VĂN HOÁ KHÔNG BIÊN GIỚI


Đó là tên của chương trình du lịch do tôi phụ trách nhằm giới thiệu chủ đề cá nhân  “So sánh về văn hoá giữa chợ Namdaemun của Hàn Quốc và chợ Bến Thành của Việt Nam” mà tôi đã tìm hiểu trong suốt 5 tháng ở Hàn Quốc.


“Biên giới” ở đây chính là khoảng cách giữa người với người do sự khác biệt về văn hoá vì đến từ các quốc gia khác nhau, ngôn ngữ, nghề nghiệp khác nhau.
“Văn hoá” là những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình sinh sống, nhưng đồng thời, văn hoá cũng chính là con người.
“Văn hoá không biên giới” nghĩa là không có gì ngăn cách giữa những người đến từ các quốc gia khác nhau, ngôn ngữ, nghề nghiệp khác nhau khi họ đã có chung một mối quan tâm về văn hoá.
Khi tham gia chương trình du lịch “Văn hoá không biên giới” người Hàn Quốc có thể biết được chợ Bến Thành của Việt Nam và người Việt Nam có thể biết được chợ Namdaemun của Hàn Quốc, hiểu được sự giống khác nhau giữa hai ngôi chợ truyền thống này. Đồng thời họ sẽ cùng chia sẻ, giao lưu và trở thành những người bạn của nhau. Đó là mục đích của của tôi khi tổ chức chương trình này.


Chương trình đã diễn ra vào ngày 03 tháng 11 năm 2018 với sự tham gia của hơn 20 người Hàn Quốc, du học sinh và cô dâu người Việt với lộ trình tham quan từ Seoul station, qua Seollo 7017, đến chợ Namdaemun và cuối cùng là cổng Namdaemun. Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức một tour du lịch, dù là chương trình đã diễn ra về cơ bản thành công, nhưng trong thâm tâm tôi ý thức được mình làm chưa thật tốt. Tôi có chuẩn bị nội dung thuyết minh đầy đủ và các tài liệu cho người tham gia chương trình nhưng tôi chưa quan tâm tới các tình huống xấu sẽ xảy ra, vì vậy kết quả diễn ra không như mong muốn khi không tạo được điểm nhấn. Song tôi cũng cảm thấy rất vui khi chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhận được sự giúp đỡ của thầy cô và anh chị em không chỉ ở Hàn Quốc mà cả ở Việt Nam, nhận được những tiếng cười và lời khen từ những người tham gia du lịch.


Nhờ tổ chức chương trình du lịch này mà tôi đã hiểu hơn về chợ Bến Thành của Việt Nam và chợ Namdaemun của Hàn Quốc. Tôi đã đến chợ Namdaemun hơn 20 lần, đi qua hết các hẻm và những địa điểm lân cận xung quanh chợ, đi nhiều đến nỗi cô hàng bánh kẹo và kimbab trong chợ nhớ mặt tôi. Dù là giáo viên lịch sử và từng đi đến chợ Bến Thành nhiều lần nhưng thực sự tôi không hề để ý đến lịch sử và văn hoá của chợ. Tuy nhiên cho đến bây giờ thì tôi có thể tự tin khi giới thiệu với mọi người về chợ Bến Thành của Việt Nam và chợ Namdaemun của Hàn Quốc.


Tôi cũng cảm thấy rất thú vị vì những điểm tương đồng của hai ngôi chợ:
- Tên gọi của chợ Bến Thành bắt nguồn từ việc chợ nằm cạnh bến sông tên “Bến Thành” trước thành Gia Định (tên cũ của Thành phố Hồ Chí Minh) còn tên của chợ Namdaemun bắt nguồn từ việc chợ nằm trước cổng Namdaemun của thành Hanyang (tên gọi cũ của Seoul).
- Chợ Bến Thành trước đây từng bị cháy và chợ Namdaemun cũng từng bị cháy.
- Gần chợ Bến Thành có Bảo tàng mỹ thuật TP. HCM là nơi có thang máy đầu tiên ở Việt Nam còn gần chợ Namdaemun có Bảo tàng tiền tệ Hàn Quốc là nơi có thang máy đầu tiên ở Hàn Quốc.
- Chợ Bến Thành và chợ Namdaemun đều có lịch sử lâu đời gắn liền với sự phát triển thăng trầm của đất nước, từ lúc diễn ra các hoạt động tiểu thương dưới các vương triều phòng kiến, cho đến lúc bị ngoại bang thống trị, bị chiến tranh tàn phá và trở điểm đến du lịch, biểu tượng của thành phố như hiện nay.


Và còn nhiều điều thú vị về hai ngôi chợ này, tôi dự định khi về Việt Nam cũng sẽ tổ chức một tour du lịch như vậy ở chợ Bến Thành, và trong tour sẽ giới thiệu luôn cả chợ Namdaemun của Hàn Quốc đến với người Việt Nam.

Nhận xét