc như nô lệ.
Hơn
hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn
lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình hình trầm
trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế
nào cho họ sống. Tôi đề nghị với Chính
phủ là phát động một chiến dị ch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ
lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc
quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết
kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.
Vấn
đề thứ hai, nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân
dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù
chữ. Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học
đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc
yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.
Vấn
đề thứ ba - Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến
chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân
dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân
chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế
độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng
cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..
Vấn
đề thứ tư - Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã
dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng,
gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải
giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên
một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước
Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một
chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm,
liêm, chính.
Vấn
đề thứ năm - Thuế thân, thuế chợ, thuế đò, là một lối bóc lột vô nhân đạo. Tôi
đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế ấy. Cuối cùng tôi đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc
phiện.
Vấn
đề thứ sáu - Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo
và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín
ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết[23].
Để
diệt giặc đói, Người kêu gọi nhân dân tăng gia sản xuất và thực hiện “ngày đồng
tâm”, nhịn ăn mỗi ngày một bữa, mỗi bữa một bơ, đem gạo đó để cứu giúp những
người đang đói. Và Người thực hành trước để làm gương. Câu chuyện Bác Hồ nhịn
ăn khiến nhiều người cảm động không cầm được nước mắt. Các cô chú phục vụ thấy
Bác thấy Bác nhịn ăn ngày càng gầy yếu xanh xao thì thương Bác lắm, mới khuyên
Bác nhịn ăn ít buổi lại để giữ gìn sức khỏe. Bác bảo: Bác kêu gọi mọi người
nhịn ăn mà các cô chú bảo Bác cứ ăn thì còn làm gương cho ai được nữa!
Các
lớp bình dân học vụ lần lượt được dựng lên. Đêm đến, với ngọn đèn dầu, đèn đuốc
trên những con đường mòn, mọi người nô nức đến trường học chữ quốc ngữ trong
niềm vui nước nhà được tự do, độc lập. Ngày 6 – 1 – 1946, nhân dân trên khắp cả
nước nô nức đi bầu cử, lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam được cầm
lá phiếu làm chủ để chọn ra những người tài đức có thể đứng ra lãnh đạo đất
nước mình.
Chẳng
bao lâu sau, giặc đói, giặc dốt bị đẩy lùi. Chính quyền cách mạng được giữ
vững, nhân dân ngày càng vững tin và Chính phủ và Hồ Chủ tịch.
Khi
nước ta mới vừa giành được độc lập, 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch đã tràn
vào miền Bắc nước ta dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào giải pháp quân đội
Nhật. Ở phía Nam, quân Anh đổ bộ lên đất nước ta mở đường cho thực dân Pháp xâm
lược trở lại. Ngày 23 – 9 – 1945, được sự giúp đỡ của Anh, quân đội Pháp đã nổ
súng tái chiếm Sài Gòn. Các thế lực phản động lại nổi lên chống phá cách mạng,
khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Với chính sách ngoại giao “dĩ bất
biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, Bác Hồ đã thay mặt Chính phủ ta lần
lượt ký với Pháp bản Hiệp ước Sơ bộ ngày 6 – 3 và bản Tạm ước Việt – Pháp ngày
14 – 9 – 1946. Nhờ thế, đã đẩy lùi được quân Tưởng về nước và hòa hoãn với thực
dân Pháp để có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi.
Tuy
nhiên, “chúng ta càng nhượng bộ, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm
cướp nước ta lần nữa”. Ngày 19 – 12 – 1946, thực dân Pháp gửi tối hậu thư cho
Chính phủ ta đòi giành quyền trị an ở Hà Nội. Nếu ta không đồng ý, trong vòng
24 giờ, chúng sẽ tấn công. Trước tình hình đó, Bác cùng Ban Thường vụ Trung
ương Đảng ta họp ở làng Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động toàn quốc kháng
chiến.
Trước
khi kháng chiến nổ ra, Bác có gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp và hỏi:
-
Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?
Đồng
chí Võ Nguyên Giáp thưa:
-
Thưa Bác, có thể giữ được một tháng.
Bác
lại hỏi:
-
Các thành phố khác thì sao?
- Các
thành phố khác có thể giữ được lâu hơn.
-
Còn vùng nông thôn?
-
Thưa Bác, Vùng nông thôn dĩ nhiên ta giữ vững được.
Bác
trầm ngâm suy nghĩ một lúc, lim dim đôi mắt. Sau đó, Người ngẩn đầu lên, hơi
buồn nhưng cương quyết, rồi nói:
-
Thôi được, chúng ta trở lại Tân Trào.
Vào
lúc 20 giờ 3 phút ngày 19 – 12 – 1946, tiếng súng kháng chiến bắt đầu nổ ra
trên cả nước. Đêm 20 – 12, trong lúc những cuộc chiến đấu diễn ra trên khắp phố
xá Hà Nội thì đài “Tiếng nói Việt Nam”, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của
Người vang lên trên khắp cả nước:
“Hỡi
đồng bào toàn quốc!
Chúng
ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng,
thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không!
Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không
chịu làm nô lệ.
Hỡi
đồng bào!
Chúng
ta phải đứng lên!
Bất
kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng
phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu
Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng
cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi
anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ
cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù
phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi
nhất định về dân tộc ta!
Việt
Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng
chiến thắng lợi muôn năm!”[24]
Cuộc
kháng chiến của những người con “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” giữa lòng Hà
Nội đã kéo dài suốt 63 ngày đêm. Để giữ vững lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu
dài, Bác cùng cơ quan lãnh đạo phải rời khỏi thủ đô lên an toàn khu trên Việt
Bắc. Và mãi đến 8 năm sau Người mới có thể trở về như lời hẹn ước.
Sau
khi vào lăng viếng Bác, chúng tôi được chị hướng dẫn viên tại khu di tích dẫn
qua trước cổng Phủ Chủ tịch. Theo quy định, chúng tôi chỉ được đứng trước cổng
tham quan và nghe hướng dẫn chứ không được vào trong phủ. Theo lời chị hướng
dẫn viên, vào ngày 10 – 10 – 1954, Hà Nội được giải phóng, Bác cùng Chính phủ,
Trung ương Đảng từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô sau chín năm kháng chiến
anh dũng và gian khổ. Với lòng kính yêu lãnh tụ, với mong muốn đảm bảo điều
kiện làm việc tốt nhất cho Bác và đáp ứng được những nghi lễ ngoại giao khi
Người đón tiếp khách trong nước, quốc tế, các đồng chí trong Trung ương Đảng,
Chính phủ đã mời Người về ở và làm việc tại Phủ Toàn quyền xưa, nhưng Bác đã
khước từ. Bác nói: “Trước kia đây là Phủ Toàn quyền, nhưng việc xây dựng nên
công trình kiến trúc này là bàn tay của những người thợ Việt Nam. Bây giờ nhân
dân được tự do, đất nước được độc lập, quyền làm chủ toà nhà phải thuộc về nhân
dân”. Người đề nghị sử dụng toà nhà làm nơi làm việc và tiếp khách của Chính
phủ và Nhà nước Việt Nam, còn Bác thì dọn ra ở ngôi nhà của người phục vụ toàn
quyền Đông Dương trước đó. Từ đó toà nhà được gọi là Phủ Chủ tịch. Nơi đây đã
diễn ra những hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương
vị người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước. Căn phòng sang trọng nhất – nơi có 5
vòm cửa lớn ở chính diện toà nhà là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan
trọng của đất nước.
Phủ Chủ tịch
sáng ngày 26 – 1 – 2016.
Sau
đó chúng tôi đến tham quan các di tích chính là nhà 54, nhà sàn, nhà 67, phòng
trưng bày 2 chiếc ôtô và các di tích ngoài trời là đường xoài, vườn cây và ao
cá của Bác Hồ. Do trời mưa, hướng dẫn viên thì mang dù che, còn người tham quan
thì mặc áo mưa, bên ngoài trời rét mà âm thanh lại không được tốt, nên hầu như
các địa điểm chúng tôi chỉ lướt qua, sau đó mới ra ngoài mua thêm sách đọc để
tìm hiểu thêm. Chỉ chỉ còn nhớ khi đi qua đường xoài vào nhà sàn của Bác, chị
hướng dẫn viên có đọc lên mấy dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu mà chúng tôi được học
từ hồi lớp 5:
“Anh dắt em vào cõi Bác xưa
Đường xoài
hoa trắng nắng đu đưa
Có hồ nước lặng soi tăm cá
Có bưởi
cam thơm mát bóng dừa”
Theo
như thông tin mà tôi tìm được trên trang web của Ban quản lý khu di tích và
những câu chuyện mà chúng tôi đã được các thầy cô kể lại, thì ngôi nhà số 54
được Bác Hồ đến ở từ tháng 12 – 1954, vì vậy ngôi nhà được gọi tắt là Nhà 54.
Đến tháng 5 – 1958 thì Bác chuyển sang ở Nhà sàn ở phía bên kia bờ ao cá, nhưng
hàng ngày Người vẫn trở về nơi đây để dùng cơm và khám sức khoẻ định kỳ. Bởi
vậy Nhà 54 là nơi gắn bó với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh
trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời.
Nhà
54 chỉ có ba phòng nhỏ, phía giáp ao là phòng làm việc và cũng là nơi Người
tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, trong cùng là phòng ngủ. Mọi đồ dùng sinh hoạt
của Người ở đây rất đơn giản nhưng được xếp đặt ngăn nắp, khoa học.
Nhưng
vì do thiết kế trần nhà bằng phẳng nên mùa hè thì rất nóng, mùa đông thì rất
lạnh, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác nên Bộ Chính trị quyết định dựng một
ngôi nhà sàn ở phía trước ao cá cho Bác ở.
Thời
gian thi công nhà sàn là thời gian Bác đi công tác nước ngoài trong vòng một tháng.
Trước khi đi Bác cho gọi kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đến căn dặn là phải tiết
kiệm, không làm quá to, không dùng gỗ tốt. Tầng dưới nhà sàn sẽ là nơi dùng để
họp Bộ Chính trị và tiếp khách quí. Xung quanh làm một hàng ghế ximăng sát
tường để dành cho các cháu thiếu nhi mỗi lần Bác mời vào vui chơi với Bác.
Sau
hơn bốn năm sống và làm việc ở ngôi nhà người thợ điện, ngày 18 – 5 – 1958 Bác
chuyển sang ở ngôi nhà sàn, cũng ở ngay trong khuôn viên Phủ chủ tịch.
Ngôi
nhà có hai tầng. Từ tầng một lên tầng hai bằng chiếc cầu thang gỗ 14 bậc. Tầng
hai được ngăn làm hai phòng, mỗi phòng khoảng 9 m2, một phòng làm
việc, một phòng ngủ. Trong phòng làm việc có 1 bàn, 1 ghế và 1 giá sách sát
tường chia làm nhiều ô để đựng tài liệu và sách báo. Phòng ngủ có một chiếc
giường rộng 1,2 m. Bốn góc giường cắm bốn cọc gỗ để mắc màn. Phía đầu giường có
hai chiếc gối, một để gối ngủ, còn một để chồng lên gối ngủ cho đầu cao lên mỗi
khi Bác đọc sách. Bên cạnh gối là chiếc quạt lá cọ. Bác bảo là để dự phòng khi
mất điện hoặc khi đi ra ngoài. Hơn nữa, Bác nói thỉnh thoảng cũng cần phải cho
quạt điện nghỉ để dùng được lâu.
Ngôi
nhà sàn của Bác đã trở thành một di tích lịch sử quí hiếm, một tài sản tinh
thần vô giá đối với các thế hệ mai sau. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Cái
nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng và trong lúc tâm hồn của Bác lộng
gió thời đại thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất
hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”[25].
Còn
riêng ngôi nhà 67 – được gọi tên theo năm công trình xây dựng và hoàn thành (1967)
được xây dựng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị bố trí nơi làm việc cho Bác để
phòng tránh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Bác đã ở làm việc
và đi xa từ đây, để lại bao tiếc thương cho nhân dân cả nước. Ngôi nhà này cũng
đơn sơ giản dị như bao ngôi nhà khác ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ trong
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Căn
nhà hoàn thành ngày 20 – 7 – 1967, một thời gian sau do chiến tranh phá hoại
bằng không quân của đế quốc Mỹ diễn ra ngày một ác liệt, Bác mới đồng ý chuyển
xuống làm việc ở đây. Nơi đây cũng là nơi Bác họp với Bộ Chính trị bàn và ra
những quyết định quan trọng liên quan đến vấn đề xây dựng kinh tế ở miền Bắc,
đường lối ngoại giao, đường lối quân sự cho hai miền.
Đây
cũng là nơi Bác tiếp các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương Cục miền Nam, ở Quân
khu V ra họp và làm việc như: Đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Võ Chí Công…
Buổi họp đầu tiên của Bộ Chính trị tổ chức tại đây là nghe đồng chí Lê Đức Thọ
báo cáo về diễn biến của Hội nghị Pa-ri, đồng thời chuyển một số bức họa của
các bạn người Pháp gửi tặng Bác. Có lần Bộ Chính trị đang họp thì máy bay địch
đến bắn phá Hà Nội, Bác và đồng chí Văn Tiến Dũng gọi điện thoại động viên các
đơn vị quân đội và dân quân tự vệ tại Hà Nội đã bắn rơi máy bay Mỹ…
Từ
ngày 25 – 8 – 1969, nhà 67 trở thành nơi chăm sóc, chữa bệnh cho Người. Và cũng
chính tại nơi đây đã diễn ra những câu chuyện vô cùng xúc động về những giờ
phút cuối đời của Bác.
Ngày
12 – 8 – 1969, ngoài trời có mưa dông và gió lớn, nhưng khi hay tin phái đoàn
ta do đồng chí Lê Đức Thọ - Uỷ viên Bộ Chính trị, trưởng ban Tổ chức Trung ương
làm trưởng đoàn từ cuộc đàm phán Pari trở về đang ở nhà khách của Trung ương
tại Hồ Tây, Bác đã chủ động đến thăm và làm việc. Đêm hôm đó, Bác lên cơn sốt
và ho, những ngày sau đó Bác ho nhiều hơn, sốt nặng hơn. Nhưng Bác vẫn lên,
xuống nhà sàn làm việc. Theo đề nghị của bác sĩ, ngày 18 – 8 Bác Hồ không làm
việc ở nhà sàn gỗ nữa. Người xuống ở và làm việc tại ngôi nhà 67. Kể từ hôm đó,
những ngày quy luật của cuộc đời đến với Bác Hồ ở nơi đây[26].
Ngày
23 – 8 phải dùng pê-nê-xi-lin tiêm cho Bác. Khoảng 9 giờ tối hôm ấy, Bác thấy
đau trong lồng ngực. Các bác sĩ vội đình chỉ tiêm và làm điên tim ngay, thấy rõ
rệt có phản ứng nhồi máu cơ tim thành sau tim. Sau khi hội chuẩn, các bác sĩ
lại tiêm cho bác. Đến ngày 28 – 8, tim Bác bắt đầu có dấu hiệu loạn nhịp đập và
rối loạn phần truyền nhĩ thất. Trong những ngày đêm căng thẳng ấy, ngày nào các
đồng chí trong Bộ Chính trị cũng đến thăm và báo cáo tình hình chiến sự ở hai
miền vơi Bác. Mỗi khi tỉnh dậy, Bác đều hỏi: “chiến trường miền Nam hôm nay
thắng ở đâu?
Chiều
ngày 30 – 8, đồng chí Phạm Văn Đồng sang, Bác còn hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ
Quốc khánh tới đâu rồi?”. Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn: “Các
chú nhớ bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân
dân”.
Rồi Bác lại hỏi lũ sông Hồng đã rút chưa? Cần
phải lo cứu dân nếu đê vỡ. Thủ tướng không dám giấu Bác nên báo cáo là nước lũ
chưa rút hết như Hội đồng Chính phủ đã có những cố gắng để giúp dân và đề phòng
bất trắc. Rồi Thủ tướng mới mạnh dạn ngỏ ý mời Bác lên an toàn khu ở Việt Bắc
để tĩnh dưỡng và để phòng lũ lụt. Bác không đồng ý, Bác nói là Bác không thể bỏ
dân mà đi.
Sáng
ngày 1 – 9, nghe tin bộ đội tên lửa Hà Nội bắn rơi một máy bay không người lái
của Mỹ vào ngày 30 – 8 nên Bác bảo Văn phòng gửi tặng lẵng hoa cho đơn vị vừa
lập công. Đó là lẵng hoa cuối cùng của Bác mà các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn 367
được đón nhận. Chiều hôm ấy, Bác thèm ăn một Bác cháo, các đồng chí phục vụ vội
nấu cho Bác một tô cháo thật ngon. Thấy Bác ăn hết, ai cũng mừng. Đến tối, khi
đồng chí Phạm Văn Đồng đến thăm, Bác nói là ngày mai làm Lễ Quốc khánh cho Bác
ra dự khoảng 15 phút để gặp đồng bào. Bác ra ngồi trên sân khấu trước, sẽ quấn
khăn che cổ…rồi hãy tiến hành khai mạc. Bác sẽ cố nói cho được bình thường mấy
câu với đồng bào. Nhưng đồng chí Thủ tướng báo cáo là đã làm mít tinh từ đêm
trước rồi, vì Bác đang mệt. Bác lặng im vẻ không vui, phải chăng Bc1 hiểu, vậy
là sẽ không còn có dịp nào để tiếp xúc với nhân dân nữa[27].
Vào
9 giờ ngày 2 – 9 – 1969, Bác bị một cơn đau tim nặng. Theo dõi trên máy điện
tim thì đến 9 giờ 15 tim Bác ngừng đập hẳn. Các bác sĩ thay nhau dùng sức ấn
lên ngực Bác, mong sao tim Người đập trở lại. Cho đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng
Phạm Văn Đồng trào nước mắt: “Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua
khỏi nữa rồi”[28].
Nếu
như ngày 2 – 9 – 1945, tại quảng trường Ba Đình, toàn dân lắng nghe Bác đọc
những lời tuyên ngôn vang dậy núi sông thì ngày 9 – 9 – 1945, nơi đây trở thành
nơi đồng bào đưa tiễn và thương khóc Bác. Trong lễ truy điệu Bác, đồng chí Lê
Duẩn đã đọc điếu văn trong nghẹn ngào xúc động: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng
ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn…”.
Trước
lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân
ta bản Di chúc mà Người bắt đầu viết từ ngày 10 – 5 – 1965, khi còn rất minh
mẫn. Vào dịp sinh nhật các năm 1966, 1967, 1968 và 1969, Người đều dành thời
gian để xem lại, sửa chữa và bổ sung vào bản Di chúc. Trong Di chúc Người khẳng
định “Cuộc khánh chiến của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều
hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó
là một điều chắn chắn”.
Người
căn dặn Đảng ta phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng “như giữ gìn con ngươi
trong mắt mình”, phải chú trọng việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”,
phải có chính sách thật tốt để chăm lo đời sống nhân dân sau chiến tranh, phải
góp phần vào việc khôi phục khối đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế…Và
Người nói lên điều mong muốn cuối cùng của mình là: “Toàn Đảng, toàn dân ta
đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập,
dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Mặc
dù trong Di chúc Bác dặn khi Người mất chớ cúng phiếu linh đình, tâm nguyện của
Người là được hỏa táng nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn quyết định giữ gìn thi hài
của Người lâu dài và xây dựng lăng cho Bác, với mong muốn khi nước nhà thống
nhất, nhân dân cả nước có thể được thấy mặt Người. Lúc đầu, theo ý kiến của các
chuyên gia Liên Xô – những người đã từng bảo vệ thi hài Lênin, nên đưa thi hài
Bác sang Liên Xô để tiện giữ gìn vì lúc này đế quốc Mỹ đang tăng cường ném bom
tàn phá miền Bắc và một phần do điều kiện nước ta khắc nghiệt. Nhưng nhân dân
không nở để Bác đi, thế là phải đưa thi hài Bác lên bảo quản tại Đá Chông – K9
(Ba Vì), sau đổi thành K48. Trong đêm tối giá buốt giữa quảng trường Ba Đình
khi cả thành phố Hà Nội đang chìm trong giấc ngủ thì đoàn xe chở Bác lên an
toàn khu bắt đầu lên đường. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiễn Bác ra
đi trong nước mắt. Nhưng vì đế quốc Mỹ lại tiến hành ném bom lên vòng Tây Bắc
nên từ khi đó cho đến lúc lăng được xây xong, Bác phải đi lên an toàn khu rồi
lại quay về Hà Nội tổng cộng hết 6 lần.
Ngày
2 – 9 – 1973, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công xây dựng. Công
việc xây lăng do Bộ Kiến trúc và Bộ Quốc phòng được phân công phụ trách với sự
giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước,
nhân dân cả nước đồng tâm góp sức vào công việc xây lăng với mong muốn sớm ngày
được đón Bác. Cát được lấy từ suối Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình do người dân tộc
Mường đem về. Đá cuội được chuyển từ các con suối vùng Sơn Dương, Chiêm Hoá,
Ngũi Thỡa, Tuyên Quang... Đá chọn xây lăng từ khắp các nơi: đá Nhồi ở Thanh
Hoá, đá Hoa (chùa Thầy), đá đỏ núi Non Nước... Nhân dân dọc dãy Trường Sơn cũng
gửi ra 16 loại gỗ quí. Các loài cây từ khắp các miền được mang về đây như: cây
chũ nõu ở Đền Hùng, hoa ban ở Điện Biên-Lai Châu, tre từ Cao Bằng... Thanh
thiếu niên cũng tổ chức buổi tham gia lao động trong việc mài đá, nhổ cỏ, trồng
cây. Hệ thống điện phục vụ chiếu sáng, thiết kế xây lăng và bảo quản thi hài Hồ
Chí Minh do các chuyên gia Liên Xô đảm nhiệm.
Sau
gần 2 năm tiến hành xây dựng, ngày 18 – 7 – 1975, Hà Nội đón Bác vào lăng. Ngày
29 – 8 – 1975, lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Ba
Đình được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thật trọng thể. Lăng có chiều dài 320 m,
rộng 100 m, và 240 ô cỏ xanh tươi suốt bốn mùa. Là nơi trang nghiêm của Hà Nội,
lăng được bảo vệ cẩn mật. Trong lăng là thi hài Bác được đặt trong hòm kính
được ghép bằng đá đen huyền lấp lánh. Qua lớp kính trong suốt, Hồ Chí Minh nằm
trong bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân có đặt một đôi dép cao su.
Tuy
Bác đã đi xa, nhưng trái tim Người vẫn luôn sống mãi với thủ đô Hà Nội, với
toàn thể dân tộc Việt Nam.
Trong không khí nhân dân cả nước đang
cùng nhân dân Hà Nội phấn khởi chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng
lần thứ XII, Bác nằm trong lăng như mặt trời chói rọi, soi sáng cho con đường
cách mạng Việt Nam đi đến đoạn đường thành công phía trước.
Sau khi tham quan khu di tích Phủ Chủ
tịch, chúng tôi còn đến thăm một số di tích khác ở Hà Nội như Văn miếu Quốc Tử
Giám, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam…Tối đó, chúng tôi tổ chức một buổi tiệc
chia tay vì những ngày sau, trên đường trở về Nam, các thành thành viên trong
lớp lần lượt dừng chân ở quê mình khi xe đi qua để trở về nhà ăn tết cùng gia
đình.
Sáng hôm sau, xe chúng tôi khởi hành
sớm đi ngược về nam. Hai ngày sau chúng tôi về tới Thành phố Hồ Chí Minh. Dọc
đường hầu hết các bạn đã dừng chân vì tới quê mình, riêng tôi và một số bạn vì
nhà ở miền Tây cho nên “đi tới nơi, về tới chốn”. Khoảng 7 giờ 30 phút tối ngày
29 – 1 – 2016, xe tới Làng Đại học quốc gia, mọi người chia tay nhau và cuộc
hành trình kết thúc.
LỜI KẾT
Kết
thúc chuyến đi, tôi sưu tập cho mình được một album ảnh, một số quyển sách và
những điều tai nghe mắt thấy. Từ chuyển đi này tôi có thể biết và giải thích
được nhiều điều mà trước đây hầu như tôi không thể hiểu được. Điều đó khiến tôi
càng tự hào hơn khi mình là sinh viên chuyển ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh, được
học tập và nghiên cứu sâu về cuộc đời của Bác.
Cả cuộc đời của Bác Hồ là những chuyến
đi không mệt mỏi, Bác đi từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây chỉ với một ham muốn
tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự
do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Chúng tôi cũng
có một cuộc hành trình như vậy, nhưng cuộc hành trình của chúng tôi làm sao so với
Bác được về cả độ dài đường đi và cả mục tiêu chí hướng. Cái rét 2 độ C của núi
rừng Đông Bắc làm sao lạnh bằng cái rét của đất trời khi Người đi cào tuyết ở
châu Âu, cái nóng 37 độ C của đất Bình Thuận làm sao nóng bằng cái nóng của lửa
than khi Người làm việc nơi hầm mỏ, chúng tôi đi thực tập ăn cơm món ăn lạ quê
hương mà nhiều người còn nuốt không nỗi, trong khi giữa núi rừng Việt Bắc thì
Người lại sẵn sàng với “cháo bẹ, rau măng”…Nghĩ lại mới thấy, để học theo gương
của Bác Hồ thì học cả một đời cũng không hết được.
Nếu như Nam Đàn – Nghệ An là nới Bác
đã sinh ra và lớn lên thì Pác Bó – Cao Bằng được coi là quê hương thứ hai của
Bác. Nếu như Huế là nơi khởi nguồn cho những ý tưởng cách mạng đầu tiên thì Sài
Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tạo đà cho những ý tưởng đó trở thành hiện
thực. Nếu như Phan Thiết – Bình Thuận là điểm dừng chân đầu tiên khi Người
quyết định ra đi tìm đường cứu nước thì Hà Nội là điểm dừng chân sau cùng và là
nơi Người an nghỉ đời đời. Người đi đến nơi đâu, đều để lại những dấu ấn khó
phai trong lòng những người dân nơi đó. Khi Người trở thành Chủ tịch nước thì
Người vẫn không hề xa lạ mà lại càng gần gũi hơn nữa với nhân dân. Những địa
danh trên đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì
tấm lòng của những người dân ở nơi đây đối với Người thật là kính yêu như một
vị “cha già dân tộc”.
“Cuộc hành trình kết thúc cho những
bắt đầu” – một người bạn nói với tôi như vậy. Sau chuyến đi này, tôi càng hiểu
rõ và yêu quý Bác nhiều hơn. Tự lòng tôi xin gửi lời tri ân đến các thầy cô
trong bộ môn đã tạo điều kiện cho chúng tôi có được chuyến đi đầy ý nghĩa, và
cũng xin hứa với bản thân là mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, học tập và làm
theo gương sáng của Người để góp phần xây dựng đất nước ngày mai tươi sáng hơn.
[23] Hồ Chí
Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 6-8.
[24]Hồ Chí
Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 534.
[27]Hồ
Phương (2015), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
– Đài hoa vĩnh cửu, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 70-71.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. E. Cô-bê-lép (2005), Nguyễn Minh
Châu, Mai Lý Quảng dịch, Đồng chí Hồ Chí
Minh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
2. Nguyễn Chí Huân, Nguyễn Bảo, Chu
Văn Tắc, Doãn Đức Xuân, Bùi Đoàn Cầm (2007), Giữ yên giấc ngủ của Người, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
3. Mai Văn Bộ (2007), Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Nxb
Trẻ, TP. HCM.
4. Trần Thái Bình (2015), Hồ Chí Minh, sự hình thành một nhân cách lớn,
Nxb Trẻ, TP. HCM.
5. Hà Minh Hồng (chủ biên) (2012), Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, hành trình
100 năm (1911 – 2011), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP. HCM.
6. Bảo tàng Hồ Chí Minh (2015), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
7. Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí
Minh (2002), Hồ Chí Minh Tiểu Sử, Nxb
Lý luận chính trị, Hà Nội.
8. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội.
9. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
10. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
11. Trình Quang Phú (2007), Đường Bác Hồ đi cứu nước, Nxb Thanh
niên, TP. HCM.
12. Hồ Phương (2015), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đài hoa vĩnh cửu,
Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
13. Sơn Tùng (2005), Bác về, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
[1] Lúc này
đang là tháng 1 năm 2016 nhưng là tháng Chạp năm Ất Mùi.
[2] Hà Minh
Hồng (chủ biên) (2012), Sài Gòn – Thành
phố Hồ Chí Minh, hành trình 100 năm (1911 – 2011), Nxb Tổng hợp Thành phố
Hồ Chí Minh, TP. HCM, tr. 9.
[3] Hà Minh
Hồng (chủ biên) (2012), Sài Gòn – Thành
phố Hồ Chí Minh, hành trình 100 năm (1911 – 2011), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ
Chí Minh, TP. HCM, tr. 89.
[4] Sở dĩ
gọi là Bến Nhà Rồng là bởi tại bến có ngôi nhà trên nóc có đôi rồng được gắn
vào theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt” . Có ý kiến cho rằng xuất phát từ tên
của vua Gia Long, “Gia” nghĩa là Nhà, “Long” nghĩa là Rồng.
[5] Mai Văn
Bộ (2007), Con đường vạn dặm của Hồ Chí
Minh, Nxb Trẻ, TP. HCM, tr. 42.
[6] Có tài
liệu nói rằng, năm 1912 Nguyễn Tất Thành có trở lại Sài Gòn.
[7] Huyện
Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
[9] Công ty
Liên Thành được thành lập ở Phan Thiết, là một tổ hợp gồm ba tổ chức: Liên
Thành thương quán, Liên Thành thư xã và Dục Thanh học hiệu (trường Dục Thanh) –
những cơ sở gắn liền với các vấn đề kinh tế - văn hóa xã hội – giáo dục để các
sĩ phu duy tân thực hiện chí hướng của
mình. Tên Liên Thành ngụ ý bảo vệ truyền thống, có nghĩa là thành hoa sen.
[10] Hà Minh
Hồng (chủ biên) (2012), Sài Gòn – Thành
phố Hồ Chí Minh, hành trình 100 năm (1911 – 2011), Nxb Tổng hợp Thành phố
Hồ Chí Minh, TP. HCM, tr. 61 – 63.
[11] Trong
ba mươi năm cuối đời mình, cụ Nguyễn Thông dựng bên bờ sông Mương Mán một nhà
thờ, sau nhà thờ là nhà ở. Trên gác có phòng đọc sách, xung quanh tường vẽ là
những cảnh cụ đã từng thưởng ngoạn, dọi là Ngọa du sào (cái tổ để nằm chơi),
bên cạnh có ngôi nhà thảo bạt để cho khách nghỉ chân, bàn chuyện. Nơi đây từng
là nơi lui tới của nhiều sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ.
[12] Sơn
Tùng (2015), Búp Sen Xanh, Nxb Kim
Đồng, Hà Nội, tr. 245.
[13] Hà Minh
Hồng (chủ biên) (2012), Sài Gòn – Thành
phố Hồ Chí Minh, hành trình 100 năm (1911 – 2011), Nxb Tổng hợp Thành phố
Hồ Chí Minh, TP. HCM, tr. 66 – 67.
[14] Do cách
phát âm của của người Nghệ An nên Nguyễn Sinh Cung đọc chạy ra là Nguyễn Sinh
Côn.
[15] Sơn
Tùng (2015), Búp Sen Xanh, Nxb Kim
Đồng, Hà Nội, tr. 111 – 112.
[17] Học
Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh (2002), Hồ
Chí Minh Tiểu Sử, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 13 – 14.
[18] Sơn
Tùng (2005), Bác về, Nxb Hội nhà văn,
Hà Nội, tr. 27 – 28.
[20] Hồ Chí
Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 49.
[22] Hồ
Phương (2015), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
– Đài hoa vĩnh cửu, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr 22.
[23] Hồ Chí
Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 6-8.
[24]Hồ Chí
Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 534.
[27]Hồ
Phương (2015), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
– Đài hoa vĩnh cửu, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 70-71.
Nhận xét
Đăng nhận xét